Chuyện kể về 1 lần chụp ảnh cưới ở Mỹ
25 năm trước đây, bắt đầu đi vào nghề ảnh, tôi không thể ngờ có ngày được người ta mời qua Mỹ để chụp ảnh. Hồi bấy giờ, ở tuổi 24 tôi chỉ mong ước đơn giản là có chiếc máy trong tay, được đi đây đó, được tự tay mình ghi lại những kỷ niệm.
22:45 08/05/2017
Khi lâm trận, tôi mới dần hiểu ra để làm chủ được chiếc máy ảnh và chụp một tấm ảnh coi được chỉ cần 3 tuần lễ là đủ còn nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia đúng nghĩa, được người ta nhắc đến, cần phải có một quá trình khẳng định dài lắm. Có một tác phẩm làm người xem phải nhớ và nhắc đến tên có khi là công việc của cả cuộc đời.Tháng 5/2006 tôi nhận được lời mời qua email bay sang Portland, Oregon chụp ảnh cưới. Chuyến đi hai tuần qua Mỹ, với tôi hồi hộp cũng ngang bằng với cái ngày mình cầm bó hoa cưới đến nhà vợ làm lễ rước dâu. Đâu phải nhiếp ảnh gia trong nước nào cũng có vinh dự này, họ mời mình vì tin mình, cô dâu Susan nói: tụi em quyết định chọn anh chụp ảnh cho ngày trọng đại trong đời vì chỉ có anh là người em hòan toàn tin tưởng. Lời nói ấy bay qua hàng ngàn cây số giúp tôi phấn chấn quyết tâm “đem chuông qua xứ người ” vậy.
Hơn nữa họ chu cấp toàn bộ chi phí cho chuyến đi, họ sòng phẳng thù lao như một nhiếp ảnh gia bản xứ, tôi lên đường đầy kỳ vọng sẽ làm một cái gì đó có ý nghĩa cho cô dâu chú rể, tất nhiên, nhưng trên hết là cho sự nghiệp chụp ảnh của mình cũng như cho khách hàng thấy họ có lý khi mời một nhiếp ảnh gia ở Việt Nam qua.
Hành trang là chiếc máy ảnh kỹ thuật số Canon 1ds và chiếc máy tính laptop, chuyến bay chỉ bận rộn chút ít khi qua mấy phi trường của Mỹ vì phải săm soi, kiểm tra từng tí một. Được bố trí ở tại nhà ba mẹ của cô dâu, tuần lễ đầu tiên tôi đi khảo sát một vòng Thành phố để chọn địa điểm chụp hình chân dung và lab để phóng ảnh lớn. Portland là một thành phố đẹp và xanh ở vùng bắc Mỹ, đây cũng là Thành phố duy nhất trên nước Mỹ có cả một khu rừng rậm ngay giữa lòng Thành phố, cây xanh chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân. Nghe nói từng bụi cỏ, chậu hoa ven đường cũng được chăm sóc kỹ lưỡng và đương nhiên được luật pháp bảo vệ thành luật hẳn hoi.
Vậy là thuận lợi, vì có quá nhiều công viên, thảm cỏ để chọn lựa, vườn Nhật, vườn Trung Hoa, thác,suối, biển và cả tuyết trắng trên vùng Timberline Mount Hood (cách 2 giờ lái xe) lúc nào cũng sẵn sàng cho việc bấm máy. Tôi quyết định chụp ở vườn Rhododendrom. Mọi thủ tục cũng được thông qua sau đó vì không phải trả tiền vào cửa, tiền chụp cưới, thủ tục xin phép phải ít nhất 7 ngày, tất cả đã được miễn vì được ưu ái là nhiếp ảnh gia ở Việt Nam qua.
Giờ chụp cưới chỉ có đoàn chụp ảnh và cô dâu chú rể, khách chỉ được vào tham quan sau thời gian đó nên chúng tôi được tự do múa may, chạy nhảy mà không có bất cứ trở ngại nào. Đã quá quen với Bình Qưới, Đầm Sen ở nhà nên có thể nói bất cứ chi tiết nào trong khu vườn cũng có thể tạo cho mình cảm hứng nên mải chụp mà quên mất cô dâu chú rể mệt phờ và lạnh cóng vì ngày mưa, bộ áo cưới ướt sũng lấm len bùn đất vì phải đứng lên ngồi xuống đi, chạy (sau đó được touch lại sạch boong trên máy tính).Mệt nhưng vui vì ai việc nấy, ở Mỹ cô dâu và chú rể thích chụp hình tự nhiên hơn, người chụp thường ít can thiệp vào động tác hoặc hướng dẫn cô dâu chú rể phải làm theo cách của mình. Như vậy là mình muốn chụp gì thì chụp và họ muốn làm gì… thì làm. Điều mà nhiếp ảnh gia cần phải chú ý là chọn vùng sáng và bố cục ảnh sao cho phù hợp với bối cảnh tự nhiên, chọn khoảnh khắc bấm máy, ảnh như thế sẽ dễ thu hút vì tự nhiên, dễ có cái ” thần ” trong đó. Đó cũng là kinh nghiệm tôi tích lũy được trong những năm 1994 và 1998 khi làm phụ tá chụp ảnh cho các nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới và quảng cáo ở Los Angeles và Washington, Hoa Kỳ.
Ngay đêm đó ảnh đã chọn xong cho việc phóng lớn và ai cũng hân hoan vì đã thấy kết quả lao động cật lực của mình. Hôm sau, hai tấm ảnh chân dung cô dâu chú rể to đùng để giữa nhà chuẩn bị đem ra nhà hàng ai cũng tấm tắc xuýt xoa khen đẹp làm mình thấy nở mũi. Thích hơn khi mọi người so sánh nhiếp ảnh gia Mỹ chuyên nghiệp chụp cũng chưa chắc…
Có thể nói đám cưới của Susan Nga Hoàng và Brian David là tổng hợp của 50% kiểu Mỹ và 50% kiểu Việt. Trong khi ba cô dâu thức trắng đêm để soạn thảo lời dặn dò con gái trước khi về nhà chồng với tứ đức tam tòng, nghĩa vụ gia đình gắn với truyền thống uống nước nhớ nguồn, lời Phật dạy … sau đó lại cố công dịch ra tiếng Anh để đọc trong ngày vu quy thì cô dâu Susan lại đi thuê một chuyên gia dạy nhảy đầm để hướng dẫn cho mọi người trong nhà và bạn bè trước ngày vui của mình.
Mọi người gặp gỡ chè chén suốt đêm gọi là tiệc cám ơn, tất cả đều chung vui trong ngày vui một cách thật sự. Có thể nói là người Việt, ai cũng muốn cố gắng gìn giữ càng nhiều càng tốt giá trị truyền thống quý báu của ông cha để truyền lại cho con cháu và như ba của Susan tâm sự ông muốn cho người Mỹ thấy giá trị văn hóa Việt đã ảnh hưởng như thế nào với con cái mình để chúng có sự thành công và tự hào như hôm nay. Ông khẳng định ba má của thằng rể phải gọi ông là Brother Trí chứ không phải Trí suông được đâu, ông cũng có lý của ông. Tôi thích điều đó.
Lễ cưới có quỳ lạy của cô dâu chú rể trước bàn thờ tổ tiên, có thắp hương tưởng nhớ ông bà, có chấp bái cảm ơn công lao dưỡng dục của ba mẹ và có cả những nụ hôn say đắm của đôi uyên ương, những cú tung bổng cô dâu và chú rể lên trời của đám bạn trẻ.
Bánh nướng ở Austin – món ngon nhất định phải thử khi tới Texas
Ẩm thực của Texas không chỉ có phomai kem Queso, nước sốt Gravy, món hầm Salsa, gà chiên bít tết, món tex –mex mà còn quyến rũ du khách bằng những chiếc bánh nướng nhỏ xinh, nóng hổi và thơm lừng.