Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng 'hành động thiếu an toàn' ở Biển Đông

Washington kêu gọi Bắc Kinh ngừng "hành động thiếu an toàn" ở Biển Đông, sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố cắt mặt tàu cảnh sát biển Philippines.

08:33 30/04/2023

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 29/4 ra tuyên bố cho rằng vụ tàu hải cảnh Trung Quốc suýt va chạm với tàu cảnh sát biển Philippines cuối tuần trước "là lời nhắc nhở về hành vi quấy rối và đe dọa của Trung Quốc với tàu Philippines" trên Biển Đông.

"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động khiêu khích và thiếu an toàn", ông Miller nói, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ đáp trả "bất cứ hành vi tấn công nào nhằm vào lực lượng vũ trang Philippines".

Tuyên bố được đưa ra sau khi Philippines cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi chạy cắt mặt, áp sát tàu cảnh sát biển BRP Malapascua ở khu vực gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 23/4, nơi Philippines bố trí lực lượng đồn trú trái phép.

Khi tàu Malapascua tới gần tới khu vực, tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5201 có kích thước lớn gấp đôi chạy cắt ngang hướng di chuyển của nó. Hạm trưởng tàu Malapascua cho biết tàu hải cảnh 5201 khi đó chỉ cách khoảng 45 m, buộc ông phải ra lệnh chuyển hướng để tránh va chạm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó nói rằng tàu Malapascua đã "xâm phạm" khu vực mà không được sự cho phép và gọi đây là "hành động có tính toán từ trước và khiêu khích". Tuy nhiên, Philippines bác bỏ, cho rằng họ đang thực hiện hoạt động "tuần tra bình thường".

Tàu hải cảnh Trung Quốc 5201 cản đường tàu cảnh sát biển Philippines ngày 23/4. Ảnh: AFP
Tàu hải cảnh Trung Quốc 5201 chạy cắt mặt tàu cảnh sát biển Philippines ngày 23/4. Ảnh: AFP

Đây không phải lần đầu Trung Quốc bị cáo buộc quấy nhiễu tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết Trung Quốc thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines.

Hải cảnh Trung Quốc cũng thường xuyên bị tố ngăn cản hoạt động tiếp tế cho Sierra Madre, tàu chiến cũ nát mà hải quân Philippines ủi lên bãi Cỏ Mây năm 1999, sau đó triển khai nhóm nhỏ binh sĩ đồn trú trái phép tại đây. Các binh sĩ này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thực phẩm, nước ngọt từ đất liền.

Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn" đòi yêu sách với phần lớn diện tích Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực.

Mỹ là đồng minh theo hiệp ước với Philippines và có nghĩa vụ can thiệp nếu lực lượng vũ trang của Manila bị tấn công. Philippines chưa loại biên tàu Sierra Madre, đồng nghĩa bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào chiến hạm này đều có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển của Việt Nam.

"Mọi hoạt động tại khu vực Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 6/4.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS
Tags:
Vì nói tiếng Việt quá giỏi, doanh nhân người Nga bị cựu thí sinh Hoa hậu Việt “đánh rớt“ ngay từ bước làm quen

Vì nói tiếng Việt quá giỏi, doanh nhân người Nga bị cựu thí sinh Hoa hậu Việt “đánh rớt“ ngay từ bước làm quen

Mỹ Trinh chia sẻ: "Anh cũng có ghen, sợ mất vợ rồi sợ nọ sợ kia nhưng hai vợ chồng mình tin tưởng nhau tuyệt đối và trên hết rất tôn trọng nhau".

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất