Cô giáo Mỹ vỡ mộng vì nghề giáo không được tôn trọng

Phụ huynh chiều chuộng con quá đà, cư xử thô lỗ với giáo viên là một trong những lý do khiến cô giáo Mỹ chia sẻ muốn bỏ nghề.

23:00 06/04/2018

Tuần trước, Julie Marburger ở Texas (Mỹ) đăng trên Facebook cá nhân bài viết mô tả cuộc sống của cô với tư cách một giáo viên, nhấn mạnh những vấn đề và thách thức mà cô phải đối mặt trong lớp học. Theo BuzzFeed ngày 5/4, sự nghèo nàn về trang thiết bị, hành vi xấu của học sinh và đặc biệt là thiếu thốn sự ủng hộ của phụ huynh khiến cô đi tới quyết định từ bỏ nghề giáo.

Từ 29/3 đến nay, bài viết nhận được gần 290.000 lượt thích, 380.000 lượt chia sẻ, trong bối cảnh cuộc biểu tình đòi tăng lương của giáo chức nhiều bang ở Mỹ đang là chủ đề nóng trên mạng xã hội và khắp các mặt báo.

Julie Marburger bắt đầu câu chuyện bằng sự kiện xảy ra trong ngày: “Hôm nay tôi rời trường sớm sau khi một phụ huynh khiến tôi cảm thấy không thể tiếp tục công việc của ngày. Tôi đã đưa ra quyết định từ bỏ việc giảng dạy vào cuối năm nay, nhưng hôm nay, tôi không biết liệu mình có chờ được lâu thế hay không. Phụ huynh đã trở nên quá thiếu tôn trọng, và con cái của họ thậm chí còn tệ hơn".

Đăng kèm bài viết là những bức ảnh chụp lớp học trong hai ngày. Giá sách ọp ẹp, dụng cụ học tập vứt lung tung, sách bị xé rách bìa, giấy vụn giữa sàn nhà, bã kẹo cao su trên bậu cửa sổ là hình ảnh thường xuyên sau khi học sinh dành cả ngày ở đó. Julie lưu ý rằng nhiều món đồ bị hư hỏng hoặc bị phá hoại bởi học sinh là tài sản cá nhân, do cô tự bỏ tiền túi ra mua bởi không có ngân sách cho lớp học.

Lớp của Julie Marburger sau mỗi ngày học. Ảnh: Facebook

Lớp của Julie Marburger sau mỗi ngày học. Ảnh: Facebook

"Một phụ huynh nghĩ rằng việc tôi bắt con trai họ phải chịu trách nhiệm với hành vi phá hoại của mình là sai trái, và họ đã nói chuyện với tôi rất thô lỗ trước mặt học sinh đó", cô viết.

Cô bức xúc khi việc phụ huynh chiều con "đang lan rộng trong xã hội như cháy rừng". Điều này không công bằng với xã hội và càng không công bằng với những đứa trẻ, bởi chúng đang không được chuẩn bị những kỹ năng để trở thành người thành công và hạnh phúc. 

Theo Julie, khi cô nhắc nhở việc trẻ không làm bài tập về nhà suốt nhiều tháng, phụ huynh không hề bận tâm. Nhưng đến cuối kỳ, khi đánh giá gần một nửa số học sinh không đạt, cô sẽ phải nhận những cuộc gọi và email từ phụ huynh, hỏi tại sao lại đánh trượt con họ. Lãnh đạo trường cũng sẽ yêu cầu cô giải thích tại sao lại để cho nhiều em có kết quả kém mà không hỗ trợ, dù thực tế cô đã làm mọi thứ. Đó là chuyện thường xuyên xảy ra vào cuối mỗi kỳ học.

Các nhà quản lý có xu hướng đứng về phía phụ huynh, muốn làm hài lòng họ, khiến các giáo viên như Julie nản lòng. Đam mê dành cho công việc mà cô từng nuôi dưỡng trong nhiều năm "đã bị vắt kiệt hoàn toàn". 

Cô Julie Marburger quyết định bỏ nghề giáo vì quá nhiều áp lực. Ảnh: Facebook

Cô Julie Marburger quyết định bỏ nghề giáo vì quá nhiều áp lực. Ảnh: Facebook

"Tôi chưa từng thấy một nghề nào mà ở đó người ta dốc hết trái tim và tâm hồn vào công việc, bớt xén thời gian dành cho gia đình và được trả một khoản tiền rẻ mạt như thế. Giáo viên thuộc nhóm những người tử tế và sẵn sàng cho đi, nhưng họ phải nhận sự đối xử thiếu tôn trọng về mọi mặt.

Hầu hết phụ huynh không thể chịu nổi khi phải dành vài tiếng mỗi ngày với trẻ, nhưng chúng tôi dành đến 8 tiếng với con của họ và 140 đứa trẻ khác. Đòi hỏi một cuộc trò chuyện lịch sự và thái độ nhã nhặn có phải là quá nhiều hay không?

Đó luôn là ước mơ của tôi khi có một lớp học cho riêng mình, và giờ trái tim tôi đã tan nát vì vỡ mộng trong hai năm ngắn ngủi. Những điều này tôi cũng nghe được từ nhiều giáo viên khác, và họ đang bỏ nghề ngày một nhiều. Nếu việc ngược đãi giáo viên không dừng lại, sẽ có một cuộc khủng hoảng nghề giáo ở đất nước này", Julie chia sẻ. 

Hàng nghìn người dùng Facebook đồng cảm với bài viết, bày tỏ rất buồn trước những gì Julie Marburger phải trải qua và ủng hộ lựa chọn của cô. Rất nhiều giáo viên Mỹ cũng kể về những góc khuất trong nghề và lý do họ quyết định từ bỏ. 

Thùy Linh

Tags:
Thủ tướng Trung Quốc buồn lòng vì chế tạo không nổi viên bi trên cây bút

Thủ tướng Trung Quốc buồn lòng vì chế tạo không nổi viên bi trên cây bút

Trung Quốc được gọi là một đại công xưởng của thế giới, nhưng ít ai biết họ vô cùng thấm thía nỗi cay đắng đi gia công cho nước khác. Sự thật nào đằng sau dòng chữ “Made in China”?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất