Dấu ấn tuần qua: Mỹ gửi thông điệp ‘không thể nhầm lẫn’ tới Trung Quốc về Biển Đông
Những chuyến bay liên tiếp của quân đội Hoa Kỳ tới Biển Đông, chưa kể cuộc tập trận hải quân với đồng minh Nhật Bản trong tuần qua, là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang gửi đi một “thông điệp không thể nhầm lẫn” tới Trung Quốc, theo Business Insider.
12:00 02/09/2018
Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông hôm thứ Sáu (31/8) với Nhóm chiến đấu Escort Flotilla 4 của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản, theo thông báo trên trang web của hải quân Mỹ.
Trước đó, hai chiếc B-52 của Mỹ đã tiến hành các bài tập ở Biển Đông vào hôm thứ Năm (30/8), theo dữ liệu mới nhất của Aircraft Spots, trang web chuyên đưa tin về các máy bay quân sự. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) đã xác nhận điều này trong một tuyên bố công khai về chuyến bay theo đề nghị của Business Insider.
Thông tin trên có nghĩa là các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ đã hoạt động hai lần trên Biển Đông trong tuần qua. PACAF cho biết có 2 máy bay B-52 khác đã thực hiện sứ mệnh “Hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) cùng Phi đội Ném bom Viễn chinh (EBS) số 96 ở Biển Đông vào ngày 27/8.
Không rõ liệu các máy bay ném bom có bay qua các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trong khu vực hay không. PACAF từ chối cung cấp thông tin về vấn đề này, trích dẫn “các mối quan ngại về an ninh hoạt động”, theo Business Insider.
Các máy bay và tàu chiến của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đã tăng cường hoạt động trên Biển Đông trước mối đe dọa về sự bành trướng và kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển có những tuyến đường thủy quốc tế quan trọng.
Ngày 22/8, một máy bay ném bom B-52 rời khỏi căn cứ không quân Andersen ở Đảo Guam đã tham gia vào một nhiệm vụ đào tạo CBP ở Biển Đông, theo thông tin từ bộ phận quan hệ công chúng của PACAF tiết lộ với Business Insider.
Ngày 1/8, hai chiếc B-52 của EBS 96 đã tham gia các bài tập huấn luyện chung chống tàu ngầm cùng với hai chiếc phi cơ P-8 Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông, PACAF cho biết trong một tuyên bố chính thức. Thiếu John Radtke, người lên kế hoạch cho EBS 96 cho biết hoạt động triển khai này giúp “tăng cường sự sẵn sàng của chúng tôi trong việc đảm nhận [vai trò là] sự hiện diện và lực lượng ngăn chặn đáng tin cậy trong khu vực”.
Vào đầu tháng 6, một cặp B-52 đã bay qua Biển Đông, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ “chạy tán loạn” trong khu vực, theo Business Insider. Không quân Mỹ cũng đã cử những máy bay B-52 tới Biển Đông vào cuối tháng 4.
Thông điệp “không thể nhầm lẫn”
Theo Business Insider, các chuyến bay của Hoa Kỳ được tiến hành trên Biển Đông là một phần sứ mệnh “Hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm tăng cường sự răn đe của Mỹ khi đối mặt với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc. Tờ báo này cho rằng các hoạt động của máy bay ném bom của Mỹ tại Biển Đông trong tuần qua là thông điệp “không thể nhầm lẫn” nhắm vào Bắc Kinh.
Tin tức về các chuyến bay của Mỹ tại các vùng biển tranh chấp xuất hiện ngay sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Báo cáo đặc biệt lưu ý rằng các máy bay ném bom của Trung Quốc đang hoạt động với tần suất gia tăng phía trên các vùng biển trong khu vực.
“[Quân đội Trung Quốc] đã nhanh chóng mở rộng các khu vực hoạt động của máy bay ném bom phía trên các vùng nước, giành lấy trải nghiệm tại các vùng biển quan trọng và có khả năng đang huấn luyện cho các cuộc tấn công chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh”, báo cáo giải thích. “Quân đội Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mình vượt quá chuỗi đảo đầu tiên, thể hiện khả năng tấn công các lực lượng Mỹ và đồng minh, cũng như các căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Đảo Guam.”
Động thái của quân đội Hoa Kỳ cho thấy quan điểm cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump trong lĩnh vực quân sự khi đối diện với những tham vọng của Trung Quốc. Quan điểm này là một khác biệt lớn so với chính quyền tiền nhiệm Obama.
Cựu Tổng thống Obama bị chỉ trích về quan điểm mềm mỏng với Trung Quốc khi không cho phép hải quân Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times). Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.
Một số cuộc tuần tra được thực hiện dưới thời Obama cũng phải xin phép tổng thống từng lượt, từng lượt. Ngược lại, vào tháng 7/2017, vài tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã phê duyệt kế hoạch cho hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong vòng một năm mà không cần xin phép.
Video: Thành tựu của Tổng thống Trump trong năm đầu nhậm chức
Các cuộc diễn tập cũng thể hiện với Trung Quốc tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do”, một tầm nhìn có sự đồng thuận từ các đồng minh của Mỹ và được cho là trái ngược với những kế hoạch của Bắc Kinh cho khu vực, theo Business Insider.
Chính quyền Trump đã đề xuất chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực, đặc biệt là với Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó có Biển Đông, tờ báo nhận định. Sau khi các báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc đã triển khai công nghệ gây nhiễu sóng, tên lửa hành trình chống tàu, tên lửa đất đối không, và thậm chí cả các máy bay ném bom hạng nặng trên các tiền đồn mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Trung Quốc đang “đe dọa và ép buộc” các nước trong khu vực.
Trong khi Hoa Kỳ liên tục thực hiện các chuyến bay quân sự thách thức trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, kênh tuyên truyền Global Times của Bắc Kinh đặt ra nghi vấn rằng những diễn biến này là nhằm gây áp lực với Trung Quốc về tranh chấp thương mại giữa hai nước.
“Mỹ đang cố gắng gây áp lực nhiều hơn đối với thương mại của Trung Quốc bằng cách cử máy bay ném bom B-52 tới Biển Đông?”, tờ Global Times của Trung Quốc đặt câu hỏi trong một bài xã luận ngày 30/8, sau khi hai chiếc máy bay Mỹ tiến hành các bài tập ở Biển Đông.
Ngoài những diễn biến trên Biển Đông, chính quyền Trump cũng khiến Bắc Kinh phải lao đao khi ông đưa ra những chính sách thương mại mạnh mẽ nhằm “lấy lại công bằng” cho các doanh nghiệp Mỹ, chống lại một Trung Quốc mà ông nhiều lần cáo buộc là “ăn cắp tài sản trí tuệ” Mỹ.
Cũng trong tháng 8, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), một chính sách được đánh giá là toàn diện, “giáng một đòn mạnh” tới hàng loạt tham vọng của Bắc Kinh, từ Biển Đông đến thương mại và hoạt động tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những động thái của Mỹ trên Biển Đông trong tuần qua một lần nữa củng cố thêm bức thông điệp tổng thể của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh, mạnh mẽ chưa từng có trong suốt 8 năm của người tiền nhiệm Obama, cũng như bất kể tổng thống nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ.
Mai Lan
Nữ diễn viên Mỹ nổi tiếng bị cảnh sát b.ắn ch.ết vì nhầm lẫn
Vanessa Marquez - nữ diễn viên phim "ER" đã bị cảnh sát bắ.n ch.ết vì nhầm tưởng cô cầm sú.ng chĩa về phía họ.