Hậu quả của những chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài
Sau khi Mỹ can thiệp, một số nước Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi lâm vào bất ổn, nội chiến dai dẳng khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
22:30 03/02/2019
Tổng thống Mỹ Trump năm ngoái từng công khai tuyên bố việc ông cân nhắc lựa chọn quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Năm nay, Mỹ tuyên bố Maduro là tổng thống bất hợp pháp và công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời. Trump cho biết mọi phương án đều được cân nhắc, ám chỉ rằng không loại trừ khả năng can thiệp quân sự.
Mỹ trong hai thập niên qua có những chiến dịch quân sự lớn tại các nước Iraq, Syria ở Trung Đông, Afghanistan ở Nam Á và Libya ở Bắc Phi.
Sau vụ khủng bố của al-Qaeda ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 7/10/2001 phát động Chiến dịch Tự do Vĩnh cửu nhằm vào nhóm al-Qaeda được lực lượng Taliban trợ giúp ở Afghanistan.
Mỹ tiến hành nhiều đợt không kích bằng các oanh tạc cơ chiến lược, điển hình là B-52.
Lính Mỹ giao chiến với Taliban tại tỉnh Helmand, Afghanistan năm 2008. Ảnh: Reuters. |
Đầu tháng 12/2001, Taliban bị đẩy lùi khỏi thành trì cuối cùng ở Kandahar. Tuy nhiên, trùm khủng bố Osama bin Laden đã trốn thoát.
Quân đội Mỹ và Afghanistan tiếp tục tổ chức Anaconda, chiến dịch tấn công mặt đất, tiêu diệt 800 tay súng Taliban và al-Qaeda.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tháng 5/2003 tuyên bố chiến dịch quân sự ở Afghanistan hoàn thành.
Ngày 18/9/2005, người dân Afghanistan đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên của đất nước trong hơn 25 năm, Mỹ sau đó giảm bớt hiện diện quân sự nhưng Taliban trỗi dậy trở lại, lấn át lực lượng chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử.
Diễn biến này khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 2/2009 điều thêm 17.000 lính đến Afghanistan để ổn định tình hình.
Đặc nhiệm hải quân Mỹ tháng 5/2011 đột kích vào một tòa nhà ở Pakistan, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Tuy nhiên, bạo lực tiếp tục gia tăng ở Afghanistan. Ngày 6/8/2011, một trực thăng Chinook của Mỹ bị các phần tử khủng bố bắn rơi ở phía đông tỉnh Wardak khiến 7 binh sĩ Afghanistan và 22 đặc nhiệm SEAL thiệt mạng. NATO sau đó điều 13.000 quân đến Afghanistan trong hai năm để huấn luyện và cố vấn cho lực lượng an ninh nước này.
Obama từng có ý định giảm số lượng binh sĩ tại Afghanistan xuống còn 5.500 lính vào năm 2017, nhưng sự trỗi dậy của Taliban trên chiến trường khiến kế hoạch này bị đổ bể.
Đất nước thường xuyên hứng chịu các vụ đánh bom tự sát tại những nơi tụ tập đông người như lễ tôn giáo, chợ, điểm bầu cử. Taliban nhận trách nhiệm nhiều vụ nghiêm trọng như kích nổ một chiếc xe cứu thương giữa con đường đông đúc ở trung tâm Kabul, khiến hơn 100 người chết. Cuộc chiến khiến hơn 38.000 dân thường thiệt mạng.
Khi tranh cử tổng thống, Trump đã hứa hẹn về việc sẽ rút quân khỏi Afghanistan và cuối năm ngoái Washington thông báo họ có ý định rút một nửa số quân tại đây. Ngày 28/1, Mỹ tuyên bố rằng các nhà đàm phán Mỹ và Taliban đã thống nhất một số nguyên tắc: Quân đội Mỹ sẽ rời Afghanistan để đổi lấy việc Taliban đảm bảo rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không bị khủng bố lợi dụng.
Dòng người ồ ạt chạy khỏi Barsa ở miền nam Iraq sau khi liên quân Mỹ tấn công tháng 3/2003. Ảnh: AP. |
Tháng 3/2003, với cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và Saddam Hussein hỗ trợ khủng bố, lực lượng 170.000 lính do Mỹ dẫn đầu tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Iraq.
Trong cuộc thăm dò của CBS tháng 1/2003, 64% người Mỹ đồng ý với hành động quân sự chống lại Iraq; tuy nhiên, 63% muốn Bush tìm giải pháp ngoại giao thay vì tham chiến và 62% tin rằng mối đe dọa khủng bố nhắm vào Mỹ sẽ gia tăng do chiến tranh.
Cuộc chiến cũng bị một số đồng minh của Mỹ như Pháp, Đức và New Zealand phản đối với lập luận rằng không có bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq và sự can thiệp này là không chính đáng. Tháng 2/2003, một tháng trước cuộc chiến, một loạt biểu tình diễn ra trên khắp thế giới để phản đối. Chiến dịch ở Rome có ba triệu người tham gia, được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất.
Sau khi không kích dinh tổng thống, liên quân tấn công vào tỉnh Basra và không kích thành phố Kirkuk ở miền nam đất nước. Ngày 9/4/2003, họ chiếm được Baghdad. Tổng thống Saddam Hussein và các lãnh đạo khác của Iraq chạy trốn. Tổng thống Bush ngày 1/5/2003 tuyên bố chiến dịch tại Iraq đã kết thúc.
Theo tổ chức phi chính phủ Iraq Body Count, khoảng 7.500 dân thường thiệt mạng. Tình trạng hôi của diễn ra trên diện rộng, trong đó có cả bảo tàng quốc gia Iraq.
Tháng 12/2003, Saddam Hussein bị phát hiện ẩn nấp trong một căn hầm ở miền bắc Iraq và bị lính Mỹ bắt sống. Trong suốt năm 2004, Iraq lâm vào bất ổn nghiêm trọng khi xung đột giữa các nhóm Hồi giáo dòng Sunni và Shiite trở nên tồi tệ, hàng loạt vụ đánh bom tự sát xảy ra.
Người đứng đầu nhóm điều tra vũ khí của Mỹ tháng 10/2004 kết luận rằng Iraq không tàng trữ vũ khí sinh học, hóa học hay hạt nhân. Cũng vào năm này, các bức ảnh cho thấy lính Mỹ lạm dụng tù binh Iraq tại nhà tù Abu Ghraib bị công bố, làm xấu đi hình ảnh của quân đội.
Ngày 15/12/2005, người dân Iraq đi bầu cử chính phủ lần đầu tiên kể từ sau khi quân đội Mỹ chiếm đóng. Sau nhiều tháng đình trệ, phe phái Hồi giáo dòng Shiite đồng ý để ứng viên Nouri Al-Malliki thành lập chính phủ mới vào tháng 4/2006.
Saddam Hussein bị buộc tội tội ác chiến tranh trong vụ thảm sát 140 người ở thị trấn Dujail năm 1982. Ông bị xử tử vào ngày 30/12/2006.
Reuters năm 2007 đưa tin tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em Iraq tăng lên 28% sau cuộc chiến. Khoảng 60 - 70% trẻ em mắc các vấn đề tâm lý. Một nửa số bác sĩ rời khỏi đất nước năm 2003 - 2006. Văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết tính đến năm 2015, 4,4 triệu người Iraq bỏ lại nhà cửa để chạy trốn trong khủng hoảng.
Mỹ từ năm 2007 giảm dần sự hiện diện và rút toàn bộ quân vào tháng 12/2011. Iraq Body Count nói rằng hơn 110.000 dân thường đã chết trong cuộc chiến.
Ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc không kích tại Mosul tháng 3/2017. Ảnh: Reuters. |
Động thái rút quân tạo ra khoảng trống quyền lực để phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy. Họ tiến hành các vụ thảm sát, cưỡng hiếp và bắt nô lệ, làm hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà ở.
Mỹ tháng 6/2014 tiến hành chiến dịch không kích ở Iraq. Họ phá hủy các hang ổ và kho vũ khí của IS nhưng cũng khiến dân thường thiệt mạng. 118 người bị giết trong đòn không kích năm 2014 và 845 người năm 2015.
Cuối năm 2017, IS bị đẩy lùi khỏi thành trì ở Mosul. Iraq tuyên bố đánh bại IS nhưng đất nước vẫn đối mặt với một số cuộc tấn công lẻ tẻ. Tính đến 1/1/2019, số người thiệt mạng do bạo lực ở Iraq là 180.000 - 201.000 người. Quân đội Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện ở đây.
Sau khi chứng kiến việc Mỹ lật đổ Saddam Hussein, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi có thể nghĩ rằng ông sẽ là người tiếp theo. Vì vậy, năm 2003, ông đàm phán với Anh và Mỹ, thừa nhận đang cố gắng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tuyên bố từ bỏ các chương trình này. Trước đó, Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt để cô lập Libya về kinh tế và chính trị như buộc các công ty dầu Mỹ rời khỏi quốc gia Bắc Phi này.
Muammar Gaddafi, lãnh đạo Libya năm 1969-2011. Ảnh: Reuters. |
Các vật liệu liên quan đến chương trình hạt nhân của Libya được đưa ra khỏi nước này, phần lớn được lưu trữ tại phòng thí nghiệm vũ khí của Mỹ ở Oak Ridge, Tennessee.
Tuy nhiên, chưa đầy một thập niên sau, Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu hành động quân sự chống lại Libya với lý do "bảo vệ dân thường" trước các cuộc "tàn sát" của ông này.
Nhờ sự hậu thuẫn của NATO, phe nổi dậy Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) chống Gaddafi tháng 8/2011 kiểm soát được nhiều khu vực trọng yếu. Phiến quân truy đuổi Gaddafi và vài tháng sau giết ông ta.
Sau khi Gaddafi bị lật đổ, Libya lâm vào cảnh hỗn loạn vì nội chiến, lãnh thổ bị chia năm xẻ bảy, lực lượng quân đội quốc gia kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya nhưng một số khu vực bị phiến quân Hồi giáo cực đoan chiếm đóng. Tính đến tháng 1/2018, cuộc nội chiến đã khiến hơn 10.000 người chết.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Mỹ ở Kobani, Syria tháng 11/2014. Ảnh: Reuters. |
Nội chiến Syria nổ ra giữa năm 2011 khi các cuộc biểu tình chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad leo thang thành bạo lực. Sau các cuộc giao tranh khiến hàng trăm người chết, tháng 8/2011, Tổng thống Mỹ Barrack Obama áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Syria, đồng thời kêu gọi Assad rời ghế.
Trước sự trỗi dậy của IS, Washington quyết định can dự sâu hơn vào chảo lửa Syria. Ngày 22/9/2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích vào lãnh thổ Syria với mục tiêu là IS. Mỹ hậu thuẫn cho các phiến quân chống chính phủ như Lực lượng Dân chủ Syria, gồm chủ yếu người Kurd và người Arab. Trong khi đó, Nga và Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad.
Ngày 20/10/2017, liên quân giải phóng Raqqa, thành trì lớn của IS. Ngày 19/12/2018, Trump tuyên bố đã đánh bại IS ở Syria và cho biết sẽ rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi nước này.
Quyết định này khiến người Kurd lo sợ sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công bởi lực lượng này bị Ankara coi là khủng bố và mối đe dọa an ninh. Nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại quyết định này sẽ tạo ra khoảng trống để các nhóm khủng bố hoạt động trở lại ở Syria.
Giới chuyên gia đánh giá rằng nếu Mỹ quyết định can thiệp quân sự vào Venezuela và lật đổ thành công Maduro, Venezuela gần như chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay. Quốc gia Nam Mỹ đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng bắt nguồn từ tình trạng kinh tế lao dốc, lạm phát phi mã.
Can thiệp từ bên ngoài cũng sẽ khoét sâu mâu thuẫn trong lòng xã hội Venezuela, hủy hoại tinh thần hòa giải dân tộc - thứ đóng vai trò trọng yếu cho một giải pháp hòa bình ở quốc gia này.
Sau can thiệp quân sự, để ổn định tình hình, quân đội Mỹ vẫn sẽ phải duy trì hiện diện tại Venezuela, điều này ẩn chứa nguy cơ Mỹ lún sâu vào cuộc chiến dai dẳng ở nước ngoài như trường hợp Iraq hay Afghanistan.
"Mỹ có thể dễ dàng tấn công Venezuela, nhưng việc chiếm đóng sau đó sẽ là vấn đề hoàn toàn khác. Lầu Năm Góc đã nếm trải điều này ở Iraq và nhiều khả năng sẽ phản đối việc điều quân đến Venezuela", cây bút Ian Talley của WSJ viết.
Gom tiền hơn 10 năm dành dụm mở quán cơm từ thiện giúp người nghèo
Một ông ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung đã không ngần ngại, thậm chí bị cho là “khùng” do dùng hết số tiền dành dụm trong hơn 10 năm lao động để mở quán cơm từ thiện giúp người nghèo có những bửa ăn no, ấm lòng.