Mỹ: Cách học của học sinh ngày nay là sai
Công việc học tập cần phải ít phụ thuộc vào việc ghi nhớ hơn, và trở nên giống… game Angry Birds nhiều hơn. Một nửa số học sinh bỏ học vì lí do quá chán nản với bài vở. Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể khiến con em mình muốn học?
23:35 20/07/2017
Từ điểm A đến Angry Birds
Theo Futurism, trong hệ thống giáo dục truyền thống của Mỹ hiện nay, bạn sẽ bắt đầu với một điểm "A", và mỗi khi bạn làm sai, điểm số của bạn sẽ ngày càng thấp xuống. Điều này hoàn toàn trái ngược với thế giới game. Bạn bắt đầu từ con số 0, và càng làm đúng, điểm số của bạn sẽ càng cao. Nó đi ngược với cách mà chúng ta học, và nó vui hơn rất nhiều. Vui thế nào? Hơn 155 triệu người Mỹ chơi game, và họ dành hơn 3 tỷ tiếng mỗi tuần cho thế giới game.
Hãy thử nghĩ về những điều mà bạn làm ở trong thế giới game:
- Bạn quan sát một vấn đề.
- Bạn hình thành một giả thuyết.
- Bạn thử nghiệm giả thuyết ấy.
- Bạn học hỏi được kinh nghiệm từ kết quả nhận được sau khi thử nghiệm và sẽ tìm cách để thử lại nếu cần thiết.
Đó là Phương pháp Khoa học (Scientific Method). Chúng ta sẽ cần phải làm cho giới trẻ "nghiện" học giống như chúng "nghiện" chơi game.
Foldit: Một ví dụ tuyệt vời của "game hóa" (gamification)
Một ví dụ khá thú vị của việc kết hợp game hóa với việc học chính là một ứng dụng mang tên Foldit. Các protein là những khối cấu tạo cơ bản của tế bào. Trong một thời gian dài, việc dự đoán cách một protein gập như thế nào đã là một điều rất khó để thực hiện. Một nhóm các sinh viên đã tốt nghiệp đã đặt ra câu hỏi: "Liệu não bộ của con người có thể dự đoán quá trình gập protein tốt hơn so với máy tính hay không"?
Giao diện trò chơi Foldit
Vào năm 2008, họ đã tạo ra một trò chơi tên là Foldit, trong đó người chơi sẽ có một mô hình protein và có thể thực hiện các thao tác để gập protein ấy trên màn hình. Sức ép đặt lên trên phân tử protein càng thấp, điểm số sẽ càng cao. Hơn 240.000 người đã đăng kí chơi. Hóa ra, con người có khả năng gập protein tốt hơn các thuật toán của máy móc – và người chơi giỏi nhất là một phụ nữ mà buổi sáng là một thư kí điều hành tại phòng khám phục hồi chức năng, buổi tối là người gập protein giỏi nhất hành tinh. Các trò chơi tỏ rõ sự vượt trội của mình với sách giáo khoa ở mọi khía cạnh. Các phi công và bác sĩ phẫu thuật được "đào tạo" bằng trò chơi điện tử và mô phỏng đều thực hiện tốt hơn rất nhiều so với những người không. Nhiều trò chơi dạy chúng ta cách sáng tạo và đổi mới. Số giờ chơi game có mối liên hệ mật thiết với các chức năng điều hành của trẻ em và hơn thế nữa. Rồi chúng ta sẽ ra sao?
Tương lai của giáo dục – Cá nhân hóa, hoàn hảo và miễn phí
Ngay lúc này, các nền tảng học tập trực tuyến như Khan Academy hay Coursera đã tạo ra rất nhiều tài nguyên giáo dục, cả có sẵn và theo yêu cầu, để bạn có thể lựa chọn những gì bạn muốn học và tốc độ học ra sao. Khan Academy đã cung cấp hơn 300 triệu bài giảng kể từ khi được đi vào hoạt động vào năm 2006, bao gồm 5000 video hướng dẫn miễn phí bằng 65 ngôn ngữ khác nhau và cho phép người dùng hoàn thành 4 triệu bài tập mỗi ngày.
Vào năm 2011, giáo sư Andrew Ng của Đại học Stanford đã quyết định đưa khóa học học máy (machine learning) của mình lên mạng internet miễn phí, với mong muốn sẽ có thêm một vài người quyết định tham gia cùng với các sinh viên của mình. Chỉ trong một vài ngày, hơn 100.000 người đã đăng kí khóa học này. Chúng ta đã thấy các công nghệ "dân chủ hóa" cách chúng ta tiếp cận với giáo dục – nhưng chỉ trong tương lai không xa, bản thân nền giáo dục sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR) và tăng cường (AR).
Đưa công nghệ thực tế ảo vào giáo dục - tại sao không?
Sớm thôi, trí tuệ nhân tạo sẽ có thể cá nhân hóa các nền tảng học tập cho từng học sinh. AI sẽ có quyền truy cập không giới hạn vào thông tin và sẽ cung cấp chúng với tốc độ tối ưu cho các học sinh sinh viên theo một cách vui vẻ và hấp dẫn. AI này sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người (như Google), và chất lượng của giáo dục sẽ vượt qua cả những gì mà chỉ có những người giàu có mới có thể chi trả ở thời điểm hiện tại. Cộng thêm những trải nghiệm thực tế ảo có độ phân giải và độ chân thực cao, con em bạn sẽ càng hăng hái trong việc tiếp thu kiến thức. Ví dụ, thay vì đọc tin về Julius Caesar trong sách giáo khoa lịch sử, trẻ sẽ dùng tai nghe thực tế ảo, và một hình tượng Julius Caesar do AI tạo ra sẽ dẫn dắt chúng về những câu chuyện của lịch sử trong khi đi dạo quanh mô hình ảo của Đại hý trường La Mã cổ.
Thay vì cố gắng tìm hiểu thuyết tương đối trong sách giáo khoa vật lý, sinh viên sẽ có thể "lái" một phi thuyền vũ trụ ảo, bên cạnh là Albert Einstein đang giải thích các thí nghiệm tư duy của mình. Chúng ta đang tiến tới một tương lai mà ở đó, nền giáo dục trở nên tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn và rộng rãi hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Một tương lai mà đứa trẻ nghèo nhất thế giới và đứa trẻ giàu có nhất đều nhận được những cơ hội giống hệt nhau, làm tiền đề để tạo nên những kì quan vượt xa những gì chúng ta có ngày nay.
Chỉ 20% học sinh trung học Mỹ học thêm ngoại ngữ
Với nhận định rằng việc không có khả năng giao dịch bằng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh là một mối đe dọa cho kinh tế và an ninh quốc gia, kết quả hai cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy một bức tranh không lấy gì sáng sủa về tình hình học ngoại ngữ trong các trường trung học ở Mỹ.