Hối tiếc lớn nhất khi về hưu
Với nhiều người lớn tuổi, chuyển sang giai đoạn nghỉ hưu là thời điểm để suy ngẫm và không phải ai cũng hài lòng với những gì từng trải.
13:41 12/08/2023
Sau nhiều năm làm việc với những người về hưu, các chuyên gia Mỹ chỉ ra 5 hối tiếc lớn nhất mà hầu hết mọi người đều mắc phải và cách đảo ngược những sai lầm đó trước khi quá muộn.
Không đặt sức khỏe lên hàng đầu
Khi còn trẻ, bạn rất dễ coi thường sức khỏe. Nhưng mỗi năm trôi qua, hầu hết mọi người ngày càng nhận thức được vai trò của sức khỏe với hạnh phúc.
Bayu Prihandito, một huấn luyện viên, nhà sáng lập chương trình huấn luyện cuộc sống Life Architekture, cho biết, nhiều người về hưu tiếc nuối vì ưu tiên công việc hơn sức khỏe thể chất. Họ làm việc nhiều giờ, bỏ bữa hoặc bỏ tập thể dục nên giờ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe.
"Để tránh điều này, quan trọng là phải cân bằng giữa công việc và sức khỏe trong suốt sự nghiệp, không chỉ khi nghỉ hưu", Bayu Prihandito nói.
Lachlan Brown, người sáng lập trang web Hack Spirit, chuyên về tâm lý học, các mối quan hệ và sự phát triển cá nhân, cho biết bạn có thể giảm thiểu sự hối tiếc này bằng cách chủ động bảo vệ sức khỏe ngay khi nhận ra những thiếu sót trong thói quen hiện tại.
"Hãy tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát ngay bây giờ. Thực hiện các thói quen lành mạnh hơn, tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ, nhớ không bao giờ là quá muộn để bắt đầu đưa ra lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe", chuyên gia nói.
Không xây dựng mối quan hệ sâu sắc
Khi ngừng làm việc, nhiều người nhận ra vòng kết nối xã hội của họ tồn tại trong các bức tường ở nơi làm việc. Các chuyên gia nói người ta thường hối tiếc vì đã không nuôi dưỡng các mối quan hệ sâu sắc hơn bên ngoài công việc, thứ có thể ở bên khi bạn đã về hưu.
"Rất nhiều người về hưu nói rằng họ ước mình đã dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè thay vì bị cuốn vào công việc hàng ngày. Sự nghiệp, mặc dù quan trọng, nhưng thường phải trả giá vì những trải nghiệm bị bỏ lỡ với người thân", Brown nói.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cho rằng không bao giờ là quá muộn để kết nối lại với những người thân. Trên thực tế, khi về hưu, bạn có nhiều thời gian hơn để ưu tiên các mối quan hệ này.
"Hãy bắt đầu bằng cách tiếp cận và khơi dậy các mối quan hệ. Hãy dành thời gian chất lượng với cháu, con hoặc bạn cũ", chuyên gia gợi ý.
Không dành thời gian để khám phá
Nhiều người về hưu thấy khi không có việc làm, ý thức về mục đích và bản sắc của họ trở nên mờ mịt. Prihandito nói thường là do họ bỏ bê việc dành thời gian để khám phá bản thân trong những năm còn trẻ.
Nghỉ hưu là một trải nghiệm chóng mặt và đau khổ khi bạn cố gắng tìm ra điều thúc đẩy bạn tiến lên phía trước. "Nhiều khách hàng của tôi hối hận vì đã không đầu tư thời gian để hiểu rõ hơn về bản thân trước khi nghỉ hưu. Công việc thường xác định danh tính của chúng ta và khi điều đó biến mất, cảm giác mất mát có thể xuất hiện", Prihandito nói.
Lời khuyên của ông là khám phá sở thích, mối quan tâm và niềm đam mê trước khi nghỉ hưu, để xây dựng ý thức mạnh mẽ về bản thân vượt ra ngoài danh tính nghề nghiệp.
Không lập kế hoạch tài chính
Trong khi nhiều người hối tiếc vì đã đặt công việc lên trên sức khỏe hoặc hạnh phúc thì cũng có người hối tiếc vì đã không lập kế hoạch tài chính tốt hơn cho việc nghỉ hưu.
Prihandito lưu ý "điều quan trọng là phải bắt đầu lập kế hoạch và tiết kiệm để nghỉ hưu sớm", không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
Thậm chí 5 hoặc 10 năm tiết kiệm có thể giúp tạo ra một mạng lưới an toàn tài chính cho những năm nghỉ hưu.
Thận trọng thái quá
Nếu quá thận trọng trong những năm còn trẻ, bạn sẽ có nguy cơ bỏ lỡ những trải nghiệm ý nghĩa đó. Prihandito cho biết, nhiều người về hưu ước chấp nhận nhiều rủi ro hơn, cả về cá nhân lẫn sự nghiệp. Họ thấy mình đã ở vùng quá an toàn và bỏ lỡ những cơ hội tiềm năng có thể thay đổi cuộc đời.
"Điều quan trọng cần nhớ là không bao giờ là quá muộn để chấp nhận những rủi ro có tính toán, bước khỏi mục tiêu và vùng thoải mái của chúng ta", chuyên gia nói.
Brown cũng cho rằng ở trong vùng an toàn hoặc trì hoãn cuộc phiêu lưu sang một ngày khác có thể khiến bạn cảm thấy hối tiếc trong những năm cuối đời.
"Nhiều người về hưu tiếc nuối về những nơi họ không thể đến hoặc những trải nghiệm bỏ lỡ vì trì hoãn giấc mơ du lịch của mình cho 'một ngày nào đó'. Nếu có thể, hãy khám phá các điểm địa phương, thực hiện các chuyến đi trong ngày hoặc lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ dài hơn", Brown nói.
Ngay cả khi bạn không thể đi du lịch xa, hãy khám phá môi trường xung quanh và tận hưởng những trải nghiệm mới.
Nhật Minh (Theo Bestlife)
Người Việt mình mới qua Tây thường dễ bị ghét
Nếu như nước Tây không như ý bạn muốn, thì bạn cứ việc mua vé máy bay mà quay về lại xứ thiên đường chủ nghĩa của bạn.