Chuyên gia: sẽ khó lấy quốc tịch Úc vì bài thi mới
Chính phủ Úc mới đây gây xôn xao khi công bố một loạt tiêu chí mới trong quy định cấp quốc tịch cho người nước ngoài: ứng viên phải sống ở Úc ít nhất 4 năm, nói tiếng Anh tốt và chia sẻ “các giá trị của Úc”…
03:00 22/04/2017
Gần 30% dân số Úc hiện nay – tương đương 6,9 triệu người – xuất thân là dân nhập cư.
Cụ thể, các ứng viên sẽ được yêu cầu trình bày quan điểm về hôn nhân cưỡng ép ở trẻ em, tục cắt âm vật, nạn bạo hành trong gia đình, hành động cấm trẻ em gái đến trường…
Trong các bài sát hạch quốc tịch trước đây, Úc tập trung vào kiến thức lịch sử quốc gia, hệ thống chính trị và không giới hạn số lần thi của các ứng viên.
Thay đổi mới sẽ giới hạn chỉ 3 lần thi và cấm tất cả những người có tiền sử bạo lực gia đình.
Bảo vệ cho quan điểm của chính quyền, Thủ tướng Malcolm Turnbull giải thích: “Bản sắc của chúng ta không phải là chủng tộc, tôn giáo hoặc văn hóa như các nước khác. Chúng ta được định hình bởi cam kết giữ vững các giá trị chung, nguyên tắc pháp luật thượng tôn, dân chủ, tự do, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng nam nữ. Các giá trị nền tảng này tạo nên con người Úc… và quy trình tuyển chọn công dân của Úc nên phản ánh điều đó”.
Những thay đổi trong chính sách quốc tịch của Úc nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong chính trường nước này.
Thượng nghị sĩ Nick Xenphon, một người có quan điểm trung lập, bày tỏ: “Đã đánh đập vợ thì không có cách nào được gọi là lịch sự. Nếu anh muốn đánh vợ thì anh không thể trở thành công dân của đất nước này”.
Động thái mới của chính phủ Úc diễn ra trong bối cảnh đảng Một dân tộc có quan điểm chống lại nhập cư đang giành được nhiều sự ủng hộ. Đảng này kiếm được ba ghế trong Quốc hội Úc kỳ bầu cử năm ngoái.
Luồng ý kiến phê bình cho rằng các câu hỏi kiểm tra “giá trị sống” trong bài thi quốc tịch Úc đầy sơ hở và chủ yếu nhắm tới nhóm người nhập cư Hồi giáo ở Úc.
“Người ta chỉ việc nối dối. Ý tưởng rằng anh có thể kiểm tra giá trị con người dựa trên các câu hỏi nhiều lựa chọn thật sai lầm” – ông George Williams, chuyên gia luật thuộc Đại học New South Wales, đánh giá.
Ngoài ra, có ý kiến phản biện rằng người tị nạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thay đổi trong bài thi quốc tịch Úc.
Theo Hội đồng Người tị nạn Úc (RCOA), những người tị nạn lớn tuổi, người tị nạn đến từ các khu vực xung đột thiếu nền giáo dục… sẽ rớt nếu xét tiêu chí tiếng Anh.
“Điều trớ trêu là những người tị nạn đến Úc quý trọng sự tự do và an toàn của đất nước này hơn bất cứ nhóm dân tộc nào khác” – ông Paul Power, người đứng đầu RCOA, nêu quan điểm.
Ông Power cho rằng thay đổi trong bài sát hạch quốc tịch sẽ không đạt được kết quả mà chính quyền Canberra mong muốn.
“Sẽ không có tay khủng bố nào bị phát hiện chỉ vì vài câu hỏi về giá trị sống. Nhưng người gặp khó khăn sẽ là một bà mẹ 45 tuổi người Sudan đến Úc trong tư cách tị nạn” – ông Power dẫn chứng.
Ngược lại, cũng có ý kiến hoan nghênh tiêu chí bình đẳng giới: “Tôi nghĩ tất cả cộng đồng, không chỉ người nhập cư, hưởng lợi từ bình đẳng giới” – bà Carla Wilshire, giám đốc điều hành Hội đồng Nhập cư Úc, phát biểu.
Tỉ lệ bạo hành gia đình ở Úc khá cao. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu tội phạm học Úc, cứ mỗi tuần trôi qua lại có một phụ nữ bị bạn đời sát hại.
Hành trình chống ung thư giai đoạn cuối của chàng du học sinh Úc
Câu chuyện vượt lên bệnh tật của chàng du học sinh Úc Nguyễn Ngọc Minh đã trở thành nguồn cảm hứng về nghị lực cho những bệnh nhân ung thư.