Lười biếng, ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì
Nghiên cứu này phản bác lại những quan điểm trước đó cho rằng gen sẽ quyết định chủ yếu tới tình trạng béo hay gầy.
13:30 09/07/2019
Bạn không thể đổ lỗi cho việc béo phì là do gen di truyền bởi lẽ lựa chọn lối sống không lành mạnh mới là nguyên nhân chính của việc tăng cân. Các nhà khoa học cho biết.
Nghiên cứu thừa nhận gen di truyền đóng một vai trò quan trọng đối với cân nặng nhưng chế độ ăn uống và tập luyện thường xuyên mới là yếu tố quyết định.
Các nhà khoa học có trụ sở tại Na Uy đã xem xét các phát hiện, bao gồm các phép đo BMI, từ một nghiên cứu trước đây với 118.959 người trưởng thành. Những người tham gia đã lặp lại các phép đo chiều cao và cân nặng được ghi lại từ năm 1963 đến 2008. Sau đó BMI của họ được phân tích với các yếu tố ảnh hưởng đến béo phì, bao gồm tuổi tác, giới tính, thói quen hút thuốc và các yếu tố môi trường.
Kết quả cho thấy những người thuộc nhóm “nhạy cảm di truyền” nhiều khả năng có chỉ số BMI cao hơn những người được xác định là có nguy cơ thấp hơn. Nhưng những phát hiện cũng cho thấy BMI đã tăng đối với cả những người có xu hướng ít vận động và ăn uống không lành mạnh.
Tác giả chính Maria Brandkvist, nghiên cứu sinh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết: “Phát hiện này cung cấp một cái nhìn sâu sắc mới lạ về vai trò của di truyền học trong sự phát triển của béo phì. Thay đổi chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cân bằng năng lượng dư thừa.”
Giáo sư David Curtis, thuộc Viện Di truyền Đại học London, cho biết nghiên cứu thường phóng đại ảnh hưởng của di truyền đến cân nặng.
Ông nói với MailOnline: “Di truyền học có thể tác động nhỏ nhưng trọng lượng được xác định bởi lối sống của chính chúng ta. Chúng tôi đã thấy bệnh béo phì đang gia tăng ở các nước châu Âu dù gen của mọi người không thay đổi.”
Bác sĩ Ian Campbell, chuyên gia về béo phì có trụ sở tại Nottingham nói: “Nghiên cứu này khẳng định lại tầm quan trọng của cách chúng ta đối xử với cơ thể. Không có giải pháp đơn giản cho bệnh béo phì.”
“Chắc chắn chúng ta cần phải quản lý ngành công nghiệp thực phẩm và quảng cáo cũng như duy trì các biện pháp hạn chế quyền tiếp cận những loại thực phẩm không lành mạnh”, chuyên gia kết luận.
Ngọc Ánh - Tinnuocmy.com
Ăn cơm có thể giúp chống béo phì, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản
Một nghiên cứu của Nhật Bản chỉ ra các nước sử dụng gạo làm lương thực chính có tỷ lệ người dân béo phì thấp.