Con tàu được ví như 'bộ não' tác chiến của hải quân Mỹ

Tàu chỉ huy lớp Blue Ridge là bộ não trong hoạt động tác chiến xa bờ của quân đội Mỹ, được trang bị nhiều hệ thống tối tân.

20:30 02/02/2018

Tàu chỉ huy USS Blue Ridge (LLC-19) vừa kết thúc giai đoạn bảo dưỡng và nâng cấp tại cảng Yokosuka, Nhật Bản. Sau 19 tháng đại tu, con tàu này đã trở thành chiến hạm sở hữu máy tính và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất trong biên chế hải quân Mỹ, theo Drive.

Washington quyết định trang bị Hệ thống kết nối mạng thống nhất trên biển (CANES) trên USS Blue Ridge, nhằm cải thiện tính năng kỹ chiến thuật, khả năng bảo mật, tương tác và thích ứng trong tương lai. Việc lắp đặt tổ hợp CANES đảm bảo con tàu đủ sức tác chiến trong ít nhất hai thập niên tới, kéo dài tuổi thọ của USS Blue Ridge lên tới 70 năm.

USS Blue Ridge là một trong hai tàu chỉ huy lớp Blue Ridge, chiếc còn lại mang tên USS Mount Whitney. Đây là lớp tàu cao tuổi nhất của hải quân Mỹ, nhưng cũng là những tàu tiên tiến nhất. Khung thân tàu ứng dụng công nghệ từ 50 năm trước, nhưng hệ thống máy tính và thông tin liên lạc lại thuộc hàng hiện đại nhất thế giới.

Ban đầu, nhiệm vụ của lớp Blue Ridge là chỉ huy chiến dịch đổ bộ quy mô lớn, dựa trên hệ thống máy tính và liên lạc tối tân. Sau nhiều năm, khi học thuyết tác chiến hiệp đồng phát triển, chúng đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ, khiến tầm quan trọng cũng tăng theo.

Ngày nay, hai tàu được bố trí ở tây và đông bán cầu. USS Blue Ridge đóng quân tại Nhật Bản với vai trò soái hạm của Hạm đội 7. Trong khi đó, USS Mount Whitney triển khai thường trực tại Italy, là soái hạm của Hạm đội 6 và cũng là tàu chỉ huy liên quân NATO.

Lớp Blue Ridge có thể coi là những tàu chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) tinh vi nhất từng được chế tạo, nhưng công chúng chỉ có thể nhìn thấy phần bên ngoài của chúng. Mỗi tàu dài 189 m, có lượng giãn nước 18.400 tấn, được lắp hàng loạt đài ăng ten bên trên.

USS Blue Ridge sau một chuyến tuần tra Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

USS Blue Ridge sau một chuyến tuần tra Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

Thủy thủ đoàn gồm 1.450 người, nhưng chỉ có một nửa trong số này được triển khai trong hoạt động thời bình. Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, mỗi chiếc Blue Ridge có thể chở theo tới 3.000 người.

Hai tàu này có vai trò tương tự Trung tâm chỉ huy hoạt động hiệp đồng không quân (CAOC), vốn quản lý tác chiến trên không và trên bộ ở các khu vực địa lý rộng lớn. Lớp Blue Ridge được điều chỉnh để hỗ trợ các chiến dịch liên quân, với đại diện các quốc gia thành viên được triển khai trên tàu trong quá trình tham chiến. Khác biệt lớn nhất là CAOC đặt trên đất liền thay vì tàu hải quân, cũng như không được tối ưu hoá cho chiến đấu ở môi trường trên biển và đổ bộ.

Lớp Blue Ridge được phát triển trên khung thân tàu đổ bộ lớp Iwo Jima, đủ sức bám sát đội hình Biên đội tấn công đổ bộ. Không gian trong tàu tương đối rộng rãi, đủ chỗ ở và làm việc cho sĩ quan chỉ huy cùng ban tham mưu. Khoang cho sĩ quan chỉ huy còn được trang bị lò sưởi riêng.

Đây là những tàu thường xuyên phải có mặt trong đội hình chiến đấu. Điều đó khiến lớp Blue Ridge được trang bị hai hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx, tháp pháo Bushmaster cỡ nòng 25 mm điều khiển từ xa cùng một số ụ súng máy 12,7 mm. Con tàu cũng được lắp bệ phóng mồi bẫy và các tổ hợp tác chiến điện tử để đối phó với tên lửa chống hạm.

Một trực thăng MH-60S thường được bố trí theo tàu để thực hiện nhiệm vụ hậu cần và giúp sĩ quan di chuyển giữa các chiến hạm, dù lớp Blue Ridge không có nhà chứa máy bay chuyên biệt. Mỗi chiếc tàu chỉ huy có thể chở theo hàng loạt xuồng đổ bộ cỡ nhỏ. Một số khu vực trên tàu được bọc vật liệu Kevlar để giảm thiệt hại trong chiến đấu.

USS Mount Whitney triển khai gần Italy. Ảnh: US Navy.

USS Mount Whitney triển khai gần Italy. Ảnh: US Navy.

Trên hết, lớp Blue Ridge được coi là "bộ não tác chiến" khổng lồ trên biển của hải quân Mỹ, nhiệm vụ chính của chúng là chỉ huy và kiểm soát lực lượng, cũng như cung cấp dữ liệu để các chỉ huy có thể đưa ra quyết định sống còn trong chiến đấu. Hai tàu này cũng có thể thu nhận thông tin quan trọng từ vệ tinh và điều phối cho toàn hạm đội.

Hệ thống C4I rất mạnh của lớp Blue Ridge khiến chúng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến tranh mạng tương lai. Hai tàu có thể trở thành mũi nhọn tung ra đòn đánh vào hệ thống C4I của đối phương.

Tuy nhiên, sức mạnh và tầm quan trọng sẽ biến USS Blue Ridge và USS Mount Whitney trở thành mục tiêu hàng đầu trong tác chiến điện tử và tấn công mạng. Washington buộc phải bổ sung các biện pháp phòng thủ, trong khi các chỉ huy phải thích nghi với sự thay đổi trong chiến đấu thực tế.

Hiện hải quân Mỹ chưa tìm ra giải pháp thay thế lớp Blue Ridge. Chi phí phát triển lớp tàu chỉ huy mới sẽ rất đắt đỏ, ngay cả khi tận dụng khung thân sẵn có như tàu đổ bộ lớp San Antonio hay dự án LX(R) tương lai. USS Blue Ridge và USS Mount Whitney được chế tạo rất bền chắc, nhưng động cơ turbine hơi nước của chúng cũng đã quá lỗi thời, giới hạn khả năng sử dụng chúng trong tương lai.

Việt Hòa

Tags:
Vùng Vịnh: Bắt giữ đường dây tuồng laptop đánh cắp về Việt Nam

Vùng Vịnh: Bắt giữ đường dây tuồng laptop đánh cắp về Việt Nam

Các nhà chức trách Vùng Vịnh Bay Area vừa phá được đường dây ăn cắp laptop, liên quan đến hàng trăm vụ trộm đồ trong xe trên khắp khu vực. Đường dây này bao gồm một băng đảng đường phố khét tiếng và những kẻ vận chuyển hàng ăn cắp về Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất