Điều gì xảy ra với các công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ?
Triều Tiên thời gian gần đây đang quay trở lại với các hành động bắt giam người phương Tây, đặc biệt là người Mỹ, với hàng loạt lý do phạm tội. Bốn công dân Hoa Kỳ đang bị giam giữ ở Bình Nhưỡng, cùng với một mục sư Canada.
11:07 10/05/2017
Các quan chức Triều Tiên cho biết những công dân nói trên bị coi là tội phạm theo hệ thống luật pháp của Bình Nhưỡng. Gary Lockle, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho CNN biết Triều Tiên bắt giam công dân Mỹ để làm “công cụ mặc cả” giữa lúc căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng lên cao. Các tù nhân Hoa Kỳ đã từng được thả trước đó sau những chuyến viếng thăm cấp cao hoặc đàm phán, liên lạc với phía Mỹ.
Những ai bị bắt giữ và khi nào?
Năm ngoái, Triều Tiên cho biết sẽ đối xử với những tù nhân Mỹ theo “luật chiến tranh” của nước này, sau khi Washington đưa tên lãnh đạo Kim Jong Un vào danh sách cấm vận vì các vi phạm liên quan đến kiểm duyệt và nhân quyền.
Tại thời điểm đó, hãng thông tấn KCNA cho hay: “CHDCND Triều Tiên sẽ giải quyết mọi vấn đề giữa Bình Nhưỡng và Washington kể từ bây giờ theo luật lệ thời chiến, và những người Mỹ bị giam giữ ở đây cũng không phải là ngoại lệ”.
Sự thay đổi này là tin tức không mấy tốt đẹp cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ cũng như là lời cảnh báo với những ai có ý định đến Triều Tiên. Theo những cảnh báo du lịch mới nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ, danh sách các hành động có thể bị coi là phạm pháp ở Triều Tiên, cho dù thực hiện một cách vô tình hay cố ý, bao gồm chụp các bức ảnh không được phép, mua sắm ở các quầy hàng không dành cho người nước ngoài và thực hiện các hành vi tôn giáo.
Trong số bốn người Mỹ đang bị giam giữ, hai người bị buộc tội “hành động thù địch” chống lại chính phủ Triều Tiên. Sinh viên ĐH Virginia, Otto Warmbier đã lấy một biểu ngữ chính trị từ khách sạn; Kim Sang Duk, còn gọi là Tony Kim, bị cáo buộc tội danh lật đổ chính quyền. Kim Dong Chul bị kết án vì làm gián điệp. Và chưa có thông tin gì về các tội danh của Kim Hak-sung, người vừa bị bắt giữ hồi tuần trước.
Các vị khách này thường bị bắt tại sân bay Bình Nhưỡng khi họ chuẩn bị chuyến bay rời khỏi Triều Tiên. Một nhà báo BBC gần đây đã bị nhỡ chuyến bay khi ông đột ngột bị bắt và thẩm vấn trong 8 tiếng đồng hồ khi vừa kết thúc chuyến viếng thăm đã được cho phép trước đó.
Các lần khác, những vụ bắt giữ thường xảy ra ở khu vực biên giới. Năm 2009, các nhà báo Laura Ling và Euna Lee đã bị bắt ở biên giới Trung Quốc với cáo buộc đột nhập vào Triều Tiên bất hợp pháp.
Họ bị đưa đi đâu?
Ban đầu, những người này sẽ có thể bị thẩm vấn ngay trong các phòng hội thảo ở khách sạn. Các tù nhân quốc tế thường bị giữ lại trong khách sạn ít nhất cho đến khi họ bị buộc tội. Hai phóng viên CNN là Tim Schwarz và Will Ripley, đã tới Triều Tiên khá nhiều lần và đã phỏng vấn hai công dân Mỹ bị giam giữ ở đây trước và sau phiên tòa xét xử, cho biết những tù nhân nước ngoài có quyền đọc báo địa phương và xem truyền hình trong khoảng thời gian này.
Họ sẽ tham gia phiên tòa như thế nào?
Khi phiên tòa được ấn định thời gian, cũng đồng nghĩa với việc các tội danh đều được thừa nhận. Khi CNN phỏng vấn những người bị giam giữ, các quan chức Triều Tiên luôn có mặt ở trong phòng, vì vậy khó có thể đánh giá được liệu những lời nhận tội là tự nguyện hay bị ép buộc.
Ví dụ, trường hợp của Otto Warmbier, anh đã thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí rằng anh đã cố lấy trộm một khẩu hiệu chính trị và đổ lỗi cho các quan chức Hoa Kỳ. “Tôi không bao giờ, không bao giờ nên cho phép bản thân mình nghe theo sự dụ dỗ của chính quyền Mỹ để tiến hành một hành động phạm pháp như vậy tại Triều Tiên”, Otto nói trong nước mắt và cầu xin sự tha thứ.
Sau đó, phiên tòa xét xử Otto được thông báo chỉ kéo dài trong vòng một tiếng. Tại phiên tòa, các quan chức Triều Tiên đã đưa ra dấu vân tay, ảnh của khẩu hiệu chính trị và các hình ảnh khác làm bằng chứng, và họ kết luận rằng Otto đã phạm tội chống lại chính quyền.
Các tù nhân thi hành án ở đâu?
Otto Warmbier bị kết án 15 năm lao động khổ sai, có nghĩa là làm những công việc đồng áng nặng nhọc. Kenneth Bae, bị bắt vào tháng 11/2012, và sau đó cũng bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì phạm tội “thực hiện các hành động thù địch”, cho biết anh phải làm việc ở bên ngoài. “Tôi làm việc từ 8h sáng đến 18h chiều, làm việc trên cánh đồng, mang vác đá, xúc than”, Bae nói với CNN sau khi được thả. Cựu tù nhân này cho biết thêm, ông còn thường xuyên phải chịu sự đau đớn về thể xác và cả những lời lẽ khó nghe từ các quan chức quản giáo.
“Tôi thường xuyên phải đi lại giữa bệnh viện và trại lao động trong hơn một năm”, Bae nói với CNN vào năm 2014. Người đàn ông 46 tuổi bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao này cho hay sức khỏe của ông đã giảm sút nhanh chóng.
“Tay của tôi thường run và tê cóng, tôi rất khó ngủ và phải làm việc trên cánh đồng hàng ngày”, Bae nói. Khi được thả, người đàn ông này đã sụt gần 30 kg.
Nhà báo Laura Ling, bị bắt cùng đồng nghiệp Euna Lee vì xâm nhập Triều Tiên bất hợp pháp, cũng bị kết án lao động khổ sai nhưng chưa bao giờ bị đưa tới một nhà tù nào cả. Khi được thả về với gia đình, Laura cho biết cô rất thèm được ăn hoa quả tươi sau những chuỗi ngày dài toàn ăn cơm không và có cả đá trong đó.
Mục sư Canada Hyeon Soo Lim, vẫn đang bị giam giữ, cho biết ông phải đào các lỗ trong một vườn cây ăn quả 8 tiếng mỗi ngày. Là người Canada nên ông Lim không thường xuyên có những chuyến thăm từ đại diện ngoại giao hay nhận được thư từ gia đình. Các tù nhân Mỹ có thể được các quan chức Thụy Điển tới thăm thay mặt cho chính phủ Hoa Kỳ do không có quan hệ ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Làm thế nào để thoát ra?
Theo quan điểm của những tù nhân phương Tây, đặc biệt là công dân Mỹ, họ bị bắt giam phần lớn với lý do chính trị. Đối với hai nhà báo Ling và Lee, họ được trả tự do sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Bill Clinton với cố lãnh đạo Kim Jong Il.
Aijalon Gomes, cũng bị buộc tội thâm nhập bất hợp pháp, đã được trả về nhà sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Jimmy Carter. Bae được thả tháng 11/2014 sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper tới Bình Nhưỡng thay mặt cho Tổng thống Barack Obama. Ông Bae được thả cùng với một công dân Mỹ khác là Matthew Todd Miller.
Cô gốc Việt lên tiếng cảnh báo sau khi bị bỏng do thoa tinh dầu trong lúc tắm nắng
Sau khi bị bỏng da do thoa tinh dầu trong lúc tắm nắng, cô gốc Việt có tên là Elise Nguyễn đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và được sự quan tâm của rất nhiều người.