Người mẹ phi thường 10 năm ăn cám nuôi chồng khuyết tật và 4 con ăn học
Dành cả cuộc đời cho chồng con, người phụ nữ nhỏ bé suốt 10 năm ăn cám lợn để dành tiền nuôi chồng tàn tật cùng 4 con ăn học.
14:00 20/08/2021
Cái nghèo, cái khó đeo đám người phụ nữ nhỏ bé
Bà Tăng Thị Lộc (SN 1948, quê ở xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), bà sinh ra vốn đã trong một gia đình nghèo, đông anh chị em. Đến khi lấy chồng, gia đình nhà chồng cũng không khá giả gì, bà và chồng được bên nội chia cho miếng đất nhỏ coi như là của hồi môn. Quá khó khăn, 2 vợ chồng bà chỉ có thể dựng tạm 1 căn lều nhỏ để chui ra chui vào.
Chồng bà đã qua đời nhưng mỗi khi nhắc lại về người chồng mình mọi ký ức lại ùa về: ”Chúng tôi quen nhau từ khi còn đi học. Thời đó, có một lần chân tôi vị bong gân, ông ấy cõng tôi 3km để về nhà, lúc đó tôi đã thấy quý ông ấy rồi. Nhưng số phận trêu ngươi, trong một lần máy bay trút bom khiến ông ấy bị thương rất nặng, vụt cả 2 chân và 1 bàn tay. Nhưng tôi vẫn quyết tâm chọn lựa người đàn ông này. Khi tôi ngỏ ý muốn lấy làm chồng, ông ấy sốc lắm, cương quyết không chấp nhận vì sợ đời tôi sẽ khổ. Hồi đó, chính tôi đã cầu hôn ông ấy”.
Vì chồng bị tật nguyền, không thể lao động nên công việc trong nhà dù to hay nhỏ đều một tay bà Lộc chu toàn. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn đối với bà, nhưng đến khi lấy chồng bà mới thực sự thấm thía được thế nào là cơ cực, đói khát, những đứa con của ông bà lần lượt ra đời. Bốn lần vượt cạn, sinh ra 2 trai, 2 gái, chưa bao giờ bà biết được quãng thời gian nghỉ đẻ như thế nào, cũng chẳng bao giờ được chăm sóc, bồi dưỡng, tẩm bổ như những người phụ nữ khác. Chính vì vậy, con cái và ngay cả bà đều gầy gò và thấp bé vì thiếu dinh dưỡng.
Cứ như vậy, người phụ nữ nhỏ bé một mình gồng gánh cả gia đình 2 vợ chồng và 4 đứa con nhỏ. Mỗi khi bão về, bà Lộc lại phải vác thang trèo lên mái nhà, tìm cách che chắn cho căn nhà xiêu vẹo của mình. Bà đã không còn nhớ rõ được số lần mà căn lều nhỏ của gia đình mình bị bão đánh đổ nữa.
Dù khổ cực như vậy, bà Lộc chưa một lần than vãn mà ngược lại vẫn luôn kiên cường và lạc quan: ”Nhờ trời thương, nên ngần ấy năm ăn cám, tôi vẫn khỏe như người ta ăn cơm, vẫn lao động và nuôi ngần ấy đứa con. Mà tôi ăn cám riết thành quen, đến nỗi không còn cảm giác khó ăn nữa. Đều đặn mỗi bữa tôi ăn 3 bát cám ngon lành. Người ta nhìn hoàn cảnh tôi, ai cũng nói tôi khổ. Nhưng ở trong cái khổ đó, tôi không thấy mình khổ. Khổ vì chồng, vì con, vì tương lai con cái, thì khổ thế chứ khổ nữa tôi vẫn chịu được”.
10 năm trời ăn cám nuôi 4 con học Đại học và chồng tật nguyền
Người mẹ nghèo cũng từng ao ước mua được cái kẹo, cái bánh cho các con, nhưng cuộc sống khó khăn quá, chạy ăn từng bữa qua ngày đã quá khó, đến khi nào con bà được như những đứa trẻ khác. Mọi người nhìn thấy bà keo kiệt, chắc lép nhưng đâu ai biết nỗi khổ một mình gồng mình nuôi chồng, nuôi 4 đứa con của bà.
”Nhiều hôm nghe hàng xóm bàn tán to nhỏ tôi keo kiệt, không cho con cái ăn uống đàng hoàng, lòng tôi nhói đau. Đến giờ, tôi vẫn thấy ân hận vì lúc đó chưa một lần được cho các con ăn bánh no nê”, bà Lộc nói.
Nhiều năm trời, bà không sắm được cho mình nổi chiếc áo mới, các con bà chỉ có một bộ mặc từ năm này qua năm khác. Cũng may, dù gia cảnh khó khăn nhưng nhờ sự thông minh, tinh thần chịu khó, học hỏi mà các con bà đều học tập tốt, có thành tích cao.
”Năm con gái thứ 3 thi đỗ vào cấp 3, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì thấy con gái mình giỏi giang, lo vì lúc ấy 2 đứa con lớn đều đang học ở Đại học Vinh. Một hôm, 2 mẹ con đang làm ngoài đồng, tôi có nói với nó chuyện nghỉ học, nó cúi gằm mặt xuống rồi dạ lí nhí. Sau đó, nó xin phép về nhà trước vì hơi mệt. Nhìn dáng nó thất thểu bước đi giữa cánh đồng nắng chang chang, tôi nhìn theo con mà khóc nức nở. Dù thương nó, nhưng tôi biết sức mình không thể cáng đáng nổi”, bà Lộc nghẹn ngào nói.
Hai đứa con lớn bà đang học trong Vinh khi biết chuyện đã năn nỉ và hứa sẽ tiết kiệm để dành cho em đi học nên kể từ đó bà đã quyết tâm dù khổ đến mấy nhưng sẽ cố gắng để cho tất cả các con được đi học đến nơi đến chốn.
Gần 10 năm trời, bà Lộc hy sinh, vun vén mọi bề, ăn cám lợn ròng rã để tích cóp từng đồng nuôi 4 con ăn học thành người. Bao nhiêu công lao của người mẹ già giờ đã hái được quả ngọt, các con của bà giờ đã trưởng thành, có công việc ổn định. Bà cũng đang được sống trong một ngôi nhà khang trang, sạch đẹp hơn, cuộc sống của bà đã không còn vất vả như xưa nữa. Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là được nhìn con cái trưởng thành, nên người bà chẳng mưu cầu con cái sẽ đền đáp vì với bà điều thiêng liêng nhất chính là ”làm mẹ”.
Thanh xuân của người mẹ chính là các con của mình, dù cuộc sống có sóng gió, vất vả trên đôi vai gầy, nhưng người mẹ luôn luôn vững vàng nhẫn chịu để chăm sóc, đánh đổi và hy sinh bản thân dành cho các con mình những điều tuyệt vời nhất.
Chính quyền Mỹ thời ông Trump đã thỏa thuận những gì với Taliban?
Với việc để lộ mong muốn rút quân, Washington đã mất đi tất cả công cụ mặc cả với Taliban, dẫn tới sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chính quyền Afghanistan.