Cô giáo Mỹ công bố lương trên Facebook khiến cộng đồng rúng động

Khi cô giáo Elisabeth Milich công bố mức lương của mình trên Facebook, cô đã không nghĩ rằng nó sẽ gây lùm xùm đến thế.

02:30 29/04/2018

Có một số người xúc phạm cô. Một số khác cho rằng cô đang than thở. “Cô đã chọn một công việc luôn được nghỉ vào mỗi mùa hè. Cô còn đòi hỏi gì nữa?” – có người đã nói như vậy.

Tất nhiên, phần lớn khi nhìn thấy mức lương 320 USD/ tuần sau khi đã trừ hết thuế phí dành cho một giáo viên kỳ cựu ở một khu học chánh giàu có như Phoenix, họ đã thực sự phẫn nộ.

Khi họ biết rằng cô đã dùng tiền túi của mình để mua đồ ăn nhẹ cho bọn trẻ, mua thảm và ghế cho lớp học, thì những người không hề quen biết ở New Yorrk đã gửi tặng cô một hộp băng dính, những chiếc tẩy bút chì, đồ dùng học tập… Thậm chí, một học sinh lớp 6 ở London còn gửi cho cô một thẻ quà tặng trị giá 150 USD.

“Cô Milich thân mến. Với một công việc quan trọng nhất trên thế giới này, cô không nên dùng tiền riêng của mình để mua đồ dùng cho lớp học”.

“Mắt tôi đã ướt nhoè khi đọc những chia sẻ mà cô viết” – một giáo viên lớp 2 đã gửi cho cô bức thư viết tay đầy nước mắt như thế. “Tôi không hiểu tại sao những nhà lập pháp lại khoanh tay trước tình trạng này. Tôi không hiểu tại sao có những người nghĩ rằng chúng ta tham lam”.

Cô Milich và khoảng 50.000 giáo viên đã có một cuộc đi bộ biểu tình lần đầu tiên trong lịch sử bang Arizona, bất chấp việc Thống đốc Đảng Cộng hoà Doug Ducey đã hứa hẹn sẽ tăng 20% lương cho họ vào năm 2021.

Cô giáo Cindi Morton – người đã giảng dạy ở khu vực này khoảng 10 năm – cho rằng, cần phải xem xét kỹ trước khi tin những lời hứa hẹn đó.

“Tại sao các ông không muốn mang lại cho bọn trẻ nền giáo dục tốt nhất có thể?” – cô đặt câu hỏi. “Chúng tôi đang làm hết sức mình ở đây. Tôi cần những người lãnh đạo, chính quyền cũng làm như vậy”.

lương giáo viên,ngân sách giáo dục
Ngoài làm nghề chính, cô Morton còn làm gia sư, chăm sóc trẻ ban đêm, lái xe taxi

Ngoài việc dạy học sinh lớp 5, lớp 6 ở trường, cô Morton còn làm gia sư riêng, nhận chăm sóc những đứa trẻ gặp khó khăn về cảm xúc 4 đêm/ tuần. Những lúc rảnh rỗi, cô sẵn sàng trở thành một lái xe taxi, chở khách cho Lyft – một ứng dụng vận tải giống như Grab.

Cô nói, đó là cách duy nhất để có thể sống được ở một bang xếp thứ 44 trên toàn nước Mỹ về chế độ lương dành cho giáo viên. Arizona cũng là tiểu bang đứng thứ 48 nước Mỹ về chi tiêu giáo dục – số liệu từ Hiệp hội giáo dục quốc gia.

Kể từ khi phong trào “Red for Ed” – phong trào kêu gọi chi nhiều hơn cho ngân sách giáo dục - bắt đầu ở Arizona, các giáo viên của tiểu bang này liên tục đưa lên mạng xã hội những hình ảnh cơ sở vật chất tồi tàn ở các trường học: những lớp học bong tróc, những cuốn sách giáo khoa rách nát, điều hoà hỏng, những quả địa cầu vẫn còn đề tên Liên Xô và nước Đức vẫn còn bị chia hai.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở West Virginia, Oklahoma, rồi lan đến Colorado và Bắc Carolina.

Ở Kentucky, một ngày đi bộ biểu tình của các giáo viên đã nhận được phản ứng gay gắt từ các nhà lập pháp. Thậm chí, một thống đốc còn cáo buộc rằng: “Tôi đảm bảo với các bạn rằng, ở đâu đó có một đứa trẻ đang bị lạm dụng tình dục vì không có ai ở nhà để trông coi chúng cả”. Ông này sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi vì phát ngôn của mình.

Một quan chức khác cũng đưa ra lời cảnh báo rõ ràng với các giáo viên rằng, họ có thể bị khiển trách hoặc mất chứng nhận giảng dạy nếu làm như vậy.

“Các ông có thể đe doạ tôi như thế nào tuỳ ý” – một giáo viên lớp 8 ở Trường Tiểu học Edison, Phoenix nói. “Tôi sẽ biểu tình tới Capitol. Tôi không làm việc này cho bản thân mình. Tôi làm nó vì 125 đứa trẻ trong lớp học của mình”.

Nguồn: Vietnamnet.vn

Tags:
Đa sắc: Cô giáo Mỹ bỏ việc vì không được tôn trọng

Đa sắc: Cô giáo Mỹ bỏ việc vì không được tôn trọng

Không lâu nữa, em Toàn sẽ được “giải cứu” nhưng chẳng biết đến bao giờ ngành giáo dục mới được “giải cứu” khỏi bến đò đang lở dần những giá trị tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất