Cộng đồng da màu Dallas hoang mang sau vụ bắn tỉa cảnh sát

08:13 11/07/2016

Các nhà hoạt động vì cộng đồng người da màu tại Dallas, Mỹ đang cố gắng tìm kiếm những mối liên hệ về nghi phạm vụ tấn công cảnh sát hồi tuần trước và loại bỏ các “thuyết âm mưu”.

Những người biểu tình trong chiến dịch “Black Lives Matter” hôm 7/7 tại Dallas, sau khi xảy ra vụ bắn tỉa cảnh sát. (Ảnh: AP)

Những nghi ngờ lan truyền trong cộng đồng người da màu Dallas

Các thành viên chủ chốt của Liên minh hành động Dallas đã có buổi thảo luận tại 1 văn phòng luật sư về những gì đã xảy ra, ngay tại địa điểm chỉ cách hiện trường vụ bắn cảnh sát đẫm máu vài dãy nhà.

Hoạt động trên diễn ra một ngày sau khi cuộc tuần hành hòa bình phản đối vấn nạn bạo lực của cảnh sát đối với cộng đồng người da màu tại thành phố Dallas trở thành 1 trong những sự kiện đẫm máu nhất đối với lực lượng hành pháp kể từ vụ khủng bố 11/9.

Lãnh đạo Liên minh hành động Dallas, một trong những tổ chức chủ trì cuộc tuần hành, vẫn còn mặc chiếc áo phông có dòng chữ “Liên minh hành động Dallas”.

Họ đã xem đi xem lại các đoạn video do những người bạn ghi lại và đăng tải trên Facebook. Một người miêu tả ngoại hình của 1 người đàn ông xuất hiện dưới mặt đất, không phải là kẻ bắn tỉa, đã bắn vào cảnh sát.

Một người khác dường như muốn chỉ ra rằng hung thủ là 1 nam giới da trắng. Người khác lại nghe nói rằng có 2 hung thủ da màu mặc áo chống đạn, đã ăn cắp xe ô tô cảnh sát và bắn cảnh sát trên đường tẩu thoát.

Nhưng trên hết, mọi người đều nghĩ thật kỳ lạ vì chưa có 1 ai từng nghe nói về nghi phạm bắn tỉa với tên gọi là Micah Johnson.

Cả nhóm đã dành gần như cả nguyên ngày thứ Sáu (8/7) để xem các đoạn video nhằm tìm xem có bất cứ dấu hiệu gì của Johnson tại cuộc tuần hành hay không. Một số người thậm chí còn đoán là Johnson là người của cảnh sát cài vào cuộc tuần hành để nhận được sự cảm thông khi cuộc vận động của họ đang có sức lan tỏa mạnh tại Mỹ.

“Làm sao chúng ta biết được hung thủ chủ định chỉ nhằm vào cảnh sát da trắng? Nguồn thông tin duy nhất lại bắt nguồn từ chính những cảnh sát da trắng.

Làm sao chúng ta có thể biết là anh ta chính là thủ phạm hay anh ta có thực sự là 1 người da màu hay không vì làm gì còn dấu vết nào của nghi phạm vì robot gắn bom đã giết chết hung thủ rồi,” trích lời La’Shadion Anthony, 29 tuổi. “Đơn giản chúng tôi không tin những gì cảnh sát nói.”

Đoạn hội thoại này chỉ là một trong số nhiều thông tin lan truyền trong cộng đồng những người đấu tranh cho quyền lợi người da màu tại Dallas khi họ vẫn chưa thể tin được rằng một người Mỹ da màu đã lợi dụng cuộc tuần hành hòa bình làm nơi thể hiện kỹ năng bắn tỉa giết hại cảnh sát da trắng.

Cảnh sát Dallas cố gắng trấn an đám đông sau khi một người bị bắt trong vụ tấn công cảnh sát đẫm máu. (Ảnh: Getty)

Không khí sợ hãi và khủng hoảng niềm tin sau vụ bắn tỉa cảnh sát Dallas

Chính việc mất niềm tin vào nhà chức trách đang gây ra những nghi ngờ và quan điểm trái chiều tại thành phố đông dân thứ 4 của Mỹ.

Trong cuộc gặp mặt vào ngày thứ 6, một trong những nhà lãnh đạo của Mạng lưới hành động về thế hệ tương lai (NGAN), Dominique Torres đã phát biểu rằng:

“Đây chính là thời điểm chúng ta cần đoàn kết với nhau và có những cuộc đối thoại cởi mở. Đang tồn tại một sự mất niềm tin vô cùng lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi và những lãnh đạo cộng đồng, mục sư, quan chức cùng cảnh sát cần ngồi lại với nhau và thảo luận về những việc cần phải thay đổi.”

Một ngày sau vụ giết hại cảnh sát, cả thành phố Dallas đã chìm trong sợ hãi. Cảnh sát cẩn trọng tiến hành hoạt động tuần tra các tòa nhà xung quanh hiện trường vụ án và các địa điểm nhạy cảm khác như nhà riêng của nghi phạm nổ súng tại Mesquite.

Những người Mỹ gốc Phi cũng cảm thấy lo lắng không kém và tự hỏi liệu họ có thể tiến hành biểu tình nữa hay không.

“Một tổng thống da trắng đã từng bị ám sát ngay tại thành phố này, chỉ cách đây vài tòa nhà. Bạn nghĩ xem họ đang chuẩn bị làm gì chúng tôi,” Anthony khi đề cập vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy năm 1963.

Tổ chức NGAN dự định tổ chức một sự kiện vào tối Chủ nhật (10/7) tại Dallas và hi vọng sự kiện này diễn ra sớm hơn. Tuy nhiên, cảnh sát Dallas đã tuyên bố lực lượng của họ hiện quá mỏng và không thể tham gia bảo vệ hiệu quả được nếu sự kiện diễn ra sớm. Cảnh sát vẫn không đưa ra phản hồi nào về bình luận trên.

Các nhà hoạt động người da màu hy vọng cảnh sát Dallas nhanh chóng thay đổi để cải thiện lòng tin trong cộng đồng này. (Ảnh: Washington Monthly)

Lãnh đạo Liên minh hành động Dallas Oyinka Green, người đã phát biểu trong cuộc tuần hành hôm thứ Năm (7/7), tuyên bố đây là thời điểm cảnh sát thành phố cần phải lấy lại niềm tin của người dân.

Dù đánh giá cao nỗ lực của cảnh sát trưởng Dallas David Brown, cũng là một người Mỹ gốc Phi, về việc triển khai các dự án như “Uống cà phê với cảnh sát” và chương trình đưa cảnh sát vào các trường học thành phố, nhưng Green nhấn mạnh những dự án này có rất ít tác dụng và không nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng da màu.

Cô còn muốn cảnh sát trưởng Brown tái áp dụng “quy định 72 giờ” trong mỗi sự kiện nổ súng. Đây là quy định yêu cầu cảnh sát xem lại băng ghi hình và đọc lời khai nhân chứng trước khi đưa ra quyết định của mình.

Quy định này đã từng áp dụng cách đây 3 năm sau sự kiện một cảnh sát bắn chết một người đàn ông da màu có tiền sử thần kinh không ổn định.

Liên minh này còn mong muốn chính phủ Mỹ bãi bỏ ban hội thẩm mỗi khi có vụ án liên quan tới cảnh sát.

Họ muốn gia đình nạn nhân được quyền tự do tiếp cận băng hình ghi lại sự việc cảnh sát nổ súng mà không phụ thuộc vào ý kiến của cảnh sát. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất đó là họ muốn nhìn thấy sự ăn năn từ phía cảnh sát.

“Tôi cảm thấy mất hết hi vọng. Nếu họ có thể bắn hạ một người dân, một đứa bé dù trai hay gái, mà chẳng cảm thấy ăn năn về sai lầm của mình và vẫn vui vẻ đi nghỉ mát thì thử hỏi chúng ta nên hi vọng điều gì.”

Đối với cô Demaria Laforte, 26 tuổi, những gì diễn ra hôm 7/7 là cuộc tuần hành đầu tiên và có lẽ là cuối cùng mà cô sẽ tham gia.

Cô Laforte cũng là 1 trong số rất ít người nhìn thấy nghi phạm Johnson tại cuộc tuần hành.

Johnson lúc đó mặc 1 chiếc áo sơ mi màu tím của hãng Dashiki. Cô Laforte đã nhận ra nghi phạm sau khi nhìn thấy ảnh của tên này trên tivi. Cô cũng nhận ra nghi phạm nhờ chiếc áo sơ-mi đẹp và đắt tiền mà hắn mặc. Cô nói nghi phạm lúc đó chỉ đứng một mình và dường như đang lắng nghe các bài diễn thuyết.

“Chúng ta không thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của người dân. Kể cả khi người nào đó thần kinh không ổn định thì họ vẫn có quyền xuất hiện tại nơi công cộng. Không ai có thể biết người khác đang nghĩ gì”.

Cô Laforte nói có lẽ sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ cuộc tuần hành nào nữa.

“Tôi không muốn sống trong sợ hãi. Tôi đang chờ xem họ sẽ viết nội dung gì trên trang Facebook của Phong trào đấu tranh cho quyền lợi của người da màu tại Dallas.

Đó cũng là nguồn thông tin duy nhất mà đa số chúng tôi tin tưởng. Tôi muốn biết họ quan điểm thực sự của đại diện phong trào về sự cố này.”

Tags:
Những điều cần biết về khiếu nại tòa án di trú ở Úc

Những điều cần biết về khiếu nại tòa án di trú ở Úc

Bài viết sẽ giới thiệu về cách bạn có thể kiện lên tòa di trú để xin xem xét lại quyết định visa của bạn nếu không may bị từ chối và bạn không hài lòng với quyết định của visa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất