Món nợ không ngờ giáng xuống đầu vợ con doanh nhân Mỹ mất tích 50 năm trước
Douglas Grensted, doanh nhân thành đạt, người cha hoàn hảo đã không trở về sau một lần đi săn. Vợ và 2 con luôn thương nhớ ông. Tuy nhiên, gần nửa thế kỷ sau, họ mới được biết rằng ông bỏ trốn cùng nhân tình. Hơn nữa, người vợ chung thủy và 2 con của Douglas còn phải gánh khoản nợ lớn dù không vay.
11:30 21/01/2019
Ăn cắp danh tính của người đã khuất
Năm 1968, ông Douglas Grensted, chủ sở hữu công ty dịch vụ tang lễ ở Mỹ đang sinh lời, từ biệt vợ là bà Barbara và 2 con gái – Beth, Lynn – vào rừng săn bắn trong 2 tuần. Ông Douglas là thợ săn có kinh nghiệm và vẫn có những chuyến đi như vậy. Nhưng, 3 tuần trôi qua, không thấy ông trở về, bà Barbara gặp hàng xóm hỏi tin tức về chồng và trình báo cảnh sát.
Sau đó, người quen, các nhân viên cứu hộ, cảnh sát với chó nghiệp vụ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Vệ binh Quốc gia lùng sục khắp khu rừng. Với sự trợ giúp của máy bay trực thăng, lực lượng cứu hộ chỉ tìm được chiếc lều, giấy phép săn hươu, túi ngủ và xe ô tô của ông Douglas. Bà Barbara còn thuê thám tử tư tìm kiếm, nhưng không có kết quả.
7 năm sau, nhà nước chính thức tuyên bố ông Douglas đã chết. Văn phòng an sinh xã hội địa phương bắt đầu trả tiền trợ cấp cho bà và 2 con do người nuôi dưỡng tử vong.
Bà Barbara đã được trả 87.000 USD trong nhiều năm, Lynn – 12.000 USD, Beth – 10.000 USD. Beth và Lynn chỉ được sử dụng tiền sau khi thành niên và vào đại học. Bà Barbara không kết hôn thêm lần nào nữa và đã chờ chồng suốt đời. Người chị Beth không lấy chồng và sống với mẹ. Còn cô em Lynn đã kết hôn và rời khỏi gia đình.
Trong khi đó, ông Douglas đã đến văn phòng an sinh xã hội nói rằng mình bị mất giấy tờ tùy thân và tự giới thiệu là Richard Morley. Đây là tên một “khách hàng” của công ty dịch vụ tang lễ. Douglas không làm thủ tục khai tử cho ông Richard để ăn cắp danh tính của người đã khuất. Năm 1969, Douglas-Richard nhận được số an sinh xã hội mới.
Có lẽ bà Barbara và các con không bao giờ biết sự thật nếu không có vợ của ông Richard Morley thật. Bà này khiếu nại văn phòng an sinh xã hội về việc không được nhận tiền trợ cấp, nhưng được trả lời rằng, chồng bà còn sống và thường xuyên đóng thuế vì vẫn làm ra tiền…
Phải trả lại 109.000 USD
Tháng 5-2015, FBI làm rõ được rằng, Douglas-Richard đã chết ở tuổi 87 từ 7 tháng trước vì bị viêm phổi. Trước đó, ông này thú nhận với cơ quan an sinh xã hội rằng mình là Douglas Grensted. Năm 2016, bà Barbara và các con đã được FBI thông báo, ông Douglas không chết trong lúc đi săn, mà bỏ nhà đi với nhân tình.
Chẳng bao lâu sau, bà Barbara bị văn phòng an sinh xã hội yêu cầu trả lại số tiền trợ cấp mà 3 mẹ con bà đã nhận, tức là khoảng 109.000 USD. Chị Lynn khẳng định, mẹ con chị không có số tiền lớn như vậy để trả lại và, gia đình mình không liên quan đến món nợ này…
Sau đó, tòa án đã phán quyết rằng bà Barbara có thể trả mỗi tháng 10 USD cho đến khi chết và khoản nợ 87.000 USD còn lại sẽ tự động được xóa. Nhưng 2 tháng sau, vào tháng 9-2018, khi bà Barbara qua đời ở 89 tuổi, tòa án đã lật lại quyết định này. Ngày 24-10-2018, tòa án phán quyết rằng khoản nợ có thể được trả bằng cách bán tài sản và ngôi nhà của bà Barbara.
Tuy nhiên, chị Beth hiện vẫn sống trong ngôi nhà này. Nếu bán ngôi nhà, chị Beth sẽ không có nơi ở. Hai người phụ nữ đã nộp đơn khiếu nại và đang chờ phán quyết mới của tòa án. Còn đại diện của cơ quan an sinh xã hội nói rằng, chị em Beth và Lynn có lý do để tin rằng vụ kiện sẽ kết thúc tốt đẹp.
Á.n m.ạ.n.g trong một gia đình gốc Việt, cha và con trai bị g.i.ế.t bí ẩn
Khi vợ và cô con gái trở về Việt Nam thăm người thân, người chồng và con trai ở lại Mỹ đã bị s.á.t h.ạ.i.