Đi nước ngoài làm bậy: Bất trị!
Chưa tìm được cách ngăn ngừa người ra nước ngoài buôn lậu, trộm cắp hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục nước sở tại nên chúng ta sẽ còn xấu mặt dài dài
10:28 14/08/2023
Vụ 2 du khách Việt bị bắt khi ăn cắp ở Thụy Sĩ vừa qua không phải là cá biệt. Trong quá khứ, một số phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines (VNA) cũng đã bị cảnh sát các nước bắt do vận chuyển, buôn bán hàng lậu.
Nhục nhưng bí cách ngăn chặn
Tháng 3-2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của VNA bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá 125.000 yen. Trước đó, tháng 6-2010, cơ quan chức năng Úc đã bắt giữ 7 tiếp viên cả nam và nữ của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại đắt tiền về Việt Nam.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Changi (Singapore). (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Tháng 11-2008, VNA đã buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt - bị bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc. Dính líu đến đường dây rửa tiền này, một phi công khác của VNA là Trần Đình Đang cũng bị an ninh Úc bắt tại sân bay do mang ngoại tệ vượt quá quy định (quá 10.000 USD). Phi công Trần Đình Đang đã bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đô-la Úc về Việt Nam...
Không chỉ “dân hàng không”, đã có nhiều người là người có chức quyền khi đi du lịch nước ngoài cũng sinh tật trộm cắp và bị cầm giữ. Về tình trạng này, nhiều công ty du lịch nói họ “cảm thấy xấu hổ nếu du khách đó ở trong đoàn của mình”. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho rằng việc du khách đi nước ngoài ăn cắp là đáng báo động và để lại hình ảnh rất xấu về người Việt Nam trong mắt bạn bè nước ngoài. Ở các nước phát triển, các trung tâm mua sắm đều có trang bị hệ thống camera, gắn chip lên sản phẩm hàng hóa rất tinh vi, qua đó mọi hành vi gian lận của khách hàng đều bị phát hiện.
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty CP Du lịch Thanh niên Xung phong, mỗi lần đưa khách ra nước ngoài, hướng dẫn viên công ty ông đều phải nhắc nhở về yếu tố an toàn, không xả rác, nhai chewing gum, khạc nhổ hoặc ăn cắp, nhất là đi du lịch ở Singapore. “Nói nhiều thì du khách tự ái nhưng cảnh báo vẫn hơn không” - ông Trường nói.
“Bị phát hiện ăn cắp, không chỉ du khách bị bồi thường thiệt hại mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các công ty du lịch, hình ảnh người Việt. Lâu nay, trong quy định khi bán tour cho du khách không đề cập đến tình huống này, giờ ngành du lịch có nên bổ sung quy định cam kết du khách không được ăn cắp? Thậm chí, du khách ăn cắp một lần có thể bị đưa vào hệ thống, lưu hồ sơ để tất cả công ty du lịch khác sẽ không bán tour lần sau” - ông Trần Văn Long đề xuất.
Liên quan đến việc Singapre từ chối nhập cảnh khách nữ Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam cho biết đã nhiều lần lên tiếng đề nghị phía Singapore đưa ra lý do cụ thể để các hãng có thông tin sàng lọc khách, từ chối chuyên chở từ Việt Nam nhưng phía Singapore chưa một lần phản hồi. Các thông tin không chính thức phía công an cửa khẩu Singapore đưa ra chỉ chung chung là “khách không có tiền, không biết tiếng Anh”. Chỉ khi chuyến bay hạ cánh, hãng mới biết và phải có nghĩa vụ chuyên chở những khách bị cấm đó quay trở lại Việt Nam, đến cuối tháng phải ứng tiền nộp phạt và một số loại phí thay cho khách trong thời gian lưu trú qua đêm ở khu vực cách ly sân bay.
Đại diện Jetstar Pacific cho biết trong thời gian hãng mới mở đường bay đến Singapore với tần suất 1 chuyến/ngày, trung bình mỗi ngày có 12-13 khách bị từ chối nhập cảnh. Cao điểm nhất là tháng 3-2015, có gần 120 khách thuộc diện này khiến hãng phải chi gần 20.000 đô-la Singapore để nộp phạt. Còn theo thống kê của Vietjet Air, riêng tháng 6-2015, có 300 khách bị từ chối nhập cảnh.
Tại nhiều cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không nội địa đã đề xuất phải giải quyết thực trạng này ở tầm Chính phủ hai nước. Cụ thể là đề nghị phía Singapore cung cấp danh sách hành khách bị từ chối nhập cảnh và giải thích rõ lý do vì sao; tạo điều kiện để hành khách quay về ngay trong ngày nếu không được nhập cảnh; không thu một số loại phí rất vô lý đối với hành khách phải lưu trú qua đêm vì không được nhập cảnh như phí áp giải an ninh (những hành khách này phải được 2 nhân viên an ninh áp giải đến tận chân máy bay của chuyến bay trở lại Việt Nam và bàn giao cho hãng vận chuyển). Ở góc độ trong nước, các hãng hàng không cũng đề nghị được áp dụng chính sách đặt cọc đối với hành khách nữ mua vé bay đi Singapore. Trong khi chờ đợi được tháo gỡ, một số giải pháp đã được đưa ra nhưng không phải cách nào cũng được áp dụng vì vấn đề cơ bản nhất là danh sách khách bị từ chối nhập cảnh cũng như điều kiện khách nữ được nhập cảnh vào Singapore đều không được phía Singapore công bố.
“Chúng tôi thậm chí đã bàn đến việc phải yêu cầu khách nghi ngờ có thể không được nhập cảnh phải đặt cọc 5 triệu đồng nhưng không có cơ sở để thực hiện. Còn với trường hợp bị trả về, chúng tôi đã yêu cầu khách ký cam kết thanh toán mọi tổn thất gây ra và đề nghị công an cửa khẩu Việt Nam giữ lại hộ chiếu của khách để làm cơ sở thu lại khoản tiền phải ứng ra nộp phạt nhưng cũng thất bại vì họ không bao giờ quay lại lấy hộ chiếu” - đại diện Jetstar Pacific cho biết. Hiện Jetstar Pacific cũng tự sàng lọc khách bằng cách khi làm thủ tục bay, nhìn tác phong, vẻ ngoài của khách thuộc diện “nghi vấn” thì nhân viên nhẹ nhàng tư vấn về khả năng bị từ chối nhập cảnh song cũng vừa làm vừa… run vì nếu nhầm thì sẽ bị mắng.
PV
Người Việt làm nghề chia bài ở casino, được tip nhiều hơn làm nail
Bạn Honey Tran đã chia sẻ kinh nghiệm về nghề chia bài ở casino (dealer / croupier) trong nhóm Phụ nữ Việt tại Mỹ như sau: