Đêm giao thừa năm 2019, nhà dịch tễ học Mỹ Ian Lipkin nhận được cuộc gọi bí mật từ Trung Quốc về một căn bệnh như viêm phổi tại Vũ Hán.
21:11 16/12/2021
"Tôi được nhắn rằng đừng lo lắng về vấn đề đó", Lipkin, giáo sư dịch tễ học nổi tiếng tại Đại học Columbia của Mỹ, nhớ lại cuộc gọi từ nguồn tin uy tín tại Trung Quốc. Ông nói thêm rằng người này cho biết căn bệnh do một loại virus corona gây ra và có vẻ không quá dễ lây lan.
Cũng vào ngày cuối cùng của năm 2019, Maria Van Kerkhove, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận được email thông báo về đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn trong 44 bệnh nhân nhập viện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. "Bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân - Trung Quốc" là tiêu đề thông báo ngày 5/1/2020 của WHO.
4 ngày sau, truyền thông Trung Quốc cho biết căn bệnh do một chủng virus corona gây ra. Đây cũng là virus gây ra đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2003, khiến gần 800 người trên thế giới thiệt mạng trước khi được kiểm soát.
Hành khách tại nhà ga Hán Khẩu, Vũ Hán ngày 22/1/2020, một ngày trước khi Vũ Hán phong tỏa. Ảnh: Xiaolu Chu.
Giới khoa học tỏ ra cảnh giác, nhưng không quá lo lắng. SARS từng rất đáng sợ, nhưng chỉ lây nhiễm khi người bệnh đã chuyển biến nặng. Trình tự gene của virus mới do các nhà khoa học Trung Quốc công bố cũng khá giống virus gây bệnh SARS. Stanley Perlman, nhà khoa học tại Đại học Iowa, đánh giá căn bệnh mới sẽ chỉ lây lan sau khi ca nhiễm xuất hiện triệu chứng, dự đoán mà sau này ông thừa nhận là sai lầm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 3/2020 thực hiện cuộc phỏng vấn với một nhân viên kế toán 41 tuổi họ Chen sống ở quận Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, người được coi là ca nhiễm được ghi nhận đầu tiên. "Tôi bắt đầu sốt vào ngày 16/12/2019 và không cắt cơn sốt cả ngày hôm đó", Chen nói trong cuộc phỏng vấn.
Giáo sư Lipkin hồi tháng 9 cũng nói rằng sau khi tìm hiểu, ông biết về một đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán vào quãng thời gian này.
Trung Quốc ngày 11/1/2020 ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì bệnh viêm phổi bí ẩn là một người đàn ông 61 tuổi bị viêm gan mạn tính, làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi buôn bán nhiều động vật hoang dã.
Ngày 13/1, giới chức xác nhận một ca nhiễm tại Thái Lan, trường hợp đầu tiên ngoài Trung Quốc. Một ngày sau, nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc và nhanh chóng kết luận có bằng chứng virus mới truyền từ người sang người. Ngày 23/1, Vũ Hán áp lệnh phong tỏa đầu tiên trên thế giới, nhưng hàng triệu người khi đó đã rời khỏi thành phố và tỏa ra khắp nơi.
Ngày 11/2/2020, WHO công bố tên chính thức của dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra là Covid-19, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia phát hiện ca nhiễm và giới khoa học Trung Quốc nhận thấy số người nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 7,4 ngày. Các bệnh viện tại Vũ Hán quá tải, y bác sĩ kiệt quệ, đám đông chen chúc để được điều trị giữa những tiếng than khóc.
Ngoài điểm nóng Vũ Hán, sự chú ý của thế giới khi đó còn đổ dồn vào du thuyền Diamond Princess, nơi phát hiện hàng loạt ca nhiễm và bị cách ly tại cảng Yokohama của Nhật Bản. Các nhà khoa học sững sờ trước thực tế là những người chỉ ở trong phòng trên du thuyền và tuân thủ biện pháp chống dịch cũng nhiễm virus.
"Chúng tôi khá chắc đây là đại dịch khi chứng kiến cách virus lây lan trên tàu Diamond Princess", bác sĩ Michael Callahan, người dẫn dắt nhóm chuyên gia Mỹ điều tra tình hình trên du thuyền, cho hay. Như dự đoán của ông, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020, khi virus đã lan khắp 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 122.000 ca nhiễm và hơn 4.300 người chết.
Nỗ lực ứng phó chưa từng có tiền lệ
Bước vào cuộc chiến cùng loại virus mà hệ miễn dịch chưa từng chạm trán, con người thất thế khi hiểu biết về mối đe dọa còn hạn chế. Từ những ngày đầu, tình thế "tay không đánh giặc" buộc hàng loạt quốc gia áp dụng các biện pháp dịch tễ truyền thống như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly người nhiễm, cô lập khu vực tiếp xúc người nhiễm, phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và giao thương.
Trả lời VnExpress hồi tháng 5, David Filder, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) của Mỹ, nhận định thế giới trong giai đoạn đầu từng bị kéo về cùng một vạch xuất phát khi nCoV bắt đầu hoành hành. Khi chưa quốc gia nào nghiên cứu được vaccine, tất cả phải chọn can thiệp "phi dược học" để đối phó Covid-19, bất kể đó là nước giàu hay nước nghèo.
Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của thế giới, cùng hàng loạt địa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc với tổng dân số khoảng 57 triệu người trong hơn hai tháng, từ 23/1 đến 8/4/2020. Đúng hai tháng sau khi nước láng giềng phong tỏa Vũ Hán, Ấn Độ phát lệnh hạn chế đi lại với toàn bộ 1,3 tỷ dân nước này. Những biện pháp tương tự được áp dụng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa quên bài học ứng phó đại dịch SARS do virus họ hàng của nCoV gây ra.
Lúc Vũ Hán cơ bản kiểm soát tình hình nhờ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, người dân miền bắc Italy, nơi bùng phát Covid-19 đầu tiên tại châu Âu, dần thấm thía nỗi sợ dịch bệnh.
"Chiến tranh đã bùng nổ theo nghĩa đen, với những trận chiến không ngừng cả ngày lẫn đêm. Từng người xấu số được đưa vào phòng cấp cứu, với những biến chứng vượt xa bệnh cúm", Daniele Macchini, bác sĩ tại bệnh viện thành phố Bergamo thuộc vùng Lombardy, cho biết.
Cuộc khủng hoảng mà nhiều người coi là thảm họa dịch tễ học cũng lập tức càn quét nước Mỹ, với tâm điểm là New York. "Số ca nhiễm tăng gấp 10 lần chỉ trong một tuần", Craig Smith, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia ở thành phố New York, cho biết vào ngày 21/3/2020. "Một trong những điều chúng tôi nhận ra là các chuyên gia đã sai hầu như trong mọi dự báo. Tôi đã học cách ngừng dự đoán về đại dịch".
Phương Tây sau giai đoạn lúng túng bước đầu cũng phải vượt lên những tranh luận về quyền cá nhân và chấp nhận sống chung với phong tỏa. Italy là nước đầu tiên tại châu Âu ban bố hạn chế đi lại trên toàn quốc vào ngày 9/3/2020, chỉ cho phép người dân ra đường cho nhu cầu thiết yếu như mua thực phẩm hay dịch vụ y tế.
Mô hình được nhân rộng khắp thế giới với mức độ nghiêm ngặt tùy vào diễn biến dịch. Châu Á trở thành hình mẫu chống dịch nhờ tiên phong siết kiểm soát biên giới và truy vết quyết liệt chống lây nhiễm. Những nước chậm phong tỏa, để nCoV lây lan trong cộng đồng bằng niềm tin mơ hồ về "miễn dịch cộng đồng" nhanh chóng thay đổi quan điểm khi nhận ra hậu quả khó tránh: hệ thống y tế quốc gia quá tải và số ca tử vong vì Covid-19 tăng vọt.
Tương tự phần còn lại của thế giới, Mỹ nhanh chóng áp dụng các biện pháp phong tỏa. Trường học, nhà hàng, văn phòng đều đóng cửa. Đường phố vắng lặng. Người dân sợ hãi đổ xô mua đồ tích trữ. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong vẫn không ngừng tăng. Đến cuối tháng 3/2020, Mỹ vượt Trung Quốc và Italy, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Các xe đông lạnh trở thành nhà xác dã chiến ở New York.
"Nhìn lại, chúng tôi đã hoàn toàn sai lầm khi không chuẩn bị tốt hơn", bác sĩ Lewis Kaplan, cựu chủ tịch Hiệp hội Y học Chăm sóc Tích cực của Mỹ, cho hay.
Trong cao điểm đại dịch vào tháng 4, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính khoảng 4,2 tỷ người, tương đương 54% dân số thế giới và 60% GDP toàn cầu, sống trong tình trạng phong tỏa một phần hoặc toàn diện. Gần như toàn bộ dân số thế giới ở giai đoạn này chịu ảnh hưởng nhất định từ giãn cách xã hội.
"Tôi trở nên khiêm tốn hơn sau những năm tháng qua, bởi nhận ra rằng còn bao điều tôi không biết".
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, nói.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk rõ ràng đã vỡ òa vì phấn khích sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Tại một sự kiện ăn mừng ở sân vận động Capital One Arena, ông Musk đã có một cử chỉ tay gây tranh cãi, đặt ra câu hỏi liệu tỷ phú Mỹ chỉ đơn giản là đang thể hiện niềm vui, hay muốn bộc lộ điều gì đó đằng sau.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo lực lượng biên phòng và kiểm soát di trú được quyền bắt người nhập cư trái phép ở địa điểm nhạy cảm như trường học, nhà thờ.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ngày 18/1, tại thành phố Oxford, Hội sinh viên Việt Nam tại thành phố Oxford (VOX) đã tổ chức chương trình lễ hội Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025 với tên gọi 'Tết ở Oxford: Quê nhà và Chân trời', thu hút sự tham dự của các giáo sư, giảng viên Đại học Oxford và trí thức, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập làm việc tại thành phố Oxford và nhiều thành phố khác trên toàn nước Anh.
Những phẩm chất này không chỉ chỉ ra con đường sống khỏe mạnh cho người cao tuổi mà còn là kim chỉ nam và nguồn cảm hứng quý giá để bảo vệ sức khoẻ lâu dài.