Khủng hoảng nước từng khiến 300.000 dân Mỹ khốn đốn
Ngày 10/1/2014, 300.000 cư dân ở bang Tây Virginia bỗng thức dậy và biết rằng nước từ vòi của họ không đủ an toàn để tắm giặt hay nấu ăn.
03:00 23/10/2019
Người dân và doanh nghiệp cảm thấy tức giận xen lẫn lo âu trước một tai nạn công nghiệp chưa có hướng giải quyết rõ ràng gây ảnh hưởng tới nguồn nước thiết yếu của họ.
Trường học phải đóng cửa, quán ăn ngừng nhận khách và khách sạn từ chối đặt phòng. Kệ hàng trong các cửa tiệm chất đầy nước đóng chai. Giao thông ùn ứ khi các tài xế xếp hàng dài đợi hứng nước từ những chiếc xe bồn do Vệ binh Quốc gia huy động.
"Tôi lo lắng tới mức tức ngực", Cookie Lilly, 71 tuổi, đứng chờ hứng nước cùng chồng tại Trung tâm Cộng đồng Nam Charleston, nói.
Người dân Tây Virginia xếp hàng lấy nước từ xe bồn sau sự cố nước bị nhiễm chất độc hóa học ngày 10/1/2014. Ảnh: Reuters.
Thống đốc bang Earl Ray Tomblin, người đã ban hành lệnh cấm người dân uống, tắm giặt hay nấu ăn bằng nước lấy từ vòi ở Charleston, thủ phủ bang, cùng 9 hạt lân cận, kêu gọi dân chúng bình tĩnh, không nên hoảng loạn.
"Cứu trợ đang trên đường tới", ông thông báo. "Chúng ta không bị thiếu hụt nước đóng chai. Các nguồn cung cấp nước đang di chuyển tới khu vực".
Cơ quan Ứng phó Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA) cùng Vệ binh Quốc gia Tây Virginia đã nhanh chóng điều phối nước đóng chai tới 9 hạt bị ảnh hưởng. Cục Y tế Công cộng và Vệ binh Quốc gia Tây Virginia cũng bắt đầu lên kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung nước lẫn thực phẩm cho người dân.
Vệ binh Quốc gia Tây Virginia đồng thời triển khai hàng loạt xe bồn chứa nước lưu động. Ngày 10/1, FEMA cử đi tổng cộng 75 xe, mang theo 19.000 lít nước tới những nơi cần. Đến sáng 11/1 Bộ An ninh Nội địa điều 16 xe container chở nước đóng chai tới 16 trung tâm phân phối quanh khu đô thị Charleston. Cơ quan quản lý nước ở những thành phố không bị ảnh hưởng như Milton hay Hurricane đồng ý cung cấp nước miễn phí cho người dân bị nhiễm độc nước.
Tuy nhiên, Thị trưởng Charleston Danny Jones cho biết lệnh cấm uống nước đã bóp nghẹt các doanh nghiệp. "Bạn không thể tưởng tượng được công việc sẽ diễn ra thế nào trong điều kiện như hiện nay", ông nói trong lúc lái xe trở về nhà, đi qua một khu dân cư đã bị bỏ hoang vì thiếu nước sạch.
Mối lo lắng lớn nhất của thị trưởng Jones và các cư dân trong vùng nằm ở việc nhà chức trách không công bố bao giờ thì họ có thể sử dụng nước từ vòi bình thường trở lại.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, gần 19.000 lít hóa chất công nghiệp dùng trong chế biến than đã thấm từ bể chứa bị vỡ vào thượng nguồn sông Elk, nơi các công ty nước sạch địa phương nối đường ống lấy nước để xử lý, cung cấp cho người tiêu dùng. Chính quyền cũng gặp khó khăn trong việc xác định mức độ nguy hiểm của hóa chất MCHM hay 4-methylcyclohexane methanol khi nó ngấm vào nguồn nước sông.
"Chúng tôi không rõ nước có an toàn không, nhưng tôi không thể đảm bảo rằng nước an toàn", Jeff McIntyre, chủ tịch Công ty nước Tây Virginia Mỹ, nơi cung cấp nước cho hầu hết các hộ gia đình trong khu vực, nói. "Cách sử dụng thích hợp duy nhất đối với nước hiện nay là xả toilet".
Hóa chất bị rò rỉ, có mùi giống như cam thảo, có thể gây đau đầu, kích ứng mắt và da, khó thở nếu tiếp xúc trong thời gian dài ở nồng độ cao, theo Hội nghị Vệ sinh Công nghiệp Chính phủ Mỹ. Khoảng 4 - 6 người đã phải nhập viện để theo dõi triệu chứng buồn nôn nhưng không ai gặp vấn đề quá nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang và mở cuộc điều tra nguyên nhân sự việc.
Chủ sở hữu bể chứa bị vỡ, công ty Freedom Industries, xử lý và chứa hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp than trong 14 bể trên sông Elk, cách ngã ba sông Kanawh ở trung tâm Charleston 4 km về phía thượng lưu. Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho hay Freedom Industries không vi phạm bất cứ quy định nào trong ba năm trước đó.
Gary Southern, chủ tịch Freedom Industries, nói công ty không biết vụ rò rỉ diễn ra như thế nào. Công nhân phát hiện việc hóa chất bị rò rỉ ra sông vào khoảng 10h30 ngày 9/1 và đã bắt đầu quá trình dọn dẹp.
Tuy nhiên, lời khai của Southern mâu thuẫn với báo cáo từ Cục Bảo vệ Môi trường. Họ cho biết vụ rò rỉ được phát hiện vào 11h10 sau khi người dân phàn nàn về mùi hôi thối. Lúc các thanh tra viên đến nhà máy, họ nhìn thấy hóa chất vẫn bị rò ra từ bể chứa và không có hoạt động dọn dẹp nào đang diễn ra. Southern cam đoan MCHM là hóa chất "có độc tính rất thấp". "Nếu xem dữ liệu kỹ thuật, nó còn không ảnh hưởng tới đời sống của thủy sinh", ông nói.
Đêm 9/1, Vệ binh Quốc gia Tây Virginia bắt đầu kiểm nghiệm nước bị nhiễm hóa chất trên sông Elk. Vệ binh Quốc gia huy động phòng thí nghiệm của riêng mình, bên cạnh các phòng thí nghiệm thuộc công ty hóa chất DuPont cùng Cục Sức khỏe và Nguồn nhân lực Tây Virginia. Họ cũng yêu cầu hai phòng thí nghiệm khác hỗ trợ nhằm đẩy nhanh quá trình kiểm nghiệm nước. Công ty nước Tây Virginia Mỹ phối hợp cùng DuPont và Binh chủng Công binh Mỹ xác định mức độ nước bị ô nhiễm trong hệ thống. Tổng cộng 4 phòng thí nghiêm đã được thiết lập để kiểm nghiệm lượng hóa chất còn lại trong nước.
Ở khắp các ngõ ngách của Charleston, người dân liên tục chia sẻ những câu chuyện về việc họ phản ứng ra sao trước lệnh cấm sử dụng nước và thích nghi như thế nào.
"Tôi đang nằm dài trong bồn tắm thì vợ tôi bước vào và nói 'Anh hãy ra khỏi bồn ngay'", Curtis Walls, 60 tuổi, kể. Theo Walls, nước chảy ra từ vòi có mùi cam thảo. "Bạn không thể làm gì nếu không có nước".
Một bồn chứa hóa chất MCHM của công ty Freedom Industries. Ảnh: AP.
Patricia McIntyre, 36 tuổi, không phải đi làm vì quán cà phê nơi cô làm việc Diana's Downtown Café đã đóng cửa. McIntyre đang gội đầu tại salon tóc thì nghe thông báo trên radio. "Tôi sợ mình sẽ bị rụng hết tóc mất", cô nói.
Không ít người bày tỏ thái độ giận dữ trước Freedom Industries. "Tại sao họ lại cho phép đặt một công ty hóa chất ngay gần công ty nước ở phía thượng nguồn. Họ có thể làm chảy thứ gì đó ra sông", Rex Stewart, công nhân về hưu, cho hay.
Theo Jeff McIntyre, chủ tịch Công ty Nước Tây Virginia Mỹ, vì nước bị ô nhiễm đã lưu thông trong hệ thống phân phối nên toàn bộ đường ống phải được thau rửa.
Sau khoảng một tuần xử lý, nhà chức trách bắt đầu gỡ bỏ lệnh cấm sử dụng nước, bắt đầu từ các bệnh viện và mở rộng dần theo từng khu vực. Các quan chức y tế và môi trường cho biết nồng độ MCHM trong nước đã giảm xuống dưới một phần triệu, ngưỡng an toàn do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đặt ra.
Chính quyền cũng tạo một trang web để thông báo tới người dân khi nào họ có thể xả nước vào hệ thống ống nước tại nhà. Ban đầu, người dân cần xả nước nóng trong vòng 15 phút, sau đó xả nước lạnh trong 5 phút nhằm loại bỏ cặn bẩn trong đường ống và bình nóng lạnh.
Thống đốc Ray Tomblin tháng 4/2014 ký một luật nhằm củng cố những tiêu chuẩn cho các bể chứa mới hình thành trên mặt đất, nguồn cơn của sự cố rò rỉ hóa chất tại Charlestown, đồng thời yêu cầu điều tra những bể chứa hiện có.
Bộ luật mới yêu cầu các cơ quan tiện ích công cộng phải đệ trình một kế hoạch về cách họ ứng phó trước bất kỳ sự cố tràn hóa chất nào trong tương lai. Trước sự cố rò rỉ hóa chất sông Elk, không bang nào của Mỹ kiểm tra những bể chứa trên mặt đất.
Năm 2016, một thẩm phán liên bang đã đề xuất thỏa thuận giàn xếp trị giá 151 triệu USD giữa người dân Charleston và hai công ty liên quan đến vụ tràn hóa chất sau khi 224.000 người dân địa phương cùng 7.300 chủ sở hữu doanh nghiệp đâm đơn kiện tập thể.
Theo thỏa thuận đề xuất, công ty Nước Tây Virginia Mỹ sẽ trả 126 triệu USD và nhà phân phối hóa chất Eastman Chemical phải đóng góp 25 triệu USD vào một quỹ chung để chi trả cho những người bị ảnh hưởng. Công ty nước đã đồng ý trả 76 triệu USD vào cùng quỹ nêu trên và có thể bị buộc phải trả thêm 50 triệu USD cho các khiếu nại cá nhân từ người dân và doanh nghiệp, những người tin rằng thiệt hại đối với họ nghiêm trọng hơn.
Eastman Chemical đã bán MCHM cho Freedom Industries. Đơn kiện cho rằng Eastman phải có trách nhiệm "cảnh báo khách hàng (công ty Freedoom) về nguy cơ không tương thích bồn chứa" bởi MCHM được biết đến là có khả năng ăn mòn.
Những cáo buộc công ty nước Tây Virginia Mỹ phải chịu liên quan đến việc vi phạm nghĩa vụ với khách hàng bởi họ đã giao nước nhiễm độc tới các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đơn kiện cũng cáo buộc công ty không có sự chuẩn bị phù hợp để đối phó với những sự cố như vụ rò rỉ hóa chất trên sông Elk.
Trong khi đó, Gary Southern, chủ tịch Freedom Industries, bị kết án 30 ngày giam kèm 6 tháng quản thúc và nộp phạt 20.000 USD vì các vi phạm trong vụ rò rỉ hóa chất năm 2014.
Các bồn chứa hóa chất của Freedom Industries được đặt bên sông Elk. Ảnh: CBS.
Theo VnExpress.net
Gần 1/3 dân Mỹ là người nghèo, ở tầng lớp thấp
Báo cáo của Pew Research Center cho biết gần 30% hộ gia đình tại Mỹ thuộc "tầng lớp thấp" với thu nhập trung bình năm 2016 chỉ khoảng 25.624 USD.