Chưa phải dạy gì cao xa cho con, bố mẹ trước tiên phải dạy con cách nói lời "Cảm ơn", "Xin lỗi" một cách chân thành
Trẻ bị mẹ đứng kế bên giục: "Con nói cảm ơn đi", "Con nói xin lỗi đi" rồi lặp lại cứng đờ như một cái máy "Cảm ơn", "Xin lỗi". Những cảnh như thế này không phải là hiếm gặp. Vậy phải làm như thế nào để con trở thành một đứa trẻ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi một cách chân thành?
03:00 16/06/2018
Từ 3 tuổi là trẻ đã bắt đầu nhận thức được có những người ngoài thành viên trong gia đình, bắt đầu học được việc cùng tồn tại như thế nào. Vì vậy mà bố mẹ phải dạy cho trẻ trên đời này có rất nhiều người khác nhau, mỗi người lại sống ở một môi trường khác nhau, có giá trị quan hay tình cảm khác nhau, những hành động của bản thân mình dù xấu hay tốt chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến người khác.
Trước hết, để làm cho trẻ hiểu được cảm xúc biết ơn trong câu nói: "Cảm ơn" là như thế nào, thì khi trẻ làm một hành động gì tốt thì ngay lúc đấy, mẹ hãy thể hiện cho trẻ thấy sự vui mừng của mình. Nếu trẻ giúp mẹ thì đừng nói: "Giỏi quá" mà nói "Có con giúp mẹ thật là tốt". Trẻ dọn dẹp đồ giúp mẹ thì hãy nói cho trẻ biết cảm xúc của bố mẹ: "Con dọn sạch sẽ, bố mẹ thấy thoải mái quá". Nếu bố mẹ gọi mà bé trả lời rõ ràng thì hãy nói "Nghe con trả lời to như vậy bố mẹ thích lắm". Nếu trẻ đối xử tử tế với bạn thì hãy nói "Con đối xử tốt với bạn mà mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc nữa."
Bé gái đặc biệt biết nghe lời người lớn. Hãy dùng nhiều cách nói khác nhau khi thể hiện cảm xúc để giúp trẻ hiểu được tình cảm của người khác. Do vậy việc quan trọng nhất là người lớn phải nói được lời "Cám ơn" một cách chân thành nhất.
Dĩ nhiên không chỉ có câu "Cảm ơn". Tùy trường hợp mà có thể thay bằng "Vui quá", "Thích quá", "Hạnh phúc quá". Dù có thể được thay thế bằng nhiều từ khác, bản thân từ "Cảm ơn" thực sự là một từ rất đẹp.
Tiếp theo, để trẻ hiểu được cảm xúc trong câu "Xin lỗi", khi cảm thấy khó chịu trước hành vi nào đó của trẻ, mẹ hãy thể hiện cho trẻ biết cảm xúc của mình. Mẹ dễ bị cảm xúc chi phối, muốn ra lệnh ngay lập tức cho trẻ, nhưng hãy cố gắng kiềm chế, làm sao để giải thích cảm xúc của mình cho con biết. Ví dụ, nếu trẻ làm bẩn phòng thì mẹ đừng nói "Dọn ngay đi" mà hãy nói "Bẩn quá mẹ không thích chút nào".
Nếu trẻ khóc ré lên thì đừng nói: "Ồn quá" mà hãy nói cho con biết cảm giác của mình: "Con mà khóc to như thế thì mẹ thấy khó chịu lắm" và nói thêm: "Sau khi con khóc xong, mẹ con mình từ từ nói chuyện với nhau nhé!"
Nếu trẻ làm hỏng thứ mà bạn giữ gìn cẩn thận thì hãy nói: "Cái này là thứ mẹ đã giữ gìn rất cẩn thận, giờ hỏng rồi nên mẹ buồn quá!"
Những lúc con trẻ lì lợm nói mãi không được, bạn như muốn hét lên: "Hư quá đi mất", nhưng hãy giải thích tâm trạng của mình cho bé hiểu: "Bây giờ mẹ cảm thấy tức giận lắm đấy". Làm như vậy, dần dần bé sẽ hiểu được nếu mình làm những việc như vậy thì mẹ sẽ không vui.
Ngoài ra, bằng cách tỉ tê nói chuyện với con: "Khi bố đi làm về mệt, nếu bị hỏi nhiều, có khi bố cũng không thích con ạ" hay "Nếu con nói chuyện một cách hung dữ thì bạn con sẽ thấy buồn đấy", trẻ sẽ hiểu được có khi người khác sẽ cảm thấy khó chịu vì hành động của bản thân mình.
Cũng giống như "Cảm ơn", nếu muốn trẻ có thể nói tiếng "Xin lỗi" một cách chân thành, thì người lớn cũng phải nói "Xin lỗi" một cách chân thành. Đặc biệt là nếu bố nói thì sẽ rất có hiệu quả.
Nếu sau khi ai đó khó chịu mà bé có thể chân thành nói được lời xin lỗi thì quá tuyệt vời rồi, nhưng không phải chỉ có xin lỗi là xong. Thay lời nói "xin lỗi" còn có nhiều cách nói khác để cải thiện mối quan hệ như "Lần sau con/tớ sẽ chú ý", "Từ nay về sau chúng mình làm bạn tốt nhé", "Tớ cho cậu cái này thay cho cái tớ làm hỏng nhé". Nếu được bố mẹ cảm ơn một cách chân thành thì trẻ cũng có thể nói tiếng cảm ơn một cách chân thành.
*Nội dung trích cuốn "Nuôi dạy bé gái từ 0-6 tuổi", tác giả Erika Takeuchi
Tiến sĩ dược tại Mỹ chỉ ra 5 sai lầm bố mẹ hay mắc phải khi cho con ăn
Huyền Ny cho rằng nếu phụ huynh khắc phục được những thói quen xấu này, giờ ăn của con sẽ trở nên vui vẻ, không còn quá vất vả.