Du học Mỹ ký sự (kỳ cuối): Cho một ngày về
Có rất đông du học sinh VN thế hệ 8X học giỏi, giành được nhiều giải thưởng danh dự, kiếm được những học bổng có giá trị cao trên xứ người. Quê hương với họ không xa, nên vẫn đang âm thầm ngày đêm học tập và nghiên cứu để đạt thành công cao nhất cho một ngày về...
19:01 07/08/2017
"Tích lũy nội lực"
Ở nơi này vẫn luôn nhớ quê hương: tiết mục múa nón lá của sinh viên VN tại Đại học Bates (bang Maine)
Buổi đầu tiên vào lớp, thầy nói với sinh viên: "Các môn khác muốn đạt loại A điểm trung bình phải là 90/100. Môn học này khó, anh chị chỉ cần đạt 80% sẽ được loại A". Cuối học kỳ, thầy tuyên bố: "Vì trong lớp có một người xuất sắc đạt điểm trung bình 98%, nên điểm sàn sẽ tăng lên, số người được 80% chỉ được loại B".
Kẻ "phá bĩnh" đáng yêu đó chính là Bảo Uyên, sinh viên năm hai Đại học Houston (bang ). Điểm trung bình tối đa ở Mỹ là 4,0 nhưng số điểm trung bình sau hai năm học của Uyên đến 4,1 do Uyên được điểm A từ những lớp học danh dự (là những lớp có mức độ khó cao hơn bình thường rất nhiều, ai đạt điểm tối đa ở lớp này sẽ được cộng thêm điểm thưởng). Năm nào Uyên cũng được nhận bằng khen quốc gia (National Deans List, chỉ có 0,5% sinh viên toàn nước Mỹ được nhận bằng khen này).
Phạm Anh Khoa cũng là một du học sinh VN được nhiều người biết. Năm 2002, cậu học sinh 18 tuổi Trường Lê Quý Đôn (TP.HCM) thi được một học bổng toàn phần vào chương trình dự bị đại học của Trường Cambridge Tutor College tại Anh.
Chuyển sang Mỹ cũng với học bổng toàn phần của Đại học Bates (bang Maine), Khoa cùng vài người bạn thân lập website www.vietabroader.org hỗ trợ thông tin cho SV muốn du học, tìm học bổng tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới, khai thác các cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo của sinh viên.
Bốn năm thành lập, Vietabroader có trên 7.000 thành viên, tổ chức bốn buổi hội thảo du học lớn tại TP.HCM và Hà Nội vào năm 2005-2006, trên dưới 70 thành viên nhận được học bổng toàn phần (khoảng 40.000 USD/năm) ở những trường đại học lớn của Mỹ.
Riêng mình, Khoa cũng tiếp tục "lăn" vào học, học ở trường và ở thực tế. Nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học cả hai ngành kinh tế và chính trị cũng là lúc Khoa hoàn tất công việc tình nguyện ở tổ chức phi lợi nhuận như StartingBlocs Institute for Responsible Leadership, Công ty bán lẻ Orvis (Mỹ), thực tập tại quĩ đầu tư VinaCapital...
Từ một học sinh chuyên Pháp Trường Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhưng chỉ sau sáu tháng "cày" cật lực, năm 2003 Nguyễn Thị Thanh Minh thi được TOEFL 590 điểm, được học bổng ở Trường George Mason (bang Virginia).
Học sinh bình thường học trung bình 12 tín chỉ/học kỳ, Minh đăng ký học đến 18-20 tín chỉ, đều đặn tám giờ sáng có mặt ở trường và sớm nhất cũng sáu giờ tối mới bắt đầu về nhà, mỗi ngày chỉ ngủ 5-6 tiếng. Vì thế, chưa đầy bốn năm, từ lúc "chập chững" bước vào đại học, Minh đã lấy luôn bằng thạc sĩ (học nhanh hơn SV bình thường một năm rưỡi). Học nhanh, kết quả cũng đáng nể không kém.
Minh liên tiếp giành nhiều giải thưởng danh dự dành cho sinh viên giỏi nhất khoa. Vừa tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng năm vừa qua, Minh nhận liền học bổng tiến sĩ tại Trường Albert
Einstein College of Medicine trị giá 73.000 USD/năm. Học xuất sắc đến mức bà Timothi Born, trợ lý giáo sư ngành hóa sinh đại học George Mason, phải thốt lên: "Minh là một trong những sinh viên gây ấn tượng nhất mà tôi từng gặp. Cô ta quá xuất sắc".
Quê nhà không xa
Nguyễn Thị Thanh Minh tại lễ tốt nghiệp đại học
Rất lý tưởng nhưng cũng đầy thực tế, nhiều du học sinh VN ngày nay đã và đang từng bước thực hiện "kế hoạch cuộc đời" rất chi tiết, cụ thể cho ngày trở về của mình. Ở cùng Houston, nhà cách nhau không xa, nhưng hẹn gặp được Uyên quả là khó vì hầu như ngày nào cô cũng "cắm trại" trong bệnh viện để làm tình nguyện viên không lương.
Với Bảo Uyên: "Mình đang học song song ngành tâm lý học và kinh doanh. Mình muốn được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để trở thành một bác sĩ tâm lý giỏi tại VN". Để chuẩn bị cho mơ ước đó, ngay lúc mới vào đại học, Uyên đã đến văn phòng trường xin làm tình nguyện không lương và nhận một lúc ba công việc/tuần: dạy toán cho người chậm phát triển, phụ việc ở bệnh viện và trường tiểu học. Dù lúc ở VN đã khá giỏi về ngôn ngữ cho người câm, qua đây Mỹ Uyên vẫn đăng ký học lớp nâng cao "để dạy hiệu quả hơn".
Với sức học đáng nể, chỉ vài năm tới với tấm bằng tiến sĩ, Minh có thể dễ dàng kiếm được việc làm ở Mỹ với mức lương khởi điểm trên 70.000 USD/năm. Tuy nhiên, cô vẫn muốn về VN khi học xong vì còn "mắc nợ" một tâm nguyện:
"Ông bà ngoại là người cưng mình nhất nhưng đều mất vì bị ung thư. Ngày vào trung tâm ung bướu thăm ông bà, mình thấy còn quá nhiều người là nạn nhân của căn bệnh quái ác này. Vì vậy mình quyết định làm đề tài nghiên cứu tiến sĩ về ung thư. Học xong, mình sẽ về mở một phòng khám nhỏ chuyên khoa ung bướu". Ngoài ra, Minh còn một lý do nhỏ nữa: "Ba mình nghiện thuốc lá nặng, bỏ hoài không được. Vì thế mình chọn nghiên cứu về thuốc để có thể giúp ba khi cần thiết".
Có cơ hội đi nhiều nơi, Khoa cảm nhận rất rõ rằng nhiều bạn trẻ tài năng trên khắp thế giới luôn hướng về quê hương, nhưng hãy còn đây đó một số định kiến. "Làm sao để các bạn trẻ mọi nơi hiểu nhau hơn, kết nối họ lại để cùng góp tay xây dựng đất nước phát triển hơn".
Nói là làm, Khoa lập ra một dự án chi tiết cho ước mơ đó. Bắt đầu từ tháng 8-2007, trong một năm Khoa sẽ đi Pháp, Đức, Cộng hòa Czech, Nga, Úc và Nhật (mỗi nước hai tháng), cùng sống với cộng đồng để tìm câu trả lời cho việc "làm người Việt gần lại với nhau hơn".
Mục tiêu rõ ràng, kế hoạch chặt chẽ, khả thi đã giúp dự án của Khoa vượt qua 170 ứng cử viên (đã được sàng lọc ở các đại học toàn nước Mỹ), nhận 25.000 USD tài trợ của Quĩ Watson - quĩ dành cho những gương mặt trẻ có khả năng lãnh đạo.
Khoa tâm sự: "Khi trở về VN, một du học sinh tốt nghiệp tại Mỹ có thể kiếm việc với mức lương khởi điểm hơn 1.000 USD/tháng. Dĩ nhiên là chưa thể bằng nước ngoài, nhưng với thu nhập đó, bạn có thể sống thoải mái và thực hiện hoài bão của mình".
Một tấm hình gia đình và lá cờ tổ quốc được đặt trang trọng trong phòng, với Khoa, "nó giúp mình luôn nhớ về quê nhà. Ở lại Mỹ dù thành đạt, cuộc sống có sung túc nhưng đó mãi mãi vẫn là đất khách".
Du học Mỹ ký sự - Kỳ 1: Ngày đầu tiên đi học
Tôi lên đường sang Mỹ làm học trò vào cuối thu, nhưng không có chuyện “mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp” như nhà văn Thanh Tịnh mô tả, mà luôn chóng mặt trên xa lộ 10 làn xe, với tốc độ hơn 100km/g.