Lý do Mỹ thống trị giải Nobel

Chính sách trọng dụng nhân tài và đầu tư mạnh vào nghiên cứu cơ bản được cho là chìa khóa giúp Mỹ liên tục thống trị bảng xếp hạng đoạt giải Nobel.

00:00 15/10/2021

Ít nhất 8 trong 13 giải Nobel năm nay thuộc về các công dân Mỹ, cho thấy sức mạnh của giới học thuật cũng như khả năng thu hút nhân tài hàng đầu thế giới của nước này.

Các trường đại học Mỹ liên tục thống trị bảng xếp hạng "Top 100 toàn cầu" với những ngôi trường tư nhân thuộc nhóm Ivy League và cả loạt trường công lập danh tiếng khác.

Kể từ khi giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901, Mỹ đã mang về 400 huy chương, theo sau là Anh và Đức với lần lượt 138 và 111 huy chương. Những con số này bao gồm những cá nhân đa quốc tịch.

Một nhân viên Thư viện Quốc gia Colombia cầm trên tay huy chương Nobel được trao cho tiểu thuyết gia quá cố Gabriel Garcia Marquez ngày 17/4/2015. Ảnh: AP.
Một nhân viên Thư viện Quốc gia Colombia cầm trên tay huy chương Nobel được trao cho tiểu thuyết gia quá cố Gabriel Garcia Marquez ngày 17/4/2015. Ảnh: AP.

"Tôi thực sự đánh giá cao những cơ hội mà tôi được trao ở đất nước này", Ardem Patapoutian, người đồng chiến thắng giải Nobel Y sinh năm 2021 cho công trình nghiên cứu thụ thể thần kinh liên quan đến xúc giác, phát biểu tại cuộc họp báo sau chiến thắng, đề cập tới nước Mỹ.

Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Armenia lớn lên ở Lebanon ghi nhận thành công ông có được là nhờ Đại học California, nơi ông nhận bằng cử nhân và làm nghiên cứu sau tiến sĩ, cũng như Viện Nghiên cứu Scripps, nơi ông làm việc trong hai thập kỷ qua.

Đại học California cũng là nơi nuôi dưỡng học vấn cho người đồng đoạt giải Nobel Y sinh 2021 David Julius. Ông đến từ Đại học California ở San Francisco. Tổng cộng, nhân viên và giảng viên của Đại học California đã mang về 70 giải Nobel, bằng tổng số giải mà Pháp giành được.

Nhà khoa học đồng đoạt giải Nobel Vật lý năm nay là Syukuro Manabe, người đã rời Nhật Bản vào những năm 1950 và đã thực hiện công trình đột phá về các mô hình khí hậu tại Đại học Princeton ở New Jersey. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Manabe nói rằng ở Mỹ, ông có thể đi tới bất cứ đâu mà trí tò mò dẫn dắt ông đến và đây là chìa khóa thành công.

Người đồng đoạt giải Nobel Hóa học David MacMillan từ Scotland chuyển tới định cư tại Mỹ vào những năm 1990. Ông cũng là giáo sư tại Đại học Princeton, nơi nữ nhà báo người Mỹ gốc Philippines Maria Ressa, người giành giải Nobel Hòa bình năm nay, lấy bằng cử nhân vào năm 1986.

Những người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay gồm David Card, người Mỹ gốc Canada, Joshua Angrist, người Mỹ gốc Israel và Guido Imbens, người Mỹ gốc Hà Lan. Card và Angrist đều đến từ Đại học Princeton còn Imbens thuộc Đại học Stanford.

Theo David Baltimore, người đồng đoạt giải Nobel Y sinh năm 1975, tài trợ cho nghiên cứu cơ bản (hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy) là chìa khóa giúp Mỹ gặt hái thành công. Đây là cách "đi đường dài" bởi so với nghiên cứu ứng dụng, phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ người ta mới có thể nhìn thấy kết quả của chúng và thường theo những cách khó đoán trước. Baltimore cũng nhấn mạnh bề dày phát triển của các viện nghiên cứu và trường đại học Mỹ.

Mối quan tâm đặc biệt của người Mỹ dành cho nghiên cứu cơ bản được hình thành từ sau Thế chiến II và việc thành lập Quỹ Khoa học Quốc gia vào năm 1950. Quỹ này chịu trách nhiệm quan trọng điều phối tài trợ liên bang cho các trường đại học.

Tiền quyên góp và các khoản tài trợ tư nhân cũng đóng vai trò ngày càng tăng trong nỗ lực thúc đẩy những nghiên cứu và tiến bộ khoa học tại Mỹ.

Dù Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ về tổng kinh phí nghiên cứu (496 tỷ USD so với 569 tỷ USD của Mỹ năm 2017), Bắc Kinh vẫn còn những rào cản liên quan đến tự do học thuật và môi trường thu hút nhân tài, H.N. Cheng, chủ tịch Hiệp hội Hóa học Mỹ, nhận xét.

Cũng giống việc các quốc gia giàu có với cơ sở hạ tầng thể thao mạnh mẽ thống trị những cuộc thi quốc tế như Olympic, việc là nền kinh tế số một thế giới đã giúp Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu về khoa học.

"Nhà khoa học tìm thấy nhiều cơ hội việc làm hơn, không chỉ trong các học viện mà còn trong cả những công ty, phòng thí nghiệm của chính phủ hay bất kỳ nơi nào khác", Cheng nói.

Marc Kastner, giáo sư vật lý tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thêm rằng các trường đại học Mỹ còn có truyền thống khen thưởng những nhà khoa học trẻ sáng giá bằng cách trao phòng thí nghiệm cho riêng họ.

"Tại những nước khác ở châu Âu hay Nhật Bản, có những nhóm lớn do một giáo sư có vai vế cao lãnh đạo và phải đến khi người đó nghỉ hưu thì một người trẻ tuổi hơn mới được bước lên thay thế. Nhưng đến khi ấy, họ có thể không còn những ý tưởng tốt nhất nữa", Kastner cho hay.

Nhà sinh học thần kinh của Đại học Harvard Catherine Dulac, người chiến thắng Giải Đột phá trong Khoa học Đời sống năm 2021 cho công trình về bản năng làm cha mẹ, đã quyết định không trở về Pháp lúc ngoài 20 tuổi vì lý do này và vì vấn đề định kiến giới tính.

Nhìn về tương lai, một số người lo ngại rằng tình trạng giảm nhập cư có thể giảm ưu thế của Mỹ. "Mỹ từng xây dựng một nền văn hóa luôn chào đón tất cả mọi người", Stefano Bertuzzi, người di cư từ Italy hiện là giám đốc điều hành Hiệp hội Vi sinh vật học Mỹ, nói.

Tuy nhiên gần đây, ông và Kastner không khỏi cảm thấy lo lắng bởi xu hướng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng, khiến Mỹ không còn là điểm đến được ưu tiên như trước đây. Điều này đặc biệt đúng với học sinh, sinh viên Trung Quốc, những người không được chào đón bởi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump do lo ngại về nguy cơ gián điệp.

Tags:
Lý do Trung Quốc kiên trì chiến lược 'không Covid'

Lý do Trung Quốc kiên trì chiến lược 'không Covid'

Gần 20% dân số chưa tiêm chủng và tâm lý chưa sẵn sàng sống chung với dịch khiến Trung Quốc thận trọng khi điều chỉnh chiến lược chống Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất