Người gốc Á khủng hoảng tâm lý giữa làn sóng thù ghét tại Mỹ
Sau khi nghe tin vụ xả súng khiến 6 người gốc Á thiệt mạng ở Atlanta, nhà trị liệu tâm lý Linda Yoon đã chuẩn bị cho diễn biến tiếp theo.
14:26 02/04/2021
Vụ xả súng khiến 8 người thiệt mạng, bao gồm 6 phụ nữ gốc Á, khiến Yoon, một người Mỹ gốc Hàn Quốc, cùng các bác sĩ trị liệu tâm lý khác ở khu vực Los Angeles của bang California gần như ngập trong các cuộc điện thoại và email. 90% những người liên lạc với họ là người gốc Á, gọi cho các bác sĩ tâm lý để xin tư vấn sau vụ xả súng hoặc trình bày tổn thương của họ vì vấn đề chủng tộc.
Vụ xả súng dường như đã làm trầm trọng hơn khủng hoảng sức khỏe tâm lý trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, những người vốn đã phải chịu nhiều đau thương từ đại dịch Covid-19 và các vụ bạo lực bài Á.
Những lo ngại lâu nay về sức khỏe tâm lý của cộng đồng người Mỹ gốc Á là trầm cảm, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD), lo âu, cùng định kiến văn hóa đối với các bệnh về tâm lý.
Mandy Diec, giám đốc phụ trách chính sách thuộc Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á, giải thích rằng cộng đồng người gốc Á ở Mỹ thường sống chung với gia đình và cộng đồng gắn bó chặt chẽ, trong khi điều trị tâm lý phải được tiến hành một cách riêng tư. Vấn đề này thường bị coi là "không cần thiết hoặc không thực sự đáng để nhắc đến".
"Đối với thế hệ trước, trị liệu tâm lý thậm chí còn không phải là một lựa chọn. Họ không nghĩ đến chuyện đó và giờ đây vẫn do dự, nên những người trẻ đang cố gắng truyền đạt ý tưởng này cho cha mẹ mình", Yoon cho hay.
Ngoài phạm vi Los Angeles cũng như California, Yoon cùng các đồng nghiệp còn nhận những cuộc gọi từ nhiều bang khác như Alabama, Kansas và Georgia. Những người gọi đến tha thiết muốn một nhà trị liệu gốc Á có thể giúp họ vượt qua vấn đề tâm lý, nhưng các bác sĩ không thể giúp đỡ tất cả vì số lượng yêu cầu quá lớn. Ngoài ra, họ còn vấp trở ngại do quy định điều trị khác biệt giữa các bang.
"Sự việc khiến rất nhiều thách thức về sức khỏe tâm lý trở nên tồi tệ hơn. Dù thực sự không có gì mới, nó vẫn làm gia tăng tổn thương. Thật không may, vấn đề lớn nhất là hệ thống y tế hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng", Diec nêu ý kiến. Báo cáo năm 2019 của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho thấy có 4.887 nhà tâm lý học gốc Á trên cả nước, chiếm 4% nhân lực làm việc trong lĩnh vực này.
Để đáp ứng nhu cầu gia tăng của cộng đồng, Yoon và nhân viên của cô ban đầu thành lập hai nhóm hỗ trợ miễn phí sau vụ xả súng ở ngoại ô Atlanta. Các suất đăng ký hỗ trợ được lấp đầy nhanh chóng. Hoạt động của họ bao gồm tổ chức hội thảo dành cho các phụ huynh gốc Á về cách nói chuyện với con cái xung quanh chủ đề phân biệt chủng tộc nhằm vào họ, đồng thời hỗ trợ thanh thiếu niên người Mỹ gốc Á.
Tuy nhiên, Yoon cho hay các khách hàng gốc Á của cô rất chật vật khi đối mặt với biến cố ở Atlanta, cũng như những vụ tấn công bạo lực vẫn xảy ra lâu nay trong cộng đồng của họ.
Thông thường, những người lớn tuổi khuyên họ phớt lờ các vụ tấn công phân biệt chủng tộc, làm việc chăm chỉ hơn và "đừng làm rối tung mọi thứ". Giờ đây, họ đang cố tìm ngôn từ để giải thích những tổn thương vì cảm giác không được đoái hoài về mặt văn hóa và cảm xúc. Những khách hàng nữ của Yoon cảm thấy đặc biệt bị cô lập.
"Đông đảo khách hàng nói với tôi rằng nhiều công ty không nhận thức được chuyện gì đã xảy ra với các nhân viên gốc Á. Họ cảm thấy bi kịch, nhưng công ty và các sếp của họ cư xử như bình thường, ăn mừng ngày Thánh Patrick. Họ thực sự gặp khó khăn, cảm thấy muốn khóc", Yoon kể lại.
Kao Saechao, giám đốc bộ phận sức khỏe tâm lý tại Cơ quan Y tế châu Á ở thành phố Oakland, bang California, cho biết dịch vụ trị liệu tâm lý được tiến hành với hơn 30 nhân viên, bằng 14 ngôn ngữ châu Á. Ngoài ra, trung tâm này còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nha khoa, phục vụ khoảng 50.000 người từ các cộng đồng thu nhập thấp mỗi năm. Kể từ sau vụ xả súng, nhu cầu trị liệu tâm lý tăng vọt.
"Định kiến trong cộng đồng của chúng tôi vẫn còn rất lớn. Tôi nghĩ còn nhiều việc có thể làm để cải thiện điều này, như bình thường hóa dịch vụ trị liệu tâm lý, giải thích cho mọi người về ý nghĩa của nó, cũng như các lợi ích đi kèm", Saechao nhận định.
Yoon đang cung cấp dịch vụ trị liệu bằng các ngôn ngữ Quảng Đông, Quan Thoại, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Việt Nam, đồng thời sẽ sớm có thêm nhân viên. Tuy nhiên, cô thường nghĩ về những người mà họ đã phải từ chối. Mặc dù đang trong kỳ nghỉ, Yoon cùng đối tác kinh doanh của cô vẫn trả lời email và nghiên cứu cách điều hành các nhóm hỗ trợ sắp tới.
"Bây giờ chúng tôi không thể dành thời gian để nghỉ ngơi. Tôi cảm thấy chúng tôi cần phải ở đó", Yoon nói.
Bên trong quán hủ tiếu tên ‘Em’ nổi danh trên đất Mỹ
Quán phở Việt này đã từng được tờ New York Times và nhiều phương tiện truyền thông Mỹ đến đưa tin.