Hiệu trưởng Đại học Harvard: Từ “cô con gái bất trị” đến người dẫn dắt các thiên tài

Sinh ra trong thế hệ cũ, nữ hiệu trưởng Harvard Drew Gilpin Faust đã được tờ New York Times đặt cho biệt danh “cô gái bất trị” vì dám phá vỡ mọi định kiến về phụ nữ thời bấy giờ

03:00 23/03/2017

Harvard Drew Gilpin Faust.
Harvard Drew Gilpin Faust.

Đó là những lời khẳng định đanh thép, chắc chắn và đầy quyền lực của người phụ nữ đang gánh trên vai ngôi trường đại học hàng đầu thế giới, đại học Harvard – niềm ước mơ của bao học sinh từ hàng trăm năm qua.

Những ngày gần đây, nhiều bạn trẻ Việt Nam rất háo hức khi biết tin nữ Hiệu trưởng trường Đại học Harvard sẽ có buổi thăm và làm việc với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào ngày 23/3 tới.

Và chắc hẳn sẽ có không ít người tò mò về cuộc đời của người phụ nữ tài năng mang tên Drew Gilpin Faust này.

Bà đã gây ấn tượng cho mọi người bởi bảng thành tích xuất sắc và được coi là biểu tượng của mẫu người phụ nữ hiện đại: Không chỉ biết hiện thực hóa giấc mơ mà còn dám làm những điều tưởng chừng như quá sức với bản thân.

Trước khi trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Harvard, bà Drew Gilpin Faust được biết đến là nhà sử học nổi tiếng, giáo sư tại Đại học Pennsylvania và nhiều vị trí lớn khác.

Bà giữ chức vị hiệu trưởng Đại học Harvard từ ngày 1/7/2007 và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ hiệu trưởng trong lịch sử 371 năm của trường Đại học danh tiếng này.

Người phụ nữ “nổi loạn” tài năng

Faust sinh ra và lớn lên tại Hạt Clarke, bang Virginia trong một gia đình trí thức điển hình. Để theo học tại Học viện Concord bà đã phải rời vòng tay cha mẹ từ khi còn rất nhỏ. Đây là trường trung học dành cho nữ sinh ở bang Massachusetts.

Sau đó, bà tốt nghiệp Học viện Concord Academy năm 1964 và tiếp tục theo học trường Bryn Mawr năm 1968. Năm 1971 bà nhận tấm bằng thạc sỹ và 4 năm sau có tấm bằng tiến sĩ từ Đại học Pennsylvania.

Không chỉ vậy, bà còn được biết đến là tác giả của 6 cuốn sách trong lĩnh vực lịch sử. Tác phẩm tiêu biểu được nhận giải Francis Parkman của Hội Sử học Hoa Kỳ là cuốn “Mothers of invention: Woman of the Slaveholding South in the American Civil War”.

tai nang

“Một thế giới dành riêng cho đàn ông ư? – đây chỉ là những lời cay đắng thốt lên từ một người phụ nữ của thế hệ không có sự lựa chọn. Đó không phải là thế giới của tôi”.

Faust thường kể về những “cuộc đối đầu không khoan nhượng” giữa bà và người mẹ của mình. Mẹ của bà là mẫu người phụ nữ hi sinh, bà không được đi học.

Và trong mắt bà con gái luôn phải nhẹ nhàng, nữ tính, hơn hết phải biết hi sinh vì gia đình “Đây là thế giới dành riêng cho đàn ông, con yêu ạ! Và con nên biết điều này sớm chừng nào hay chừng nấy”.

Tuy nhiên Faust không cam tâm, bà luôn muốn đấu tranh để giành lại quyền công bằng cho phụ nữ.

Hiệu trưởng Harvard từng chia sẻ: “Một trong những điều mà tôi nghĩ là có thể giải thích cho thành tựu của tôi đó là tôi luôn làm nhiều hơn tôi nghĩ. Trở thành một giáo sư – tôi chưa từng tưởng tượng ra điều đó.

Viết sách – tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được. Nhận bằng tiến sĩ – tôi thậm chí không chắc là chính mình đã làm được”.

Nước Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước vẫn tràn đầy sự kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ.

Những người phụ nữ theo đuổi con đường học vấn đã là cái gì đó “không bình thường” với nhiều nam giới, còn trở thành một giảng viên lại càng khiến họ nhận được nhiều cái nhìn sắc lẹm từ xã hội.

Không chấp nhận tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ tại đại học Princeton, bà đã đến Bryn Mawr.

“Một thế giới dành riêng cho đàn ông ư? – đây chỉ là những lời cay đắng thốt lên từ một người phụ nữ của thế hệ không có sự lựa chọn. Đó không phải là thế giới của tôi”.

Một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng

Trả lời một bài phỏng vấn trên tờ Newyork Times, bà đã chia sẻ nhiều điều về phong cách lãnh đạo của mình.

Một “nhà lãnh đạo” trong mắt vị hiệu trưởng Harvard không chỉ đơn thuần là một người ở vị trí quản trị thuần túy của một tổ chức. Đó phải là người dám thay đổi, ngay cả những thứ tưởng chừng đã thành khuôn khổ và truyền thống.

Một trở ngại khi bà trở thành Hiệu trưởng của trường Đại học này là cảm giác khó có thể thay đổi những điều đã trở thành thói quen, vì vậy bà đã xác định sẵn mình cần phải “sẵn sàng thay đổi” dù cho nó có bị nhiều người phản đối.

tai-nang-2

Đối với Faust, biết lắng nghe và thấu hiểu là hai điều không thể thiếu đối với một nhà lãnh đạo.

Trong thời gian tại Harvard, bà đã dành rất nhiều thời gian để trò chuyện và kết nối với sinh viên. Đối với Faust, biết lắng nghe và thấu hiểu là hai điều không thể thiếu đối với một nhà lãnh đạo.

Để hỗ trợ việc giao tiếp giữa giảng viên và sinh viên được hiệu quả hơn, bà đã có những buổi giao lưu chia sẻ trực tiếp với sinh viên, kết hợp đăng tải lên mạng internet để tất cả các sinh viên và cựu sinh viên có thể gửi bất kỳ câu hỏi nào đến nhà trường.

Một bài học từ Lincoln mà bà rất tâm đắc đó là không cho phép bất cứ ai trở thành kẻ thù của mình. Làm sao để làm được điều đó ư?

Không có người nào hoàn hảo đến mức tất cả mọi người lúc nào cũng ủng hộ mọi ý kiến và quyết định của người đó.

Tuy nhiên dù họ không thích quyết định của bạn thì cũng đừng làm họ trở nên thù địch. Điều quan trọng là bạn phải luôn tạo cho mọi người cảm giác mình được đóng góp và mình là một phần của tổ chức.

Một giáo sư tận tụy, một người mẹ tận tâm

Là ngôi trường nổi tiếng nhưng cũng vô cùng đắt đỏ, vào Harvard lại càng chông gai với những đứa trẻ tới từ các gia đình không có điều kiện.

Hiểu được điều đó, bà Drew Gilpin Faust đã có nhiều hỗ trợ tài chính, giúp cho sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn có cơ hội được theo học tại trường Harvard College – đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng.

Bà còn đẩy mạnh việc nhận tài trợ chính phủ cho nghiên cứu khoa học.

Bà từng chia sẻ một câu chuyện thú vị về trở ngại gặp phải khi vừa phải cân bằng giữa công việc và gia đình.

tai-nang-3

Mùa thu năm 1981, vào thời điểm được thăng chức lên Phó giáo sư về Văn minh Mỹ tại trường Đại học Pennsylvania, bà đang mang thai đứa con gái Jessica.

Lúc này công nghệ chưa phát triển nên gia đình bà không thể đoán trước được ngày nào em bé sẽ chào đời.

Cộng thêm việc nhà trường không có chính sách nghỉ sinh dành cho phụ nữ có thai. Đó là những tháng ngày khó quên khi bà phải nghĩ cách sao cho đảm bảo sức khỏe của bản thân cũng như không ảnh hưởng đến việc giảng dạy.

Drew Gilpin Faust đã dựng lên một hình mẫu phụ nữ hiện đại thành công để nhiều người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ học hỏi và noi theo.

Cuối cùng, cái khó ló cái khôn, người phụ nữ thông minh tài trí này đã ghi âm sẵn 6 bài giảng nhờ sự trợ giúp của một kỹ thuật viên từ dịch vụ nghe nhìn.

Quyết định này của bà đã khiến nhiều sinh viên rất thích thú và còn được xuất bản hai câu chuyện trên tờ báo trường khi vào thời điểm đó, ứng dụng công nghệ trong dạy học vẫn còn là điều khá lạ lẫm.

Có lẽ, chỉ ngần đó điều thôi cũng đủ để người ta hiểu thái độ tận tụy với công việc của người phụ nữ này.

Gánh một ngôi trường danh tiếng hàng đầu thế giới trên vai và một bên là gia đình, áp lực là không hề nhỏ với Drew Gilpin Faust.

Nhưng bà đã làm được và khiến cả thế giới phải ngả mũ kính phục. Drew Gilpin Faust đã dựng lên một hình mẫu phụ nữ hiện đại thành công để nhiều người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ có thể học hỏi và noi theo.

Tags:
Việt Nam lọt top 10 quốc gia đông du học sinh nhất tại Mỹ

Việt Nam lọt top 10 quốc gia đông du học sinh nhất tại Mỹ

Với hơn 21.000 sinh viên theo học tại Mỹ, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng du học sinh đông nhất tại đất nước Bắc Mỹ này trong năm học 2015-2016.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất