Mỹ cho phép bán sản phẩm công nghệ phổ thông cho Huawei
Bộ Thương mại Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán sản phẩm với Huawei, nhưng vẫn sẽ hạn chế các mặt hàng có rủi ro với an ninh quốc gia.
01:30 11/07/2019
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: Economic Times.
"Thực hiện chỉ thị của hai tuần trước tại hội nghị G20, Bộ Thương mại sẽ cấp giấy phép bán các sản phẩm không đe dọa đối với an ninh quốc gia cho Huawei", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 9/7 tuyên bố. Tuy nhiên, ông không cho biết chi tiết các sản phẩm được phép bán cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Ông Ross cho hay việc cấp phép phải đảm bảo không làm ảnh hưởng tới doanh thu của các công ty Mỹ và bộ này vào giữa tháng 10 sẽ ban hành các quy định nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng các thiết bị viễn thông Mỹ.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản cuối tháng 6 và nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại song phương. Đoàn đàm phán hai nước sau đó đã có nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đánh giá các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa hai bên mang tính xây dựng và đề cập tới một cuộc gặp trực tiếp, song cũng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán không dễ dàng.
Kudlow cho rằng việc nới lỏng lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với Huawei có thể giúp ích cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng điều này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian giới hạn và Huawei chỉ được phép mua các loại chip thông dụng của Mỹ và các sản phẩm phổ thông, có sẵn trên thị trường toàn cầu.
Kudlow nói thêm Washington vẫn giữ nguyên lệnh cấm đối với Huawei trong việc mua các bộ phận, linh kiện liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia hay các giao dịch liên quan đến mạng 5G. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng không nói rõ việc nới lỏng lệnh cấm với Huawei sẽ diễn ra trong bao lâu.
Logo Huawei tại một trụ sở thuộc thành phố Đông Quản, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ hồi đầu tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei vào danh sách đen do lo ngại về an ninh quốc gia. Bộ này yêu cầu các công ty Mỹ không được phép bán linh kiện và thiết bị cho các công ty có tên trong danh sách đen nếu không có sự cho phép của chính phủ. Các lệnh cấm này của Mỹ đã khiến Huawei gặp nhiều khó khăn và gần như bị cô lập trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
Các mối lo ngại an ninh của Mỹ về Huawei cũng như hoạt động thương mại của Trung Quốc không phải mới xuất hiện dưới thời Trump. Ngay từ năm 2010, chính quyền tổng thống Barack Obama đã cảnh báo về các mối đe dọa tiềm tàng đến từ "một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến", ám chỉ Huawei.
Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố năm 2012 đã coi Huawei cùng ZTE, hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, là các "mối đe dọa an ninh tiềm tàng" và cho rằng những thiết bị phần cứng của họ có thể bị can thiệp để phục vụ mục đích do thám. Tuy nhiên, Huawei luôn phủ nhận hỗ trợ chính phủ Trung Quốc thực hiện các hoạt động do thám ở nước ngoài.
Theo Reuters/SCMP
Nhân viên Huawei bị nghi làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc
Nghiên cứu dựa trên hàng chục nghìn hồ sơ nhân viên Huawei cho thấy, không ít trong số đó làm gián điệp hoặc liên quan đến chính phủ Trung Quốc.