Mặt trái ít biết ở California nổi tiếng giàu có: Gi ết người, mại d âm, nghèo đói
Myron đang ngủ dưới gầm cầu, xin những đồng bạc lẻ và thức ăn thừa của người qua đường nhưng anh còn phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn là bảo vệ bạn gái mình khỏi nạn mại dâm, mua bán tình dục đang diễn ra đầy rẫy ở thành phố Oakland, bang California.
10:30 06/01/2019
Hồ Merritt, bao quanh là những ngôi nhà sang trọng và những văn phòng cao cấp của các tập đoàn công nghệ lớn, là một điểm đến cuối tuần quen thuộc dành cho những gia đình giàu có.
Nhưng trớ trêu thay, chỉ cách đó vài dãy nhà là biết bao người phải sống trong những túp lều nhỏ, hàng ngày cầu xin chính quyền địa phương không quăng tài sản của họ vào xe chở rác.
Đây là những điều thường thấy ở Oakland, một trong những thành phố nguy hiểm nhất tại bang California, chịu ảnh hưởng bởi sự phân chia giai cấp bắt nguồn từ Thung lũng Silicon nổi tiếng giàu có.
‘Màn trời chiếu đất’ là cảnh thường thấy
7 năm trước, Myron Fason, hay còn được gọi là rapper Auk5 khi đó 23 tuổi, từ Wisonsin đến California để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Nhưng trong suốt vài tuần kể từ khi đặt chân đến California, sau khi bị mất việc tại một cửa hàng ăn, phần lớn thời gian anh chỉ ở nhà ngủ.
Với tình hình như vậy, Myron và bạn gái khó có thể nào thuê được một căn hộ tử tế. Anh chia sẻ với tờ News.com.au : “Chúng tôi đã phải trải qua những ngày vô cùng khó khăn tại vùng vịnh này. Chúng tôi ngủ dưới gầm cầu và cố gắng tìm kiếm một chỗ dừng chân trong khu vực”.
Hiện nay Myron đã 30 tuổi và cuối cùng cũng tìm được chỗ ở tại một khoảng sân sau, nơi anh có thể dựng chiếc lều nhỏ để ngủ qua ngày. Có khoảng 15 người cũng giống như Myron đang sống ở đó, còn một số khác phải ngủ trong những chiếc túi ngủ trên mặt đất.
Myron và bạn gái của mình đi ăn xin, đến những quán ăn để xin thức ăn và chút tiền lẻ. Anh nói: “Sống trong cảnh vô gia cư đã dạy chúng tôi cách làm sao để có thể xin tiền những người khác”.
Nhưng khó khăn lớn nhất mà anh phải đối mặt đó chính là bảo vệ bạn gái của mình khỏi những công việc nguy hiểm, bất hợp pháp bởi mại dâm vô cùng phổ biến ở Oakland.
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông đang chạy bộ, với chiếc điện thoại smartphone trên cánh tay đang cướp, ném chăn và đồ đạc của những người vô gia cư xuống hồ, mặc cho người qua đường đã cầu xin anh ta dừng lại.
Trong một đoạn clip khác, một người phụ nữ da trắng tiến đến gần một cặp đôi người da màu khi họ đang chuẩn bị nấu nướng cho bữa picnic cuối tuần bên bờ hồ.
Người phụ nữ nói cô ta đã gọi cảnh sát và dọa cặp đôi da màu có thể phải đi tù. Đoạn video ấy đã mở đầu cho một cuộc biểu tình hàng loạt với khẩu hiệu #BBQingWhileBlack.
Hiện nay, ngày càng có nhiều túp lều được dựng lên xung quanh khu vực hồ Merritt, mở rộng tới cả bên dưới những đường hầm và bên ngoài sân vận động Warriors, nơi khán giả phải trả khoảng 250 – 10.000 USD để sở hữu một chiếc vé.
Sống trong những nơi tạm trú có lẽ là lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện tại, khi số lượng người ngày càng tăng cao. Myron nói: “Ít nhất thì tôi cũng có một nơi để tắm rửa và nấu ăn hàng ngày”.
Khoảng một năm sau, Myron cũng đã thoát khỏi được cảnh phải sống lang thang trên đường phố. Hiện nay anh sống ở Los Angeles, làm việc trong nhà bếp của một cửa hàng ăn. Khi có thời gian, anh sẽ làm nghệ thuật, âm nhạc và cố gắng để có một cuộc sống thoải mái hơn.
Phó giám đốc tổ chức Cộng đồng thanh thiếu niên Oakland rất phẫn nộ và cảm thấy bị làm phiền khi thấy những túp lều cứ xuất hiện ngày một nhiều ở quanh thành phố, thậm chí ở ngay sát nơi ông làm việc.
Khoảng cách giàu nghèo lớn, tệ nạn đầy rẫy
Hồ Merritt đã trở thành một biểu tượng của sự bất bình đẳng, cản trở sự phát triển của vùng vịnh ở California trong suốt nhiều năm. Theo thống kê năm 2017, tại Oakland, cứ 12 người lại có 1 người đang có nguy cơ trở thành tội phạm.
Oakland cũng có tỷ lệ vụ án giết người cao hơn cả San Francisco, với 20 vụ giết người, 65 vụ hiếp dâm, 732 vụ cướp và 616 vụ tấn công nguy hiểm.
Trong khi tỷ lệ tội phạm tại Oakland đã giảm trong những năm gần đây, những thành phố được cho là nguy hiểm nhất tại California nằm ở các khu lân cận với Oakland như Stockton, Modesto, Vallejo và Richmond.
Giám đốc tổ chức giúp đỡ người vô gia cư Mission for the Homeless chia sẻ với tờ News.com.au: “Chi phí thuê nhà đã tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây. Khoảng cách giữa những người giàu và nghèo ngày càng lớn. Bởi vậy mà những gì chúng tôi có thể làm chỉ giúp được một phần nhỏ”.
Thành phố Oakland có dân số khoảng 424.000 người và trong số đó có đến 27.000 người phải sống trên đường phố. Hiện nay, chính quyền thành phố đã và đang mua lại các khu đất trống, xây dựng những ngôi nhà nhỏ cho hàng nghìn người vô gia cư.
Bà Rebecca Kaplan, thành viên của hội đồng thành phố, nói rằng bà không còn muốn thấy cảnh những người vô gia cư phải chứng kiến đồ đạc của mình bị ném đi ngay trước mắt. “
Oakland và toàn bộ khu vực đang phải đối mặt với số lượng lớn người vô gia cư, những người không đủ khả năng mua nhà và phải chịu đựng nhiều khó khăn trong cuộc sống”.
“Tiền thuế của người dân đang bị lãng phí, khi chưa có giải pháp nào triệt để được đưa ra. Người vô gia cư phải chuyển từ đường hầm này đến đường hầm khác, không những không giải quyết được vấn đề mà còn gây tốn kém về cả con người lẫn tiền bạc”, bà Kaplan nói.
Bà Heather Freinkel, luật sư tại Trung tâm quản lý người vô gia cư cho rằng việc những người vô gia cư ngủ trên đường phố là bất hợp pháp, hay nói cách khác là họ cũng đang “phạm tội” khi quá nghèo và không đủ tiền trang trải một căn nhà.
Họ cũng sẽ dễ bị cướp tài sản, thậm chí bị giết bởi những người say rượu hay những người lái xe quá tốc độ.
“Giá nhà đất tại San Francisco hiện nay rất cao, đến nỗi mà thậm chí một nhân viên làm việc hành chính cũng không đủ khả năng chi trả. Chi phí thuê một căn hộ đơn dao động trong khoảng 20.000 USD/tháng.
Điều đó có nghĩa là những người đã về hưu, người khuyết tật, hay gia đình có trẻ nhỏ sẽ không có đủ khả năng chi trả”, Freinkel cho hay.
“Nhiều gia đình đã mất đi những ngôi nhà mà họ đã sở hữu trong nhiều thế hệ, khi có những dự án quy hoạch mua lại nhà ở mức giá thấp để cải tạo bề ngoài, hay cũng có thể bị bán ngay sau đó chỉ 3-6 tháng để kiếm hàng trăm đô la.
“Những người khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần phải đối mặt với rất nhiều rào cản trong việc xin và nhận trợ cấp. Trên thực tế, Cơ quan An sinh Xã hội, đã ít nhất một lần từ chối hầu hết những đơn kiến nghị này.
Và thường thì người khuyết tật trước đó sẽ phải ra tòa để được xác minh rằng có đủ điều kiện nhận trợ cấp”.
“Ngay cả sau khi nhận được trợ cấp, họ cũng chỉ được nhận 910 USD/tháng (hoặc 998 USD/tháng nếu vô gia cư). Ở các bang khác, mức trợ cấp thậm chí còn thấp hơn. Số tiền này không thể đủ để trả tiền thuê nhà, bởi vậy mà họ vẫn phải chịu cảnh vô gia cư”.
Người dân địa phương cũng tỏ ra lo lắng và sợ đi ra đường khi trời tối. Một lái xe Uber Rasem chia sẻ: “Tình hình đang trở nên tệ hơn, tôi có thể thấy những túp lều ở khắp mọi nơi. Ở Ấn Độ, nơi người ta được sinh ra, lớn lên và qua đời ngay trên vỉa hè. Giờ đây chúng ta có thể thấy những điều ấy ngay trên đất Mỹ.
Nghĩ về nước Mỹ, họ nghĩ về cuộc sống giàu có, hạnh phúc, tuy nhiên, hãy nhìn cách mà những người nghèo, vô gia cư kia bị đối xử, ngay cả chính phủ cũng không quan tâm. San Francisco là một trong những thành phố giàu có nhất, nhưng trên thực tế thì người vô gia cư ở khắp mọi nơi”.
Đài Loan treo thưởng để tìm nhóm người Việt mất tích
Chính quyền Đài Loan sẽ thưởng hàng nghìn tệ cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ hơn 100 du khách Việt Nam biến mất.