Cựu siêu mẫu 8X Bắc Ninh sang Mỹ lấy con tỷ phú Hoàng Kiều, kể chuyện phép tắc trong nhà 750 tỷ

Bà mẹ 2 con hot đình đám mạng xã hội hé lộ, cô và các con vẫn duy trì những bữa cơm tối, có kính trên nhường dưới, ông bà thương cháu…như một gia đình Việt Nam.

20:00 01/09/2021

Rời showbiz từ hàng chục năm trước để tập trung chăm sóc gia đình nhỏ, cựu siêu mẫu Đào Lan Phương- người đẹp từng tham gia cuộc thi “Siêu mẫu Việt Nam 2004” vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ công chúng. Đặc biệt, sau khi sang Mỹ định cư, giờ là mẹ hai con và được biết đến là con dâu của tỷ phú Hoàng Kiều, cuộc sống và cách chăm con của Lan Phương càng khiến nhiều người tò mò hơn.

Nhân chuyến về Việt Nam công tác kết hợp với thăm hỏi người thân trong những ngày gần đây, bà mẹ hai con đã rất thoải mái chia sẻ về cuộc sống mà mọi người vẫn nghĩ là “sống trong nhung lụa”.

8X Bắc Ninh sang Mỹ lấy con tỷ phú Hoàng Kiều, kể chuyện phép tắc trong nhà 750 tỷ - 1

8X Bắc Ninh sang Mỹ lấy con tỷ phú Hoàng Kiều, kể chuyện phép tắc trong nhà 750 tỷ - 3

Nhiều tháng qua tình hình dịch bệnh khá phức tạp, đặc biệt là cuộc sống ở Mỹ. Điều này có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình chị không?

Không chỉ riêng Mỹ hay Việt Nam mà dịch bệnh khiến cuộc sống của cả thế giới đều có phần đảo lộn và gia đình tôi cũng không thể ngoại lệ được. Nhất là khi gia đình tôi còn định cư ở Mỹ- đất nước bị tổn hại nặng nề vì covid-19. Cũng là tình hình chung nên tôi và ông xã cũng chỉ biết sắp xếp công việc ở mức ổn định nhất có thể. Cả nhà tôi cũng hạn chế ra ngoài.  Nhiều tháng qua chủ yểu đều ăn uống, sinh hoạt tại nhà hoặc nếu có thì cũng tại nhà hàng của gia đình.

Trong suốt mùa dịch, các bé nhà chị duy trì việc học như thế nào, việc học ở nhà có ảnh hưởng nhiều đến các bé?

Dù là vẫn duy trì học online nhưng chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng vì các con không được gặp bạn bè, cũng bị hạn chế về những hoạt động khi ở trường lớp mới được tham gia. Con gái tôi vừa tốt nghiệp lớp 5 nhưng vì dịch bệnh không thể trở lại trường nên nhà trường vẫn tổ chức dạy online. Ngoài ra, bé cũng phải chủ động làm bài tập, tự học ở nhà để theo kịp bài vở. Còn con trai 5 tuổi thì bé vẫn có cô giáo đến nhà dạy kỹ năng và văn hoá.

Ở môi trường nước ngoài, các bé được tự do thể hiện sở thích và có rất nhiều điều kiện để phát triển những năng khiếu riêng. Với các bé nhà chị, chị có hướng con theo một bộ môn nào không?

Đúng là ở trường có nhiều môn năng khiếu cho các con chọn, cũng chính vì điều này mà vợ chồng tôi rất yên tâm để thầy cô định hướng cho các con những môn phù hợp với khả năng và sở thích từng bé. Còn với tôi và ông xã, chúng tôi đều nhất quán trong việc học tập của con. Không chỉ với những môn năng khiếu đâu mà cả học văn hoá cũng vậy, vợ chồng tôi không bao giờ đặt áp lực điểm số hay thành tích lên vai con. Chỉ cần điều các con lựa chọn là hợp lí thì bố mẹ luôn ủng hộ.

Mọi người vẫn có suy nghĩ con nhà giàu sẽ là học trường quốc tế, ở biệt thự, quần áo hàng hiệu... những điều đó có đúng với nhà chị không?

Thật ra vẻ bề ngoài chưa bao giờ là thước đo để có thể đánh giá sự giàu - nghèo, tốt - xấu của bất kì ai. Mọi người cứ mặc định giàu là sẽ hàng hiệu, là phải đắt tiền… nhưng nhà tôi rất đơn giản và không hề có nguyên tắc nào về vấn đề vật chất hay bề ngoài. Nhà tôi đều trên tiêu chí cái gì đẹp, phù hợp thì chọn.

Các con tôi được toàn quyền chọn những gì chúng thích và từ nhỏ đã được bố mẹ dạy không phải món gì cứ đắt thì mặc định nó sẽ đẹp. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, có những món thời trang dù chỉ là hàng may nhưng chỉ cần vừa mắt mình thì tôi sẽ mặc đi khắp nơi, nhiều khi còn thích hơn những món đồ hiệu đắt đỏ.

Ông xã tôi lại càng là một người đơn giản hơn, anh chẳng bao giờ màng đến chuyện phải đi xe xịn cỡ nào, quần áo, phụ kiện hiệu nào... Có thể nói, mọi thứ xung quanh gia đình 4 người chúng tôi đều rất tự nhiên, đơn giản và chỉ xuất phát từ sở thích cá nhân của mỗi thành viên thôi.

Tuy là sống đơn giản nhưng con trẻ thì nhiều khi vẫn chưa hiểu được giá trị của những món đồ chúng thích. Chị có đặt nguyên tắc gì trước khi đáp ứng nhu cầu của con không?

Tính cách tôi từ trước khi lấy chồng và đến bây giờ vẫn vậy, sống cần kiệm và khá cân nhắc trong việc chi tiêu. Tôi không bao giờ có suy nghĩ chỉ vì hiện tại mình có dư mà cho phép bản thân có thể hoang phí. Tôi cũng luôn lấy đó để dạy 2 con, ngoài kia còn rất nhiều mảnh đời khó khăn nên các con cần biết quý trọng những gì mình đang có.

Các con có lẽ cũng hiểu quan điểm sống của mẹ nên chỉ xin những gì con thực sự rất thích. Còn giá tối đa cho 1 món đồ tôi sẽ tặng cho con sẽ chỉ nằm trong khoảng 1 vài trăm đô.

Công việc của chị phải đi công tác khá nhiều, vậy việc chăm các bé sẽ thế nào?

Tôi cảm thấy mình rất may mắn và có thể tự hào gọi ông xã là người chồng lý tưởng. Anh không chỉ ủng hộ và tạo điều kiện hết mức để tôi phát triển công việc của mình mà còn là người cha tâm lí, vô cùng yêu các con. Từ khi tôi sinh các bé, ông xã đã giúp tôi rất nhiều trong việc nuôi dạy con nên bây giờ cũng vậy, mỗi khi tôi vắng nhà cũng đều yên tâm vì chồng đảm đang lắm (cười).

Vợ chồng chị đều bận rộn với công việc như vậy, chắc hẳn các con chị đã được rèn luyện tính tự lập từ bé?

Anh Sammy là người Mỹ nên cách dạy con của anh cũng ảnh hưởng rất nhiều từ văn hoá phương Tây. Sự tự do và tự lập là phần tính cách đầu tiên tôi và ông xã rèn luyện cho con từ khi các bé còn rất nhỏ. Đứa trẻ nào cũng cần có quá trình được dạy dỗ và để những điều đó trở thành thói quen nên bây giờ cả hai con đều có thể tự lập mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ.

Chị hai tuy mới hơn 10 tuổi nhưng có thể một mình làm tất cả mọi thứ, thậm chí còn biết chăm sóc em nữa. Cũng chính vì vậy mà tôi rất yên tâm khi xa nhà, có những lần về Việt Nam cả tháng thì vẫn thoải mái tập trung lo công việc vì biết chồng con mình ở cách nửa vòng trái đất vẫn vui khỏe, bình an.

Nhiều người nổi tiếng khi thuê người giúp việc hay bảo mẫu cho các con sẽ đặt ra nhiều yêu cầu và sẵn sàng trả mức lương lên đến trăm triệu mỗi tháng. Nhà chị thì sao?

Với tính chất công việc của vợ chồng tôi thì chúng tôi cũng phải cần đến sự trợ giúp của người giúp việc để chu toàn việc nhà và con cái. Tuy nhiên, giúp việc của nhà tôi cũng là họ hàng trong gia đình và chủ yếu vẫn là giúp đỡ nhau là chính nên tôi không bị đặt nặng vấn đề tiền bạc.

Chị nghĩ thế nào về quan niệm dạy con của người Việt Nam: “Thương cho roi cho vọt?”. Chị có phải là người mẹ nghiêm khắc với các con không?

Mọi người cũng biết ở Mỹ họ nâng niu trẻ em như thế nào, có thể ở Việt Nam thì cách dạy con sẽ khác nhưng ở Mỹ mà như thế là đi tù đấy (cười). Vợ chồng tôi cũng chưa bao giờ dùng đòn roi với con, nhất là anh Sammy còn là người cực kì yêu con nữa nên sẽ không có chuyện đó xảy ra. Tôi thấy may mắn vì hai bé khá ngoan, ví dụ có đòi mẹ món đồ gì hay tỏ vẻ không hài lòng về điều gì đó thì chỉ cần mẹ nói nghiêm vài câu là cô cậu hiểu ý ngay, không cãi lại hay ăn vạ bố mẹ.

Số đông đều cho rằng con dâu tỷ phú, cháu nội tỷ phú thì sẽ sống trong nhung lụa, đẳng cấp và cuộc sống cũng chẳng giống mặt bằng chung. Thực tế với gia đình chị thì thế nào?

Thực tế nhà tôi rất ấm áp và gần gũi, các thành viên đều có sự gắn kết với nhau. Chiều nào ông bà, cha mẹ và các cháu cũng họp mặt nấu nướng, ăn cơm cùng nhau. Cuối tuần thì cả nhà 3 thế hệ đi shopping, cà phê, ăn uống… Đến kỳ nghỉ thì đại gia đình cùng đi nghỉ mát, tạo nên kỳ nghỉ thú vị bên nhau và cũng để các thành viên có thêm những kỉ niệm đẹp bên gia đình.

Tôi thấy tuy ở Mỹ, xa quê hương nhưng nhờ vẫn sống gần ba chồng, các cháu vẫn cảm nhận được tình cảm giữa ông bà với cháu mà cuộc sống trôi qua rất êm đềm và ý nghĩa. Và cũng không có sự khác biệt nào cả vì nhà tôi cũng chú trọng văn hoá Việt, bữa cơm gia đình, trong nhà phải có phép tắc, kính trên nhường dưới, và sự quan tâm thật lòng dành cho nhau.

Ưu tiên số 1 trong nhà tôi chính là giờ sinh hoạt chung của gia đình. Mỗi dịp lễ tiệc, sinh nhật là không ai vắng mặt, tất cả mọi người sum vầy và đều coi gia đình là điều quý giá nhất, có ở Mỹ thì chúng tôi vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam.

Ông bà nội - ngoại có bao giờ can thiệp vào việc dạy con của vợ chồng chị không?

Trong nhà, ông nội là người thương các cháu nhất, ông sắm đồ cho con cháu không tiếc thứ gì. Tuy nhiên cũng cũng chỉ dừng lại ở việc ông yêu thương con cháu thôi còn việc dạy con thì cả nội và ngoại không bao giờ có ý kiến. Đối với ông bà đây là bổn phận và trách nhiệm của vợ chồng tôi. Ở khoản này tôi tự thấy mình may mắn vì tôi biết nhiều chị em làm dâu rất khổ tâm và khó xử vì sự góp ý của cha mẹ chồng.

Các mẹ bỉm đều rất ngưỡng mộ chị vì có body chuẩn dù đã qua 2 lần sinh nở, chị có thể chia sẻ một chút về bí quyết lấy lại dáng sau sinh và giữ nhan sắc tươi trẻ như hiện tại?

Việc giữ gìn vóc dáng với tôi như một sở thích từ khi tôi chưa lấy chồng. Sau sinh thì có lẽ một phần do cơ địa của mỗi người sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc lấy lại dáng nhanh hay chậm. Ngoài ra khi đã có body cân đối, tôi sẽ cố gắng giữ tỉ lệ 3 vòng và đặc biệt chú ý đến vòng eo vì eo thon gọn thì dù có tăng vài cân, body vẫn không mất đi sự cân đối.

8X Bắc Ninh sang Mỹ lấy con tỷ phú Hoàng Kiều, kể chuyện phép tắc trong nhà 750 tỷ - 13

Còn nói về bí quyết của tôi trong việc níu giữ nhan sắc tươi trẻ thì vì tôi khá chăm chút cho làn da của mình. Tôi hay nghiên cứu các công nghệ tiên tiến trong việc chăm sóc da, lúc nào có thời gian là đi làm trẻ hoá da ngay. Mỗi ngày tôi cũng dành ra khoảng 2 giờ để chạy bộ và tập yoga. Tập luyện thể thao mỗi ngày không chỉ để giữ vóc dáng mà còn để rèn luyện sức khoẻ, giảm stress và giúp mình nạp thêm năng lượng tích cực trong cuộc sống.

Và điều đặc biệt nhất chính là sự vui vẻ, yêu đời. Với những người thân thiết với tôi đều biết tính cách tôi khá thoải mái, tôi hay cười và cũng có thể làm cho người khác cười. Mỗi ngày đều bắt đầu bằng một nụ cười, tôi tin là cuộc sống của chúng ta sẽ thú vị và tích cực hơn rất nhiều.

Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị này!

Tags:
Nem rán – món ăn Việt phổ biến ở Senegal

Nem rán – món ăn Việt phổ biến ở Senegal

Câu chuyện về nửa thế kỷ chiến tranh và chủ nghĩa thực dân đằng sau một món ăn vặt phổ biến ở Senegal.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất