Chuyên gia Trung Quốc: Lỗi tại cơ cấu kinh tế Mỹ, đừng đổ lỗi cho Bắc Kinh

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Mỹ không thể đánh giá thấp sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh.

22:30 20/06/2019

Vào ngày 13/6, Viện nghiên cứu thực tiễn và tư tưởng kinh tế Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa đã tổ chức hội thảo thảo luận về các vấn đề thương mại Mỹ-Trung.

Các chuyên gia tham dự hội cho rằng, việc khơi mào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh cho thấy sự thiếu nhận thức và suy xét của Washington đối với vấn đề của chính mình và việc đó đã gây ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Đồng thời họ cáo buộc, Mỹ đang thực hiện một ý đồ ích kỷ bằng cách làm tăng các rào cản thương mại, hy sinh lợi ích nhân loại chỉ để đạt được mục tiêu "nước Mỹ trên hết".

Lỗi tại cơ cấu kinh tế

"Mỹ khơi mào xung đột thương mại vì về cơ bản xã hội kinh tế nội địa Mỹ đã xuất hiện các vết nứt giống như động đất. Họ đang nhờ vào xung đột thương mại để nhanh chóng chuyển mâu thuẫn trong nước thành mâu thuẫn quốc tế", Viện trưởng viện nghiên cứu thực tiễn và tư tưởng kinh tế Trung Quốc Lý Đạo Quỳ nhận định.

Phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân Trung Quốc Ngô Hiểu Cầu thì cho rằng bản chất của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung là việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc một cách có chiến lược.

"Mỹ là quốc gia phát triển nhất về kinh tế và là quốc gia có nhiều người giành giải thưởng Nobel về kinh tế nhất. Nhưng đáng ngạc nhiên, các nguyên tắc kinh tế của họ lại hoàn toàn không phù hợp với lẽ thường. Mỹ không nên nghĩ rằng thuế quan cao có thể đảm bảo rằng lợi ích quốc gia sẽ không bị tổn thất. Nếu nó đơn giản như thế, bất cứ ai cũng có thể làm được. Trên thực tế, chỉ riêng sự mở cửa, cạnh tranh và thị trường hóa đã có thể giúp quốc gia trở nên phồn vinh", ông Ngô nói.

Chuyên gia Trung Quốc: Lỗi tại cơ cấu kinh tế Mỹ, đừng đổ lỗi cho Bắc Kinh - Ảnh 1.

Hai nước Mỹ-Trung đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng. Ảnh: Nikkei

"Thâm hụt thương mại của Mỹ về cơ bản là do cơ cấu kinh tế tiêu thụ quá mức và ý thức tiết kiệm thấp", ông Bạch Trọng Ân - Viện trưởng Học viện quản lý kinh tế, Đại học Thanh Hoa nói.

"Cấu trúc này không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước của Mỹ và tất nhiên họ phải mua sản phẩm của các quốc gia khác nên thâm hụt thương mại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng một bộ phận người Mỹ đã bỏ qua vấn đề của chính họ mà chuyển trách nhiệm sang Trung Quốc. Vấn đề này không nên đổ tại Trung Quốc được", ông Bạch chỉ trích.

Kiềm chế Trung Quốc, Mỹ cũng thiệt hại

Ông Lý Đạo Quỳ cho rằng, nước Mỹ đang mắc phải hai căn bệnh, một là 'bệnh đố kỵ' và hai là 'chứng bệnh đãng trí'.

"Trước đây, Mỹ đã đưa ra Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley, tăng thuế quan, làm xáo trộn thương mại thế giới và số người thất nghiệp đã tăng lên đáng kể. Mới chỉ có chưa được 90 năm trôi qua mà Mỹ đã quên đi bài học cay đắng của đạo luật đó. Ngày nay, mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung là mắt xích quan trọng nhất của mối quan hệ thương mại thế giới. Việc Mỹ gây ra một cuộc xung đột thương mại lớn trên thực tế đã dẫn đến sự phá hủy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, dẫn đến một phản ứng dữ dội và nghiêm trọng", chuyên gia Trung Quốc cáo buộc.

Trong khi, ông Lưu Đào Hùng - Bí thư đảng ủy Học viện Khoa học xã hội, Đại học Thanh Hoa, nói: "Việc gây ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là không phù hợp với dòng chảy của lịch sử. Nạn nhân nghiêm trọng nhất của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung không phải là Trung Quốc và Mỹ mà là toàn thế giới".

Ông này nhấn mạnh: "Hệ thống phân công lao động quốc tế tỉ mỉ và chuyên sâu được hình thành bởi xu hướng toàn cầu hóa trong vài năm qua sẽ trở nên hỗn loạn bởi xung đột thương mại và nền kinh tế toàn cầu sẽ phải chịu tác động lớn. Cách mà Mỹ gây ra xung đột thương mại hàng loạt là ý đồ ích kỷ để đạt được mục tiêu "nước Mỹ trên hết" mà hy sinh lợi ích của cả nhân loại".

"Trung Quốc có một vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mức thuế cao mà Mỹ áp đặt lên các sản phẩm của Trung Quốc sẽ làm suy yếu lợi ích của thế giới. Các tập đoàn Mỹ chắc chắn sẽ phải đối mặt với áp lực giá cả, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự tăng giá hàng hóa trong nước và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ", Hứa Hiến Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dữ liệu xã hội và kinh tế Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa chỉ ra, "Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc bằng cách tạo ra xung đột thương mại, nhưng đồng thời điều này sẽ gây hại cho thế giới và gây hại cho chính nước Mỹ".

"Tại thời điểm mới thiết lập quan hệ ngoại giao, trao đổi thương mại song phương chỉ là 2,5 tỷ USD. Năm ngoái, trao đổi thương mại song phương đã tăng 252 lần lên 633,5 tỷ USD", Nguyễn Tông Trạch - Viện phó thường trực Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc chỉ ra, "Không tồn tại vấn đề trong câu hỏi ai sẽ chịu thiệt trong sự bùng nổ tăng trưởng này. Mỹ luôn tuyên bố đã chịu thiệt hại nhưng trên thực tế, đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi".

Mỹ có thể trở thành "bá quyền tự hủy"

Một số chuyên gia tại hội thảo cho biết, không thể đánh giá thấp sức mạnh kinh tế của Trung Quốc: "Trung Quốc không muốn đấu trong cuộc xung đột thương mại này nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sợ".

Ông Ngô Hiểu Cầu cảnh báo, từ khi cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung bùng nổ cho đến hiện tại, chính phủ Mỹ không hề có giới hạn nên Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ nhất.

"Trung Quốc có chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất. Không nên đánh giá thấp sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cần chuyên sâu cải cách một cách chắc chắn, tiến hành mở cửa mạnh hơn đồng thời chúng ta nên chú ý hơn đến việc hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp và mang lại cho các doanh nghiệm một triển vọng ổn định. Chúng ta cũng nên xây dựng những chính sách phong phú và đa dạng để ứng phó với các biến số có thể xảy ra".

"Trung Quốc và Mỹ cuối cùng vẫn là nên quay lại hợp tác. Hợp tác là lựa chọn chính xác duy nhất giữa hai nước", ông Nguyễn Tông Trạch chỉ ra, "Có một thế lực tại Mỹ muốn chia cắt hai nước. Điều này đã vi phạm dòng chảy lịch sử và vi phạm lợi ích của người dân cả hai nước.

Chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh: "Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, quốc gia lớn mạnh cần sự công nhận từ cộng đồng quốc tế. Nhưng ngày nay, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ Mỹ đã khiến chính một số học giả Mỹ cũng lo ngại rằng nước này đang trở thành "bá quyền tự hủy".

Tags:
Gặp sĩ quan tàu biển Pháp ở quán bar, cô gái Việt lấy được chồng điểm 10

Gặp sĩ quan tàu biển Pháp ở quán bar, cô gái Việt lấy được chồng điểm 10

Trúng tiếng sét ái tình của cô gái Việt Nam dễ thương, chàng sĩ quan người Pháp kiên trì theo đuổi. Kỷ niệm 1 năm quen nhau, anh ngọt ngào cầu hôn cô ở TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất