da

  • Dầu mỏ – vũ khí cũ trong thời đại mới

    Dầu mỏ – vũ khí cũ trong thời đại mới

    Quyền lực năng lượng (energy power) nằm giữa hai thái cực trên. Nó có thể mang tính cưỡng ép, với trường hợp cấm vận dầu mỏ. Chính việc này đã buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán và vừa chấp nhận thu hẹp chương trình hạt nhân, để đổi lấy việc được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã vắt kiệt kinh tế nước này hàng thập kỷ qua. Sức mạnh năng lượng dường như là công cụ rất được ưa chuộng của Mỹ, Ảrập Xêút và nhiều quốc gia khác. Sự kiện đáng nhớ nhất của việc sử dụng “vũ khí dầu mỏ” là vào năm 1973. Khi đó, các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng xuất khẩu nhiên liệu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu, nhằm trừng phạt cho sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ảrập, dẫn đầu bởi Ai Cập – Syria. Lượng dầu bị cắt giảm tương đương 7% sản lượng thế giới thời kỳ đó. Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên quy mô toàn cầu. Tháng 10/1973, giá dầu từ 3,01 USD nhảy lên 5,11 USD một thùng, và tăng đến gần 12 USD vào giữa 1974. Nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng cao đã gây ra cảnh hàng người dài dằng dặc chờ đợi trước các cây xăng. Trong thời gian khủng hoảng, tại nhiều bang ở Mỹ, mỗi người dân chỉ được phép mua một lượng nhiên liệu nhất định. Giá đã tăng trung bình 86% chỉ trong vòng một năm từ 1973 đến 1974. Suy thoái và lạm phát lan rộng gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu cho tới tận thập niên 1980. Sự kiện này đã thay đổi đáng kể chính sách ngoại giao của Mỹ. Năm 1973, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã phải cử Ngoại trưởng Henry Kissinger sang Ảrập Xêút để thương lượng, đảm bảo việc này không bao giờ tái diễn với Mỹ. Đến năm 1976, hai nước đạt thỏa thuận. Theo cuốn “The Colder War” của tác giả Marin Katusa, người Ảrập đã đồng ý cung cấp cho Mỹ đủ lượng dầu theo yêu cầu, và tăng giảm sản xuất theo lợi ích của Mỹ. Đồng thời, họ cũng sẽ tái đầu tư lợi nhuận vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ bảo vệ Ảrập Xêút khỏi các đối thủ Ảrập khác, bảo vệ các giếng dầu của nước này, và bảo vệ họ khỏi sự xâm lược của Israel. Washington sau đó cũng thực hiện hàng loạt biện pháp để dập tắt vũ khí dầu mỏ và ngăn các nước tái sử dụng. Trong đó có tăng sản xuất dầu trong nước và lập một thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau, do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) giám sát, yêu cầu các nước tham gia chia sẻ dầu với các thành viên khác chịu cấm vận. Dù vậy, sau này, chính Mỹ lại tận dụng dầu mỏ để làm vũ khí chống lại các quốc gia khác. Theo CNN, năm 1979, Mỹ bắt đầu cấm vận Iran khi các sinh viên tham gia cách mạng nước này tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ hàng chục nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin. Đến năm 2010, khi quan hệ của Iran với quốc tế căng thẳng do chương trình hạt nhân của nước này, Mỹ cùng Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng thêm hàng loạt lệnh trừng phạt. Trong đó có cấm nhập khẩu, mua bán và vận chuyển dầu mỏ – khí đốt từ Iran. Các công ty trong nước cũng bị cấm cung cấp thiết bị và kiến thức chuyên môn để Iran vận hành ngành hóa chất, dầu khí. Hậu quả của những biện pháp này là từ một nước xuất khẩu 5,4 triệu thùng mỗi ngày năm 1978, đến năm 2013, con số này chỉ còn 700.000 thùng. Doanh thu bị mất từ dầu mỏ năm 2011 ước tính lên tới 95 tỷ USD. GDP Iran năm 2012 thậm chí tăng trưởng âm 1,9%, BBC cho biết. Thiệt hại khổng lồ đã buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán với 6 cường quốc. Năm ngoái, hai bên đã ký được thỏa thuận hạt nhân. Các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân. Đến cuối tuần trước, thỏa thuận này đã chính thức có hiệu lực. Vài năm trở lại đây, cuộc chiến dầu mỏ cũng ngày càng trở thành đề tài nóng trên thế giới. Từ 115 USD mỗi thùng hồi tháng 6/2014, giá dầu thô hiện chỉ còn gần 30 USD. Một phần nguyên nhân là kinh tế thế giới trì trệ, khiến tiêu thụ dầu giảm hơn dự kiến. Lý do khác là OPEC sản xuất nhiều hơn nhu cầu thị trường. Tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng tử Ảrập- Salman bin Abdulaziz Al Saud. Ảnh:Reuters Tuy nhiên, “thủ phạm” chính lại là những ông trùm dầu mỏ ở Bắc Dakota và Texas của Mỹ. Giai đoạn 2010-2014, khi giá dầu luôn dao động quanh 110 USD mỗi thùng, họ đã tìm ra cách khai thác dầu từ đá phiến – điều trước đây được coi là bất khả thi. Từ năm 2010, những ông trùm này đã khai thác khoảng 20.000 giếng dầu mới, gấp 10 lần Ảrập Xêút, giúp nâng sản lượng dầu của Mỹ thêm một phần ba. Hiện tại, Mỹ đã là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, với 14 triệu thùng một ngày, cao hơn Ảrập Xêút (11,6 triệu thùng),Telegraph cho biết. Cuộc chiến sản xuất dầu giữa Mỹ và Trung Đông đã khiến cả thế giới chuyển từ trạng thái thiếu sang thừa dầu. Trong quá khứ, với những tình huống thế này, Ảrập Xêút sẽ giảm sản lượng để nâng giá dầu. Nhưng lần này, họ lặp đi lặp lại tuyên bố rằng sẽ không cắt giảm để bảo vệ thị phần, và rằng nếu chỉ mình OPEC thực hiện việc này là điều không công bằng. Giới phân tích cho rằng một mặt, Ảrập Xêút muốn tận dụng thời cơ này để đánh bật các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ ra khỏi thị trường. Nhưng mặt khác, họ muốn gây tổn thương cho Iran và Nga. Vì Nga ủng hộ Syria, còn Iran luôn được coi là kẻ thù của Ảrập Xêút tại Vùng Vịnh. Nói cách khác, nước này có cả động cơ chính trị và kinh tế để giữ giá dầu thấp. Thậm chí, cú giáng vào dầu đá phiến chỉ là “một tác dụng phụ tuyệt vời của động thái đánh Iran và Nga”, Michael Moran – Giám đốc phân tích rủi ro toàn cầu của Control Risk nhận xét trong hội thảo năm 2014 của Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài (OPC). Ông cho rằng, không hành động thực ra là động thái rất thông minh của người Ảrập Xêút. Giá dầu càng xuống thấp, các bước đi của họ càng được chú ý, và vai trò siêu cường dầu mỏ lại càng được củng cố. Bên cạnh đó, động thái này cũng được cho là không tác động tiêu cực đến quan hệ đồng minh với Mỹ, cả về chính trị và chiến lược dầu mỏ. Vì rất nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ là các hãng nhỏ, độc lập, chứ không phải các đại gia, như Exxon Mobil. Giá dầu giảm đang tác động rất mạnh lên kinh tế Nga. Gần một nửa nguồn thu của Chính phủ Nga đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Giá dầu thấp lại diễn ra trong bối cảnh Nga đang gánh đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngân sách của Nga đang được xây dựng trên cơ sở giá dầu 50 đôla một thùng. Nhưng hiện tại giá chỉ còn gần 30 USD. IMF dự báo GDP của Nga giảm 3,8% trong năm 2015 và còn giảm thêm 0,6% nữa trong năm nay. Ngoài Nga, hàng loạt quốc gia khác, như Nigeria, Venezuela, Iraq, hay thậm chí chính Mỹ và Ảrập Xêút cũng đang chịu tác động từ giá dầu giảm. Nhưng trong bối cảnh Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã kéo dài 40 năm qua, Iran được gỡ bỏ cấm vận quốc tế, còn mâu thuẫn nội bộ OPEC ngày càng sâu do căng thẳng ngoại giao Iran – Ảrập Xêút, cuộc chiến giá dầu chưa biết khi nào sẽ chấm dứt. Phong Linh/Theo VnExpress

  • Hai binh sĩ Trung Quốc đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ
  • Bánh kẹo Trung Quốc gắn mác đặc sản Việt
  • Kẻ ủng hộ IS tấn công website đại học hàng đầu Trung Quốc

    Kẻ ủng hộ IS tấn công website đại học hàng đầu Trung Quốc

    Theo SCMP, tin tặc đã đăng một bức ảnh và một đoạn ghi âm ủng hộ chiến tranh lên trang web dành cho giáo viên và sinh viên của đại học Thanh Hoa.  Thông điệp bằng tiếng Anh trên trang viết: “Mọi thứ đã kết thúc êm đẹp. Nếu không êm đẹp, thì đây chưa phải là kết thúc”. Phía dưới, kẻ này ký tên là “Hacker Nhà nước Hồi giáo”. Một nhân viên trung tâm quản lý máy tính của trường đại học Thanh Hoa xác nhận về vụ việc nhưng từ chối hé lộ chi tiết.  Đây là lần đầu tiên tin tặc được cho là dính líu tới IS tấn công một trang web ở Trung Quốc. Trang web đã bị nhà trường đóng cửa để “ngăn chặn thông điệp trên phát tán rộng hơn”. Đại học Thanh Hoa là một trong những đại học quốc gia nổi tiếng ở Trung Quốc và liên quan đến nhiều dự án nghiên cứu về quốc phòng cũng như an ninh quốc gia. Trang web của trường thường xuyên là mục tiêu của các vụ tấn công mạng. Ngôi trường còn là một trong những cái nôi công nghệ thông tin ở Trung Quốc với một trong những nhóm kỹ thuật an ninh mạng mạnh nhất. Một kỹ thuật viên của trường cho rằng hacker IS khó có thể đủ trình độ phá vỡ được bức tường lửa của trang web đại học Thanh Hoa, nhưng mật khẩu của nó không đủ mạnh, gây ra lỗ hổng an ninh.  Chính phủ Trung Quốc cáo buộc phiến quân Hồi giáo đứng sau các vụ bạo lực ở khu vực Tân Cương trong những năm gần đây có dính líu tới IS. IS hồi năm ngoái đã tuyên bố xem Trung Quốc là một trong 18 quốc gia thù địch. Phong Linh/Theo VnExpress

  • Đặc nhiệm Anh mặc váy, giả gái đánh thẳng vào sào huyệt IS

    Đặc nhiệm Anh mặc váy, giả gái đánh thẳng vào sào huyệt IS

    Những người hùng của lực lượng đặc nhiệm SAS (Anh) không ngại mặc váy, cải trang thành vợ của các chỉ huy cấp cao thuộc tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria để trà trộn vào Raqqa và tiêu diệt chúng.

  • Hàng không Thái Lan xin lỗi du khách vì có rắn trên xe đẩy hành lý

    Hàng không Thái Lan xin lỗi du khách vì có rắn trên xe đẩy hành lý

    Nhiều du khách tại sân bay Thái Lan mới đây đã có phen hết hồn khi phát hiện có rắn quấn trên tay cầm của xe đẩy hành lý. Sân bay quốc tế chính của Bangkok đã phát đi lời xin lỗi sau khi một con rắn đã được tìm thấy trên xe đẩy hành lý tại sảnh đến và khiến nhiều hành khách kinh hãi.

  • Các sân bay Hàn Quốc bị đe dọa nặc danh cho nổ tung

    Các sân bay Hàn Quốc bị đe dọa nặc danh cho nổ tung

    7g30 sáng ngày 15/1, sân bay quốc tế Gimpo, Hàn Quốc đã nhận được một cuộc gọi nặc danh đe dọa đánh bom tất cả các sân bay của nước này, hãng thông tấn Yonhap vào cùng ngày đưa tin.

  • 46 khách du lịch Việt biến mất trên đảo Jeju

    46 khách du lịch Việt biến mất trên đảo Jeju

    Nhóm khách Việt Nam tới Hàn Quốc không có thị thực vừa biến mất ở đảo nghỉ dưỡng Jeju.

  • Nội chiến Syria khiến người dân trở thành “xác chết di động"

    Nội chiến Syria khiến người dân trở thành “xác chết di động"

    Cuộc nội chiến Syria kéo dài suốt mấy năm qua đã đẩy hàng nghìn người dân Syria đến nạn đói tồi tệ nhất từ trước đến nay. Trò chuyện cùng Guardian qua điện thoại, Louay, một nhân viên xã hội làm việc tại thị trấn Madaya, cách thủ đô Damacus của Syria vài km, thều thào sau thời gian dài nhịn đói: “Mọi người đang chết dần, chết mòn. Giá thực phẩm và gạo thì trên trời nếu tìm được chỗ mua. Tôi đã chứng kiến người ta giết mèo để ăn. Hết chó mèo thì người ta vặt trụi lá cây trong một thị trấn để lót dạ”. Thị trấn nhỏ bé này đã mặc kẹt trong cuộc nội chiến đẫm máu và khốc liệt một thời gian dài. Nguồn cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm gần như bị cắt đứt.

  • Indonesia: Nổ và đấu súng ở Jakarta

    Indonesia: Nổ và đấu súng ở Jakarta

    Theo nhân chứng của hãng tin Reuters, đã có 3 người thiệt mạng và cuộc đọ súng vẫn đang diễn ra ở trung tâm Jakarta. Theo tài khoản mạng Twitter của cảnh sát Jakarta, một vụ nổ đã xảy ra bên ngoài trung tâm mua sắm Sarinah. Còn theo kênh Channel News Asia (Singapore), xảy ra nhiều vụ nổ bom ở một đồn cảnh sát gần trung tâm mua sắm Sarinah ở Jakarta, làm 2 người thiệt mạng (trong đó có 1 cảnh sát). Nhân viên an ninh đã phong tỏa khu vực để điều tra thêm.