Chuyện một phụ nữ gốc Việt nhiễm COVID-19: ‘Tôi qua được là nhờ chồng, con’
Tính đến cuối Tháng Sáu, năm 2020, Salt Lake County là quận hạt có nhiều người nhiễm COVID-19 nhất Utah: 11,166 ca trong số 22,217 ca của tiểu bang. Trong có, ít nhất có một người gốc Việt, bà Phuong Nguyen.
08:00 07/07/2020
Vì sao bà Phuong Nguyen dương tính với COVID-19 và rồi bà cùng gia đình chiến thắng con virus này ra sao,… đã được bà và chồng kể lại với phóng viên
“Khoảng giữa Tháng Hai, trong chuyến bay từ Pheonix (Arizona) về Salt Lake City (Utah), tôi tình cờ ngồi cạnh một phụ nữ bị cảm cúm, bà ấy cứ ho suốt chuyến bay. Về nhà đúng 24 tiếng sau, tôi… giống bà ấy, thậm chí còn hơn. Cổ họng tôi đau (rát) kinh khủng. kèm theo những cơn ho dữ dội, Người mệt mỏi, nhưng lại không bị sốt.
Chồng tôi là bác sĩ Quân Y Quân Lực VNCH. Anh ở tù về, chúng tôi vượt biên và đến Mỹ nhờ cha mẹ tôi bảo lãnh. Ông bà cũng là thuyền nhân, đến Mỹ trước đó 2 năm. Chồng tôi làm Medical Computing, cũng xem như tôi có một bác sĩ riêng 24/24, phục vụ tận tình, chu đáo, lại không đòi… tiền khám bệnh. Tôi ho, anh mua thuốc ho cho tôi uống, nói đau cổ họng, anh xin bác sĩ thuốc trụ sinh cho tôi uống, nói chung chẳng ai chu đáo bằng.
Thế mà tôi cứ ho dai dẳng cho đến cuối Tháng Năm. Chợt nhớ đầu Tháng Sáu có hẹn với bác sĩ gia đình nên tôi gọi lại phòng mạch, nhân đó kể luôn chuyện mình bị ho dai dẳng. Bác sĩ yêu cầu đi “test” COVID-19 trước khi gặp.
Tôi “test” COVID-19 ngày Thứ Tư, 20 Tháng Năm. Mấy hôm trước không sao, đúng ngày đi “test” về thì đêm hôm đó tôi bị đau bụng, thêm chóng mặt và buồn nôn. Cơ thể tôi như không còn chút sức lực nào, càng lúc càng mệt, thở không nổi. Chồng tôi bắt mạch, thấy mạch yếu quá nên chở tôi vào bệnh viện gần nhà.
Tôi được bác sĩ truyền dịch, cho thêm thuốc giảm đau để tôi được dễ chịu. Họ bắt đầu thực hiện một số xét nghiệm như đo tim mạch, chụp X-ray phổi, thử máu, đo lượng oxy trong máu,… Hơn 3 tiếng sau, họ gọi chồng tôi đến đón tôi về với dòng chữ ghi trong hồ sơ bệnh án “Tình nghi COVID-19!”
Nhờ được truyền dịch, nên tôi thấy dễ chịu hơn. Chồng tôi cũng đã chuẩn bị cho tôi khá nhiều vitamin như B, C, D3, Zinc,… để tăng sức đề kháng cơ thể tôi lên.
Đến ngày 26 Tháng Năm, phòng xét nghiệm gởi email cho tôi thông báo kết quả. Con trai tôi xem rồi la lên: “Mẹ ơi! Mẹ bị COVID-19 rồi!” Nhìn kết quả mà tôi vẫn chưa tin là mình bị dương tính. “Biết đâu họ test sai!” Tôi nghĩ thế.
Tôi đề nghị chồng tôi là bây giờ chúng tôi sẽ cách ly, mỗi người một phòng. Chồng tôi không chịu. Anh ấy nói nếu tôi bị dương tính thì anh ấy chắc cũng bị rồi, không sao hết.
Anh nói: “Vả lại, em ẩu tả lắm. Em bên cạnh anh thì anh còn canh em được chứ em ở phòng riêng, chẳng chịu nói gì hết, cứ chịu đựng thôi thì anh biết làm sao. Thôi em cứ nằm bên cạnh anh để anh trông chừng.” Tôi nói sẽ nghe lời anh, nhưng phải ở riêng phòng, lúc đó anh mới chịu.
Ngày hôm sau tôi thấy hơi thở của mình khó khăn hơn, có chút gì đó vướng víu, không bình thường. Cả ngày tôi rất mệt mỏi, rồi bắt đầu ho. Ho từng tràng như súng liên thanh, ho như muốn xé ruột, xé gan.
Qua ngày 28 Tháng Năm, tôi mệt lắm, dù vẫn không sốt. Tôi chỉ ngồi dậy ăn chút gì đó chồng tôi nấu, rồi lại nằm. Đến giờ uống thuốc, anh đánh thức tôi dậy uống, rồi lại nằm. Ngày hôm đó tôi ho nhiều lắm. Ho từng tràng, càng ho càng chóng mặt, mắt hoa cả lên.
Con trai út sợ mình lây bệnh cho mẹ, nên cũng muốn test xem mình có bị hay không. Tuy nhiên người ta không cho test vì cháu không có triệu chứng gì. Lần đi thứ tư, cháu phải nói dối có bị ho nên mới được test. Kết quả âm tính nên cháu cũng nhẹ lòng hơn, vì biết không phải mình làm cho mẹ bệnh.
Qua ngày 29 Tháng Năm, hơi thở tôi ngắn đi thấy rõ, cứ hít vào chút xíu là phải thở ra, không thể hít vào sâu được. Lồng ngực tôi càng lúc càng nặng, tới chiều thì tôi thấy không ổn, nên hai cha con chở tôi vào bệnh viện.
Ba người chúng tôi đang ở trên xe thì Đan, con trai lớn của tôi (đang học bác sĩ, nội trú năm thứ hai về thần kinh) gọi phone muốn tôi chờ cháu về khám kỹ cho tôi lần nữa trước khi tôi vào bệnh viện. Cháu sợ virus xâm nhập vào trung khu thần kinh như bệnh nhân cháu đang theo dõi. Điều này rất nguy hiểm. Hình như điều lo sợ của cháu là đúng, chỉ một lúc sau, khi cháu chưa kịp đến thì hai chân tôi tê, không đứng nổi.
Tại phòng cấp cứu, cô y tá đẩy xe đưa tôi vào trong, cô nói với tôi: “Now! You can say goodbye your family.” Tôi chưa kịp hiểu điều đó nghĩa là gì, tính hỏi cô ấy tại sao cô lại nói như vậy, thì chồng con tôi chạy lại ôm lấy tôi. Anh xoa đầu tôi bảo là “Em đừng lo, anh để trong ví em cái phone với sợi dây charge. Em vô đó, có gì cần thì em gọi ra ngoài cho gia đình yên tâm.” Anh lúc nào cũng lo cho tôi như con nít vậy.
Thằng con út của tôi ôm lấy mẹ nói: “Mommy, don’t worry mommy. Mommy will be OK! Mommy will be OK!”
Tôi không hiểu họ có nghĩ là ôm tôi sẽ bị lây bệnh không, nhưng phản ứng tự nhiên của tình thương nên tôi cũng ôm lấy hai bố con.
Lúc cô y tá đẩy xe tới cánh cửa vào trong, một nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế đi ra đón tôi, còn cô y tá thì dừng lại ở đó, lúc đó tôi mới hiểu tại sao cô ấy lại nói tôi từ giã gia đình. Những bệnh nhân vào trong này, có 3 con đường: Một là sẽ trở ra. Hai là sẽ được ở lại điều trị một mình. Ba, trường hợp xấu nhất sẽ là ra đi cũng một mình.
Khi có kết quả dương tính với COVID-19, tôi không nghĩ tới cái chết, vì tôi không sợ. Sống tới tuổi này, với tôi cũng đủ rồi. Ông Trời đã cho tôi quá nhiều ưu đãi, hai đứa con đều sống tốt, có lý tưởng, người chồng thì thương yêu mình hết lòng, thế là quá đủ cho một đời người. Chồng tôi và những đứa con đã cho tôi quá nhiều hạnh phúc, thế nên tôi sẽ không để họ phải buồn khổ, nên tôi sẽ không chết lúc này. Tôi sẽ cố gắng vượt qua thử thách này.
Trong khu cách ly, bác sĩ cho truyền dịch và làm nhiều xét nghiệm khác cho tôi. Lần này may mắn hơn là chỉ ở đó chừng 2 tiếng thì y tá gọi chồng tôi tới đón tôi về.
Sáng hôm sau tôi thấy dễ chịu hơn. Cảm giác chân không còn tê, lồng ngực cũng nhẹ hơn. Tôi nghĩ do tác dụng của chai dịch được truyền hôm qua. Ngày hôm sau nữa, tôi trở lại cảm giác mệt nhưng không dữ dội như hôm đi cấp cứu.
Qua hai lần cấp cứu, tôi nhớ lời bà bác sĩ gia đình khuyên tôi thật hữu ích: Phải nghỉ ngơi nhiều, uống thật nhiều nước, uống thuốc khi cần thiết, như bị ho uống thuốc ho, nhức đầu thì uống thuốc nhức đầu,… Điều quan trọng là khi cảm thấy không chịu được nên vào bệnh viện, quan trong nhất là phải vào cấp cứu sớm.
Điều quan trọng hơn hết đó là tình thương của gia đình dành cho tôi, những viên vitamin, ly sữa, chén cháo, được chuẩn bị bằng tất cả tấm lòng của chồng và những đứa con. Nếu không có họ, có lẽ, tôi cũng không thể kể câu chuyện này.
“Phải tỉnh táo trong mê hồn trận của đại dịch COVID-19”
Ông M. Nguyen, chồng bà Phuong Nguyen kể: “Tôi và vợ tôi đều có tiền sử ung thư, dù đã được chữa khỏi, cộng thêm lớn tuổi nên dễ bị virus tấn công, nhất là virus Corona.”
“Tôi đón nhận việc nhà tôi bị dương tính COVID-19 một cách bình thản, hay ít nhất phải tỏ ra như thế, vì tôi là chỗ dựa chính của nhà tôi.
Tôi là một bác sĩ trong binh chủng Nhảy Dù của Quân Lực VNCH, những kiến thức về y học theo tôi hơn nửa đời người, cộng thêm sự tìm hiểu về virus Corona qua tài liệu, báo chí, cho tôi một số kiến thức để đối phó khi nhà tôi bị dương tính với COVID-19.
Chúng ta không biết nhiều về virus Corona. Chúng ta đang ở trong mê hồn trận của đại dịch COVID-19, vì mình chưa hiểu hết cách thức nó lây bệnh ra sao, truyền bệnh như thế nào, cơ quan nội tạng nào sẽ bị nó phá theo từng thời điểm,… nên phải thật tỉnh táo. Điều quan trọng là phải phòng ngừa và biết tăng cường sức đề kháng của cơ thể để có sức chống chọi với virus khi bị nó xâm nhập.
Người từ 60 tuổi trở lên, nếu ăn uống không được nên có thêm isolate protein để tăng cường chất trong cơ thể, giúp cơ thể khỏe hơn. Ngoài ra nên uống đều đặn một số vitamin nhằm tăng sứ đề kháng của cơ thể. Đương nhiên số lượng uống thế nào thì nên hỏi bác sĩ, chứ đừng thấy thuốc bổ nào cũng uống.
Ngay trong Tháng Hai, khi nhà tôi bị ho, tôi đã cho dùng thường xuyên một số vitamin như B, C, D3, và Zinc (kẽm). Nhà tôi ăn ít, tôi mua isolate protein pha vào sữa cho cô ấy uống để bảo đảm lượng protein và chất đạm. Như thế, dù không ăn được nhiều, nhưng trong cơ thể nhà tôi vẫn đủ chất để chiến đấu với con virus này.
Khi vợ tôi bị COVID-19, tôi theo dõi hơi thở của cô ấy, có mệt nhọc không, có khó khăn không,… Tôi hiểu, điều quan trọng lúc đó là phải theo dõi hơi thở, không thể để hơi thở người bệnh quá yếu, lúc đó vào bệnh viện thì e rằng quá trễ. Tôi cũng nghĩ mình có thể mất đi người thân yêu nhất của mình. Sợ lắm! Tâm trạng kinh hãi nhất là khi đưa nhà tôi vào phòng cấp cứu.
Lần đầu tiên chở nhà tôi đi cấp cứu. Khi họ đẩy nhà tôi vào khu cách ly, họ chỉ đưa tôi một số phone nói ít nhất hai tiếng sau hãy gọi vào với mã số đó, để biết tin tức của vợ tôi, chỉ được một người gọi thôi… Nhà tôi được y tá đẩy xe vào trong khu cách ly, cánh cửa tự động khép lại, lúc đó hai chúng tôi ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau.
Lòng tôi rối bời, đầu tôi xoay như chong chóng… Chẳng lẽ cả đời sống với nhau, chẳng lẽ bây giờ xa nhau như thế này ư? Rồi bây giờ không được gặp nhau sao? Lòng tôi đau như xát muối. Tôi sợ mất vợ chứ! Chẳng biết định mệnh sẽ như thế nào: Tôi sẽ đón nhà tôi về hay phải lo hậu sự cho vợ mình? Đó là một câu hỏi vừa đắng lòng, vừa đau đớn.
Một tuần sau, lại đưa nhà tôi vào vì chân cô ấy trở nên nặng nề, không thể cử động. Tôi hơi sợ, vì những người bị nhiễm virus, không chỉ riêng COVID-19, hay bị viêm dây thần kinh, khiến chân bị bại xụi. Chúng tôi ở bên ngoài chỉ biết cầu nguyện.
Lần này chỉ ở bệnh viện hơn hai tiếng, bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân, chỉ yêu cầu về gặp bác sĩ thần kinh. Ngoài uống thuốc chỉ định, tôi tiếp tục cho nhà tôi uống thêm vitamin, cho thêm isolate protein vào sữa, nên vợ tôi khỏe hơn.
Bây giờ tôi nghĩ đến hậu quả, như hơi thở vợ tôi vẫn còn yếu, và ngắn. Cô ấy không thể hít thở sau như trước, điều đó có nghĩa là phổi vẫn bị tổn thương, chưa hồi phục. Cho đến bao giờ hồi phục thì chưa biết. Rồi còn những “dư chấn” nào khác không? Ngay cả bác sĩ cũng không dự đoán được. Điều quan trọng là tôi phải theo dõi kỹ cô ấy, nếu có biểu hiện gì bất thường thì báo với bác sĩ, hoặc đưa vào bệnh viện.
Nhìn lại tôi thấy rằng, khi gia đình có người bệnh đừng hốt hoảng, phải chấp nhận đối đầu với con virus này. Nên nhớ tỷ lệ chết vì COVID-19 cũng chỉ khoảng 6% thôi. Bệnh nhân có thể hốt hoảng, nhưng chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh theo dõi tiến triển của bệnh, đặc biệt theo dõi hơi thở bệnh nhân. Nếu mệt một chút nên đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt, đừng để quá nặng.
Người bệnh qua đời trong bệnh viện hầu hết rơi vô những người phải đặt máy thở. Theo thống kê của CD Utah, khi phải dùng máy thở, thì cơ hội sống của bệnh nhân chỉ còn từ 15% đến 30% thôi. Cũng theo CDC Utah, một người bị dương tính COVID-19 sau ba tuần lễ mà còn sống, coi như khỏi, không cần test lại.
Nhà tôi đã sống qua tuần thứ tư, kể từ ngày xét nghiệm dương tính. Ơn trời!” [kn]
Các nàng phi tử thời cổ đại phải làm gì khi vừa 'đến tháng' thì may mắn được Hoàng đế lựa chọn thị tẩm?
Phụ nữ từ xưa đến nay khi "đến tháng" đều rất mệt mỏi, vậy các hậu phi ngày xưa đã làm gì khi Hoàng đế muốn gần gũi trong những ngày đó?