Đi xem hoa phượng nở rộ tại Nam California
Nhiều cựu nam nữ học sinh theo gia đình ra nước ngoài, mỗi khi hè về nghe bản nhạc “Nỗi Buồn Hoa Phượng” trong lòng lại cảm thấy một nỗi buồn man mác, vì trên nước Mỹ này tìm đâu ra hoa Phượng Vỹ
13:00 24/07/2018
Nhiều cựu nam nữ học sinh theo gia đình ra nước ngoài, mỗi khi hè về nghe bản nhạc “Nỗi Buồn Hoa Phượng” trong lòng lại cảm thấy một nỗi buồn man mác, vì trên nước Mỹ này tìm đâu ra hoa Phượng Vỹ, và cũng có người buồn vì “Mỗi lần hè thêm kỷ niệm / người xưa biết đâu mà tìm”! Nhưng năm nay, Viễn Đông mời bạn đi xem hoa phượng như nhiều người háo hức đi xem hoa anh đào ở Hoa Thịnh Đốn hay ở xứ Nhật Bản.
Hè năm ngoái chúng tôi được người bạn thân gọi cho biết, cây phượng nhà anh đã trổ hoa. Vội vàng xách máy ảnh lên ngay; đến nơi chúng tôi hơi thất vọng vì cây phượng của bạn tôi nó èo uột quá, cao hơn đầu người mà lá thì rơi rụng đâu hết, tận trên ngọn trổ ra được mỗi một bông hoa đỏ chót. Thôi thì miễn có phượng là vui rồi, chúng tôi chụp tấm ảnh đưa lên báo.
Sáng hôm sau báo ra, vợ của anh Hòa, Liên Đoàn Trưởng Hướng Đạo đối diện nhà chúng tôi chạy qua, chị cầm theo cái cell phone, mở ra khoe, “Cây Phượng của anh đăng báo so với cây này chả nhằm nhò gì. Anh coi Phượng của người ta thế này cơ mà.”
Chúng tôi thấy hình mấy chị mặc áo dài trắng đứng dưới gốc cây phượng đang trổ hoa rất đẹp, cứ ngỡ ở Việt Nam. Biết suy nghĩ của tôi, chị nói, cây phượng này ở gần đây thôi. Rồi chị kể, bữa nọ hai vợ chồng chị đi trên đường Edinger tự nhiên nhìn thấy cây phượng nở hoa đẹp quá. Hai anh chị tấp vô xem. Đúng là phượng vỹ Việt Nam.
Chị vào gõ cửa xin phép chủ nhà cho chụp ảnh. Chị ngỡ chủ nhà là người Mễ vì khu này đa số người Mễ, nhưng lại là người Việt Nam, anh chủ nhà vui vẻ nói, chị cứ việc chụp, thế là chị gọi điện thoại cho mấy người bạn cùng lớp trước đây, hẹn nhau mặc áo dài trắng đến chụp hình, và có tấm hình này để nhớ về kỷ niệm xa xưa. Chúng tôi xin chị cho địa chỉ rõ ràng để đến chụp hình nhưng chị nói, “Trễ rồi, hoa nó tàn hết rồi, để qua năm sau anh hãy tới chụp.”
Cách đây một tuần, tôi đến địa chỉ chị Hòa cho. Đi trên đường Edinger về hướng Santa Ana, vừa qua đường Raitt độ 300 mét nhìn bên tay trái là thấy ngay cây phượng nằm quay mặt ra đường Edinger (góc đường Doreen), Santa Ana. Cây phượng đã trổ hoa nhưng chưa nở rộ, còn rất nhiều nụ (khi bài báo này lên thì cây phượng đã trổ hoa đỏ rực).
Sau khi chụp tấm ảnh, định viết bài đưa lên báo thì nhận được cú điện thoại từ nhiếp ảnh gia Phí Văn Trung, anh cho biết người anh ruột của anh là ông Phí Văn Tập có ba cây Phượng đang nở hoa rất đẹp, anh muốn chụp hình thì lên ngay. Tôi xin số điện thoại của ông Phí Văn Tập và gọi ngay để xin phép đến chụp hình. Đầu giây bên kia một giọng nói rất thân thiện, cởi mở, ông Tập đang bận ở tiệm nên hẹn tôi lúc 5 giờ chiều sẵn sàng mở cổng đón. Sau khi ghi địa chỉ, chúng tôi đến đúng hẹn. Theo lời ông dặn, chúng tôi đi trên đường Euclid về hướng bắc, tới đường Ceritos quẹo phải, đi độ 300 mét nhìn sang bên trái thấy ngay các cây phượng đang trổ hoa đỏ rực.
Chủ nhà ra tận ngõ mở cửa đón chúng tôi vào sân. Ở ngoài hàng rào quay mặt ra đường Cerritos có hai cây, phía trong sân có một cây, cả ba đều đang trổ hoa thật đẹp. Cây bên trong có dáng đẹp hơn hai cây bên ngoài. Nhìn cây phượng và nhìn dinh cơ của ông, tôi không thể tưởng tượng một người Việt Nam ở Nam california lại có một dinh cơ đồ sộ và rộng đến 30,000 square feet, nhất là với bàn tay khéo léo của ông, mọi thứ từ trong ra ngoài không chê vào đâu được.
Nhưng trước khi đi xem cảnh vườn, chúng tôi hỏi ông các cây Phượng này ông trồng từ năm nào? Ông cho biết, sau khi mua khu đất này và xây cái dinh cơ này xong vào năm 1990, ông bắt đầu trồng cây, trong đó có ba cây phượng, và nó đã trổ hoa mấy năm nay rồi. Tò mò hỏi thêm, tại sao ông chọn cây phượng? ông có kỷ niệm gì với hoa Phượng chăng?
Ông Phí Văn Tập năm nay ở tuổi 80 rồi nhưng nhìn dáng dấp ông chỉ chừng hơn 70, còn rất khỏe mạnh, ông tủm tỉm cười và nói, “Vào năm đó ở Mỹ làm gì có phượng nên tôi nghĩ mình phải trồng cây gì ở quê hương mình có mà ở Mỹ không có, thế là tôi nghĩ ngay đến cây phượng, và chúng tôi đã trồng được. Còn có kỷ niệm gì với hoa phượng? Chắc ông nhớ bài Nỗi Buồn Hoa Phượng?”
Và ông hát khe khẽ, “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn… Màu hoa phượng thắm như máu con tim. Mỗi lần hè thêm kỷ niệm. Người xưa biết đâu mà tìm.” Ông nói ông có hỏi tác giả bài hát đó là buồn cái gì? Tác giả cho biết, hè về, người yêu đi lấy chồng, rồi họ dẫn nhau đi xa, nên biết đâu mà tìm? Đại khái là như thế.
Những mối tình ở tuổi học trò rất là trong sáng, thơ ngây; nhiều khi yêu mà không dám ngỏ lời với người mình yêu, đến khi cô ta đi lấy chồng mới ngồi thơ thẩn, tiếc ngẩn tiếc ngơ mà “man mác buồn!” Ông nói, hoa Phượng nó đẹp ở chỗ màu sắc đỏ tươi và nở vào đúng mùa hè, nên ai đã là học sinh thuở trước thì chả ai lại không biết hoa phượng và thích hoa phượng hoặc có kỷ niệm về mùa hè đầy hoa phượng đỏ, ông nói bà xã ông cũng rất thích hoa phượng.
Sau khi trao đổi về hoa phượng, ông dẫn chúng tôi đi xem cảnh trí trước và sau nhà, thật là tuyệt vời, cả khu đất có lẽ rộng bằng cái sân banh. Là một Phật tử, ông mua từ Việt Nam mang sang mấy pho tượng Phật bằng đá hoa cương, hai con trâu lớn bằng trâu thật cũng bằng đá hoa cương, một quả Chuông Nam to hơn nhiều quả chuông ở các chùa lớn tại Nam Cali, một cây Bồ Đề VN được ông uốn thành ba tầng tất đẹp, lại một cây Bồ Đề Ấn Độ, mấy chậu mai vàng VN, có cây đang còn nở hoa. Một hồ nước có hòn non bộ, có cụ rùa “hoàn kiếm” và vô số cây cảnh quý hiếm.
Phía sau vườn càng đẹp hơn với những cây vải, cây sabôche, cây soài, cây mận , cây mít trĩu trái được trồng xung quanh một khoảng sân rất rộng chính giữa để cỏ xanh mướt, một nhà thủy tạ để bạn bè ngồi chơi nhâm nhi ly cà phê, tách trà ngắm cảnh thiên nhiên, một cây cầu thường thấy ở các vườn Nhật Bổn. Ông cũng mới mua một chiếc xe Jeep mới tinh và sơn thành xe Cảnh Sát, có cắm lá cờ nhỏ Học Viện CSQG vì trước 1975 ông là sĩ quan cảnh sát đặc biệt phục vụ tại Đà Lạt.
Trước khi cám ơn ông và ra về, chúng tôi hỏi ý kiến ông, nếu sau khi bài phóng sự này được đăng lên, có người muốn đến chụp hình, xem cảnh nhà ông, ông có sẵn lòng không? Ông Phí Văn Tập vui vẻ nói, “Tôi rất hân hạnh được đón tiếp bất cứ ai đến chơi, tha hồ chụp hình, chụp ảnh và xem qua vườn tược nhà tôi. Tuy nhiên làm ơn gọi cho tôi trước để tôi ra mở cổng. Vì từ ngoài cổng vào trong nhà khá xa. Xin gọi tôi ở số (714) 991-4969 hoặc (714) 899-8749.”
Ngoài các cây phượng vừa kể, chúng tôi được biết thêm tại nhà ông Phát Bùi (Chủ Tịch Cộng Đồng NVQG Nam Cali) cũng có cây phượng ông bà trồng 12 năm, năm nay cũng mới trổ hoa. Như vậy vài năm nữa, hoa Phượng sẽ nở rộ ở nhiều nơi thay cho màu phượng tím buồn bã của Mỹ
Tại sao bạn thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi đêm?
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, rối loạn giấc ngủ mãn tính thường được gây ra bởi sự mất cân bằng Yin-Yang do sự gián đoạn dòng chảy của năng lượng trong cơ thể bạn.