Giằng co Mỹ - Trung trên 'bàn cờ thế' Triều Tiên

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có liên hệ mật thiết với nhau trong toan tính của hai cường quốc.

00:00 03/04/2019

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Thương mại và vũ khí hạt nhân dường như là hai vấn đề không liên quan tới nhau, hoàn toàn tách biệt giữa kinh doanh và địa chính trị. Nhưng với một tỷ phú bất động sản trở thành chính trị gia như Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn tự hào về "nghệ thuật đàm phán" của mình, hai vấn đề này luôn có mối liên hệ mật thiết.

Cary Huang, bình luận viên kỳ cựu về vấn đề Trung Quốc từng là trưởng đại diện văn phòng Bắc Kinh của SCMP, cho rằng đây là lý do hai sự kiện thu hút sự chú ý lớn nhất của dư luận thế giới trong năm qua, cuộc đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim, lại có những ràng buộc, đan xen rất chặt chẽ. Cả hai hồ sơ đối ngoại lớn này đều nằm trong một "ván cờ thế" giữa hai tay chơi là Mỹ và Trung Quốc.

Nổi tiếng với quan điểm chỉ xem trọng kết quả từ khi điều hành tập đoàn bất động sản của mình, Tổng thống Trump sau khi nhậm chức vẫn luôn coi mọi thứ, kể cả những vấn đề thuộc lĩnh vực đối ngoại, đều là món hàng có mức giá nhất định, nên chúng đều có thể thương lượng. Ông từng đe dọa rút Mỹ khỏi NATO hoặc đưa binh sĩ đồn trú ở Nhật Bản, Hàn Quốc về nước nếu các đồng minh truyền thống này không chia sẻ thêm chi phí quân sự với Washington.

Kể từ khi phát động chiến tranh thương mại nhắm vào Trung Quốc cũng như khởi động nỗ lực đàm phán cấp cao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ có sự "đánh đổi" trong quá trình thương lượng về hai vấn đề này. Ông vài lần thay đổi quan điểm từ tán dương Trung Quốc vì đã giúp đỡ cho tới đổ lỗi vì cản trở vấn đề Triều Tiên.

Trung Quốc cũng không kém cạnh khi tận dụng mọi cơ hội khả dĩ để nhắc nhở Mỹ rằng họ có thể làm phức tạp hóa giấc mơ loại bỏ vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Trump nếu Bắc Kinh và Washington không thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Tháng 3/2018, khi Mỹ và Triều Tiên nối lại tiếp xúc trực tiếp nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc ban đầu bày tỏ lo lắng rằng Bắc Kinh có thể đánh mất ảnh hưởng với đồng minh truyền thống Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc 4 lần vào tháng 3, tháng 5, tháng 6 năm 2018 và tháng 1 năm nay, trong đó có hai chuyến thăm diễn ra chỉ một thời gian ngắn trước hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim.

Bình luận viên Cary chỉ ra điều trùng hợp là mỗi lần Trump thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, ông Kim lại được mời tới thăm Trung Quốc. Ông cho rằng bằng nước cờ này, Bắc Kinh dường như muốn gửi thông điệp tới Washington rằng "các ông không thể đàm phán với Kim Jong-un nếu không có sự giúp đỡ của chúng tôi".

Trump từng tuyên bố rằng việc Triều Tiên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân là kết quả từ chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Washington nhắm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới quan sát từng chỉ ra rằng thành công của chiến lược gây sức ép tối đa này phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của Trung Quốc, khi hơn 90% hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên đi qua biên giới nước này.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc ở Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận, Bình Nhưỡng đã tức giận đe dọa sẽ rút hoàn toàn khỏi các cuộc đàm phán với Washington và tái xem xét lệnh cấm thử hạt nhân, tên lửa. Tình thế này đặt ra thách thức rất lớn cho chính quyền Trump, khiến công sức của ông trong năm qua có thể "đổ sông đổ bể", buộc Trump phải quay sang phía Trung Quốc để phá vỡ thế bế tắc.

 (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Điều này giải thích cho sự xuất hiện của Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ở Bắc Kinh đầu tuần trước. Đây là chuyến đi tới Trung Quốc thứ ba của Biegun kể từ khi đặc phái viên này được bổ nhiệm từ tháng 8 năm ngoái, và nó diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh được cho là đang đạt tiến bộ.

Không chỉ có Biegun, một loạt quan chức cấp cao khác của Mỹ như Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng vừa có mặt ở Bắc Kinh để thảo luận về tranh chấp thương mại giữa hai nước. Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, sẽ tới Washington để có thêm các cuộc trao đổi từ ngày 3/4. Những cuộc thương lượng này đều hướng tới mục tiêu hoàn tất cái mà Trump từng gọi là "một trong những thỏa thuận lớn nhất lịch sử".

Trong các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tình trạng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và từ bỏ chương trình "Made in China 2025" đầy tham vọng nhằm giải quyết thâm hụt thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, các lãnh đạo Bắc Kinh lại cho rằng Washington đang đòi hỏi quá nhiều nhượng bộ từ phía họ.

Trong bối cảnh đó, vấn đề Triều Tiên có thể được Trung Quốc sử dụng như một đòn bẩy để gây sức ép với Mỹ khi đàm phán thương mại. Nhưng sau nhiều tháng giằng co, đến nay "ván cờ thế" giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ, khi không ai biết được cuộc đàm phán đã đi đến đâu giữa Mỹ với Trung Quốc hay giữa Washington với Bình Nhưỡng.

"Sẽ không có thỏa thuận nào với bất cứ vấn đề gì cho đến khi có thỏa thuận cho mọi thứ", Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer tuyên bố gần đây. Sau hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội, Trump cũng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng có thể có kết thúc tương tự thảo luận Mỹ - Triều.

Theo bình luận viên Cary, logic của cả Mỹ và Trung Quốc trên ván cờ này rất rõ ràng: Nếu hai bên đạt được một thỏa thuận lịch sử về thương mại, kết quả tương tự có thể sẽ đến trong hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa Trump và Kim Jong-un. Còn nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không thể kết thúc trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ khó có thể thúc đẩy một thỏa thuận lớn giữa Washington với đồng minh Bình Nhưỡng của họ liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. "Trong trường hợp này, có vẻ như thương mại và vũ khí hạt nhân là hai mặt của một đồng xu", Cary viết.

Nguồn: Vnexpress.net

Tags:
Căng thẳng Mỹ - Trung: Thương mại và hơn thế nữa

Căng thẳng Mỹ - Trung: Thương mại và hơn thế nữa

Vào hai ngày 28/3 và 29/3, các nhà thương lượng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc lại gặp nhau ở Bắc Kinh, trong nỗ lực mới nhất để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể đưa ra một thỏa thuận thương mại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất