Hậu quả nào nếu Mỹ - Trung đua hạ giá nội tệ?
Không chỉ kinh tế Mỹ và Trung Quốc chịu tác động tiêu cực nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ, các hãng xuất khẩu tại Nhật Bản, châu Âu cũng sẽ bị vạ lây.
21:30 07/08/2019
Hôm thứ hai, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá nội tệ xuống thấp nhất 8 tháng. Ngay sau đó, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, giá nhân dân tệ (CNY) phá mốc 7 CNY đổi một USD. Hôm qua, cơ quan này tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu, khiến CNY yếu đi so với USD. Sáng nay, động thái này lặp lại, hiện là 6,9996 CNY đổi một USD.
Mỹ hôm 5/8 đã tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này, khẳng định nhân dân tệ yếu đi là do thị trường quyết định, đồng thời trấn an các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, rằng đồng tiền này sẽ không tiếp tục mất giá mạnh.
Giới quan sát lo ngại diễn biến leo thang mới nhất này có thể bùng phát thành chiến tranh tiền tệ, khi hai nước rơi vào vòng xoáy hạ giá nội tệ. Và khi đó, không chỉ Mỹ, Trung Quốc, mà nhiều nền kinh tế khác cũng phải chịu thiệt hại.
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Nhân dân tệ yếu đi sẽ giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ. New York Times lấy ví dụ, một nhà máy ở Trung Quốc sản xuất đồ trang trí thảm cỏ và bán cho một hãng bán lẻ Mỹ. Mỗi sản phẩm có giá 1 USD. Nếu tỷ giá là 6 CNY đổi một USD, doanh thu của họ cho mỗi sản phẩm là 6 CNY.
Nhưng khi nhân dân tệ yếu đi, về 7 CNY một USD, sản phẩm đó mang lại cho họ doanh thu cao hơn (7 CNY). Khi đó, họ có thể giảm giá, về 0,857 USD mà vẫn đảm bảo doanh thu 6 CNY. Việc này sẽ khiến đối thủ tại Mỹ, vốn giao dịch hoàn toàn bằng USD, gặp bất lợi.
Tiền tệ yếu đi còn có thể giúp các hãng xuất khẩu Trung Quốc vượt qua thách thức từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Với mức thuế 25% lên hàng Trung Quốc, nếu nhân dân tệ yếu đi 10%, tiền thuế sẽ giảm đáng kể. Như vậy, tác động thực sự của thuế nhập khẩu sẽ không còn nhiều.
Đó là thiệt hại của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải trả giá. 4 năm trước, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc mạnh tay hạ giá nhân dân tệ, một phần để hỗ trợ các nhà máy. Tuy nhiên, mức giảm lớn, kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày đã gây sốc cho tài chính toàn cầu, khiến hàng loạt thị trường chứng khoán lao dốc.
Khi giới chức Trung Quốc đang vội vã giải thích nguyên nhân, các cá nhân và công ty đã ồ ạt rút vốn khỏi nước này. Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế, 680 tỷ USD đã rời Trung Quốc. Đây là dòng vốn mà kinh tế Trung Quốc đang rất cần.
Chỉ trong một năm, Trung Quốc đã phải dùng đến hơn 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kéo giá nhân dân tệ lên. Sau đó, họ bắt đầu thắt chặt kiểm soát hệ thống tài chính, chặn lại rất nhiều kênh từng được sử dụng để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tiền tệ yếu sẽ khiến người Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm. Núi nợ bằng đồng đôla của các doanh nghiệp nước này sẽ trở nên nặng nề hơn. Giá các mặt hàng toàn cầu niêm yết bằng đôla Mỹ, như dầu mỏ cũng sẽ đắt đỏ lên.
Không chỉ vậy, nếu Mỹ và Trung Quốc thực sự dấn thân vào cuộc chiến hạ giá nội tệ, nhiều nền kinh tế trên thế giới cũng sẽ chịu vạ lây. Trên Bloomberg, chuyên gia kinh tế Marcus Ashworth cho rằng châu Âu và Nhật Bản sẽ bị tác động mạnh nhất. Vì sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, cả hai đều chẳng còn mấy dư địa để điều chỉnh.
Một cảng biển tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Reuters |
Liên minh châu Âu (EU) đã phớt lờ đợt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần trước. Ngân hàng trung ương châu ÂU (ECB) có thể còn rất vui mừng khi việc Fed giảm lãi khiến đồng đôla còn mạnh lên so với euro. Vì nó có lợi cho các hãng xuất khẩu đang gặp khó tại châu lục này.
Tuy nhiên, Mỹ liên tiếp tung biện pháp nới lỏng lại là chuyện khác. ECB đã tung ra đòn chính sách lớn nhất, là quyết định giữ nguyên hoặc thậm chí tiếp tục hạ lãi suất, đồng thời khôi phục chương trình mua lại trái phiếu. Nói tóm lại, họ đã hết công cụ có thể sử dụng để kích thích kinh tế thêm nữa.
Tương tự, nhân dân tệ yếu đi cũng là tin cực kỳ xấu với châu Âu. Kit Juckes – nhà phân tích tiền tệ tại Societe Generale chỉ ra đồng euro chịu tác động lớn từ thương mại với Trung Quốc. Vì thế, euro tăng giá trong bối cảnh Mỹ - Trung đua hạ giá nội tệ sẽ là thảm họa với các các công ty vốn phụ thuộc vào xuất khẩu tại châu Âu. Việc này có thể đẩy châu lục này vào suy thoái.
Ví dụ điển hình là cường quốc công nghiệp Đức. Xuất khẩu của nước này đóng góp gần một nửa GDP, so với chỉ 12% của Mỹ và 20% của Trung Quốc. Đức phụ thuộc vào thương mại quốc tế, bất chấp kinh tế trong nước mạnh và khối nợ đang giảm. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chẳng có lý do gì để giúp sức cho người Đức, hoặc các hãng xe của nước này.
Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng sẽ chịu tác động tương tự. Đồng yen gần đây tăng giá so với đôla Mỹ, về mốc đầu năm 2018. Còn với nhân dân tệ, tỷ giá đã về như năm 2016. Việc này đang gây sức ép khổng lồ lên Thủ tướng Shinzo Abe trong việc vực dậy nền kinh tế.
Xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 7 tháng liên tiếp, tính đến hết tháng 6. Nguyên nhân là sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và nhu cầu toàn cầu yếu đi, đặc biệt là với hàng điện tử công nghệ cao. GDP Nhật Bản được dự báo chỉ tăng 0,4% trong quý II, thấp hơn đáng kể so với 2,2% quý I.
Hà Thu (theo NYT/Bloomberg)
Đi đẻ ở Mỹ khổ đủ đường, nhiều sao Việt vẫn “cắn răng” chịu vì điều này
Mỹ là địa điểm được đông đảo người đẹp trong showbiz Việt lựa chọn để sinh con dù tại đây sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có người thân chăm sóc. Vậy lý do gì đất nước cờ hoa vẫn là điểm “vượt cạn” hot của sao Việt?