Ngày về sau 50 năm của người phụ nữ lạc gia đình

Bà Đối nhớ như in một ngày cuối năm 1973 được cha dẫn đến nhà người cấp trên của ông rồi bỏ đi, đẩy đứa con gái 12 tuổi vào cuộc chia ly dài nửa thế kỷ.

20:42 25/10/2023

"Trước khi đi, cha nói sẽ quay lại đón. Nhưng một ngày, hai ngày rồi cả tuần không thấy ông, tôi lờ mờ đoán ra điều bất thường", bà Lê Thị Đối, 62 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP HCM kể về ngày định mệnh khiến bà lạc mất gia đình cách đây 50 năm.

Cô Đối (giữa) trong vòng tay của các chị em mình sau 50 năm thất lạc. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly
Bà Đối (giữa) trong vòng tay của các chị em mình sau 50 năm thất lạc, tháng 7/2023. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly

Bà Đối là thứ hai trong một gia đình có bốn con gái, quê Gio Linh, Quảng Trị. Cha là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa nên gia đình thường chuyển nhà theo những lần đổi đơn vị của ông. Đầu năm 1973, họ đến sống gần sân bay Đà Nẵng.

Bị cha bỏ lại trong nhà người đàn ông tên Tín, cô bé 12 tuổi Lê Thị Đối đêm nào cũng khóc nhưng không dám trốn vì sợ không tìm được đường về nhà lại lưu lạc thành trẻ lang thang. Ông Tín liên tục hứa khi nào tình hình ổn định sẽ dẫn đi tìm gia đình nên Đối đành ở lại, chấp nhận làm con nuôi của họ. Tiếng là con nuôi nhưng Đối không được đi học, hàng ngày phải trông 3-4 đứa em.

Tháng 3/1975, cô bé Đối theo gia đình ba nuôi chạy vào Sài Gòn. Đất nước thống nhất, ông Tín phải đi cải tạo do là sĩ quan chế độ cũ. Năm đó, Đối bước sang tuổi 16, tình nguyện đi thanh niên xung phong.

Những năm trong đội thanh niên xung phong thành phố, cô gái trẻ đi khắp nơi xây dựng vùng kinh tế mới. Bà Đối kể, thời đó ngày vui cười lao động cùng đồng đội nhưng cứ tối đến bà lại ôm gối khóc với những câu hỏi "Cha mẹ còn sống không? Các chị em trưởng thành chưa? Họ có ổn không?".

Sau ba năm thoát ly, Đối nên duyên với một đồng đội. Vì không có giấy khai sinh, không giấy tờ tùy thân nên hai người không thể đăng ký kết hôn. Họ về ở với nhau với tờ giấy chứng thực "được sống chung" của đội thanh niên xung phong. Hai năm sau Đối mang bầu nhưng người chồng không muốn có con nên bắt bỏ. Không chấp nhận, cô hủy giấy sống chung, trở thành mẹ đơn thân. Năm 1981, cô con gái nhỏ tên Khanh chào đời. Hai mẹ con sống dựa vào sự đùm bọc của đồng đội.

Sống trong cảnh thiếu thốn, bé Khanh ốm đau liên miên, có lúc tưởng không qua khỏi. Thương cảnh mẹ cút con côi, một đồng đội tên Lâm Thị Hiệp ngỏ ý nuôi giùm con. Đầu năm 1990, nông trường nơi Đối làm việc bị giải thể. Không có nơi nương tựa, mẹ cô Hiệp một lần nữa giang tay giúp đỡ, nhận Đối làm con nuôi rồi cho nhập khẩu về Củ Chi. Cô Hiệp sau đó cũng không lấy chồng, cùng cô Đối chăm lo cho con gái.

Để nuôi con, người phụ nữ này bôn ba đủ thứ nghề, từ bán nước, bán xăng cho đến nấu ăn trong căng tin trường, bán bánh mỳ dạo. Làm nhiều nhưng kiếm được chẳng bao, để có tiền cho con gái học lên cao, Đối phải nhờ sự giúp đỡ của mẹ con cô Hiệp cũng như đồng đội cũ.

"Dù không có gia đình nhưng xung quanh tôi vẫn còn nhiều người tốt, giúp đỡ những lúc hoạn nạn nhất", bà Đối kể.

Cơm áo gạo tiền khiến người mẹ đơn thân bị quay vòng trong cuộc sống mưu sinh, ký ức về gia đình dần phai mờ trong tâm trí. Dù vậy bà chưa bao giờ từ bỏ ý định tìm lại bố mẹ và chị em mình. Bà kể, nhiều lần trong giấc mơ nhìn thấy bố mẹ và chị em nhưng mọi người cứ đi xa mãi, không lần nào đuổi kịp. Bà gọi rồi gào thét nhưng họ vẫn dần khuất bóng. Mỗi lần tỉnh dậy, nước mắt đứa con gái thất lạc lại thấm ướt gối.

Năm 1996, bà Đối tìm được địa chỉ gia đình ông Tín ở Sài Gòn nhưng họ đã sang Mỹ định cư, cơ hội tìm lại gia đình trở về con số không. Năm 2011, khi có chút tiền tiết kiệm, bà ra Đà Nẵng, đi dọc khu sân bay nơi gia đình từng sinh sống để dò hỏi suốt 10 ngày nhưng không thu được thông tin gì. Cuộc sống nghèo khó, chạy ăn từng bữa buộc người phụ nữ này đành tạm gác giấc mơ tìm gia đình sang một bên.

Một lần tình cờ xem TV, mẹ nuôi của bà Đối biết tới chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" nảy ý định nhờ giúp đỡ. "Phải tìm gia đình đẻ cho con, chứ côi cút mãi thế này, tội lắm", người mẹ nói.

Hơn 10 năm sau, giấc mơ gặp lại gia đình của bà Đối mới thành hiện thực.

Cô Đối (thứ 2 từ trái sang) cùng cô Hiệp (thứ 3 từ trái sang) khi công tác trong đội thanh niên xung phong, nắm 1982. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Đối (thứ 2 bên trái) cùng cô Hiệp (thứ 3) khi công tác trong đội thanh niên xung phong, năm 1982. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một ngày tháng 6/2023, ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, bà Lê Thị Phú (60 tuổi) đọc được bài đăng của chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly". Nhìn khuôn mặt người trong ảnh, bà bỗng thấy quen quen, nhiều điểm giống nét mặt của cha và mẹ. "Tôi run bắn người, nghĩ có thể đây là chị Đối, người mà cả gia đình tưởng đã chết từ năm 1973", bà Phú nói.

Bà bấm máy liên hệ với số điện thoại ở cuối bài. Các mảnh thông tin của hai bên lần lượt được đưa ra và nhanh chóng khớp với nhau. "Đúng là chị tôi rồi", bà thốt lên.

Người em gái kể, năm đó sau khi cha dẫn chị đi, ông cũng bặt vô âm tín. Cùng lúc mất chồng mất con, mẹ ốm liệt giường suốt bốn năm, từng uống thuốc chuột mong chấm dứt cuộc đời nhưng may mắn cứu được. Dù đau ốm liên miên, nhưng cứ nghe đâu có trẻ đi lạc bà lại gắng gượng đi tìm, nhưng rồi thất vọng trở về trong nước mắt. Sau này, mấy mẹ con dắt díu nhau tản cư đến Bình Thuận.

Đến vùng đất mới, mỗi lần đi lễ cho chị Đối, người mẹ dặn các con chỉ làm lễ cầu bình an, nhất quyết không được làm lễ cầu hồn. Năm 2019, trước khi mất ở tuổi 90, bà vẫn không quên dặn dò đừng làm lễ cầu hồn cho đứa con gái thất lạc của mình.

"Mẹ luôn có niềm tin là chị Đối vẫn còn sống", bà Phú nói.

Niềm tin của người mẹ đã thành sự thật. Một ngày giữa tháng 7, bà Đối cuối cùng cũng tìm được về với gia đình sau nửa thế kỷ lưu lạc. Trong ngày đoàn tụ do chương trình sắp xếp, bốn chị em họ ôm nhau nức nở.

"Để có được cái ôm này, chúng tôi đã chờ đợi suốt 50 năm. Tôi không thể ngủ đêm đó vì quá hạnh phúc", bà Đối kể lại. Nhưng có một điều trăn trở suốt bao năm cho đến hiện tại, người phụ nữ này vẫn không có được lời giải đáp "Vì sao ngày đó cha lại bỏ mình mà đi?".

Dù không tìm được câu trả lời, nhưng bà vẫn tràn ngập hạnh phúc khi cùng chị em trở về Bình Thuận, cùng nhau đến thắp hương lên mộ mẹ để báo tin rằng đứa con gái thất lạc nay đã trở về.

Các chị em đề nghị bà Đối chuyển về Bình Thuận để được gần nhau nhưng bà từ chối bởi không muốn làm xáo trộn cuộc sống vốn bình lặng của mọi người.

Cô Đối và người chị kết nghĩa- cô Nguyễn Thị Hiệp- hiện đang sống tại một căn nhà nhỏ ở huyện Củ Chi, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Đối (trái) và người chị kết nghĩa Lâm Thị Hiệp đang sống cùng nhau tại một căn nhà nhỏ ở huyện Củ Chi, TP HCM, tháng 10/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến giờ bốn chị em gái vẫn gọi điện nói chuyện hàng ngày và có kế hoạch trở lại Quảng Trị, cùng nhau tìm lại nơi họ sinh ra, cũng như kết nối với những họ hàng khác.

Bà Đối mong câu chuyện của mình mang lại niềm tin và hy vọng cho những ai đang trong hành trình tìm kiếm người thân rằng dù khó khăn cỡ nào, cứ đi rồi sẽ đến đích.

"Tôi từng nghĩ đây chỉ là một giấc mơ và sợ phải thức dậy. Tôi đã đi quá lâu với 50 năm đơn độc nhưng giờ thật hạnh phúc vì đã tìm được đường về nhà", người phụ nữ 62 tuổi nói.

Hải Hiền

Tags:
Giáo sư Mỹ tìm lại mẹ ruột cho hai con gốc Việt

Giáo sư Mỹ tìm lại mẹ ruột cho hai con gốc Việt

Món quà mà bà Luisa Duarte-Silva khao khát dành tặng hai con trong sinh nhật tuổi 25 là kết quả xét nghiệm ADN cho thấy người phụ nữ Việt Nam là mẹ ruột của họ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất