Không phải California, đây mới là nơi cử tri gốc Việt có sức nặng
Florida luôn là bang được giành giật sát nút, mang tính quyết định với các cuộc bầu cử từ năm 1996. Do vậy, lá phiếu của người gốc Việt ở đây cũng có sức nặng hơn những nơi khác.
08:00 02/11/2020
Đối với chị Trần Ngọc Liên, 47 tuổi, kỳ bầu cử tổng thống năm nay ở Florida sôi động hơn bốn năm trước.
Bốn năm trước, chị không thấy tuần hành gì trong cộng đồng người Việt. Còn gần đây, chị liên tục nghe được những lời kêu gọi mọi người tuần hành để ủng hộ cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.
“Người Việt mà ủng hộ Dân chủ thì có vẻ ôn hòa hơn. Còn người ủng hộ ông Trump khá ầm ĩ, nói chung là họ giống tính của ổng”, chị Liên, sống ở thành phố St. Petersburg, Florida nói với Zing.
Người gốc Việt diễu hành ủng hộ Tổng thống Trump phất “những lá cờ rất to”, có người nhảy múa, có người đeo mặt nạ, có người đi xe tải “bóp còi inh ỏi”, theo lời kể của chị.
Chỉ còn vài ngày nữa là tới bầu cử, sự náo nhiệt của các buổi diễu hành, vận động đang diễn ra trên khắp Florida, tại các cộng đồng người Cuba, người Mexico, người Brazil.
Như mọi khi, Florida là bang chiến trường quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tỷ lệ người Việt đi bầu có thể tăng cao
Với dân số hơn 21 triệu người, Florida là bang chiến trường đông dân nhất. Nhưng bởi vì diện tích rộng lớn, sắc dân đa dạng, lượng người mới chuyển đến tăng mạnh, nên Florida cũng là bang khó đoán nhất.
Trong khi hai bang đông dân nhất nước Mỹ là California và New York chắc chắn sẽ bầu đa số cho ông Joe Biden (vì vậy mà các ứng viên ít tới đây vận động) bang đông dân thứ ba là Florida thực sự là chiến địa mà họ giành giật quyết liệt.
Phần thưởng cũng rất xứng đáng: kể từ 1996, mọi ứng viên giành được 29 phiếu đại cử tri của Florida đều là người đắc cử chung cuộc.
Kể từ 1996, các ứng viên thắng bang này thường chỉ dẫn trước đối thủ khoảng 0-3 điểm, thấp nhất trong số các chiến trường. Thậm chí, trong cuộc bầu cử năm 2000, ông George W. Bush chỉ được nhiều hơn đối phương 537 phiếu tại Florida (trên tổng số hơn 6 triệu phiếu bầu, nghĩa là tỷ lệ chỉ khoảng 0,0001%).
Tranh cãi về việc kiểm phiếu ở đây phải do Tòa án Tối cao buộc kết thúc, mang đến chiến thắng cuối cùng cho ông Bush.
Năm nay, Tổng thống Trump gần như không thể tái đắc cử nếu không lặp lại chiến thắng ở Florida giống bốn năm trước.
Theo điều tra dân số năm 2010, Florida là một trong bốn bang có đông người Mỹ gốc Việt nhất (58.470 người) - con số năm 2020 có thể cao hơn nhiều. Người gốc Việt chỉ chiếm hơn 0.3% dân số Florida (năm 2010).
Nhưng bởi vì cách biệt sát nút giữa các ứng viên nên lá phiếu của cử tri gốc Việt tại Florida có ảnh hưởng tới cuộc bầu cử hơn hẳn lá phiếu của người Việt ở các bang khác như California hay Washington.
“Cử tri gốc Việt có thể ảnh hưởng kết quả ở Florida. Ông Obama thắng Florida năm 2012 với cách biệt chỉ 0,88% số phiếu, ông Trump cũng thắng Florida năm 2016 với cách biệt 1,2%”, Aubrey Jewett, giáo sư thuộc khoa chính trị, an ninh, quan hệ quốc tế của Đại học Central Florida, nói với Zing.
“Nếu cử tri gốc Việt ở Florida có tỷ lệ đi bầu lớn và nghiêng hẳn về một ứng viên, họ có thể góp phần vào cách biệt thắng - thua, nếu kết quả 2020 ở Florida lại sát nút như hai lần trước”.
“Mọi lá phiếu đều quan trọng ở bang chiến trường này (Florida)”, giáo sư Linda Trinh Vo, khoa nghiên cứu người Mỹ gốc Á, Đại học California - Irvine, nói với Zing. “Ở Florida, các ứng viên tập trung vào người Mỹ Latin vốn đông dân hơn, nhất là người Cuba, nhưng họ không thể bỏ qua cử tri gốc châu Á”.
Các nhà thăm dò uy tín mà Zing liên hệ đều cho biết không có kết quả thăm dò cử tri gốc Việt ở Florida - cộng đồng mà họ nói là khó khảo sát vì số lượng quá nhỏ.
“Tôi chưa biết thăm dò nào về cử tri gốc châu Á hay cử tri gốc Việt riêng ở Florida”, giáo sư Jewett nói. “Nhưng có thể yên tâm giả định rằng cử tri Việt ở Florida có chung quan điểm chính trị như cử tri Việt trên toàn nước Mỹ”.
Một thăm dò gần đây về người gốc châu Á trên toàn nước Mỹ cho thấy cử tri gốc Việt là nhóm duy nhất ủng hộ ông Trump nhiều hơn ông Biden (tỷ lệ 48% - 36%). 70% cử tri gốc Việt tin rằng kinh tế là vấn đề “rất quan trọng” trong bầu cử năm nay.
“Cử tri gốc Việt tin rằng ông Trump và đảng Cộng hòa sẽ làm tốt hơn về vấn đề kinh tế và công ăn việc làm”, giáo sư Jewett nói. “Dù khảo sát không nhắc tới, tôi có quan sát riêng là cử tri Việt ở Mỹ và Florida có xu hướng lo ngại hơn về phe cấp tiến trong đảng Dân chủ, những người muốn thúc đẩy các chính sách tiến nhiều hơn về cánh tả”.
Giáo sư Linda Vo cho rằng tỷ lệ đi bầu năm nay của cử tri gốc Việt có thể tăng cao, giữa lúc số người bỏ phiếu sớm trên toàn nước Mỹ đang lập kỷ lục - tính đến 26/10 là hơn 60 triệu.
“Sự bất trắc về Covid-19 và ảnh hưởng kinh hoàng tới nền kinh tế, cũng như biểu tình rộng khắp về bất bình đẳng chủng tộc đang khuyến khích người dân đi bầu”, bà nói.
“Những năm qua đã có các nỗ lực có hệ thống vận động các nhóm ít tham gia chính trị, như người nhập cư và người trẻ, bao gồm người Mỹ gốc Việt, nên chúng tôi nghĩ họ sẽ tham gia hơn”.
Tính trung bình các thăm dò ở Florida đến ngày 24/10, ông Biden đang dẫn trên ông Trump ở mức 49,1% - 46,7%, theo trang thống kê bầu cử FiveThirtyEight.
Cách biệt này ngang với khoảng sai số, cho thấy chưa ứng viên nào có thể tự tin nắm chắc Florida.
Tâm lý “chênh vênh” trước bầu cử
Xu hướng rõ nét nhất trong cử tri gốc Việt ở Mỹ là khác biệt theo thế hệ, và điều này cũng đúng ở Florida, theo các chuyên gia. Người Việt trên 50 tuổi có tỷ lệ ủng hộ đảng Cộng hòa cao hơn hẳn.
“Nhiều người trong số họ trở thành người Cộng hòa dưới thời (cựu Tổng thống Ronald) Reagan hoặc trước đó. Cũng như cử tri Cuba, họ tin rằng đảng Cộng hòa cứng rắn hơn”, theo giáo sư Jewett.
Cử tri gốc Việt trẻ có tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ (và ông Biden năm nay) cao hơn thế hệ cha chú, vì có quan điểm tương đồng hơn về các vấn đề như nhập cư, quyền cho người thiểu số, và môi trường.
Giáo sư Linda Trinh Vo nói thêm rằng một “thế hệ thứ ba người gốc Việt” đang trưởng thành, quan tâm tới chính trị, và sẽ có ảnh hưởng hơn trong tương lai khi đến tuổi bầu cử.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Stephanie Murphy, đại diện từ bang Florida, không chỉ là quan chức gốc Việt cao cấp nhất ở Mỹ mà còn là phụ nữ gốc Việt duy nhất trong Quốc hội Mỹ, đang có ảnh hưởng tới thế hệ trẻ gốc Việt.
Sự cách biệt thế hệ đôi khi trở nên gay gắt. Một blogger gốc Việt ở Orlando, Florida, muốn giấu tên vì e ngại phản ứng của người Việt ủng hộ Trump, đã gọi đây là “giai đoạn buồn” của cộng đồng.
“Gia đình tôi trước không quan tâm chính trị, giờ đây đa số theo Trump”, người này nói với Zing. Anh từng ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của đảng Dân chủ.
Anh cho rằng một “làn sóng đen tối” của những tư tưởng chống Trung Quốc, cùng “guồng máy tuyên truyền” khổng lồ cánh hữu trên mạng xã hội, được các thuật toán khuếch đại lên, rồi đến các trang YouTube và Facebook của thế hệ cha chú.
“Hầu hết người Mỹ gốc Việt có trình độ, tuổi ngoài 30, mà tôi biết đều ủng hộ Biden, Những người ngoài 40 dường như toàn ủng hộ Trump”, blogger này cho biết.
Chị Liên ở St. Petersburg là một giáo viên tiểu học chuyên dạy các lớp đặc biệt cho các bé khuyết tật. Ngoài bỏ phiếu cho tổng thống, chị cũng bầu nhiều lãnh đạo địa phương, như các vị trí phòng giáo dục hay phòng cảnh sát.
“Ứng viên các cấp đều có cuộc vận động riêng, họ đi phát tờ rơi khắp nơi, kêu gọi rất rõ ràng”, chị Liên nói với Zing.
Chị cảm thấy tỷ lệ người Việt đi bầu năm nay sẽ cao hơn. Bốn năm trước, tình nguyện viên của bà Hillary Clinton tới từng nhà mỗi cuối tuần, liên tục gõ cửa vận động, nhưng “hầu như không thấy người Việt có hoạt động”.
Năm nay, những lời kêu gọi diễu hành đã mạnh mẽ hơn trong cộng đồng nhằm lôi kéo ủng hộ cho cả hai phía.
“Sự thể hiện của người Mỹ Latin trong năm nay cực kỳ rõ, đông rầm rộ... Không biết do truyền thông hay gì, nhưng họ có ý thức lớn hơn (về bầu cử)”, chị nói.
Chị bầu cho ông Trump năm 2016, và nói “đang nghiêng” về khả năng bầu tiếp cho ông. Nhưng chị cảm thấy bầu cử năm nay có “tâm lý chênh vênh”.
“Cá nhân mình cảm thấy thất vọng về người đại diện cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, không làm thỏa mãn hết cho người Mỹ”, chị nói. “Đặc biệt với ông Trump thì mình càng có tâm lý chênh vênh vì ông là người khó đoán”.
“Dù kịch bản nào, người Mỹ cũng lo lắng cho tương lai... Chẳng hạn nếu ông Obama hay bà Hillary thắng thì dễ đoán tương lai hay đường lối của Mỹ. Nhưng năm nay thì không nhìn ra điều gì vì ông Trump cũng dễ thay đổi”.
Khó nhìn rõ kế hoạch của hai ứng viên
Giáo sư Linda Trinh Vo từ California cho biết các vấn đề có thể tác động tới lá phiếu người gốc Việt gồm đối ngoại, dịch Covid-19 và thất nghiệp, tiếp cận chăm sóc y tế, biểu tình phản đối kỳ thị chủng tộc.
Nhưng sự chia rẽ đảng phái gay gắt và đả kích cá nhân liên miên đã nhấn chìm các tranh luận cụ thể và khách quan, khiến cử tri rất khó nhìn nhận rõ ràng kế hoạch của hai ứng viên.
Chị Liên quan tâm tới vấn đề lương ngành giáo dục quá thấp, nhưng chưa thấy gì rõ ràng từ hai ứng viên về chuyện này. Vì vậy, chị quan tâm tới thúc đẩy việc làm, để “phương án một là đi dạy, không đi dạy được thì phải có phương án hai”.
“Nều tình hình việc làm bi đát quá thì mình rất lo lắng”, chị nói. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tháng 9/2020 là 7,9% do dịch Covid-19.
Giống đa số cử tri Việt, chị tin rằng Tổng thống Trump có thể làm tốt về kinh tế. “Tập trung vào dân tộc chủ nghĩa và kinh tế thì sẽ tốt hơn cho người Mỹ rồi”, chị lập luận. “Có thể không ngoại giao tốt cho các nước khác, làm phật lòng đồng minh trên thế giới, nhưng là một người tập trung trong nước”.
Khi vận động, Tổng thống Trump từng liên tục ca ngợi thành tựu kinh tế “chưa bao giờ tốt như vậy” trong nhiệm kỳ của mình, nhắc tới số việc làm tạo ra “đạt kỷ lục”.
Trên thực tế, đà tạo việc làm của nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu từ thời Obama, và số việc làm ông Trump tạo ra ít hơn con số mà ông Obama tạo được trong nhiệm kỳ 2, theo nhà báo Heidi Przybyla của NBC.
Anh Nguyễn Thái, 46 tuổi, kỹ sư xây dựng ở Indian Shores, Florida, không thấy ấn tượng về thành tích kinh tế dưới thời ông Trump. Anh cho rằng các mức tăng trưởng trong ba năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump (2,22%, 3,18%, 2,33%) không quá khác biệt với nhiệm kỳ hai thời Obama.
Thay vào đó, anh lo ngại việc ông Trump đẩy mạnh cắt giảm quy định trên hàng loạt lĩnh vực trong bốn năm qua. “Quy định không phải lúc nào cũng xấu, mà có mục đích của chúng, bảo vệ thứ này thứ kia”, theo anh Thái.
Anh cũng lo ngại luật cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa. Luật này dù kích thích được kinh tế nhưng làm tăng thâm hụt ngân sách.
May mắn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, anh Thái coi nợ công và thâm hụt ngân sách là một trong các vấn đề quan trọng nhất, bên cạnh đại dịch và “tính cách người tổng thống”.
Thâm hụt ngân sách liên bang ở Mỹ năm 2020 được dự báo đạt kỷ lục 3.300 tỷ USD, nâng mức nợ công lên trên 27.000 tỷ USD vào tháng 10/2020 - hơn cả GDP của cả năm 2019. Đây từng là vấn đề hệ trọng được các ứng viên tổng thống tranh luận trong các kỳ bầu cử trước.
Nhưng năm nay, “dường như không ai đả động đến chuyện này”, anh Thái nói. “Nếu tiếp tục giảm thuế như đảng Cộng hòa thì thâm hụt sẽ tăng, nếu trợ cấp quá mức như đảng Dân chủ thì cũng vậy”.
Về đại dịch Covid-19, anh Thái nói “thông điệp của ông Trump không rõ ràng, nên mỗi người hiểu một kiểu, không giải quyết được vấn đề”.
Tổng thống Trump đã bị chỉ trích vì coi nhẹ đại dịch nên dẫn đến sự phản ứng chậm trễ trong thời gian đầu; từ đó khiến dịch bệnh lan rộng ở Mỹ. Chính quyền cũng không công khai với người dân về mức độ nguy hiểm dù đã được cảnh báo, theo cuốn sách mới đây của nhà báo Bob Woodward thuộc Washington Post.
Ông Trump cũng thường xuyên coi nhẹ việc đeo khẩu trang, còn chế nhạo đối thủ Joe Biden vì biện pháp phòng ngừa này. Ông liên tục bị ông Biden chỉ trích vì chưa đưa ra được kế hoạch cấp quốc gia, giữa lúc dịch đang lan rộng trở lại tại Mỹ vào mùa lạnh.
Anh Thái đã bỏ phiếu sớm cho ông Biden. Nhưng anh cảm thấy ông Biden cũng chưa rõ ràng về cách đối phó với dịch bệnh. Chẳng hạn “khi người điều phối tranh luận hỏi ông có đóng cửa nền kinh tế không, thì ông Biden trả lời là sẽ ‘đóng con virus’, như thế không rõ chút nào”, anh nói.
Vấn đề then chốt khiến anh Thái quyết định chọn ông Biden từ 3-4 tháng trước là tính cách của Tổng thống Trump.
“Ông Trump đả kích tất cả. Ông hằn học với người khác rồi người khác lại hằn học với ông”, anh nói. “Những phát biểu của ông gây chia rẽ, như kẻ da trắng thượng đẳng rõ ràng như David Duke thì ông Trump cũng không lên án”.
“Phát ngôn của ông Trump rất tệ, bất cần, đôi khi rất bỗ bã”, chị Liên, giáo viên tiểu học, nhận xét. “Nói chung không vào tai lắm, đôi khi bọn mình còn nói là ‘điên’. Nhưng biết sao được, mỗi người một tính, họ được quyền thể hiện quan điểm, kể cả tổng thống”.
Một vấn đề khác vẫn chưa rõ ràng với cử tri là chăm sóc y tế.
“Ngành y tế của Mỹ có vấn đề, giá khám chữa bệnh cao không tưởng... giá bảo hiểm cũng vô lý vô cùng”, chị Liên nói.
“Mình không thấy họ đưa ra cái gì về chính sách y tế, chỉ cãi nhau về Obamacare. Ông Trump có thể có kế hoạch nào đó vì kịch liệt muốn xóa sổ Obamacare, nhưng ông chưa đưa ra chính sách nào”.
Chị Liên có cái nhìn lạc quan trước sự chia rẽ của cử tri. “Thấy chia rẽ trên báo đài thôi. Gia đình mình cũng hai phe - nhưng đó là quyền của mỗi cá nhân”, chị nói.
Chồng chị Liên là người da trắng, đăng ký bầu cử ở đảng Dân chủ trên giấy tờ, nhưng lần trước vẫn bỏ phiếu cho ông Trump.
Lần này, chị không hỏi chồng bỏ phiếu cho ai, và anh cũng không hỏi chị. Chị có hỏi con gái 21 tuổi, nhưng con gái không nói bầu cho ai, và con gái cũng không hỏi chị.
“Đơn giản lắm, gia đình hiểu chính trị là quan điểm cá nhân, cũng là cái tôi rất riêng của nước Mỹ. Không ai lôi chuyện đó ra để ghét, chả có lý do nào để chia rẽ - đó là điều vô lý”.
Khi đào tạo để thành giáo viên, chị Liên được học cách dạy cho trẻ nhỏ suy nghĩ tôn trọng sự khác biệt này.
Ngoài phố, vài nhà ủng hộ Tổng thống Trump, và cắm cờ, biển trong sân. Nhà hàng xóm ủng hộ đối thủ Biden, lại cắm biển của riêng mình.
Link nguồn: https://zingnews.vn/khong-phai-california-day-moi-la-noi-cu-tri-goc-viet-co-suc-nang-post1146228.html
Cô gái Việt bại liệt nuôi con được người đàn ông Mỹ 'khổng lồ' yêu thương
Với đôi chân khuyết tật lại phải vật lộn mưu sinh, nuôi con... Ngô Thị Thúy Vân không thể ngờ rằng một ngày cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn từ khi người đàn ông làm nghề xây dựng Jerry Jon Nanoff đến từ Mỹ đem lòng yêu thương.