Động cơ khiến Trung Quốc 'lên gân' với Mỹ
Từ chối nhượng bộ trong thương chiến, Trung Quốc kỳ vọng thể hiện mình là một đối thủ đáng gờm mà không phải ai cũng có thể chọc giận.
06:30 06/09/2019
Khi đòn thuế mới của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc tuần qua bắt đầu có hiệu lực, thay vì nhượng bộ, Bắc Kinh đã nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại (WTO), cáo buộc Washington có các thực hành thương mại bất bình đẳng. Trung Quốc cũng tung ra các đòn áp thuế kiểu "ăn miếng trả miếng" theo đúng lịch trình áp thuế của Mỹ.
Không ít người nghĩ rằng càng xung đột, hai bên càng tổn thương nặng nề nên đã đến lúc phải thỏa hiệp. Theo Thomas Gift, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học London, về mặt kinh tế, chiến tranh thương mại có thể là một cuộc chiến hai bên cùng thua, song không nhất thiết về mặt chính trị. Những hiệu ứng chính trị từ thương chiến kéo dài với Mỹ được coi là động lực để Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự cứng rắn.
Chiến tranh thương mại nổ ra trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức cả về kinh tế và chính trị, trong đó có cuộc chiến chống tham nhũng, biểu tình ở Hong Kong hay tăng trưởng kinh tế đang trên đà giảm sút. Trong bối cảnh đó, việc đối mặt với một đối thủ như Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Những nghiên cứu chuyên sâu về "chính trị nghi binh" đặt ra giả thuyết rằng một đối thủ từ bên ngoài luôn là thứ mà các lãnh đạo chính trị đánh giá cao hơn cả, đặc biệt khi nó giúp họ đánh lạc hướng chú ý khỏi những vấn đề ở trong nước. Với Trung Quốc, Trump là một "nhân vật phản diện hoàn hảo": Thô lỗ, thiếu công bằng và dễ tổn thương về chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP. |
Ông Tập không ngần ngại chỉ trích chính quyền Trump và nương vào cuộc chiến thương mại để củng cố quyền lực, Gift nhận xét. Nếu Tổng thống Trump vụng về cam đoan rằng cuộc chiến thuế quan không gây tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ thì Chủ tịch Tập lại ngụ ý rằng ông luôn đứng về phía người dân trong cuộc chiến thương mại cam go với Mỹ.
Ông kêu gọi đất nước chuẩn bị cho một cuộc "Vạn lý Trường chinh" mới, như những gì Hồng quân Trung Quốc thực hiện trong thập niên 1940 để giành chiến thắng trước kẻ thù. Ông nhận định cuộc thương chiến với Mỹ sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2049 và các quan chức cần thể hiện "tinh thần đấu tranh" để vượt qua thách thức từ lo ngại an ninh đến rủi ro tài chính.
Theo giới quan sát, Trung Quốc dường như đang áp dụng chiến thuật chờ đợi trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Chủ tịch Tập có lẽ đặt cược vào khả năng một ứng viên đảng Dân chủ sẽ chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 và ông sẽ nắm lấy cơ hội để đạt được thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, một giả thiết khác được đặt ra là Trung Quốc có thể đang cố tình lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại nhằm làm đảo lộn chính trường Mỹ, đồng thời phá hoại chính sách đối ngoại của Washington. Việc Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ sẽ phục vụ mục đích này của Bắc Kinh.
"Lãnh đạo Trung Quốc có lẽ muốn Tổng thống Trump giữ vững quyền lực. Họ tính toán về lâu dài. Hãy tưởng tượng 5 năm nữa ông ấy sẽ làm bất ổn liên minh phương Tây và phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu ra sao", cựu quan chức Nhà Trắng Anthony Scaramucci viết trên Twitter.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng tình rằng Trung Quốc hướng tới mục tiêu cạnh tranh vị thế siêu cường toàn cầu với Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Mối bất hòa chính trị giữa các lãnh đạo phương Tây và sự bất lực của chính phủ Mỹ trong nỗ lực giải quyết những thách thức lớn có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu nhanh chóng.
Mặt khác, chiến tranh thương mại còn mang tới cho Chủ tịch Tập một cơ hội hiếm hoi để phát đi thông điệp rằng Trung Quốc không phải đối thủ dễ chơi trên trường quốc tế. Hành động từ chối nhượng bộ trong thương chiến với Mỹ sẽ khiến các đối thủ nhận ra sự cương quyết "chơi đến cùng" của Bắc Kinh, theo Thomas Gift.
Chuyên gia này đánh giá đây là một điểm quan trọng bởi Mỹ không phải nước duy nhất đang chống lại những hoạt động thương mại được cho là thiếu bình đẳng của Trung Quốc, bao gồm hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Khi gã khổng lồ viễn thông Huawei tìm cách thâm nhập các thị trường mới bằng công nghệ 5G của mình, các nước như Anh cũng ngần ngại hợp tác với Trung Quốc. Nhưng với sự cứng rắn của mình trong thương chiến với Mỹ, Trung Quốc có thể khiến các đối thủ ít đối đầu trực diện với họ hơn.
Không nhượng bộ trong thương chiến với Mỹ, Chủ tịch Tập còn muốn cho thấy Trung Quốc không dễ bị bắt nạt và họ sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến trường kỳ, đồng thời không ngần ngại đáp trả mọi hành động thù địch.
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chủ yếu liên quan tới kinh tế. Nhưng nó cũng liên quan tới cả chính trị. Về mặt chính trị, có vẻ như Trung Quốc có rất nhiều lý do để tiếp tục chiến đấu", Gift bình luận.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những tính toán mang tính chính trị có thể tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu và nỗi lo sợ ngày càng tăng về một cuộc suy thoái lớn, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu gay gắt và dẫn đến kết cục "lưỡng bại câu thương".
"Đây là loại chiến tranh thương mại tồi tệ nhất bởi nó khiến tất cả mọi người đều trở thành bên thua cuộc", bình luận viên Ali Velshi từ NBC nhận định.
Nguồn: VnExpress.net
Trung Quốc thực sự có thể khiến người Trung Quốc ‘ăn cỏ’ để đối đầu với Mỹ?
Hôm thứ Sáu (23/8), cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ lại leo thang khi Bắc Kinh bất ngờ công bố mức thuế bổ sung từ 5% – 10% lên 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.