Người già bỏ quê ra phố

Ở tuổi 72, vợ chồng ông Lương khiến không ít người bất ngờ khi bán hết cơ ngơi ở quê, mua chung cư Hà Nội để ở gần con cái.

14:15 24/04/2023

Con trai ông Lương lấy vợ và định cư ở Hà Nội. Năm 2018, cháu nội chào đời, vợ ông lên thành phố hỗ trợ con dâu. Ông ở quê một mình, có lần ngã chảy máu đầu, ngất trong nhà tắm nửa tiếng. Biết chuyện, anh con trai ân hận quá nên quyết định cho con đi nhà trẻ sớm để bà về với ông.

"Nhưng về nhà, bà nhà tôi suốt ngày than ngắn thở dài nhớ con nhớ cháu", người đàn ông quê Thanh Hóa nói.

Đến tuổi này vợ chồng ông chỉ có một mong mỏi được gần con cháu. Họ cũng thương vợ chồng con trai mãi cảnh nhà thuê, đồng lương công chức không biết bao giờ mới ổn định chỗ ở, trong khi bố mẹ hai bên không có tiền để cho. "Chỉ còn cách bán ngôi nhà tổ tiên đi thôi", vợ chồng ông bàn với nhau.

Ông Lương bán ngôi nhà được hơn 6 tỷ đồng, giữ lại 100 m2 làm nơi thờ cúng, cho con cháu có chốn đi về mỗi dịp giỗ chạp. Số tiền bán được ông Lương chia đều ba em gái mỗi người một tỷ, còn lại mua một căn chung cư ba phòng ngủ ở Hà Nội và một khoản nhỏ gửi tiết kiệm dưỡng già.

Kể từ đó, căn hộ hơn 100 m2 ở quận Nam Từ Liêm trở thành nơi sống của vợ chồng ông Lương, con trai, con dâu và cháu nội.

Tại các khu đô thị ven Hà Nội, nhiều gia đình trẻ có người cao tuổi từ quê ra sống cùng. Có những nhà mua luôn cho bố mẹ một căn trong khu để tiện chăm sóc nhau. Ảnh: Phan Dương
Tại các khu đô thị ven Hà Nội, nhiều gia đình trẻ có người cao tuổi từ quê ra sống cùng. Có những nhà mua luôn cho bố mẹ một căn trong khu để tiện chăm sóc nhau. Ảnh: Phan Dương

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, mặc dù cấu trúc gia đình Việt Nam những năm gần đây có sự thay đổi rõ rệt từ "tam đại đồng đường" (ba thế hệ ở chung nhà) sang gia đình hạt nhân (gia đình chỉ có vợ chồng và con) nhưng "già cậy con" vẫn là mong mỏi của đa số người cao tuổi.

Dữ liệu từ Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021 cho thấy 87% người trên 80 tuổi sống gần con cháu. Tỷ lệ giảm dần với các nhóm thấp tuổi hơn như 76% ở nhóm 70-79 tuổi và 68% ở nhóm 60-69 tuổi. Khảo sát người và bảo hiểm y tế của Bộ Y tế cho kết quả tương tự.

"Điều này cho thấy đặc điểm sống gần con cháu hết sức có ý nghĩa trong chăm sóc người cao tuổi", ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam nói.

Với câu hỏi "Gia đình bạn đang sắp xếp cha mẹ già ở quê như thế nào?", trong khoảng 400 độc giả VnExpress có 14% cho biết "Đón cha mẹ ra thành phố sống cùng hoặc sống gần".

Đây cũng là điều vợ chồng anh Long, ở một khi đô thị thuộc Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, nghĩ đến khi bố mẹ tuổi ngày càng cao.

Tại thành phố Lai Châu, bà Nguyễn Thị Oánh (61 tuổi, mẹ anh Long) cũng nghĩ đến phải đoàn tụ với con sau khi bị dịch Covid-19 ngăn cản việc cha mẹ, con cháu gặp nhau. "Con gái ở Phú Thọ hay con trai ở Hà Nội đều cách chúng tôi 8 đến 10 tiếng ngồi xe. Mỗi lần muốn đi thăm con hay con muốn về thăm mình đều nan giải", bà Oánh nói.

Tuổi này ông bà quan tâm nhất sức khỏe. Mỗi năm một lần họ xuống Hà Nội khám tổng quát, đồng nghĩa mất thời gian, tiền bạc và mệt mỏi hơn cho cả hai thế hệ. Ông nhà bị cao huyết áp, nhiều lúc hay quên vắng bà là không xoay xở được gì. "Dạo gần đây tôi hay nghĩ, một mai già yếu hơn, chẳng may trái gió trở trời không dậy nổi mua gì mà ăn thì ai ở bên cạnh?", bà Oánh bày tỏ.

Theo Tổng cục Dân số, bình quân mỗi người già Việt Nam có ba bệnh, chi phí điều trị mỗi năm cao gấp 8-10 lần người trẻ. Với số đông người cao tuổi, nhất là có bệnh nền, sống ở các vùng đô thị tiện thăm khám sức khỏe là ưu tiên hàng đầu.

Khi ông bà Oánh nói ý định này, các con đều ủng hộ. "Con trai tôi vui lắm vì hóa giải được cái khó muốn chăm sóc bố mẹ trong khi không thể bỏ sự nghiệp về quê", bà nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tượng mua nhà cho cha mẹ ở quê chuyển ra thành phố để sống gần/cùng gần con cái xuất hiện nhiều kể từ sau dịch Covid. Ông dự đoán xu hướng này tiếp tục tăng lên trong các năm tới.

Nhóm những người cao tuổi này có đặc điểm dễ nhận biết. Họ thường sống ở các thị trấn, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; là công nhân viên chức có lương hưu, hoặc người kinh doanh. Đa phần đều có con cái thành đạt hoặc bản thân cũng có điều kiện kinh tế. Thêm vào đó tuổi tác của họ cũng chưa quá cao. "Những người này có điều kiện và có thể thích nghi được nhịp sống đô thị lớn dễ dàng hơn", ông Đính nói.

Cũng có những người cao tuổi thuần nông bán nhà ra thành phố lớn để gần con cái, song theo ông Đính những trường hợp này hiếm bởi với những nông dân có tuổi, đất đai ông cha để lại có ý nghĩa rất lớn. Hơn nữa nếp sinh hoạt nông thôn đã ăn sâu khó có thể thích nghi nhịp sống đô thị, thậm chí có thể xảy ra bất đồng lối sống với con cái.

Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á. Kết quả Điều tra dân số 2021 cũng cho thấy luồng di cư từ thành thị đến thành thị chiếm tỷ trọng lớn nhất (34%), luồng di cư nông thôn - thành thị chiếm 25%.

"Người trẻ di cư ra thành phố làm việc, người già cô đơn ở các vùng quê ngày càng nhiều", tiến sĩ Đính nói.

"Đưa con cái sống gần cha mẹ" cũng là một chính sách Trung Quốc đưa ra năm 2021 trước thực trạng già hóa dân số đặt gánh nặng ngày càng lớn lên an sinh xã hội. Phó chủ tịch Hội người cao tuổi Trương Xuân Cừ đánh giá hiện tượng này là giải pháp tốt.

"Tuy nhiên cũng có trường hợp người cao tuổi bán nhà lên thành phố sống không hợp môi trường, xích mích với con cháu. Không ít người đã bán đất quê mua nhà phố cho con, đến khi mâu thuẫn không thể sống cùng, lúc này muốn quay lại quê hương, bản xứ cũng không còn cơ hội nữa", ông Cừ nói.

Ông khuyên người cao tuổi cần chủ động chuẩn bị cho tuổi già, trong trường hợp nào cũng trực tiếp quản lý tài chính của mình và nắm quyền chủ động. "Cần phải tính toán chu toàn cho mình tới tận lúc chết", ông nói.

Song song, tiếp tục tuyên truyền truyền thống đạo lý, chữ hiếu và quan tâm chăm sóc người cao tuổi. Từ phía cộng đồng cần phải mở rộng phát triển các mô hình từ thành phố đến nông thôn, để người cao tuổi có câu lạc bộ giao lưu, trao đổi, tổ chức hoạt động vui tuổi già, bởi ở tuổi này nhu cầu giao tiếp là lớn nhất.

Nghỉ hưu 5 năm, hàng ngày ăn uống, sinh hoạt điều độ và tham gia công tác đoàn thể ở địa phương, bà Oánh tin mình sẽ không khó hòa nhập nhịp sống mới. Bà nghĩ có thể sống ổn ở Hà Nội với mức lương hưu 10 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng. Vì xác định sống gần chứ không sống cùng nên ông bà cũng không sợ hai thế hệ có mâu thuẫn.

"Nhưng trước khi có thể đoàn tụ với con cháu, chúng tôi cần phải bán được nhà", bà nói. Từ cuối năm ngoái bà đã treo biển bán nhà, hy vọng được mức giá 2,8 tỷ đồng, đủ mua một căn chung cư gần chỗ con trai.

Với vợ chồng ông Lương, quãng thời gian đầu sống ở Hà Nội không hề dễ dàng. Nhớ quê, nhớ làng xóm, đồ ăn, nên ngày đó họ về suốt. Sau này, con dâu mua về hệ thống chậu để mẹ trồng rau ngoài ban công, anh con trai hay chơi cờ với bố mỗi tối. Họ cũng quen với hàng xóm mới qua vài cuộc giao lưu giữa các tầng. "Phải sau khoảng nửa năm chúng tôi mới thích nghi được", ông Lương cho biết.

Những năm sau, có ba người anh, em và một hàng xóm cũ của ông Lương cũng chuyển lên Hà Nội sống. Từ đó, những ngày giỗ chạp, lễ Tết các gia đình hẹn hò, rủ nhau về quê, cuối tuần hay qua thăm chơi nhà nhau. "Có những hôm nhà tôi chứa đến 30 người anh em, con cháu", ông Lương nói.

Đến giờ sau 5 năm được sinh hoạt điều độ, vui vẻ vợ chồng ông đều khỏe ra. Từ đầu năm nay có thêm cháu, ông bà bận nhưng vui hơn.

"Chúng tôi có mỗi một đứa con trai nên yêu con, quý cháu. Không biết người khác thế nào, nhà tôi thấy bán nhà ra thành phố sống với con là đúng đắn", ông nói.

Phan Dương

* Tên một số nhân vật đã thay đổi.

Tags:
Kỳ lạ nhà băng nhỏ nhất nước Mỹ: Không ATM, không thu phí vẫn vượt qua khủng hoảng lịch sử và tồn tại hơn 100 năm

Kỳ lạ nhà băng nhỏ nhất nước Mỹ: Không ATM, không thu phí vẫn vượt qua khủng hoảng lịch sử và tồn tại hơn 100 năm

Ngân hàng này thường xuyên phải đối mặt với nỗi lo “quá nhỏ để có thể tồn tại”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất