Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể đưa nhà máy điện hạt nhân tới Biển Đông
Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc có kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi gần đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
00:00 18/08/2018
Mô hình trạm năng lượng hạt nhân nổi trên biển do Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) thiết kế. Ảnh: CNNC. |
"Kế hoạch cấp điện cho các thực thể vào đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông có thể bao gồm việc đưa yếu tố hạt nhân tới đây", Lầu Năm Góc cho biết trong bản báo cáo "Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc" vừa trình lên quốc hội, Bloomberg hôm nay đưa tin.
"Trung Quốc có dấu hiệu đang tiến hành kế hoạch cung cấp điện cho các đảo và rạn san hô trên Biển Đông bằng những trạm năng lượng hạt nhân nổi. Quá trình này được cho rằng là sẽ bắt đầu trước năm 2020", báo cáo viết.
Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc từng tiết lộ vào năm 2016 rằng Bắc Kinh có thể xây dựng tới 20 nhà máy hạt nhân nổi để "thúc đẩy phát triển thương mại" tại Biển Đông. Một số công ty Trung Quốc do nhà nước điều hành cuối năm ngoái đã thành lập một liên doanh, hướng tới tăng cường năng lực hạt nhân của Trung Quốc, phục vụ cho tham vọng "trở thành cường quốc biển", theo SCMP.
Cảnh báo của Lầu Năm Góc được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế. Mỹ đã phản ứng bằng cách tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải để đối phó với tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương, hôm qua cũng tuyên bố Washington "sẽ không cho phép Trung Quốc viết lại quy tắc hàng hải hay thay đổi luật pháp quốc tế tại Biển Đông".
Nguồn: VnExpress.net
Trung Quốc sẽ dùng Biển Đông để 'mặc cả' với Mỹ trong chiến tranh thương mại?
Điều này sẽ làm suy yếu năng lực ngoại giao của Mỹ và tạo điều kiện cho Trung Quốc hóa giải một số áp lực từ cuộc chiến thương mại.