Giải mã nguyên nhân khiến hàng Việt Nam bị loại khỏi Mỹ
Việc doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời, thiếu hiểu biết các quy định mới về an toàn thực phẩm giành cho sản phẩm nhập khẩu trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu hàng nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ trong thời gian tới.
09:30 30/08/2017
4 tháng đầu năm xuất khẩu Tôm Việt Nam vào Mỹ giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng của quy định mới trong Luật FSMA
Đây là quan ngại của các diễn giả và chuyên gia tại Diễn đàn An toàn Thực phẩm với chuyên đề “Phát triển thị trường cho hàng Việt Nam” do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cùng với Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 28/08/2017, tại TP. Hồ Chi Minh
Gặp khó vì những quy định mới trong Đạo luật FSMA
Thực phẩm và thủy hải sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2016, hải sản Việt Nam xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, trong đó bao gồm 1,4 tỷ USD là giá trị xuất khẩu sản phẩm cá và tôm cua xuất khẩu sang Mỹ, chiếm 40% giá trị nhập khẩu thực phẩm và nông sản của Hoa Kỳ từ Việt Nam.
Đồng thời, ngành nông nghiệp, thủy hải sản và thực phẩm đang chiếm khoảng 46% lực lượng lao động của Việt Nam.
Hiện Việt Nam là 1 trong 15 đối tác thương mại nông nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ. Với những nhóm sản phẩm chính: Thủy sản, các loại hạt quả hạch, trái cây, rau củ, cà phê, gia vị, mật ong, lúa gạo, ngũ cốc, thành phần và thức ăn thú nuôi.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời, thiếu hiểu biết các quy định mới về an toàn thực phẩm trong Luật Hiện đại hóa An toàn vệ sinh thực phẩm của Hoa Kỳ (FSMA), yêu cầu mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp (USDA) có thể ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào Mỹ, cũng như suy giảm việc làm cho người lao động và doanh thu của ngành.
Tính từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 4/2017 có 23 cuộc cảnh báo đối với hàng nhập khẩu mà FDA chính thức đưa lên website của họ.
Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm có rất nhiều quy định mới, đơn cử như quy định tất cả các nhà máy đăng ký phải gia hạn đăng ký sau mỗi 2 năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến 31/12. Chỉ tính riêng quy định mới về tất cả các nhà máy phải đăng ký gia hạn đăng ký sau mỗi 2 năm, việc các doanh nghiệp chưa nắm bắt được quy định đã khiến cho số nhà máy thực phẩm của Việt Nam được xuất hàng vào Mỹ sụt giảm mạnh.
Ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch AmCham Việt Nam cho biết, tháng 1/2017 số lượng nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA xuất hàng vào Mỹ chỉ còn 806 so với con số 1.845 nhà máy ở thời điểm tháng 12/2016, nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam không biết về quy định mới nói trên và không gia hạn đang ký.
Được biết, từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2017, sản lượng tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường đã ngăn được đà giảm và tăng trở lại, 7 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu tôm vào Mỹ chỉ giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cần có chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm
Việt Nam được xếp thứ hạng cao về xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông nghiệp, nhưng sản phẩm của Việt Nam chưa được đánh giá cao về mặt chất lượng và giá trị. Thực phẩm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh về giá cả, tuy nhiên khả năng cạnh tranh chất lượng chưa cao, thường bị các nước nhập khẩu trả về vì lý do an toàn thực phẩm.
Câu hỏi đặt ra rằng, làm cách nào để nâng cao quyền hạn và năng lực cho ngành thực phẩm Việt Nam, thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững và tuân thủ với các yêu cầu mới của FDA?
Theo ông Sanket Ray, CEO của Coca-Cola Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề an toàn thực phẩm.
Các chính sách thực tiễn sẽ giúp công tác quản lý và thực thi an toàn thực phẩm hiệu quả hơn, là điều cực kỳ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu”.
Trong khi đó, bà Ratih Puspitasari, Giám đốc phụ trách Hợp tác Khoa học và Luật định của Cargill khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng thực phẩm, an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và phát triển bền vững.
Việt Nam cũng cần có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi, đồng thời cần có các quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc trong chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi một cách khoa học theo các tiêu chuẩn quốc tế, học hỏi phương pháp chăn nuôi từ các thị trường thành công,…
Bà Ratih Puspitasari đánh giá làm được những điều nói trên sẽ giúp Việt Nam mở cửa thị trường thực phẩm của Hoa Kỳ, đồng thời giúp các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường xuất khẩu lớn và đa dạng khác.
Theo Bizlive
Thấy gì từ những vụ tai nạn đụng nhiều xe hàng loạt ở Mỹ?
Tại nạn trên xa lộ là điều rất đáng sợ ở Mỹ. Với tốc độ di chuyển cả trăm cây số giờ, tai nạn trên xa lộ rất dễ dẫn đến chết người.