Khi đại dịch trở thành 'giọt nước tràn ly' cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung

Đại dịch Covid-19 đang đào sâu những chia rẽ đã tồn tại dai dẳng trong quan hệ Mỹ - Trung suốt nhiều năm qua. Mỗi nước tìm cách vượt mặt đối thủ để định hình trật tự thế giới.

12:00 09/05/2020

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã căng thẳng trong nhiều năm, vài tháng qua lại tiếp tục trượt dốc với tốc độ chóng mặt. Danh sách những lợi ích cùng chia sẻ giữa hai nước càng thu hẹp, trong khi danh sách các vấn đề xung đột ngày một dài thêm.

Theo Wall Street Journal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ năm 2019 đã kêu gọi giới chức nước này phản kháng với bất kỳ động thái nào được cho là ngáng đường sự trỗi dậy của đất nước. Họ gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông và liên tiếp đe dọa Đài Loan. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc công khai đăng tải những công kích nặng nề chưa từng có nhắm vào Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Tổng thống Donald Trump huy động phần lớn bộ máy chính phủ cho chiến dịch đối phó Trung Quốc với nhiều cuộc điều tra, truy tố và hạn chế xuất nhập khẩu. Theo một phân tích chính sách, gần như mọi thành viên nội các và quan chức cơ quan ngang bộ đều mang lập trường đối đầu với Trung Quốc, hoặc từ bỏ những chương trình hợp tác trong quá khứ với nước này.

Những hằn học càng bị đào sâu trong đợt bùng phát đại dịch virus corona toàn cầu. Quan hệ hai nước rơi xuống điểm thấp nhất trong thời hiện đại. Cả hai chính phủ rũ bỏ hợp tác và tìm cách vượt mặt nhau để chi phối các sự kiện trong trật tự thế giới hậu đại dịch.

Khi dai dich tro thanh 'giot nuoc tran ly' cho cuoc doi dau My - Trung hinh anh 1 chu_tich_trung_quoc.jpg

Ông Tập Cận Bình phát biểu vào tháng 9/2019 tại trường đào tạo chính trị cấp cao, kêu gọi cán bộ Trung Quốc phải dám đấu tranh và đấu cũng phải giỏi. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Nghi ngờ lên đỉnh điểm, quan hệ chạm đáy

Tổng thống Trump thời giai quan chỉ trích gay gắt cách Trung Quốc ứng phó đại dịch bùng phát. Ông đã công bố ý định sử dụng thuế quan và những cách khác để "đòi đền bù" từ Bắc Kinh. Dù vậy, một số quan chức cấp cao ở Washington tuần này đã bóng gió khả năng tạm hoãn trừng phạt Trung Quốc về mặt kinh tế.

Một báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận Bắc Kinh và các đồng minh của họ đang xúc tiến chiến dịch sai lệch thông tin chống lại Mỹ liên quan đến dịch bệnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, công khai đặt ra thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ phát tán virus chết người ở Trung Quốc. Phát ngôn này lại được khuếch đại bởi truyền thông nhà nước Trung Quốc, dù Lầu Năm Góc đã chính thức bác bỏ cáo buộc mà họ xem là "ngớ ngẩn".

"Đó rõ ràng là phản công địa chính trị", Matt Turpin, cựu giám đốc bộ phận các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), từng làm việc trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, nhận định.

Ông cho rằng nước Mỹ cần đối mặt với Trung Quốc vì "chui đầu vào cát trốn cũng không làm mọi việc khá hơn". Giống như Turpin, những người ủng hộ chính sách cứng rắn với Bắc Kinh cho rằng Washington đang thu được kết quả. Hai nước đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, với Trung Quốc hứa hẹn mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Nhìn rộng hơn nữa, cách tiếp cận này răn đe Trung Quốc thông qua phô trương sức mạnh và khởi động lại những mối quan hệ trước kia quá lợi cho họ.

Trong khi đó, một số quan chức và chuyên gia chính sách đối ngoại lo sợ nếu hai cường quốc cứ mãi nghi ngờ lẫn nhau thì những lợi ích chung còn sót lại sẽ bị phá bỏ. Chuyên gia Trung Quốc Wang Jisi, chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Đại học Bắc Kinh, chia sẻ: "Tâm lý chung ở Trung Quốc là Mỹ không muốn Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc toàn cầu".

Ở chiều ngược lại, người dân Mỹ cũng thiếu tin tưởng Trung Quốc. Khảo sát vào tháng 3 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (PRC) phát hiện trong 1.000 người tham gia thì khoảng 2/3 mang cái nhìn thiếu thiện cảm về Trung Quốc. Đây là mức tiêu cực nghiêm trọng nhất kể từ khi PRC bắt đầu khảo sát về vấn đề này vào năm 2005. Thái độ hoài nghi Trung Quốc tăng gần 20 điểm phần trăm kể từ khi ông Trump nhậm chức. Đánh giá tích cực về ông Tập cũng ở mức thấp kỷ lục.

Khi dai dich tro thanh 'giot nuoc tran ly' cho cuoc doi dau My - Trung hinh anh 2 P4.jpg

Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch về nguồn gốc đại dịch, nghi ngờ khởi phát dịch có liên quan đến cơ sở thí nghiệm tại Vũ Hán. Ảnh: AFP.

Bước ngoặt đại dịch

Một vài thành viên quản lý chiến dịch tái tranh cử của ông Trump muốn đặt chính sách cứng rắn với Trung quốc làm trọng tâm. Tuy nhiên, bản thân tổng thống Mỹ không mấy mặn mà với chiến thuật này và chưa duyệt tung quảng cáo chính trị liên hệ giữa Trung Quốc và ứng viên chủ lực của đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal, Tổng thống Trump nói ông chiến thắng cuộc bầu cử năm 2016 nhờ chỉ trích hệ thống lãnh đạo chính trị Mỹ đã để cho Trung Quốc qua mặt, chứ không chủ đích công kích trực tiếp Trung Quốc. Ông đánh giá cách tiếp cận này góp phần đưa Trung Quốc đến bàn ký kết thỏa thuận thương mại vào tháng 1.

Dù theo đuổi chính sách cứng rắn nhất trong gần 40 năm qua với Trung Quốc, ông Trump vẫn thường dành lời khen cho cá nhân ông Tập và nói về tình bạn giữa hai người. Theo một số quan chức ở Washington, đây là chiến thuật để mở đường cho giới lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận các yêu sách đàm phán phía Mỹ.

Đầu năm nay, một số cố vấn chính trị của Tổng thống Trump, cả trong và ngoài chiến dịch tái tranh cử, đã đề nghị ông đối đầu Trung Quốc một cách trực diện hơn. Họ tự tin ý tưởng sẽ nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng. Một trong các đề xuất là thành lập ủy ban đặc biệt để điều tra nguồn gốc virus và liệu Bắc Kinh có nỗ lực khống chế dịch.

Theo tiết lộ của giới chức Nhà Trắng, Tổng thống Trump vào tháng 1 đã có hai lần từ chối đề xuất từ nhóm cố vấn. Họ muốn Washington tăng sức ép để ông Tập minh bạch hơn về nguyên nhân bùng phát dịch và triệu chứng ở người nhiễm virus. Tổng thống Mỹ lo ngại chỉ trích chỉ khiến Trung Quốc thêm thiếu hợp tác.

Đại dịch và những hệ lụy của nó đã khiến ông Trump đổi ý. Ông nói mình rất phẫn nộ trước Trung Quốc khi dịch bệnh "đáng lẽ đã có thể được ngăn chặn". Ông kêu gọi ông Tập Cận Bình "làm những gì chúng tôi đang làm - tìm hiểu nguồn gốc đại dịch".

Chính phủ Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang đối diện những sức ép trong nước liên quan đến đại dịch. Điều này có khả năng khiến quan hệ song phương đang chia rẽ lại càng căng thẳng hơn. Bản thân ông Trump đang vấp phải những quảng cáo chính trị tấn công chính sách tập trung vào vấn đề Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Tập cũng đối diện nhiều thách thức, từ hồi phục nền kinh tế chững lại vì đại dịch, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp và các bất ổn dai dẳng ở Hong Kong. Những vấn đề nội tại thúc đẩy ông Tập sử dụng căng thẳng quan hệ với Mỹ như một công cụ để thể hiện hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Khi dai dich tro thanh 'giot nuoc tran ly' cho cuoc doi dau My - Trung hinh anh 3 Hiep_dinh_thuong_mai_1.jpg

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đứng trước nguy cơ vì căng thẳng song phương tiếp tục gia tăng. Ảnh: Reuters.

Từ "lớn mạnh cùng nhau" đến đối đầu

Quan hệ Mỹ - Trung đã rơi vào tình trạng bất ổn trong gần một thập kỷ qua, với những căng thẳng dai dẳng về thương mại, các cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, cùng quan ngại về chính sách quân sự và ngoại giao quyết liệt của Bắc Kinh.

"Chúng ta đã đánh giá thấp mức độ hệ tư tưởng thúc đẩy (hành động) của Trung Quốc. Hệ quả là chúng ta qua nhiều năm vẫn tự tin có khả năng thay đổi Trung Quốc bằng cách chào đón họ tham gia trật tự quốc tế. Đến năm 2017, đã khá rõ ràng điều này không thành công", tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia thứ hai trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, nhận định.

Sau khi nhìn nhận nước Mỹ đã yếu đi vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh bắt đầu mở rộng sức ảnh hưởng của mình một cách quyết liệt và giành phần của Mỹ, theo Wall Street Journal.

Bắc Kinh duy trì các biện pháp ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và hạn chế quyền tiếp cận của công ty nước ngoài vào thị trường nước này. Ông Tập đẩy mạnh sự can thiệp của nhà nước như đưa ra quy định mới về an ninh công nghệ và thúc đẩy luật chống độc quyền.

Các chính sách khiến doanh nghiệp Mỹ, vốn là tác nhân bền bỉ thúc đẩy quan hệ song phương, từ chỗ lạc quan về chính sách "lớn mạnh cùng nhau" với Trung Quốc chuyển sang luôn hoài nghi. Trong khi đó, theo một đánh giá về các chính sách Trung Quốc của 23 quan chức trong nội các và quan chức cấp nội các, hầu hết có lập trường đối đầu với Trung Quốc hoặc cản trở hợp tác với nước này.

Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi động "Sáng kiến Trung Quốc", khuyến khích công tố viên tìm các vụ án gián điệp, đánh cắp bí mật và tấn công mạng có liên quan đến Trung Quốc nước này. Bộ Giáo dục Mỹ năm 2019 bắt đầu điều tra tài trợ nước ngoài tại các trường đại học. Các cơ quan độc lập như Ủy ban Truyền thông liên lạc Liên bang (FCC) cũng hành động quyết liệt, giảm quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng liên lạc viễn thông Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo thậm chí đã kêu gọi người dân "nhìn nhận Trung Quốc đúng bản chất, chứ không theo cách chúng ta mong ước". Trong phát biểu tháng 10/2019, ông còn nhấn mạnh nước Mỹ "cuối cùng đã nhận ra mức độ thù địch thật sự" của Trung Quốc "đối với Mỹ và các giá trị của chúng ta".

Một nguồn tin tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ đang xây dựng các nhóm sự vụ để giám sát Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng như thế nào và Mỹ cần xây dựng chiến lược đối phó ra sao.

Trong năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ còn chỉ định thêm một đặc phái viên đối phó sức ảnh hưởng của Trung Quốc cùng một số nước khác tại Liên Hợp Quốc và những tổ chức quốc tế. Nhiệm vụ đầu tiên của đặc phái viên này là phối hợp với nhân sự Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại chặn ứng viên do Trung Quốc "chống lưng" trở thành lãnh đạo cơ quan xúc tiến quyền sở hữu trí tuệ của Liên Hợp Quốc.

Link nguồn: https://zingnews.vn/khi-dai-dich-tro-thanh-giot-nuoc-tran-ly-cho-cuoc-doi-dau-my-trung-post1081832.html

Tags:
11 thói quen nhiều người vẫn làm mỗi ngày mà không biết chúng đang âm thầm bào mòn sức khỏe

11 thói quen nhiều người vẫn làm mỗi ngày mà không biết chúng đang âm thầm bào mòn sức khỏe

Bạn có đánh răng ngay sau khi ăn, dùng máy sấy tay và ngoáy tai thường xuyên hay không? Nếu có thì hãy dừng lại đi, đây đều là các thói quen có hại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất