Cuộc sống của người Trung Quốc bị chấm điểm công dân yếu kém

Hiện 13 triệu công dân Trung Quốc mất các quyền cơ bản như tự do đi lại vì bị chính phủ chấm điểm uy tín thấp.

02:00 27/03/2019

Hành khách trên một chuyến tàu khởi hành từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Hành khách trên một chuyến tàu khởi hành từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AP.

David Kong mệt rã rời sau chuyến công tác đến Trùng Khánh vì phải ngồi tàu ghế cứng hơn 30 tiếng. Tại sao Kong không chọn đi máy bay mất khoảng ba tiếng hoặc ngồi 12 tiếng tàu tốc hành? Lý do đơn giản người đàn ông 47 tuổi này là một trong 13 triệu người Trung Quốc bị liệt vào danh sách những công dân bị chấm điểm uy tín thấp nên không được phép sử dụng "các dịch vụ chất lượng". 

Hệ thống chấm điểm uy tín của công dân được Trung Quốc xem là biện pháp khuyến khích cách hành xử đúng mực thông qua điểm thưởng - phạt. Phân loại công dân trên thang điểm từ 1 (yếu kém) đến 5 (ưu tú), hệ thống này không chỉ đánh giá mọi hành vi của người dân nơi công cộng như vượt đèn đỏ, sang đường sai luật, hút thuốc trên tàu mà còn giám sát những quyền riêng tư như thói quen mua sắm, mạng lưới giao kết bạn bè của công dân, thời gian dành cho các thú vui bị coi là không lành mạnh như chơi điện tử trên mạng, việc thanh toán hóa đơn điện, nước cũng như việc đóng khoản thuế.

Hiện hệ thống đánh giá công dân của Trung Quốc trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2020. Lúc đó, mọi công dân Trung Quốc sẽ bị chấm điểm dù muốn hay không.

Với những người bị đánh giá có "uy tín thấp", cuộc sống hàng ngày trở nên khổ sở, đúng như một tài liệu chính phủ công bố năm 2014 đề ra mục tiêu của hệ thống là "khiến những người bất tín bước một bước cũng thấy khó khăn". Họ có thể phải đi thuê nhà bằng tên của người khác hoặc bị chính họ hàng và đối tác làm ăn xa lánh. Ở một số nơi, các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông còn cài đặt một loại chuông điện thoại dành riêng cho những cá nhân bị chấm điểm uy tín thấp như là một dạng cảnh báo với những người xung quanh.  

"Việc này còn tồi tệ hơn cả ngồi tù vì ít ra án tù còn có thời hạn", anh Kong nói qua điện thoại. "Bị liệt vào danh sách này nghĩa là chừng nào tôi chưa trả được hết nợ, tên của tôi vẫn sẽ chình ình ở đó". 

Một đối tác làm ăn phát hiện ra Kong bị "hạnh kiểm yếu" không phải nhờ tra cứu hệ thống dữ liệu mà do đón anh tại ga tàu. Ở Trung Quốc, chỉ những người không có khả năng tài chính hoặc không được phép tiếp cận dịch vụ tàu cao tốc mới chọn đi tàu thường. 

Anh Kong tâm sự để trả hết nợ, anh phải thành công với công việc làm ăn kinh doanh nhưng rất khó lấy được lòng tin của các đối tác tiềm năng và khách hàng nếu như họ biết rằng chính quyền coi anh là "công dân yếu kém". Anh Kong cho biết đang cố gắng sống tiết kiệm hết mức có thể ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh với 74 USD mỗi tháng. 

Chủ nợ đương nhiên không cảm thông với tình cảnh của Kong. Họ cho rằng anh đang cố gắng trốn nợ. Trả lời phóng viên SCMP, chủ nợ khăng khăng nếu Kong có tiền đi máy bay thì thà dùng số tiền đó để trả nợ còn hơn. 

Công nghệ nhận diện khuôn mặt áp dụng rộng rãi khắp Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt áp dụng rộng rãi khắp Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Chấm điểm Uy Tín Công cộng, cơ quan chức năng đã cấm những công dân "yếu kém" lên 17,5 triệu chuyến bay và 5,5 triệu chuyến tàu cao tốc tính đến cuối năm 2018.

Anh Kong bị xếp vào danh sách "đen" những cá nhân "không đáng tin cậy" từ năm 2015, ba năm sau khi công ty xuất bản sách của anh phá sản. Kong đã vay 1,6 triệu tệ (238.000 USD) để thành lập công ty và khi việc làm ăn thất bại, anh không có cách nào hoàn trả khoản nợ trên. 

Trong khi Kong nói anh đã cố gắng hết sức nhưng không cứu vãn được công ty, các chủ nợ lại có cách nhìn hoàn toàn khác. Một người cho rằng việc kinh doanh ngay từ đầu là đã là trò lừa đảo và buộc tội Kong làm giả chứng từ sổ sách và vẽ thêm các chi phí vận hành. Kong một mực khẳng định công ty hoạt động theo cơ chế minh bạch. 

Điều mỉa mai là dù Kong cố gắng "gỡ điểm" bằng các hoạt động vì cộng đồng như hiến máu hoặc làm tình nguyện viên, anh vẫn không thể thoát được danh sách đen. "Chừng nào tôi chưa trả xong nợ, tôi còn bị coi là một kẻ gây hại cho xã hội không thể tha thứ". 

"Tôi sẽ cắn chặt răng và yên lặng chấp nhận tất cả. Một ngày khi tôi trả hết nợ, tôi hy vọng mọi người sẽ chỉ vào tôi và nói 'gã này thực ra cũng không phải là gã tồi'", Kong nói về tương lai "hoàn lương". Các chủ nợ của Kong cũng mong ngóng ngày đó không kém gì anh. 

Theo SCMP

Tags:
Phú nhị đại ngông cuồng, giàu có nhất Trung Quốc: Thấp bé vẫn 'yêu' toàn minh tinh nóng bỏng và thói ăn chơi vô lối

Phú nhị đại ngông cuồng, giàu có nhất Trung Quốc: Thấp bé vẫn 'yêu' toàn minh tinh nóng bỏng và thói ăn chơi vô lối

Tình sử của Vương Thước khiến người khác phải ngỡ ngàng với những cái tên nóng bỏng nhất làng giải trí Hoa ngữ như Châu Tấn, Phạm Băng Băng, Thang Duy, Lý Tiểu Lộ...

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất