Con trai 45 tuổi trách cha vì giờ mới được cho đất thừa kế 2 tỷ: “Trẻ vất vả không cho, giờ chẳng ý nghĩa”

Người con trai buồn bã kể về giai đoạn khó khăn nhất khi lập nghiệp thời trẻ đã không có sự trợ lực từ tài sản thừa kế của cha. Dân mạng đọc xong để lại bình luận thấm thía.

23:14 26/09/2023

Có rất nhiều bài học xương máu sau khi chia tài sản cho các con. Đó là cha mẹ già sau đó phải sống trong cô độc và nghèo khó. Vì vậy, con cháu hãy tự lực vươn lên thay vì cố nhắm vào tài sản của cha mẹ để đốt cháy giai đoạn. Thực tế, có nhiều người sau khi nhận thừa kế, thay vì đốt cháy giai đoạn thì họ lại đốt cháy tài sản, mất đi sự nỗ lực, phấn đấu trong cuộc sống.

Mới đây, đọc trên VNE, tôi có thấy tâm sự của một người đàn ông kể về câu chuyện ông cảm thấy “không ý nghĩa vì tuổi 45 mới nhận đất thừa kế 2 tỷ đồng”. Thấy lòng trăn trở nên tôi muốn chia sẻ lại câu chuyện này cùng những ý kiến góp ý của dân mạng để mọi người có thêm góc nhìn trong cuộc sống.

Cụ thể, người đàn ông kể vào năm ông 45 tuổi thì được bố (khi ấy đã ngoài 70 tuổi) nhắn về quê để bàn bạc phân chia thừa kế. Theo đó, ông được bố cho miếng đất trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Thông thường, ai được cho tài sản lớn như vậy cũng sẽ vui mừng hớn hở. Thế nhưng người đàn ông này lại khác, ông cảm thấy không có ý nghĩa gì mấy ngoài việc kỉ niệm đây là đất thừa kế. Bởi miếng đất không trợ lực quá nhiều cho cuộc sống hiện tại của ông nữa.

Nhớ về quá khứ, ông kể mình lấy vợ năm 24 tuổi, cũng như các anh chị em trong nhà là ông được bố phân chia đất nhưng chỉ nói miệng, chưa làm giấy tờ gì cả nên không thể sử dụng. Khoảng chục năm sau khi kết hôn là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với ông. Tuổi trẻ tay trắng lại phải đèo bồng thêm vợ trẻ và con thơ, gia đình nhỏ dắt díu ở trọ, làm lụng vất vả ngày đêm không dám ngơi nghỉ dù chỉ 1 ngày.

Nhận thấy đi làm công ty không có dư nên ông mạnh dạn xoay vốn, tập tành kinh doanh. Nhờ chăm chỉ, cuối cùng vợ chồng trẻ cũng thành công, dư dả tiền cho con cái ăn học, lại còn mua được 1 căn nhà để ở và mua thêm 2 mảnh đất ở xa.

Vì có của ăn của để do tự mình làm ra nên ông cảm thấy mãn nguyện. Miếng đất 2 tỷ của cha đến giờ mới cho thì theo ông, cho cũng được, không cho cũng chẳng sao. Hơn nữa, nếu lúc nào đó ông cần tiền muốn về quê bán đất thừa kế đó để xoay xở thì lại mang điều tiếng là sống hời hợt, bán đất cha mẹ để lại.

Càng nghĩ, ông càng buồn và ước gì cha mẹ cho mình thừa kế miếng đất này sớm hơn, vào những năm ông còn trẻ mới lấy vợ sinh con thì đã có bàn đạp để tiến lên, đốt cháy bớt giai đoạn nỗ lực của mình, tiết kiệm thời gian, không phải quá vật vã như vậy. Kiểu như ông nghĩ, đằng nào cũng cho con thì tại sao lại không cho sớm hơn để con bớt khổ, cho vào năm 45 tuổi khi mọi thứ đã đâu vào đấy thì còn ý nghĩa gì nữa!

hình ảnh

Không biết mọi người thì sao chứ với cá nhân tôi, tôi ủng hộ cách làm của bậc cha mẹ trong câu chuyện của người đàn ông trên. Thứ nhất, tùy hoàn cảnh và tính cách mà mỗi bậc cha mẹ sẽ có cách riêng để yêu thương và hỗ trợ con cái.

Có người giúp đỡ chủ yếu về mặt tình cảm, có người lại cung cấp tài chính, mối quan hệ, có người lại để con tự lực cánh sinh… Dù bằng cách gì và sớm hay muộn thì đó cũng là lựa chọn đã cân nhắc của họ, con cái không có quyền đòi hỏi khi đã trên 18 tuổi.

Thứ hai, việc thừa hưởng tài sản lớn từ cha mẹ quá sớm rất dễ khiến người con ỷ lại, thui chột nỗ lực phấn đấu tự thân. Đôi khi trong cùng cực thì con người mới bứt phá hết cỡ để thành công. Nên cảm ơn bố mẹ vì đã cứng rắn không nuông chiều, cảm ơn cả những năm tháng khó khăn đã khiến mình trưởng thành và gây dựng của ăn của để như hiện tại thay vì quay lại trách bố mẹ cho thừa kế muộn màng. Không tài sản nào là muộn màng cả, miếng đất đó có thể để dành đầu tư, dưỡng già, hoặc như tấm bùa hộ mệnh để dành sau này cho con cháu…

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bố mẹ cũng nên tùy hoàn cảnh, tình hình mà cân nhắc hợp lý. Nếu con cái mình không phải kiểu người ăn chơi sa đọa, không biết phấn đấu, yếu kém năng lực… thì việc sớm trao cho con chút vốn, chút tài sản để hỗ trợ con làm ăn, mau chóng giàu có cũng là hợp lý.

Người lớn hay sợ con cái ra đời non yếu kinh nghiệm dễ bị lừa lọc, làm ăn thất bại nên ngại đưa tài sản cho. Họ muốn tự tay cất giữ tài sản đó để sau này cho con thì mới an tâm nên thành ra mới có những trường hợp như người đàn ông trên đây gặp phải. Theo tôi thì những ai đã và đang trong hoàn cảnh tương tự hãy cùng rút kinh nghiệm, cùng thổ lộ nguyện vọng của nhau để cân nhắc. Tránh việc im lìm, không hiểu nhau để rồi phụ huynh không tin tưởng, con cái thì thầm trách.

Tôi xin trích lại một số bình luận nổi bật của dân mạng:

– Gia đình nuôi lớn khôn nay lại cho tiền thừa kế, phải biết trân trọng!

– Không nên oán trách ba mẹ vì bây giờ mới nhận được mảnh đất thừa kế nữa! Ai dám bảo đảm rằng mảnh đất ấy sẽ là “bàn đạp để tiến lên” ở cái tuổi 24? Ai đi lên từ tay trắng mà không đổ mồ hôi nước mắt? Con cái chưa đến bước đường cùng thì ba mẹ giữ lại mảnh đất ấy như 1 khoản bảo hiểm cũng hợp lý thôi.

– 24 tuổi người ta ra trường đi làm chưa bao lâu còn cả sự nghiệp cần gầy dựng mà chú lấy vợ sinh con, phải chăm vợ con thì mất sức đúng rồi, chả biết chú trách cha mẹ cái gì nữa? Con người tham lam thật, cha mẹ nuôi lớn, lớn rồi đi làm còn nghĩ cha mẹ nên cho tiền đúng lúc.

– Mang tiếng con nhà giàu có cửa hàng buôn bán phố huyện. Tôi lấy vợ xong bố mẹ hứa vợ chồng ở làm với bố mẹ 5 năm thì cho nhà ra ở riêng. Mấy năm trời ở chung làm ko lương, mua gì tiêu gì cũng phải ngửa tay xin tiền. Làm gần được 5 năm tôi đề nghị trả lương và ra riêng thì ông bà bảo làm thêm 10 năm rồi lúc đó cho 100-200 triệu làm vốn. Thế là vợ chồng tôi dắt díu nhau bỏ xứ ra đi. Tôi đòi lại vàng cưới mãi mới được, đòi công sức gần 5 năm của 2 vợ chồng thì bố mẹ trả cho 10 triệu. Lúc đi, vợ chồng không có đủ điều kiện mang con theo phải gửi ngoại mà bố mẹ tôi chẳng trợ giúp lấy 1 đồng, những năm đầu, vợ chồng tôi còn phải chia nhau 1 phần cơm bụi, sống trọ toilet chung, không có đủ tiền gửi về lo cho con. Mà không dám mở miệng than với đời sợ miệng lưỡi người đời chê trách. Của bố mẹ thì tôi chẳng có quyền đòi hỏi nhưng nghĩ sao thấy chua xót cho đời mình.

– Bạn cần hiểu điều cơ bản là bố mẹ chỉ có nghĩa vụ nuôi con đến đủ 18 tuổi. Sau đó phải tự kiếm tiền mà bươn chải. Kể từ sau 18 tuổi, bất cứ 1 xu nào cha mẹ cho, cũng đều là phần thưởng, là quà của cha mẹ, không có quyền đòi hỏi. Bạn trách bố bạn vì nay đã thực sự già mới sang tên, vậy bạn đã chăm sóc được bố bạn những gì rồi?

– Tôi nghĩ bố bạn mới 70 tuổi đã sang tên cho các con là quá sớm. Đã có biết bao trường hợp sau khi phân chia tài sản cho con cái xong, chúng liền coi bố mẹ như gánh nặng, như cục nợ, đẩy được đi đâu là chúng đẩy. Trường hợp của bạn, sau khi đã nhận hơn 2 tỷ vẫn còn trách móc, uất ức với bố thế, thì nói thật cũng chẳng trông mong gì chăm sóc bố mẹ cả. 

– Bạn cần hiểu bây giờ việc đi làm kiếm tiền là để tích lũy tài sản chứ không có nghĩa vụ để cho con cái. Xu hướng bây giờ là tích lũy cho tuổi già sống không phụ thuộc con cái, phần thừa thì sau khi qua đời mới cho con cái.

– Ông bà để vậy là dành cho con, cho cháu. Rủi có sa cơ thất thế thì vẫn còn đường về chốn dung thân. Chứ đưa sớm để làm bàn đạp thì liệu cái bàn đạp đó có rút ngắn con đường thành công hay bỗng chốc tan thành mây khói. Bây giờ thành công thì nói gì cũng được nhưng hồi mà thất bại thì đâu có bài viết này.

– Lúc bạn 24 tuổi được thừa kế. Nó có thể rẽ bạn đi lối khác, không hẳn tốt như bây giờ. Cái tuổi đủ chín để cầm tài sản, tôi nghĩ 40-45 là đẹp. 

– Bản thân tôi sinh ra tại trung tâm thành phố, những năm trước giải phóng nhà tôi đã có TV và xe Honda. Nói vậy để bạn thấy nhà tôi, các cụ cũng tạm gọi là có điều kiện. Tuy nhiên tôi ra đời sau khi học xong đại học, bươn chải khắp nơi. Các cụ còn gàn tôi không cho mua đất, mảnh đất đầu tiên tôi mua còn phải giấu các cụ. Bản thân khi xây nhà ở riêng các cụ còn giận, tôi còn nói “hãy để con bước chân ra đời, nếu có thất bại thì vẫn quay về sống với ba mẹ được cơ mà”. Ngoảnh lại giờ tôi cũng gọi là tạm ổn, các con tôi cũng có đủ những gì mà nhiều người vẫn đang phấn đấu nhưng chúng nó cũng thấy bình thường và cũng đâu có nhu cầu. Giờ các cụ vẫn sống ở căn nhà đó và các cụ vẫn còn 1 số bất động sản nhưng anh em tôi mỗi người 1 phương và cũng không cần sự hỗ trợ của các cụ sau khi tốt nghiệp đại học. Tóm lại: hãy phấn đấu và đi bằng đôi chân của mình, không nên ỷ lại dù là chỉ ý nghĩ trong đầu.

– Nếu không cần nó, bạn có thể hiến tặng địa phương xây trường, hoặc tặng người giữ hương hoả…

– Vậy tôi hỏi bạn, khi con bạn tròn 18 tuổi bạn có chia tài sản hiện có bằng văn bản công chứng không hay vẫn giữ?

– Ba mẹ ruột tôi muốn chia thừa kế, vợ tôi nói tôi từ chối nhường hết lại cho anh chị vì tính vợ tôi chỉ thích cái mình tự làm ra. Tôi đồng ý 100% với cô ấy.

Tags:
Đình Công Tại Ba Nhà Máy Xe Hơi Lớn Nhất Nước Mỹ Sẽ Còn Kéo Dài

Đình Công Tại Ba Nhà Máy Xe Hơi Lớn Nhất Nước Mỹ Sẽ Còn Kéo Dài

Cuộc đnh công tại ba nhà máy xe hơi lớn nhất nước Mỹ sẽ còn kéo dài và thậm chí sẽ còn diễn ra tại nhiều nhà máy xe hơi khác nếu như đàm phán giữa nghiệp đoàn và công ty vẫn tiếp tục bế tắc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất