Miệng nên ít nói – tự nhiên ít họa
Cổ nhân nói rằng: miệng có thể nhả ra hoa hồng, cũng có thể nhả ra loài cây gai góc xấu xí và để miệng nhả ra hoa hồng, con người có khi cần phải tu cả đời.
12:00 20/11/2020
Tu khẩu đức thực ra là tu tính khí của bản thân. Khẩu đức có tốt, vận thế mới hanh thông, vận thế hanh thông mới không phải đi đường vòng, thành tựu nhờ đó mà có được một cách dễ dàng thuận lợi.
Trong khi đó, một lời nói thiếu sự suy nghĩ, tứ mã (bốn ngựa) khó đuổi, gây tổn thương cho người, cho mình, vận thế ắt sẽ ngày càng xấu. Những lời không hay tốt nhất đừng nên nói ra, đó chính là sự tu dưỡng mà chúng ta cần phải có.
Ăn nói bừa bãi, gánh nghiệp cả đời
“Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” (Nói nên chậm, tâm nên thiện). Biết cách ứng xử vẫn là bí quyết giúp cuộc sống con người ta trở nên tốt đẹp. Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học giao tiếp là học cả đời. Ứng xử đúng mực là phép tắc quan trọng và tối thiểu nhất mà một người văn minh nên làm được. Chúng ta sinh ra không phải ai cũng sở hữu sự khéo léo trong giao tiếp. Ở đời, lỡ miệng nói một câu khiến người khác không hài lòng là “sai một bước, đi một dặm”.
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình đã nói ra. Có những lời mà người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Trong lúc tùy ý mạnh miệng đã vô tình tạo ra vô số kẻ thù mà không hay biết. Và tốt hơn cả, “tâm nên thiện” để mỗi lời nói ra, dù không rút lại được, cũng không mang tính ác ý hay trù ẻo.
Theo Phật dạy thì trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời ác ý; nói hai lời, người hai mang và nói lời thêu dệt. Tu được cái miệng là tu hơn nửa đời người, rất nhiều người trong cuộc sống hàng ngày vẫn đang vô thức mắc phải “khẩu nghiệp” mà không hề hay.
Gieo nhân nào gặp quả ấy, đừng vì đôi lời nói ra phút chốc mà gánh nghiệp cả đời. Người xưa cũng nói một câu như thế này: “Đời người búa để ở trong miệng, sở dĩ giết người cũng do nói lời ác mà thành”. Lời nói tưởng như là gió bay nhưng có mang theo tác hại khôn lường. Đôi khi kẻ đầu tiên phải lĩnh lấy những thứ nghiệp ấy lại chính là bản thân người nói ra lời thị phi.
Chuyện kể rằng, một hôm, đức Phật đi truyền đạo ở vùng của Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình theo Phật nhiều quá nên căm giận ra đón đường Phật đi qua để chửi rủa. Đức Phật vẫn đi thong thả, các tu sĩ theo sau bén gót không ngừng tung ra những lời nhục mạ.
Thấy đức Phật thản nhiên như không, họ lại càng tức giận hơn nữa, chặn đường đức Phật mà chất vấn: – Ngài có bị điếc không? – Ta không điếc – Ngài không điếc vì sao không nghe thấy chúng tôi chửi? – Này các Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự.
Khi họ ra về, ông tặng quà mà họ nhất quyết không nhận thì quà đó về tay ai? – Quà ấy về tay tôi chứ còn gì nữa! – Đúng thế. Ông chửi ta cũng vậy. Ta không nhận thì nó về tay ai?
Người ấy đáp rằng, lễ vật vẫn là của ông ta. Đức Phật liền nói:“Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ”!
9 điều tránh khi nói năng
1. Bỏ đa ngữ (bỏ nói nhiều)
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Nói chuyện không nên nói quá nhiều, nói nhiều là bị thiệt. Trong Mặc Tử có ghi, học sinh của Mặc Tử là Cầm, hỏi Mặc Tử:“Nói nhiều có ích lợi không?”. Mặc Tử trả lời: “Con cóc, con ếch, cả ngày lẫn đêm đều kêu không ngừng, kêu đến khô mồm mỏi lưỡi, nhưng không có ai để tâm đến tiếng kêu của nó cả.
Sáng sớm nhìn thấy con gà trống đó, gáy đúng giờ vào lúc bình minh, trời đất đều chấn động (mọi người đều thức dậy sớm). Nói nhiều thì có ích lợi gì chứ? Chỉ có lời nói được nói ra trong tình huống hợp thời cơ mới có tác dụng thôi.”
Mặc Tử muốn nói với chúng ta, lời không cần nhiều, người biết nói chuyện luôn nói những lời thích đáng vào thời cơ thích đáng.
2. Bỏ khinh ngôn (bỏ lời nói dễ dãi)
Lời nói không thể nói dễ dàng, nếu thay đổi lời đã nói, chi bằng không nói. Lời không được hứa dễ dàng, nếu hứa rồi lại thay đổi, chi bằng đừng hứa. Gặp chuyện đừng tùy tiện phát ngôn, nếu không sẽ mang họa vào thân; cũng đừng dễ dàng hứa hẹn với người khác khi chưa cân nhắc và suy xét, nếu không sẽ mất chữ tín.
3. Bỏ lời lộng ngôn (bỏ lời nói lộng ngôn, ngông cuồng)
Lộng ngôn là những lời nói trong lúc cao hứng mà sinh ra. Người nói lời lộng ngôn ngông cuồng thường là kẻ tự phụ, ỷ vào cái gọi là sở trường, tài năng của mình, vốn đã coi người khác bằng nửa con mắt từ lâu. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng những kẻ tự phụ thường chịu nhận kết cục đau thương nhất. Cổ nhân giảng, kẻ khôn thực sự lại thường giả ngu ngơ.
Và chuyện “Thùng rỗng kêu to”là rất phổ biến. Kẻ không có thực tài thường chỉ mạnh miệng bề ngoài, chỉ là lấy khẩu khí để lấp đầy sự thiếu hụt của trí tuệ và tài năng. Nói lời ngông cuồng cũng thường là bước đầu tiên dẫn người ta đến việc làm điều ngông cuồng. Họ có thể nói ra được lời lẽ lộng ngôn thì cũng hoàn toàn đủ gan làm những chuyện tày trời, bất chấp.
Như thế không thể gọi là người thông minh được. Bởi người thông minh luôn biết giấu cái tài năng của mình bên trong, thường không thể hiện ra ngoài, đặc biệt là qua lời nói. Người thông minh hiểu rằng hiển thị tài năng chỉ là chuốc thêm rất nhiều sự đố kỵ, ghen ghét của người đời.
Ở một phương diện khác, bậc quân tử thường giữ được phong thái trầm tĩnh, vui buồn không để lộ ra ngoài và có thể nhún mình, nhường nhịn người khác mà thu phục nhân tâm. Một người đã ở cảnh giới cao thường xét đoán sự việc khác hẳn.
Kẻ tiểu nhân thường tranh hơn nhau khẩu khí, còn bậc quân tử chỉ cần dùng hành động để chứng minh trí tuệ của mình. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau vậy.
4. Bỏ trực ngôn (bỏ lời nói thẳng thừng)
Không nên nói thẳng không che đậy mà không nghĩ đến hậu quả, nếu không sẽ gây ra phiền toái. Lời thẳng thắn, phải nói vòng vo một chút, lời nói lạnh lùng như băng, phải tăng thêm nhiệt khi nói, nghĩ đến sự tự tôn của người khác, đặt sự tự tôn của người khác lên vị trí số một.
5. Bỏ tận ngôn (bỏ nói lời cạn kiệt)
Nói chuyện phải súc tích, đừng nói mà không chừa đường lui. Biết hết cũng không cần nói hết, chừa chút đường lui cho người khác, để chút khẩu đức cho chính mình. Trách người không cần trách khắt khe, khoan dung với người khác một chút cũng chính là cho mình một phần linh động, một đường lui.
6. Bỏ lậu ngôn (nói lộ chuyện)
Không được tiết lộ cơ mật. Sự dĩ mật thành, ngôn dĩ lậu bại (chuyện thành do giữ bí mật, nói lộ chuyện dễ gây ra thất bại).
Đối với chuyện của người khác, tuyệt đối không được tiết lộ, đây là vấn đề nhân phẩm và nguyên tắc làm người, nó cũng dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi sự việc vẫn chưa thể chắc chắn, cũng không được nói những lời quả quyết, để tránh tạo ra ảnh hưởng không tốt, làm người khác cảm thấy phù phiếm và hà khắc.
7. Bỏ ác ngôn (lời nói ác độc)
Không nói những lời vô lễ và độc ác để làm tổn thương người khác. Người xưa nói, “Đao cắt dễ lành, ác ngôn khó tan”. Sự tổn thương bạn gây ra trong tâm gan người khác còn đau đớn hơn vạn lần vết thương gây ra trên thân thể. 8. Bỏ căng ngôn (lời nói kiêu căng) Căng chính là tự đại, tự cho mình là đúng.
Lão Tử nói: “Tự phạt giả vô công, tự căng giả bất trưởng”. Người tự mình khoe tài ngược lại mất hết công lao, người tự đề cao bản thân sẽ không có tiến triển. Người nói lời kiêu căng, không phải kiêu ngạo thì là vô tri, dù là loại nào thì cũng đều bất lợi với sự trưởng thành của chính mình, và cũng dẫn đến sự chán ghét của người khác.
Thần Hàm Quang cuối nhà Minh đầu nhà Thanh sở dĩ nói: “Tự khiêm tắc nhân dũ phục, tự khoa tắc nhân tất nghi” (tự khiêm tốn người khác phải phục, tự khen mình người khác chắc chắn nghi ngờ). Nói chuyện, không nên kiêu ngạo tự mãn, tự cho mình là đúng. Tự kiêu tự khen, là biểu hiện của thiếu bồi dưỡng phẩm tính.
8. Bỏ sàm ngôn (lời nói bịa đặt)
Sàm ngôn chính là nói những lời chê bai, những lời không tốt sau lưng người khác gây ly gián, nghi kỵ. Người xưa cho rằng, người nói lời sàm ngôn, đều là tiểu nhân. Triết học gia Vương Sung của Đông Hán từng nói: “Sàm ngôn thương thiện, thanh dăng ô bạch” có nghĩa là không nên nói xấu sau lưng người khác bởi nó sẽ làm cho thiên hạ đều không được yên ổn.
9. Bỏ nộ ngôn (Bỏ lời nói ác nghiệt, oán hận)
Khi gặp chuyện không vừa ý hoặc cảm thấy bị đối xử bất công, người ta thường có xu hướng thất vọng, phàn nàn, thậm chí buông lời oán hận. Một khi đã oán thì họ hận tất cả, kể cả là trời đất, Thần Phật.
Thực tế, những gian nan, khổ ải mà một người thường mắc phải không có gì là bất công. Phật gia giảng về nghiệp lực luân báo rằng mọi khổ nạn mà con người phải gánh chịu đều là nghiệp báo cho những hành vi, ý nghĩ bất hảo của họ trong đời này hoặc từ kiếp trước.
Đã nợ nghiệp mà không muốn trả nghiệp, lẽ nào lại có lý như vậy? Lời oán hận thường mang theo những năng lượng rất xấu bởi nó xuất phát từ tâm oán trách, đố kỵ, lòng sân hận của người ta. Oán hận sẽ che mờ lý trí của họ, sẽ khiến họ không còn phân biệt được thật giả, đúng sai, phải trái. Như thế, hậu quả gây ra thậm chí còn tai hại hơn.
Từ nói lời oán hận, người ta còn có thể gây ra việc ác nghiệp, hại người hại mệnh. Những lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa…được xem là ác khẩu, ác ngữ hay còn là những lời lẽ thiếu văn minh, thiếu đạo đức trong giao tiếp cũng được cho là đã tạo khẩu nghiệp.
Đương nhiên, nói nặng lời, hoặc lớn tiếng trong chừng mực nào đó không phải là ác ngữ, nhất là trong quá trình giáo dục con cái của cha mẹ, giáo huấn học trò của thầy cô. Có thể thấy rằng nếu ai đó cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, không vui vẻ, chẳng bình yên, tức là chính người đó cần phải điều chỉnh lại lời nói, cho vừa dễ nghe, cho vừa dễ thương.
Hoặc là người đó cần phải điều chỉnh lại âm thanh, sắc thái giọng nói sao cho vừa đủ nghe, sao cho khỏi làm phiền lòng người khác ở xung quanh đang cần sự yên tĩnh, để tâm hồn được thanh tịnh, hay để được nghỉ ngơi thoải mái.
Nhất là bậc cha mẹ thường dùng ác ngữ đối với con cái hoặc với mọi người như một thói quen, đứa bé được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường có nhiều tố chất bất thiện này, một cách thụ động khi trưởng thành chắn chắn sẽ phản ánh ra những tín tức bất thiện đó.
Là con cái thường nói những lời thô bạo, thâm độc,… thì chắc chắn cha mẹ, thầy cô giáo và những người xung quanh sẽ không khỏi phiền lòng. Trong xã hội hiện nay, một số bạn trẻ lướt web, facebook, twitter,… thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục, xúc phạm đến người khác không phải là không có. Có thể các bạn cho rằng những lời nói này không chỉ một người nào cụ thể, không trực tiếp một ai, thì sẽ không sợ nguy hại nhưng thực tế lại rất nguy hiểm.
Không chỉ viết những lời ác ngữ, mà thậm chí chỉ cần nhấp chuột tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ đều nguy hiểm, vì nhiều lần làm như vậy chính không ai biết xấu hổ, không ai kiểm soát, không ai khuyến tấn nên lâu ngày dài tháng sẽ trở thành một thói quen.
Người thông minh thường có cách ứng xử khác. Đứng trước khổ nạn, gian khó hay sự thua thiệt, mất mát về lợi ích cá nhân, họ đương nhiên không một lời oán trách. Họ biết học cách chấp nhận, học cách thích nghi. Đứng trước sóng gió, bão giông, người thông minh luôn giữ được tâm thái bình hoà, thanh thản. Cũng nhờ thế, họ không bị mê mờ trong oán hận, tầm nhìn lại có thể rộng mở hơn.
Chỉ cần có được sự tỉnh táo, mọi khó nạn trong đời họ thảy đều bước qua, đúng hơn là vui vẻ bước qua. Như vậy gọi là: Nhân sinh một kiếp mỏi mòn Mê trong dục vọng mãi còn chưa buông Nghìn năm chẳng thoát khổ buồn Hỏi đâu là chốn linh hồn tựa nương?
ST
Trump "dựng thành lũy" chặn Biden tiếp quản Nhà Trắng
Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, một chính quyền sắp mãn nhiệm cản trở chính quyền kế nhiệm ở mọi cấp độ mà không có ý định từ bỏ.