'Lệnh ngừng bắn' 90 ngày khó làm tan bão tố Mỹ - Trung
Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Trung không giúp hạ nhiệt căng thẳng vì Washington xác định Bắc Kinh là mối đe dọa của mình.
03:00 08/12/2018
Tổng thống Mỹ Trump, phải, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng dự G20 năm nay tại Argentina. Ảnh: SCMP. |
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump thống nhất sẽ tạm thời được giữ nguyên mức thuế với hàng Trung Quốc ở mức 10% từ ngày 1/1/2019, thay vì nâng lên 25%.
Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua các sản phẩm nông phẩm, nhiên liệu, sản phẩm công nghiệp và nhiều hàng hóa khác từ Mỹ để cân đối thương mại giữa hai nước. Hai nước cũng nhất trí sẽ không áp thêm thuế vào hàng hoá của nhau từ đầu năm sau, bắt đầu đàm phán về các thay đổi cấu trúc liên quan đến ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, tấn công mạng, cũng như ngành dịch vụ và nông nghiệp. Hai bên đồng ý nỗ lực hoàn tất thỏa thuận này trong vòng 90 ngày tới. Nếu đến hết thời hạn, cả hai không đạt được một thỏa thuận, thuế 10% sẽ được nâng lên 25%.
Trao đổi với VnExpress, Barbara Weisel, cựu trợ lý Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, phân tích Trump và Tập Cận Bình đã nhất trí có một "lệnh ngừng bắn", hai bên có 90 ngày để thảo luận tiếp về các vấn đề. Bà cho rằng việc hai bên đạt được các thỏa thuận là điều thách thức.
Cựu trợ lý tin Bắc Kinh có thể đồng ý tăng mua hàng của Washington hoặc thực hiện các cải cách vừa phải, nhưng sẽ không có các thay đổi căn bản về kinh tế theo cách mà Mỹ mong muốn. Kể cả hai bên tìm được giải pháp cho một số vấn đề, Mỹ và Trung Quốc cũng không thể nhất trí về giải pháp lâu dài cho xung đột thương mại, vì Washington muốn Bắc Kinh có các thay đổi lớn với nền kinh tế. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp "siết chặt" như xem xét đầu tư và kiểm soát hàng xuất khẩu của Trung Quốc để ngăn Bắc Kinh chiếm giữ các công nghệ nguồn của Mỹ.
"Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không giảm sau cuộc gặp của và Chủ tịch Tập Cận Bình, vì xung đột giữa hai bên không chỉ là vấn đề thương mại", Weisel nói.
Tổng thống Mỹ Trump khi công bố Chiến lược an ninh quốc gia hồi cuối năm 2017 đã cáo buộc Trung Quốc tìm cách "để thay thế Mỹ" ở châu Á. Ông liệt kê hàng loạt vấn đề của Bắc Kinh như tăng cường sức mạnh, tác động đến chủ quyền các nước khác, tạo thâm hụt thương mại, trộm cắp dữ liệu của Mỹ.
Đến tháng 10 năm nay, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Trung Quốc là "đối thủ chiến lược chính". Ông cáo buộc Trung Quốc muốn đẩy Mỹ khỏi vùng phía tây Thái Bình Dương, cố gắng ngăn cản Washington hỗ trợ các đồng minh, "nhưng họ sẽ thất bại". Trước cuộc gặp của Trump và Tập Cận Bình ở G20, ông Pence khẳng định Bắc Kinh cần nhượng bộ trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, tôn trọng những quy định và tiêu chuẩn quốc tế cũng như tự do hàng hải trên các vùng biển toàn cầu.
Bà Barbara Weisel nhận định chính quyền Trump đang theo đuổi một chiến lược lớn hơn nhằm chia tách nền kinh tế hai bên và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng trong quốc hội Mỹ.
Cũng nhấn mạnh đến các yêu cầu của Mỹ, William Overholt, Đại học Harvard, cho hay Mỹ muốn Trung Quốc cải cách nền kinh tế theo hướng giống như phương Tây. Mô hình đó tương tự như nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc thời kỳ đầu cải cách. Trong khi đó, Trung Quốc có thể chỉ chấp nhận thảo luận các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường.
"Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận cải cách toàn bộ nền kinh tế, do đó khả năng cao là Trump sẽ quay trở lại việc áp thuế với hàng hóa của Bắc Kinh sau 90 ngày đình hoãn", Overholt dự đoán.
David Dollar, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Brookings, lưu ý Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ và mở cửa thị trường nhưng chưa rõ chi tiết. Mỹ có rất nhiều yêu cầu với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh có vẻ như không đáp ứng tất cả. "Câu hỏi là liệu Mỹ có chấp thuận thỏa hiệp không. Phải mất vài tháng trước khi chúng ta có câu trả lời", Dollar nói.
Giáo sư Peter Morici, Đại học Maryland, đánh giá thời hạn 90 ngày tạm ngưng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là thời gian ngắn để giải quyết vấn đề phức tạp giữa hai nước. Trong khi Mỹ cho rằng đây là thảo luận toàn diện về quan hệ thì Trung Quốc chỉ tập trung vào thuế với hàng hóa.
"Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày và Trump sẽ muốn điều gì", Morici nói.
Cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng là "điều không may", Scott Kennedy, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho hay ông tin điều đó sẽ xảy ra. Ông đánh giá có ba vấn đề cần lưu ý sau cuộc họp Trump - Tập.
Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc cần thống nhất khi nào và ở đâu hai bên sẽ khôi phục đàm phán và chương trình nghị sự là gì. Hai nước cần đưa ra khung thảo luận về các vấn đề mang tính cấu trúc, như là chính sách công nghiệp của Trung Quốc và các ưu tiên dành cho Mỹ, chẳng hạn như hiệp ước đầu tư song phương.
Thứ hai, Trung Quốc sắp tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 40 của Phiên họp toàn thể lần ba năm 1978, nơi chính sách Kỷ nguyên Cải cách và Mở cửa được đưa ra. Đây là cơ hội tốt nhất và có thể là cuối cùng với Trung Quốc để đưa ra cải cách kinh tế căn bản giúp giải quyết các quan ngại của cộng đồng quốc tế và khu vực tư nhân của nước này. Dự kiến ông Tập sẽ có bài phát biểu vào ngày 18/12.
Thứ ba là các bước đi Trung Quốc cần thực hiện, cho thấy những thay đổi về quy định, về liệu pháp hoặc thành phần của nền tảng thương mại điện tử cùng các hành động thực thi pháp luật.
William Overholt nhấn mạnh chính quyền Trump đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa lớn cả về kinh tế và quân sự của Mỹ, vì thế cần thách thức Bắc Kinh. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra sau cuộc gặp của Trump và Tập, cần phải chờ xem Trump có đưa ra những yêu cầu khả thi hay không.
"Chúng ta đang ở trong giai đoạn rất bất ổn", ông cảnh báo.
Nguồn: VnExpress.net
Bắt sếp Huawei: Con bài mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung?
Vụ bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei có thể được sử dụng như một con bài mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.