Diễn biến vụ tấn công tàu dầu trên Vịnh Oman
Mỹ và đồng minh cáo buộc Iran đứng sau hai cuộc tấn công song Tehran phủ nhận, kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra rõ ràng sự việc.
23:30 15/06/2019
6h12 sáng 13/6, các tàu chiến thuộc Hạm đội 5 hải quân Mỹ hoạt động ở khu vực Trung Đông bất ngờ nhận được tín hiệu cầu cứu. Thủy thủ tàu Kokuka Courageous treo cờ Panama thuộc sở hữu một công ty Nhật Bản đang trên đường từ Arab Saudi tới Singapore đã phát tín hiệu khẩn cấp, thông báo tàu vừa hứng chịu một vụ nổ khiến lửa bùng lên ở khoang máy và thủy thủ đoàn đang rời khỏi tàu.
Hải quân Mỹ lập tức triển khai tàu khu trục USS Bainbridge cùng máy bay không người lái và máy bay tuần thám P-8 đến hiện trường. 48 phút sau, họ lại nhận được tín hiệu cầu cứu thứ hai, lần này từ tàu dầu Front Altair treo cờ Quần đảo Marshall, thuộc sở hữu của công ty Frontline Na Uy. Con tàu cũng bị tấn công bằng thiết bị nổ và đang bốc cháy. Cơ quan Hàng hải Na Uy sau đó cho biết tàu đã hứng chịu ba vụ nổ.
Hai tàu dầu bị tấn công sau khi đi qua eo biển Hormuz và hướng về Ấn Độ Dương. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng tàu hàng trong khu vực trở thành mục tiêu tấn công.
Khi lực lượng hải quân Mỹ đến nơi vào khoảng 9h50, tàu Kokuka Courageous đang bốc cháy ở vị trí cách thành phố cảng Bandar-e-Jask của Iran khoảng 52 km. Tàu chở 25.000 tấn methanol, một loại vật liệu dễ cháy, nhưng rất may vụ nổ không làm hư hại các bồn chứa trên tàu.
21 thuyền viên lúc này đã rời khỏi tàu và được một tàu kéo của Hà Lan cứu. Khi khu trục hạm USS Bainbridge xuất hiện, các thủy thủ được bàn giao cho hải quân Mỹ.
Tàu chiến Mỹ lập tức cử trực thăng lần theo dấu vết tàu Kokuka Courageous đang trôi tự do và phát hiện một vật thể hình tam giác gắn chặt ngay trên đường mớn nước của tàu, cạnh đó là một lỗ thủng. Họ nghi ngờ đây là một quả thủy lôi từ trường được gắn vào thân tàu bằng nam châm nhưng chưa kịp phát nổ.
Vật thể hình tam giác nghi là thủy lôi gắn bằng nam châm trên vỏ tàu Kokura Courageous. Ảnh: CENTCOM. |
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) sau đó cho biết trực thăng của họ phát hiện một chiếc xuồng cao tốc nghi của hải quân Iran chạy song song bên mạn phải tàu Kokuka Courageous. Hình ảnh từ camera hồng ngoại trên trực thăng quay lại cho thấy một người trên xuồng tìm cách gỡ một vật thể ra khỏi tàu. Các quan chức quân sự Mỹ khẳng định họ nhìn thấy thủy thủ này cầm quả thủy lôi trên tay.
Đây là bằng chứng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra để nhanh chóng đi đến kết luận rằng chính Iran là thủ phạm thực hiện các vụ tấn công bằng thủy lôi, mặc dù các điều tra viên Mỹ chưa tiếp cận và khám nghiệm tại hiện trường. Iran bác bỏ cáo buộc, khẳng định vụ tấn công rất "đáng ngờ", bởi họ không có lý do gì nhắm mục tiêu vào một tàu Nhật khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang ở thăm Tehran.
Trong cuộc họp báo chiều nay ở Tokyo, Yukata Katada, chủ tịch công ty Nhật Bản sở hữu tàu Kokuka Courageous, lại đưa ra thông tin hoàn toàn trái ngược với nhận định của Mỹ. Katada cho hay các thủy thủ trên tàu đã nhìn thấy "một số vật thể bay" trước khi tiếng nổ vang lên và các lỗ thủng xuất hiện trên tàu.
"Chúng tôi có báo cáo ban đầu rằng tàu của chúng tôi bị trúng đạn. Sau đó, thủy thủ đoàn nhìn thấy các tàu khác cũng bị bắn và phải chuyển hướng để tránh", ông Katada nói. "Ba tiếng sau, nó bị bắn thêm lần nữa". Katada nói thông tin tàu bị gắn thủy lôi là "sai sự thật". Mỹ chưa bình luận về tuyên bố này của chủ sở hữu tàu Kokuka Courageous.
Trong khi đó, tàu Front Altair bốc cháy tại vị trí cách thành phố Bandar-e-Jask, phía nam Iran, khoảng 46 km, khi đang chở 75.000 tấn naphtha từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tới Đài Loan.
International Tanker Management, công ty quản lý tàu, cho hay lửa bốc lên trên boong ngay sau vụ nổ. Thuyền trưởng quyết định bỏ tàu và 23 thuyền viên được tàu hàng Hyundai Dubai của Hàn Quốc trợ giúp sơ tán kịp thời nên không có thương vong về người.
Tàu chiến của hải quân Iran nhanh chóng có mặt tại hiện trường và tiếp nhận các thuyền viên từ tàu Hyundai Dubai để đưa về cảng của Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm nay cho biết eo biển Hormuz là khu vực Iran có trách nhiệm đảm bảo an ninh và họ đã giải cứu thủy thủ đoàn trên tàu dầu bị tấn công trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Các bức ảnh do truyền thông Iran đăng tải cho thấy một đám cháy ở phía mạn phải của tàu Front Altair và một cột khói đen khổng lồ bốc lên. Tehran sau đó công bố video cho thấy các thủy thủ tàu Front Altair đã được đưa vào đất liền an toàn và mạnh khỏe.
Cho đến nay, chưa có bất cứ cá nhân, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về hai vụ tấn công tàu dầu, nhưng sự cố đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ bất ổn an ninh tại khu vực cũng như tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ và kinh tế toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào các tàu dân sự và cảnh báo thế giới sẽ không thể chấp nhận "một cuộc xung đột lớn nổ ra ở Vùng Vịnh". Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế tối đa".
Quyền đại diện thường trực của Mỹ ở Liên Hợp Quốc Jonathan Cohen tuyên bố "hành vi tấn công tàu thương mại là không thể chấp nhận được" và sự việc hôm 13/6 trên Vịnh Oman đang "gây lo lắng nghiêm trọng".
Vị trí hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6. Đồ họa: CNN. |
Bộ Ngoại giao Iran gọi sự việc là "điều đáng tiếc và đáng báo động", đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm làm rõ quy mô vụ tấn công.
Paolo d'Amico, chủ tịch Hiệp hội các Chủ sở hữu Tàu chở dầu Độc lập Quốc tế, cảnh báo: "Chúng ta cần nhớ rằng khoảng 30% lượng dầu thô thế giới đi qua eo biển Hormuz. Nếu vùng biển này trở nên không an toàn, nguồn cung dầu cho toàn bộ phương Tây sẽ bị đe dọa".
Vũ Hoàng (Theo BBC, AFP)
Tiền thuê nhà quá cao, nhiều nơi đang dự tính can thiệp
Giữa lúc những người thuê nhà trên toàn quốc đứng trước tình trạng tiền thuê tăng nhanh và quá cao, các nhà làm luật đang thúc đẩy việc kiểm soát tiền thuê và những biện pháp khác để bảo vệ người thuê nhà.