Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam

Năm 2018 có thể coi là “năm của những biến động” với những diễn biến khó lường và đa chiều nhất từ trước tới nay trong chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ. Nổi bật là cuộc xung đột thương mại trực diện, ngày càng khốc liệt qua nhiều đợt áp thuế, nay đã mở rộng tới quy mô chưa từng có với Trung Quốc và chưa có hồi kết. Hay quan điểm của Hoa Kỳ đối với hệ thống thương mại đa biên do WTO đại diện cũng ngày càng gay gắt.

13:00 04/01/2019

Các thành viên Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ 

Theo sát tình hình, đồng bộ giải pháp, giữ vững tăng trưởng xuất khẩu

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã luôn theo sát tình hình, chủ động, phối hợp với Hoa Kỳ tiếp tục duy trì quan hệ đối thoại về chính sách kinh tế, thương mại, tạo cơ hội cho hai bên giải tỏa quan ngại, tìm giải pháp xử lý vướng mắc, xây dựng bầu không khí thuận lợi cho các bước hợp tác mới. Phía Việt Nam đã tích cực trao đổi với các đối tác Hoa Kỳ, một mặt, đấu tranh, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại, mặt khác, thúc đẩy triển khai các biện pháp tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam.

Song song đó, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), hỗ trợ DN kết nối bạn hàng, tiếp cận thị trường tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ ở những nhóm ngành hàng truyền thống, mà còn mở ra những lĩnh vực hợp tác mới như cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ. Với nỗ lực của cộng đồng DN và các biện pháp hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK hàng đầu của Việt Nam trong năm 2018 với kim ngạch XK dự kiến đạt 48 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng 14% so với năm 2017. Đây là tốc độ tăng XK ở mức đáng ghi nhận so với mức trung bình và trong điều kiện kim ngạch XK tuyệt đối đã rất lớn. Năm 2018, những điểm sáng trong bức tranh XK sang Hoa Kỳ năm 2018 là dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, đồ gỗ, nông sản, thủy sản. Trong đó, tính riêng thị trường Hoa Kỳ, đã có 10 nhóm hàng XK của Việt Nam đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng đạt từ 1-3 tỷ USD, 3 nhóm hàng thuộc “câu lạc bộ” 3-5 tỷ USD và đặc biệt, nhóm hàng dệt may đạt tới trên 12 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ ước đạt 13 tỷ USD. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chính là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, bông, đậu tương, thức ăn gia súc.

Đóng góp vào thành công chung

Góp phần vào thành công nói trên, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tại Hoa Kỳ đã tập trung triển khai đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ, trong đó, nổi bật là công tác nghiên cứu chính sách, thị trường, cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ các động thái của Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ liên quan đến các luật, chính sách, biện pháp thương mại, đặc biệt là các quy định ảnh hưởng đến XK hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Các báo cáo, khuyến nghị kịp thời của Thương vụ gửi về Bộ Công Thương đã được các đơn vị chức năng và lãnh đạo Bộ ghi nhận tích cực.

Bên cạnh đó, trong công tác XTTM, Thương vụ đã chủ động tìm hiểu thông tin, phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, hiệp hội trong nước tổ chức các đoàn DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành có uy tín, trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng XK như nông, thủy sản, dệt may, da giày. Nhiều DN tham gia đã đạt kết quả thiết thực với các đơn hàng lớn và tiếp xúc, kết nối được với nhiều bạn hàng tiềm năng, cập nhật các xu hướng mới của thị trường.

Thương vụ đã làm việc với Tập đoàn Rhee Brothers – một trong những chuỗi phân phối thực phẩm châu Á lớn nhất tại Hoa Kỳ để mở rộng đơn hàng và phân phối thực phẩm Việt Nam tại đây. Đại diện Thương vụ cũng đã trực tiếp khảo sát và làm việc với các đầu mối phân phối thực phẩm tại Denver, Colorado nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới thị trường Trung Tây Hoa Kỳ. Các đơn vị tại San Francisco, Houston và Văn phòng XTTM tại New York cũng đã tích cực trao đổi với cơ quan quản lý Cảng Los Angeles, Văn phòng thị trưởng thành phố Los Angeles… để tăng cường hợp tác với vai trò cảng lớn nhất tiếp nhận hàng nhập khẩu từ Việt Nam; hỗ trợ các Tập đoàn lớn như Adjimi Group về may mặc, Home Depot và Lowes về phân phối đồ gia dụng, kim phí, Master Chef về nội-ngoại thất, thiết bị khách sạn, Bethlyn Enterprises, Inc về nhập khẩu sản phẩm dệt kim… kết nối với các đối tác Việt Nam.

Dệt may là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2018

Đặc biệt, lần đầu tiên Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VAFI) đã được hỗ trợ tổ chức đoàn DN cơ khí, chế tạo thăm Triển lãm Công nghệ Cơ khí chế tạo (AMTS) tại Chicago tháng 9/2018 và tiếp xúc với các đối tác tại San Fracisco, Washington DC, mở ra hướng hợp tác mới nhằm phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo trong nước theo định hướng của Chính phủ và Bộ Công Thương. Thương vụ tại Washington DC và Chi nhánh tại San Francisco cũng đã phối hợp triển khai đạt kết quả tốt các hoạt động kết nối DN trong nước với doanh nhân, DN người Việt tại Hoa Kỳ dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ Công Thương.

Thông qua các kênh trao đổi truyền thống cũng như các công cụ giao dịch điện tử, Thương vụ đã tiếp nhận và kết nối cơ hội giao thương giữa các DN, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ với các DN Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như dệt may, thủy sản, gạo, sản phẩm dừa, đồ gỗ, hàng cơ khí, chế tạo, hóa chất, hóa mỹ phẩm, dây cáp điện, thiết bị điện tử, bán dẫn…

Trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, Thương vụ cũng đã phối hợp, tiếp xúc với các bên, vận động các cơ quan liên quan Hoa Kỳ trong quá trình xem xét, thụ lý hồ sơ nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam. Kết quả trong năm 2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra các phán quyết tích cực với mức thuế thấp trong kỳ rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra, quyết định cho phép một DN lớn của Việt Nam được tiếp tục tham gia quá trình rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm sau khi có vướng mắc về hồ sơ.

Với tổng giá trị nhập khẩu lớn nhất thế giới, ước đạt trên 2.400 tỷ USD năm 2018, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam những năm tới, nhưng đây cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt. Để thúc đẩy tăng trưởng XK bền vững vào Hoa Kỳ, các cơ quan Chính phủ và cộng đồng DN cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ tạo môi trường chính sách thuận lợi, ổn định, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động XTTM. Trong nỗ lực chung này, với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực thực hiện nhiệm vụ tiền tiêu phục vụ phát triển quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.

Theo Công Thương

Tags:
Alzheimer có thể di truyền qua đường máu

Alzheimer có thể di truyền qua đường máu

Một loại truyền máu bị cấm sử dụng trên toàn cầu từng được sử dụng cho đến những năm 1980 có thể khiến người được truyền mắc bệnh Alzheimer, một nghiên cứu mới cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất