Đời thợ nail xuyên bang đất Mỹ

“Cần thợ nail xuyên bang nữ, kinh nghiệm, tip cao, lương cao, chỗ ở thoải mái, mùa Đông lương 800USD/tuần, mùa Hè 1.200USD/tuần trở lên. Bao lương nếu thực sự có kinh nghiệm.”

08:30 16/12/2019

Trên đây là một vài mẫu rao vặt tìm thợ nail đi làm ở những tiểu bang xa mà ai cũng có thể đọc được trên tờ quảng cáo một số tờ báo dành cho người Việt ở Mỹ.

Trong khi đó, cùng là thợ nail, nhưng mức lương của các tiệm quanh vùng Santa Monica, Los Angeles, Lake Forest,... ở miền Nam California đưa ra chỉ ở khoảng 400 USD - 500 USD/tuần cho thợ có kinh nghiệm.

Tiệm nail của anh Huy Trần tại Dallas. Anh Huy Trần, người có kinh nghiệm 20 năm đi xuyên bang nói, “Ai muốn 'để dành tiền thì đi xuyên bang là tốt nhất.”

Chính mức thù lao hấp dẫn mang lại từ việc làm nail ở tiểu bang xa như thế mà nhiều thợ nail California đã khăn gói lên đường đi gầy dựng sự nghiệp, trong đó có anh Kyle Trần, 31 tuổi đang làm nail ở Florida, vợ chồng anh Huy Trần, 40 tuổi, làm nail ở Dallas, Texas, và chị Loan Nguyễn, 54 tuổi, làm nail tại Laredo, một thị trấn gần biên giới Texas và Mexico.

Tuy nhiên, câu chuyện xoay quanh đời thợ nail xuyên bang, qua tâm sự của những người thợ này, không đơn giản chỉ là đồng tiền.

Lý do đi xuyên bang

Sau khi có bằng nail chừng hai tháng ở California, vợ chồng anh Huy Trần quyết định khăn gói làm hành trình xuyên bang từ năm 1992.

“Khi đó giá ở California thấp hơn, mà khách lại khó, đòi hỏi nhiều. Trong khi đi các tiểu bang lạnh thì cùng 'service' nhưng giá lại gần gấp đôi nên hai vợ chồng tôi quyết định đi xuyên bang.” Anh Huy cho biết.

Nơi đầu tiên vợ chồng anh chọn là Alabama, sau đó anh lần lượt đi qua các tiểu bang khác như India, Michigan, Illinois, và hiện nay đang ổn định tại Dalas, Texas.

Lý do giá làm nail ở các tiểu bang xa cao hơn nhiều so với California là lý do đầu tiên để những người thợ nail ra đi. Bên cạnh đó, “đi làm nail xuyên bang mới có điều kiện luyện tay nghề” cũng là mục đích mà những người thợ mới ra nghề nhắm tới.

Anh Huy Trần, 40 tuổi, giờ đang là chủ một tiệm nail ở Dalas, nói, “Người mới ra trường bên California rất khó tìm việc, nhất là thợ nam. Trong khi thợ lâu năm cứ có khách làm liên tục thì mình phải ngồi chơi, lâu lâu mới được chủ giao cho một khách, thường là làm chân tay nước. Cho nên để học nghề rất là khó.”

Chị Loan Nguyễn, 54 tuổi, đi làm nail xuyên bang từ năm 1994, kể, “Trong nửa năm đầu làm nail cho một tiệm người quen ở Los Angeles, tôi chỉ được làm chân tay nước thôi.”

Sau đó, do người chủ bán tiệm, thêm lý do “muốn mau có thẻ xanh và kiếm được tiền nhiều để bảo lãnh người yêu từ Việt Nam sang” nên chị Loan theo lời rủ rê của người bạn học nail chung, sang Texas làm cho một tiệm mới mở ở Laredo, thị trấn gần biên giới Mexico và Texas.

“Đó là tiệm đầu tiên ở Laredo cho nên khách đông xếp hàng dài mỗi ngày trước tiệm. Mình làm sao họ cũng chịu hết, nên rất dễ cho những người mới ra trường như tôi.” Chị Loan nhớ lại.

Ngoài ra, đi làm nail xuyên bang còn là để “trốn tránh những cám dỗ ở California” hay “muốn xóa sạch những dấu tích không đẹp của một thời đã qua” cũng là lý do của không ít người, trong đó có Kyle Trần, 31 tuổi, đi xuyên bang từ năm 2006, đang làm thợ tại Florida.

Sau 3, 4 năm làm nail cho một trong những tiệm lớn nhất ở Los Angeles, nơi có đến cả 30 thợ, Kyle kiếm tiền được khá nhiều. Nhiều tiền, độc thân, dẫn đến việc ăn xài “vung tay quá trán,” đến mức rơi vào cảnh nợ nần.

Đến lúc nhận ra rằng “khi trong người mình không có tiền, người ta không coi mình ra gì hết,” Kyle quyết định làm lại cuộc đời, “bỏ California, cắt đứt hết mọi liên lạc với bạn bè” bắt đầu “sống như tu.”

Dĩ nhiên, lý do chính yếu để Kyle chọn đi các tiểu bang miền Đông, từ South Dakota qua North Dakota, rồi Oregon, Tennessee, Wyoming, và Florida, cũng chính là tiền kiếm được ở đó nhiều hơn, khách làm “hai màu” (pink and white) nhiều hơn thì sẽ học nghề được nhiều hơn.

Buồn - Mối bận tâm nhất của người thợ nail xuyên bang

“Đi xuyên bang rất là buồn,” “buồn muốn chết,” “buồn mà nước mắt ghim vào lòng” là những cung bậc mà anh Huy, chị Loan, Kyle dùng để mô tả nỗi buồn của người thợ nail xuyên bang.

Những nơi cần thợ nail đi xuyên bang thường là những nơi hơi cách xa các thành phố lớn, ít người Việt, và có những mùa tuyết phủ trắng xóa.

“Nhiều khi đi làm buồn mà nước mắt ghim vô lòng luôn. Đi làm nail xuyên bang nó cực và buồn ghê lắm, còn tệ hơn ở nhà quê Việt Nam nhiều lắm. 10 giờ tối là mọi thứ đều đóng cửa, 'shut down,' không có ai ra khỏi nhà. Cứ sáng sớm đi tối về, có khi làm 7 ngày trong tuần luôn, vì buồn quá ở nhà làm gì bây giờ!” Kyle nói một cách ngao ngán.

Buồn, sợ, khóc, cũng là tâm trạng của chị Loan Nguyễn trong suốt thời gian đầu, “may mà khách đông lu bu nên cũng đỡ.”

Huy Trần mô tả, “Khi từ Cali đi xuyên bang làm nail kiếm tiềm, mình nghĩ cuộc đời mình giống như đi tu vậy đó. Rất là buồn, đi làm rồi là về nhà, không có party, không có tiệc tùng sinh nhật, không có đi đâu hết, cuộc sống khác hẳn.”

Cũng chính từ cái buồn đó mà nhiều điều đã xảy đến cho người thợ nail xuyên bang. Ngoại trừ những người “biết bỏ chữ buồn qua một bên, buồn không có nghĩa lý gì hết, lúc nào trong đầu cũng phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền cái đã” như Kyle xác định, thì phần nhiều thợ đi xuyên bang dễ sa vào con đường “đàn đúm, rượu chè, bài bạc, trai gái, hút xách.'”

Theo Kyle, người đã đi xuyên qua 6 tiểu bang làm nail, chuyện “đánh bạc một trận thua cả chục ngàn trở lên là chuyện thường.”

“Họ làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu, thậm chí còn mượn chủ nữa. Hồi lúc tôi làm ở South Dakota, chủ tiệm lớn hơn tôi chỉ vài tuổi, mỗi khi buồn buồn, làm xong là ảnh đi xuống sòng bài liền. Thua mười ngàn, mười mấy ngàn miết, có khi còn về mượn tiền thợ nữa.” Kyle kể.

Anh bộc bạch, “Bản thân tôi muốn dứt bỏ tất cả, cố kềm lòng không tham gia vào những chuyện đó nên để dành tiền được. Chứ ở những chỗ 'đầu đen thì ít, đầu vàng thì nhiều' buồn quá có chuyện gì làm đâu thì cứ vô sòng bài, quán bar, hút xách.”

Không chỉ vậy, nỗi buồn, sự trống trải, cùng thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông, đôi khi còn thách thức dục vọng của con người.

“'Lửa gần rơm không trơn cũng trụi.' Bên đó lạnh quá nên lúc nào cũng cần 'body heat.' Đó là sự thật. Nhiều người đàng hoàng, đứng đắn mà cứ bị cà khịa cà chọt hoài thì riết cũng đổ thôi.” Kyle nói bằng giọng không vui, không buồn, chỉ pha chút gì như mỉa mai, miễn cưỡng.

Không biết có phải vì lý do này mà nhiều mẫu rao vặt tìm thợ xuyên bang với yêu cầu “nam nữ độc thân, hoặc vợ chồng trẻ” không?

Cuộc sống thợ nail xuyên bang

“Đi xuyên bang có cái sướng là chỉ trả tiền ở khoảng 300 USD/tháng cho chủ nhà thôi, không có bill gì hết thành ra gần như tiền làm ra còn đủ hết. Cho nên ai muốn 'save' tiền thì đi xuyên bang là tốt nhất.” Anh Huy Trần, sau gần 20 năm đi xuyên bang, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo anh Huy, trong thời điểm này, tiền kiếm được khi đi xuyên bang không nhiều hơn ở California là bao nhiêu, nhưng “ở California làm ra bao nhiêu xài bấy nhiêu vì mình có bạn bè, có quán cà phê, có tiệc tùng, nên mình chi tiêu nhiều. Trong khi đi xuyên bang thì chỉ có tiền vô không có tiền ra.”

Chị Loan Nguyễn nhớ lại, “Trước khi đi, tôi phải gọi hỏi chủ xem một tuần chủ bao lương bao nhiêu. Thợ đi xuyên bang thì dứt khoát chủ phải bao lương, khi hơn thì chỗ tôi chỉ chia 5/5, rồi tiền ăn, tiền ở bao nhiêu. Mình tính toán xem mỗi tháng sẽ dư được bao nhiêu.”

“Thời đó nếu tiện tặn, đi làm ở nhà 'shared,' đi chung xe chủ, thì chỉ sau chừng 3, 4 năm là đủ tiền mua nhà. Có người thì đi cố gắng để dành tiền sau 2, 3 năm về lại California mở tiệm hay chuyển sang nghề khác.” Chị Loan cho biết.

Kyle Trần kể chi tiết hơn, “Trước khi đi xuyên bang thì mình cũng chỉ biết coi qua báo, gọi điện thoại hỏi lương bổng, ăn ở thế nào rồi nhắm mắt mà đi đại, hên xui thôi, chị à! Đâu biết trước chủ tốt hay không!”

Thợ đi xuyên bang hầu hết đều ở chung nhà chủ, đi chung xe với chủ. Chính vì thế nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra.

Kyle kể chuyện anh từng chứng kiến một người chủ ở North Dakota đuổi một cô thợ ra khỏi nhà ngay trong đêm bão tuyết, trong khi cô gái đó mới từ California sang làm được 3 ngày!

“Mà chị biết North Dakota lạnh tới mức nào không!” Giọng Kyle nghe như đắng chát.

Hỏi lý do vì sao, Kyle cho biết do mâu thuẫn trong vấn đề lương bổng, chủ hứa trả theo mức lương cho người có kinh nghiệm, trong khi tay nghề thực của cô thợ thì chưa đạt đến mức chủ yêu cầu.

Có lẽ cũng chính từ điều này mà trong khi mọi người cho rằng thợ mới ra nghề nên đi xuyên bang kiếm việc thì Kyle lại quan niệm, “Phải thật giỏi hãy đi xuyên bang, vì mình giỏi thì chủ sẽ cần mình, còn không, khi bỏ đi cũng dễ dàng tìm được nơi khác.”

Anh Huy Trần lại có kinh nghiệm khác về chuyện “lật lọng” của chủ.

Theo lời anh Huy kể, có chủ đăng báo tìm thợ. Sau khi đã thỏa thuận lương bổng, ngày giờ ra sân bay đón thợ, thì “đùng một cái họ mướn được ai đó, thế là họ bỏ mặc người thợ mới kia, không thông báo mà cũng chẳng ra sân bay đón. Mặc người thợ đi xuyên bang kia bơ vơ ngoài sân bay như vậy.”

Đó là chuyện giữa chủ và thợ. Những va chạm giữa thợ và thợ cũng phức tạp không kém.

“Nếu làm ở California, mình có nhà cửa, làm xong thì mình về nhà mình, có bực mình nhau thì cũng chỉ gặp lúc đi làm. Còn đi xuyên bang, thợ đã không ưa nhau, vừa gặp trên tiệm, về nhà cũng gặp thành ra bực bội lắm.” Kyle nói.

Theo lời Kyle, anh cũng đã từng chứng kiến những “điều khủng khiếp của thợ nail xuyên bang,” như “thợ ghét nhau chửi nhau, đánh lộn ngay trong tiệm. Rồi thợ ghét chủ, lén quay lại những cảnh chủ làm dơ này nọ rồi bỏ lên Youtube, chưa kể họ lên những forum về nail để ghi xấu nhau trên đó.”

Đúng như lời Kyle Trần chia sẻ, nếu lên Youtube, chỉ cần gõ chữ “fighting in nail salon” thì người xem có thể tận mắt chứng kiến những cảnh tượng đến đau lòng về cách những người thợ nail đối với nhau, cũng như phải đỏ mặt khi đọc những lời bình luận của người Việt lẫn người bản xứ.

“Người Việt mình không thương người Việt mà còn lật lọng đủ thứ hết.” Kyle nói một cách chán nản.

Nếu lý do phải bỏ từ tiểu bang này đi qua bang khác của Kyle là “do chủ kiếm chuyện, nhất là mỗi khi đến mùa bão tuyết, không muốn trả lương cho thợ hay thấy thợ giỏi, khách thích, sợ không chóng thì chầy thợ cũng mở tiệm nên kiếm chuyện cho thợ bỏ đi” thì lý do tiếp tục xuyên bang của anh Huy Trần là vì “nhiều chủ cứ hay giữ trong đầu suy nghĩ thợ xuyên bang là thợ mới ra nghề, lương không cao nên mình phải đi thì tay nghề mới lên và lương mới lên được.”

Cứ thế cuộc đời của người thợ nail xuyên bang luôn là những chuyến đi, mà đôi khi không biết chặng dừng.

Ra đi, và không trở lại

Những người mà chúng tôi tiếp xúc khi thực hiện bài phóng sự này đều là những người thợ xuyên bang và không hề có ý định trở lại California.

Chị Loan Nguyễn, người phụ nữ 54 tuổi, đi xuyên bang từ năm 1994 với ước muốn mau chóng kiếm được tiền để bảo lãnh người yêu từ Việt Nam sang, đã thực hiện được ước mơ của mình.

Chị Loan dường như may mắn hơn những người khác ở chỗ, chị tìm được sự thương yêu đồng cảm từ những người khách, mà nay đều trở thành bạn bè, xem nhau như trong gia đình.

“Họ thân thiện và dễ mến lắm. Lúc tôi mới sang không biết gì hết, họ là người chỉ vẽ cho tôi, chở tôi đi những nơi tôi cần, khi tôi có chuyện gì, cả gia đình họ cùng quan tâm, hỏi thăm.” Chị Loan nói.

Chính từ những điều đó mà khi bảo lãnh chồng từ Việt Nam sang, chị đã cùng chồng lập nghiệp luôn tại thị trấn nhỏ đó, dù bây giờ “đã sầm uất hơn, với gần 20 tiệm nail của người Việt.”

Anh Huy Trần sau những năm tháng đi hết tiểu bang này sang tiểu bang khác, anh dừng lại ở Chicago gần 9 năm, mua nhà, mở tiệm, tưởng như gắn bó vĩnh viễn tại đó.

“Nhưng khi vợ tôi qua đời, tôi chán nản, bỏ hết tất cả, bán nhà, bán tiệm, lại ra đi.” Không muốn lưu lại những ký ức đau buồn, vài năm sau khi vợ mất, anh Huy lập gia đình và sang Texas làm lại cuộc đời.

Nói về nơi đang dừng chân, anh Huy giải thích, “Ở Texas này tiền kiếm được không ít hơn so với những tiểu bang khác, nhưng cộng đồng Việt Nam có đầy đủ, thời tiết không bị lạnh. Hơn nữa, ví dụ bây giờ đang làm cho khách mà muốn đi ăn phở thì cũng mất 10-15 phút thôi là đã có thể lái xe đi ăn được. Còn mấy tiểu bang kia lâu lâu muốn đi chợ Việt Nam phải mất hơn một tiếng, phải mua đồ khó khăn hơn, khí hậu lạnh hơn, tuyết nhiều hơn.”

Cũng bằng kinh nghiệm của mình, anh Huy cho rằng đi xuyên bang chỉ nên là người độc thân hoặc vợ chồng chưa có con. “Vì mình không biết nơi mình đến là đâu, mà con cái thì cần phải có nơi có trường học tốt.”

Kyle Trần thì sau nhiều năm xuyên bang không hề có ý định trở lại California, vì “ở đó tôi có nhiều bạn bè lắm, mà tôi cũng ăn chơi lắm ở đó nên bây giờ không dám về nữa vì sợ lại vướng vào vòng ăn chơi. Mình cứ ở đây kiếm tiền thôi.”

Hiện nay, Kyle đã lập gia đình cùng một cô gái cũng làm thợ nail ở Florida và “đang chuẩn bị có con.”

***

Anh Huy Trần khép lại cuộc chuyện trò bằng lời tâm sự:

“Đi xuyên bang từ những năm 90, tôi đã gặp qua không biết bao nhiêu hạng người, cả nam lẫn nữ. Nail là nghề dung nạp hết tất cả mọi người, và là nghề dễ kiếm việc nhất. Nhưng đây cũng là nghề dễ làm tính tình con người ta thay đổi nhất. Ai cũng nói mình là người tốt, nhưng thực sự khó mà dằn lòng trước những món tiền nhìn thấy trước mắt. Hai người khách bước vào tiệm, người sẽ tip 20USD, người không tip đồng nào, mình muốn chọn ai? Cho nên đã bước vào nghề này, phải biết sống khéo lắm thì mới không có chuyện.”

Theo Wesminster

Bí quyết sống vui vẻ và hạnh phúc cho một đời người

Bí quyết sống vui vẻ và hạnh phúc cho một đời người

Cuộc sống này rất ngắn ngủi, vì vậy hãy hưởng thụ nó một cách trọn vẹn nhất.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất