Kế hoạch thành lập liên minh hùng mạnh Đức-Mỹ-Trung đã "tan thành mây khói" như thế nào?

"Đức là nước mạnh nhất châu Âu, Trung Quốc là nước lớn nhất châu Á, Mỹ giàu có nhất châu Mỹ trở thành đồng minh sẽ có đóng góp vĩ đại đối với hòa bình thế giới", Hoàng đế Đức nói.

03:06 27/03/2017

Theo học giả Trung Quốc Mã Tuấn Kiệt, Trung Quốc thời kỳ cuối triều Thanh tuy suy yếu nhưng vốn là đất nước với lãnh thổ rộng lớn nên các nước khác đều không thể bỏ qua sự tồn tại của Bắc Kinh trên bàn cờ chính trị thế giới.

Từ trái qua phải: Hoàng đế Đức Wilhelm II - Từ Hy Thái hậu - Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt. (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Hoàng đế Đức muốn tạo đồng minh Đức-Mỹ-Trung

Đầu thế kỷ 20, tình hình thế giới bất ổn, các nước đều đang cố gắng tìm kiếm đồng minh. Nước Anh để duy trì địa vị dẫn đầu thế giới đã từ bỏ chính sách cô lập, xây dựng liên minh với Nhật Bản vào tháng 1/1902.

Trước cục diện ngày càng phức tạp hóa, cường quốc châu Âu Đức quyết định tìm kiếm các đồng minh của riêng mình để đối phó liên minh Anh-Nhật.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Hoàng đế Đức Wilhelm II quyết định chọn Trung Quốc và Mỹ. Sau đó, ông thường xuyên trao đổi với Tổng thống Mỹ bấy giờ là Theodore Roosevelt, thảo luận nội dung xây dựng đồng minh.

Khi đó, Tổng thống Roosevelt cũng nhận thấy một Nhật Bản đang trỗi dậy sẽ là mối đe dọa tiềm ẩn với nước Mỹ nên chủ trương mở rộng đồng minh nhằm thu hút Trung Quốc tham gia, hình thành nên khối đồng minh Mỹ-Đức-Trung.

Vì thế, vua Đức đã bí mật hội kiến Đại sứ triều đình Thanh tại Đức Tôn Bảo Kỳ. Tại buổi gặp, Wilhelm II nói:

"Đức là quốc gia mạnh nhất châu Âu, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất châu Á, nếu thêm một nước Mỹ giàu có nhất châu Mỹ thành lập tam giác liên minh, tất sẽ có đóng góp vĩ đại đối với hòa bình thế giới".

Kế hoạch thành lập liên minh hùng mạnh Đức-Mỹ-Trung đã tan thành mây khói như thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh Thị trấn Mittenwald (Đức) đầu Thế kỷ XX. Ảnh: Sina

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Tôn Bảo Kỳ vốn là thông gia với Đại thần quân cơ, Khánh Thân Vương Dịch Khuông nên việc Hoàng đế Đức bí mật hội kiến Tôn chính là muốn lợi dụng mối quan hệ này, trực tiếp ảnh hưởng đến chính phủ Thanh.

Do là việc quốc gia đại sự, Tôn Bảo Kỳ lập tức điện báo cho Dịch Khuông. Dịch Khuông cũng không dám tự đưa chủ trương nên nhanh chóng tấu trình lên Từ Hy Thái hậu, người nắm quyền lực chính trong triều đình.

Không ngờ, Từ Hy lại lạnh lùng hỏi lại: "Vấn đề lớn như thế này, sao không để nước Anh tham gia?"

Hóa ra, trong Chiến tranh nha phiến, chịu ảnh hưởng của London nên Từ Hy chỉ biết nước Anh là quốc gia lớn mạnh nhất trên thế giới. Theo bà, Trung Quốc muốn gia nhập liên minh thì không thể thiếu nước Anh.

Dịch Khuông lại càng không nắm rõ cục diện thế giới nên đã điện báo cho Tôn Bảo Kỳ, yêu cầu Tôn chuyển đề xuất của Từ Hy tới Hoàng đế Đức.

"Để Anh tham gia không phải không thể nhưng cần phải xem xét sự việc thận trọng, để ba nước [Đức-Mỹ-Trung] thương lượng thành công rồi tính tiếp", Hoàng đế Đức vừa cười thầm sự "ấu trĩ" của ngoại giao Trung Quốc vừa vỗ về Bắc Kinh.

Kế hoạch thăm Trung Quốc của Thái tử Đức

Sau khi Đức bắt tay với Trung Quốc không lâu thì một Thiếu tướng hải quân Anh thăm viếng Nhật Bản. Đáp lại, Wilhelm II quyết định cử Thái tử công du Trung Quốc,

Lúc này, Tôn Bảo Kỳ đã được triệu hồi về nước, thay thế ông là Phó Đô thống Ấm Xương. Do chính phủ Mãn Thanh luôn không yên tâm khi để Ấm Xương độc lập xử lý quan hệ Trung-Đức nên đã cử Bối lặc Tái Đào với danh nghĩa khảo sát Lục quân Đức để giúp đỡ Ấm Xương.

Hai người này sau khi đến Berlin đã được Hoàng đế Đức hội kiến và thảo luận vấn đề Thái tử Đức thăm Trung Quốc trong khoảng 45 phút tại cung điện mùa hè Sanssouci. Đồng thời Wilhelm II còn đề nghị Trung Quốc phái đặc sứ đến Mỹ, thông báo tình hình hợp tác của mối quan hệ Trung-Đức.

Về nước, Tái Đào đã trình lại nội dung hội đàm với Hoàng đế Đức lên chính phủ Mãn Thanh. Ấm Xương thì nhanh chóng sắp xếp công tác chuẩn bị cho chuyến thăm của Thái tử Đức.

Từ Hy nhận được báo cáo của Tái Đào, hiểu ra dụng ý của Hoàng đế Đức nên cũng ủng hộ chủ trương này.

Từ Hy quyết định cử Đường Thiệu Nghi - người sau này trở thành Thủ tướng Trung Hoa dân quốc - làm Đặc sứ công du Mỹ; đồng thời thỏa thuận thời gian Thái tử Đức sang Trung Quốc vào khoảng mùa đông năm 1909 hoặc mùa xuân năm 1910.

Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất nhưng cuối cùng Thái tử Đức lại không sang đúng lịch hẹn, Đầu năm 1911, nước Đức bất ngờ tuyên bố sẽ cử Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig sẽ thăm Trung Quốc.

Việc cử một thành viên hoàng tộc cấp thấp hơn Thái tử sang Trung Quốc cho thấy thỏa thuận song phương đã nảy sinh vấn đề.

Kế hoạch thành lập liên minh hùng mạnh Đức-Mỹ-Trung đã tan thành mây khói như thế nào? - Ảnh 2.

Hình ảnh quảng trường Herald, New York trên một tấm bưu thiếp phát hành năm 1904. Ảnh sưu tầm

Kế hoạch bị lỡ dở vì "nhân tố thứ ba"

Theo học giả Mã Tuấn Kiệt, Từ Hy rất quan tâm đến vấn đề xây dựng quan hệ đồng minh ba nước.

Bà đặc biệt nhấn mạnh chuyện hợp tác Trung-Đức không để cho Na Đồng biết. Na Đồng là đại thần, thuộc dòng dõi Bát kỳ Mãn Châu. Ông cũng chính là người thay mặt chính phủ Mãn Thanh sang Nhật Bản nhận lỗi sau Điều ước Tân Sửu (1901).

Điều ước Tân Sửu quy định, Trung Quốc phải trả một khoản tiền lớn để bồi thường chiến tranh và để cho các nước khác được quyền đóng quân ở Bắc Kinh.

Lo lắng Na Đồng bị Nhật Bản lôi kéo làm "nội gián", Từ Hy nảy sinh ý nghĩ đề phòng ông. Tuy nhiên, do quan lại xung quanh Từ Hy thường xuyên thảo luận vấn đề quan hệ Trung-Đức nên chuyện cũng nhanh chóng đến tai Na Đồng.

Đầu năm 1909, trên đường sang Mỹ, Đường Thiệu Nghi đã dừng chân tại Nhật Bản.

"Nhật Bản dùng các lý do khác nhau và cách tiếp đón nồng hậu để giữ chân Đường Thiệu Nghi khiến ông lưu lại đây tận 3 tháng", Mã Tuấn Kiệt viết.

Sau khi rời Nhật Bản tới Mỹ, Đường Thiệu Nghi mới biết Theodore Roosevelt đã hết nhiệm kỳ từ 4/3 và tân Tổng thống Mỹ là William Howard Taft. Trái với người tiền nhiệm, Tổng thống Taft không hề có hứng thú với việc xây dựng khối đồng minh Mỹ-Đức-Trung.

"Không phải tôi không biết kế hoạch xây dựng đồng minh ba nước mà cũng không phải không thể bàn tiếp nhưng bây giờ không phải thời điểm thích hợp... Trung Quốc xử lý ngoại giao, sau này cần chú ý đến thời cơ", Tổng thống Mỹ nói với Đường Thiệu Nghi.

Đặc biệt, trước đó vào năm 1908, vùng Đông Bắc Trung Quốc bùng phát bệnh dịch hạch. Truyền thông quốc tế đưa ra cảnh báo "khả năng lây nhiễm bệnh tại Trung Quốc rất cao, tiếp xúc với người Trung Quốc khi đó rất dễ lây bệnh phổi hoặc các bệnh truyền nhiễm khác".

Đây cũng là lý do khiến Hoàng đế Đức Wilhelm II hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc của Thái tử nước này.

"Về sau, chính quyền nhà Thanh sụp đổ, việc thành lập liên minh ba nước cũng vì thế mà tiêu tan", học giả họ Mã kết luận.

Tags:
Mỹ: Máy bay quay đầu vì hành khách dùng thuốc quá liều

Mỹ: Máy bay quay đầu vì hành khách dùng thuốc quá liều

Một chiếc máy bay của Mỹ đang trên đường băng đã buộc phải quay trở lại điểm xuất phát khi hành khách sùi bọt mép vì dùng quá liều heroin và thuốc điều trị rối loạn lo âu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất