Cơn giận dữ ở Mỹ khi Trump 'bỏ rơi' người Kurd

Nhiều người cho rằng quyết định "đem con bỏ chợ" của Trump sẽ khiến Mỹ bị coi là đồng minh "hai mặt", không đáng tin cậy để hợp tác.

07:00 12/10/2019

"Người Kurd đang chiến đấu vì vùng đất của họ", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/10 nói với các phóng viên tại phòng Roosevelt ở Cánh Tây . "Họ đã không giúp chúng ta trong Thế chiến II. Họ nhắc tới tên các trận chiến khác nhau, nhưng họ ở đó để giúp chúng ta vì mảnh đất của chính họ và đó là điều hoàn toàn khác biệt".

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự nhằm đẩy người Kurd ra khỏi khu vực có chiều rộng 30 km dọc biên giới đông bắc Syria. Hành động này lập tức gây nên làn sóng phẫn nộ trong quốc hội Mỹ trước mối lo ngại về những rủi ro mà người Kurd có thể phải đối mặt, lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, sự ổn định của khu vực và nguy cơ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một buổi vận động tranh cử ở Minneapolis, bang Minnesota, ngày 10/10. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một buổi vận động tranh cử ở Minneapolis, bang Minnesota, ngày 10/10. Ảnh: Reuters.

Trong khi các nhóm nhân đạo cảnh báo những vụ pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến 300.000 dân thường rơi vào cảnh "nhà tan cửa nát", Gulnur Aybet, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói với CNN rằng thực tế đã biết trước về quy mô các cuộc tấn công. "Tổng thống Trump và Tổng thống Erdogan đã đạt được hiểu biết chính xác về chiến dịch", Aybet trả lời phóng viên từ Ankara.

Việc Trump phủ nhận đóng góp của người Kurd trong nỗ lực chống IS do Mỹ dẫn đầu cũng như việc ông đưa ra hàng loạt lý do biện minh cho việc bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng dân quân người Kurd ở Syria cũng vấp phải sự chỉ trích từ các thành viên đảng Cộng hòa, nhiều cựu quan chức chính quyền cùng giới chuyên gia, song quân đội Mỹ vẫn giữ im lặng.

"Tin tức từ Syria thật khủng khiếp", nghị sĩ bang Wyoming Liz Cheney, người có vị trí cao thứ ba của đảng Cộng hòa ở Hạ viện, viết trên Twitter. "Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị xâm lược Syria từ phía bắc, lực lượng do Nga hậu thuẫn từ phía nam, phiến quân IS tấn công Raqqa. Không thể hiểu nổi vì sao lại để đồng minh của Mỹ bị thảm sát và mở ra cơ hội trỗi dậy cho IS như vậy".

"Theo yêu cầu của chính quyền Trump, người Kurd đã đóng vai trò như lực lượng chính chiến đấu chống IS trên chiến trường thay thế binh sĩ Mỹ", thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio lưu ý. Ông sau đó cáo buộc chính quyền Trump "thỏa thuận với Tổng thống Edorgan nhằm cho phép họ xóa sổ dân quân người Kurd". "Tổn hại đối với danh tiếng và lợi ích quốc gia của Mỹ sẽ vô cùng lớn và lâu dài", ông nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham và thượng nghị sĩ Dân chủ bang Maryland Van Hollen đã công bố một dự thảo áp lệnh trừng phạt ngay lập tức lên các quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cấm tất cả hoạt động kinh doanh và giao dịch quân sự với Ankara, đồng thời kích hoạt tức khắc các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2017 cho tới khi Ankara dừng chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd.

"Cuộc tấn công bất hợp pháp và không chính đáng nhằm vào một người bạn và đối tác của Mỹ đang đe dọa sinh kế và sinh mạng hàng triệu dân thường, rất nhiều người trong số đó đã phải rời bỏ nhà cửa sơ tán tới nơi khác an toàn hơn", Graham và Van Hollen viết trong một thông báo. "Cuộc xâm lược này sẽ thúc đẩy sự hồi sinh của IS ở Syria, làm sôi sục các kẻ thù của Mỹ như al-Qaeda, Iran, Nga, và thổi bùng lên một cuộc xung đột bất tận khác tại nơi mà đến nay là một trong những khu vực an toàn, ổn định nhất Syria".

Brad Bowman, giám đốc Trung tâm Sức mạnh Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, gọi ngày Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria là "thời khắc đáng xấu hổ trong lịch sử ".

Cả giới chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều khuyên Trump không nên ra quyết định rút quân với lý do rằng sự hiện diện của Mỹ là cần thiết để kiềm chế IS và răn đe Nga cùng Iran, hai thế lực có ảnh hưởng ở Syria.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd hôm qua thông báo họ đã ngừng chiến dịch quân sự chống IS ở bắc Syria sau "cuộc tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ".

Hôm 6/10, sau khi Trump điện đàm với Erdogan, Nhà Trắng cho biết binh sĩ Mỹ sẽ rút về tuyến sau và không hỗ trợ cũng như liên quan gì tới chiến dịch của Ankara. Tổng thống Mỹ còn hạ thấp động thái của Thổ Nhĩ Kỳ trong các bình luận trước phóng viên ở Nhà Trắng ngày 9/10.

Ông bác bỏ khả năng chiến binh IS trốn khỏi nhà tù của người Kurd, về cơ bản ngụ ý rằng đó là vấn đề với Liên minh châu Âu (EU), không phải của ông. "Chúng sẽ trốn thoát tới châu Âu, đấy là nơi chúng muốn tới", Trump nói.

Người dân Syria sơ tán khỏi khu vực bị Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích hôm 9/10. Ảnh: AFP.

Người dân Syria sơ tán khỏi khu vực bị Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích hôm 9/10. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ cũng xem nhẹ mối liên minh giữa Mỹ và dân quân người Kurd, lực lượng đã hy sinh tới 11.000 chiến binh giúp Mỹ hoàn thành sứ mệnh chống IS. Không những thế, ông còn xóa bỏ mọi đóng góp trong lịch sử của người Kurd.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định hoàn toàn "sai lầm" khi cho rằng Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria để bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ sát hại người Kurd, song ông không thừa nhận dân quân người Kurd là đồng minh của Mỹ.

Các nhà phân tích như Bowman nhận định một phần làn sóng giận dữ đối với hành động của Trump bắt nguồn từ thực tế rằng Mỹ "không thể đánh bại IS nếu không được người Kurd giúp đỡ" và người Kurd chỉ vừa mới nới lỏng phòng thủ vì tin tưởng Mỹ sẽ bảo vệ họ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ tháng 8, Mỹ đã thúc giục người Kurd tháo dỡ các công sự phòng thủ và rút lực lượng khỏi các cứ điểm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang bị tấn công, như một phần trong cái gọi là khuôn khổ "cơ chế an ninh". Mục tiêu của hành động này là thể hiện thiện chí để Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ ý định tấn công và người Kurd đồng ý tham gia "có lẽ vì họ tin tưởng Mỹ có thể kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ về mặt ngoại giao", Bowman nhận xét.

"Chúng ta đang xô đổ niềm tin của người Kurd", Bowman nói. "SDF làm mọi việc chúng ta yêu cầu. Hành động này sẽ làm nản lòng từng chiến binh, từng trung đội, tiểu đội đang hoạt động ở những nơi nguy hiểm khi cố gắng giành niềm tin của các đối tác".

Dân quân người Kurd tại một chốt gác ở miền bắc Syria sau khi Mỹ rút quân hôm 7/10. Ảnh: AFP.

Dân quân người Kurd tại một chốt gác ở miền bắc Syria sau khi Mỹ rút quân hôm 7/10. Ảnh: AFP.

Sớm 9/10, Trump nổi giận trên Twitter, đáp trả mạnh mẽ những ý kiến chỉ trích. "Chúng ta từng chẳng đạt được gì", Trump tweet, dường như nhắc tới cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. "Giờ đây, chúng ta đang chậm rãi và cẩn thận đưa những binh sĩ tuyệt vời và quân đội về nhà. Mục tiêu chúng tôi hướng tới là bức tranh lớn".

Tuy nhiên, giới phân tích và các nhà lập pháp đánh giá bức tranh lớn và những lợi ích Mỹ có được khi giữ binh sĩ ở Syria chính xác là thứ mà Trump đang bỏ qua. Theo họ, việc bỏ rơi đồng minh người Kurd sẽ khiến các mối liên minh giữa Mỹ bị lung lay trong tương lai bởi không ai còn có thể đặt niềm tin vào Washington.

"Mọi người sẽ nhìn Mỹ như là quốc gia không đáng tin cậy, không thể hợp tác", Bowman nói. "Kết quả cuối cùng là lần sau chúng ta cần bạn bè, đồng minh hay đối tác, sẽ không ai xuất hiện".

Làn sóng chỉ trích dường như đã khiến Tổng thống Mỹ e dè, buộc ông bước vào chế độ kiểm soát thiệt hại. Chiều 9/10, Trump ra một thông báo không đề cập tới vai trò của ông trong việc bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ hay số phận các chiến binh người Kurd.

"Từ ngày đầu tiên bước chân vào đấu trường chính trị, tôi đã thể hiện rõ ràng rằng tôi không muốn những cuộc chiến tranh bất tận, vô nghĩa này, đặc biệt là khi chúng không đem lại lợi ích cho ", Trump tuyên bố.

Ông chủ cho hay Thổ Nhĩ Kỹ "đã cam kết bảo vệ dân thường, bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số" và "đảm bảo không để xảy ra khủng hoảng nhân đạo". Theo Tổng thống Mỹ, Ankara "bây giờ chịu trách nhiệm đảm bảo các chiến binh IS phải bị giam giữ và chúng không thể tái tập hợp lực lượng dù ở bất kỳ hình thái nào".

Trump khẳng định ông đã ngăn Tổng thống Erdogan tấn công Syria "từ ngày đầu tiên" bước chân vào . "Họ từng muốn đánh nhau từ hồi đó, mọi thứ là như vậy", ông nói.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Trump nói đàm phán Mỹ - Trung tiến triển tốt

Trump nói đàm phán Mỹ - Trung tiến triển tốt

Trump cho biết đàm phán thương mại với Trung Quốc đạt tiến bộ thực sự tốt và ông sẽ gặp Phó thủ tướng Trung Quốc tại Nhà Trắng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất