Du học sinh Việt tại Đức chia sẻ bí kíp cắt giảm một nửa chi tiêu để sống sót trong mùa dịch
Nước Đức lại trải qua những ngày dài đằng đẵng của đợt "lockdown" (phong tỏa) thứ hai, mình và các bạn du học sinh Việt Nam lại chao đảo khi hầu hết các hàng quán đều đóng cửa, cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập từ công việc làm thêm trong khi tiền tích góp mang sang Đức du học đã gần cạn. “Cái khó ló cái khôn”, càng trong hoàn cảnh ngặt nghèo thì mình lại khám phá được sự sáng tạo không giới hạn của bản thân trong việc tiết kiệm.
19:56 24/02/2021
Nếu nói về thành tựu lớn nhất của mình trong năm 2020 thì đó là: Chỉ trong một năm, mình đã giảm mức chi tiêu trung bình hàng tháng xuống còn một nửa so với mức phí sinh hoạt trung bình ở Đức (khoảng 861 euro/ tháng, tương đương 24 triệu đồng) bằng cách “sắm” cho mình 5 thói quen dưới đây.
Đi chợ với “ví tiền” 10 euro/ tuần (280K)
Thay vì đi chợ mà không có kế hoạch gì cụ thể, mình vạch ra “công thức” đi chợ vàng mỗi tuần: Một loại thịt/ đậu làm nguồn protein chính + khoảng 4 - 5 loại rau củ và trứng.
Một tuần đi chợ điển hình của mình với giá xấp xỉ 10 euro.
Mình ưu tiên các loại thực phẩm tươi sống để tự sơ chế. Nếu không biết, mình sẽ tự tìm cách sơ chế trên mạng, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa tiết kiệm. Ngoài ra, mình cũng tập thói quen mua rau củ theo mùa, vừa thơm ngon bổ dưỡng hơn rau củ trái mùa mà lại rẻ hơn hẳn.
Khi mình chia sẻ việc chỉ ăn một loại thịt mỗi tuần lên Facebook cá nhân, nhiều bạn thắc mắc tại sao mình có thể chỉ duy trì một loại mà không thấy ngán. Thực ra câu trả lời rất đơn giản: Hầu như mỗi ngày mình đều chế biến theo một kiểu mới. Thường mình sẽ Google loại thịt và tìm các công thức từ các quốc gia khác nhau và biến tấu nguyên liệu theo khẩu vị để luôn có các món ăn đa dạng. Việc học online ở nhà cũng cho mình nhiều thời gian sáng tạo trong bếp hơn.
Chỉ cần vài nguyên liệu cơ bản và chút thời gian tìm công thức trên mạng, mình đã có những bữa ăn vô cùng phong phú.
Ngoài ra để tránh vòng tròn lặp lại giữa các loại thịt, cách 2 tuần mình sẽ ăn thử một loại đậu thay thế. Chỉ trong năm 2020, mình đã biết được vô số loại đậu và các cách chế biến ra các món ăn hấp dẫn từ đậu.
Các hàng quán đều đóng cửa nên trong năm vừa qua mình cũng tiết kiệm được kha khá tiền ăn ngoài. Cùng với đó thì trình nấu nướng của mình cũng tăng lên đáng kể.
Quản lý chi tiêu hiệu quả chỉ bằng việc ghi chép
Trước đây, mình chưa thực sự để tâm đến việc quản lý tài chính cá nhân. Có tháng, tiền mua quần áo, đồ điện tử, mỹ phẩm,... cộng lại chắc cũng đến cả nghìn euro, nhưng mình không để ý vì không ghi chép lại. Chỉ khi bắt đầu thực sự nghiêm túc với việc sống tiết kiệm, mình bắt đầu lập file quản lý chi tiêu hàng tháng, tiền kiếm được cho vào các khoản tiết kiệm trước rồi mới nghĩ đến chuyện tiêu cho các nhu cầu cá nhân.
Việc thống kê một cách khoa học đã giúp mình kiểm soát rất tốt chi tiêu hàng tháng.
Mình ưu tiên thanh toán bằng thẻ và giữ lại hóa đơn để tiện bề ghi chép. Có như vậy mới thấy, có những khoản mình chi quá tùy hứng, không đáng tiền chút nào. Có những món đồ mua về chỉ vì đẹp, vì dễ thương mà tính năng chẳng được bao nhiêu, mình dùng vài lần rồi quên mất vứt xó.
Vì vậy càng về sau, mỗi lần muốn mua gì mình đều nâng lên đặt xuống chục lần, tự hỏi bản thân: “Mình có thực sự cần món đồ này không?”. Hoặc mỗi lần thèm mua một chiếc áo xinh xinh trên mạng, mình lại kịp kìm lại và đi… giặt quần áo. Sau một hồi giặt, phơi và gấp, hoặc là mình quá oải vì bản thân đã quá nhiều quần áo, hoặc là mình lục tủ và phát hiện ra đã có món đồ tương tự, hoặc đơn giản là mình… quên luôn sự tồn tại của chiếc áo xinh xinh kia.
Những tháng đầu ghi chép, mình tiêu hơn 700 euro, dần dần giảm xuống 600, 500, tới hiện tại mình đã giảm mức chi tiêu xuống 450 euro/ tháng (11,1 triệu đồng). Điều mình vui nhất là, dù tiêu ít hơn, mình vẫn hài lòng với những gì mình có vì chúng đều là những món đồ tốt mà mình thực sự cần và thường xuyên sử dụng.
Khám phá những thú vui ít tốn kém
Trước đây khi nhịp sống vẫn còn hối hả, thú vui của mình sau giờ học là lượn lờ ở khu trung tâm, sà vào các cửa hàng bày biện long lanh và trở về nhà với vài món đồ mới trong túi. Ngồi học lâu trong thư viện, muốn đổi gió, mình lại làm một chuyến ra siêu thị gần đó để mua đồ ăn vặt.
Thời gian đầu của đợt phong tỏa đầu tiên, thay vì lượn lờ ở các cửa hàng, mình chuyển “địa bàn” sang mua sắm online, có tuần gặp shipper đến vài lần để nhận đồ. Sau khi ghi chép lại chi tiêu và nhận ra mình đang phung phí tiền như thế nào, mình bắt đầu tự hỏi: Mình có thể làm gì để giải trí thay vì mua sắm?
Mình chọn cách đi dạo quanh kí túc xá thay vì lượn lờ mua sắm.
Và thế là mình bắt đầu chuyển sang làm vài vòng đi dạo quanh kí túc xá, ngắm nhìn cây cối thư giãn sau những buổi học online. Thay vì ngồi lướt web mua sắm, mình lưu sẵn một vài blog và website thú vị để đọc những khi buồn. Gần đây, mình còn cắt cả tài khoản Netflix để giảm thời gian nhìn màn hình và quyết tâm đọc hết đống sách còn dang dở trên giá.
Thậm chí, sau một thời gian xem nhiều clip trang trí phòng ốc trên YouTube, mình đã được truyền cảm hứng và tận dụng khoảng thời gian chôn chân ở nhà để “biến hình” cho căn phòng kí túc xá mình ở với 80% nguyên vật liệu từ đồ có sẵn hoặc tái chế. Vì vậy, dù hầu hết thời gian đều không ra ngoài, mình cũng không cảm thấy chán chút nào. Cùng với đó ví tiền của mình vẫn được bảo toàn.
Việc thống kê một cách khoa học đã giúp mình kiểm soát rất tốt chi tiêu hàng tháng.
“Khu vườn” với các chậu cây tái chế ngoài bệ cửa sổ.
Không chạy theo trào lưu hay thương hiệu mà chỉ quan tâm đến chất lượng
Việc học online cũng đồng nghĩa với việc mình không được gặp bạn bè bằng xương bằng thịt mỗi ngày mà chỉ có thể chào nhau qua webcam. Điều thú vị là ai ai cũng chỉ diện đồ ngủ hoặc trang phục đơn giản. Mình không còn cơ hội để ngắm outfit của bạn cùng lớp, hay cảm thấy “thèm thuồng” món đồ xinh xắn của một cô bạn nào đó mang lên giảng đường.
Mất đi một nguồn cám dỗ cũng là lúc mình bắt đầu đặt mối quan tâm về chất lượng lên hàng đầu, không chỉ ở trang phục mà còn ở tất cả các mặt khác trong đời sống. Mình nhận ra có những món đồ dù là thương hiệu được ít người biết đến, không đa năng như các sản phẩm đắt tiền hơn, chúng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và phù hợp với nhu cầu của mình. Quan trọng nhất là, giá thành của những sản phẩm này nhiều khi chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba các sản phẩm có thương hiệu.
Chân dung cô gái "ít tiền vẫn vui".
Vậy là khi chọn mua một món đồ mới, mình xác định mình muốn gì ở món đồ đó và sẵn sàng chi tối đa bao nhiêu tiền. Gần đây, chiếc điện thoại mình dùng 3 năm bị hỏng cần phải thay mới (tiền sửa điện thoại ở Đức khá đắt đỏ), cũng cùng lúc với đợt iPhone 12 ra mắt. Một vài người bạn dụ mình lên đời iPhone 12, nhưng mình chỉ đặt ra “ngân sách” tối đa 300 euro cho một chiếc điện thoại thông minh có đủ chức năng cơ bản kèm chụp ảnh và quay phim đẹp. Sau khoảng một tuần lặn ngụp các trang bán đồ cũ, mình đã mua một chiếc điện thoại còn gần như mới do chủ cũ ít dùng từ một thương hiệu khá uy tín và phổ biến ở Đức với giá 270 euro (7,5 triệu đồng).
iPhone 12 tất nhiên là xịn và đẹp, nhưng không có nghĩa là nó phù hợp nhất với mình ở thời điểm hiện tại, hay nói cách khác: Bạn rất tốt nhưng mình rất tiếc!
Tiết kiệm từ những khoản nhỏ nhắt
Không chỉ những khoản chi tiêu từ vài trăm, vài nghìn euro mới được tính là tiết kiệm. Mình phát hiện ra,chìa khóa thực sự đến từ việc gom góp từ những đồng xu tưởng như lặt vặt chẳng đáng nhắc đến. Những “đồng xu” này không chỉ tồn tại ở dạng “tiền tươi thóc thật”, mà còn có thể ở từ món đồ bạn đang cần mua bỗng giảm giá đúng lúc, coupon giảm giá ở siêu thị bạn hay đi, cơ hội việc làm cải thiện thu nhập, mấy món đồ cũ bạn lục tìm trong nhà có thể đem thanh lý.
Hay là những thứ thậm chí còn gián tiếp hơn, như việc bạn tìm được video hướng dẫn sửa món đồ gia dụng hỏng đang định mua mới, công thức chất tẩy rửa tự nhiên từ thức ăn thừa, công dụng mới của những món đồ bạn tưởng là “rác” có sẵn trong nhà giúp bạn không phải mua món đồ có công năng tương tự ngoài cửa hàng,... Theo cách này, bạn thậm chí còn tiết kiệm được nhiều tiền hơn là bạn nghĩ, và hóa ra cuộc sống của bạn bỗng “giàu có” hơn nhiều dù thu nhập không thay đổi.
Nhờ những món đồ lâu ngày không dùng tới và rác sinh hoạt, mình đã “trang điểm” thành công cho phòng riêng và có một “khu vườn” nho nhỏ ngoài bệ cửa sổ nhờ những hộp nhựa đựng thịt. Mình còn tìm được những hội nhóm “giải cứu đồ ăn” địa phương để mua đồ ăn vẫn ngon nhưng không đẹp về mặt hình thức, hay được những người bạn tốt bụng trên mạng chia sẻ đồ ăn miễn phí do không muốn lãng phí thực phẩm. Lần gần đây nhất,mình còn đổi thành công những chậu cây nhựa không dùng tới lấy máy hút bụi cầm tay. Những trải nghiệm như vậy khiến mình nhận ra chân lý: Niềm vui có thể đổi lấy bằng muôn vàn cách, và không phải cái gì cũng (chỉ) có thể mua được bằng tiền!
Chậu cây được mình tái chế từ lon sắt đựng soup
Năm vừa qua chắc chắn là một năm thách thức, với mình, với các bạn Du học sinh, với tất cả mọi người. Nhưng nhờ việc thay đổi cách suy nghĩ, dẫn tới thay đổi thói quen và thay đổi lối sống, mình đã trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn và hạnh phúc hơn rất nhiều, cả về mặt tinh thần và tài chính.
Bài viết được thực hiện bởi bạn Ngọc Lê, hiện là du học sinh Thạc sĩ ngành Truyền thông trẻ em và thanh thiếu niên tại Đức. Ngọc cũng là blogger chia sẻ về lối sống tiết kiệm tại blog cá nhân Grannyshidae - Bà Ngoại Ăn Chơi.
Những người bị lãng quên giữa thảm họa ở Texas
Gloria Vera-Bedolla, một người gốc Latinh, cảm thấy khu dân cư vốn thiếu thốn của bà vẫn không được đoái hoài giữa thảm họa giá rét ở Texas.