Người mẹ Việt đơn thân dạy con vào Harvard
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu chia sẻ muốn giáo dục con, cha mẹ phải tự rèn luyện bản thân trước. Cha mẹ nếu không học hỏi trên tinh thần cầu thị, khiêm nhường thì khó có thể dạy con tốt.
09:30 02/10/2018
Cùng con gái Lã Hồ Minh Khuê – sinh viên năm thứ tư ĐH Harvard – nhà báo Hồ Thị Hải Âu có những chia sẻ về bước đường đã qua, ngọt ngào nhưng cũng nhiều nước mắt. Năm 2014, Lã Hồ Minh Khuê nhận được học bổng 320.000 USD vào Harvard.
Tôi là người mẹ bình thường
– Khi trả lời báo chí, Minh Khuê nói: “Mẹ không chỉ là mẹ mà còn là người bạn lớn trong cuộc đời mình”, bí quyết nào giúp chị đồng hành từ khi con nhỏ đến lúc trưởng thành?
– Tôi lấy ví dụ như thế này, hôm nay, bạn là mẹ của đứa trẻ 2 tuổi nhưng nên nhớ rằng 10 năm sau bạn sẽ là mẹ của đứa con 12 tuổi. Bạn không thể mang tâm lý của người mẹ có con 2 tuổi mãi được, mà phải lớn và trưởng thành. Tâm hồn bạn cũng phải trẻ trung như lứa tuổi của con để có cơ hội được chia sẻ.
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu.
Nếu mang tâm lý của người quản lý, kiểm soát và dè chừng, bạn sẽ không thấy cuộc sống rất đỗi đáng yêu. Chúng ta phải có tâm thế của người chuyển giao thế hệ.
Tôi là phụ nữ U50, con gái 20 tuổi, hai mẹ con cùng chụp ảnh và tôi tạo dáng như cô gái trẻ đứng cạnh con. Tôi cố gắng hiểu để chơi cùng những trò chơi, con nói những tâm tình lứa tuổi. Nếu không, chúng ta sẽ là các thế hệ xa lạ nhau, làm đau xót và tổn thương lẫn nhau. Đó là nỗi buồn, tôi sẽ cố gắng làm sao để nỗi buồn đó bớt đi.
Chúng ta đừng trách móc tại sao mẹ không hiểu con? Tại sao con không hiểu mẹ? Hãy nhìn vào ánh mắt, niềm đam mê và khát vọng của con. Nếu chúng ta hiểu bản chất việc con làm là thiện lương, hãy ủng hộ con bằng tất cả trái tim và trí tuệ của người mẹ.
Mặc dù không áp đặt khi con chưa đủ tuổi thành niên, có những việc bố mẹ phải đứng ở vị trí là người quyết định. Biết nhu biết cương, bạn mới không sa vào tình yêu con mù quáng.
– Là mẹ đơn thân, hành trình trải qua cùng con không chỉ có hoa hồng mà còn đầy nước mắt. Chị có thể chia sẻ thêm về quãng đường đã qua?
– Là mẹ đơn thân, tôi kiêm thêm nhiệm vụ của cả người cha. Trước đây, mẹ của tôi rất nghiêm khắc, thậm chí tôi từng cãi mẹ và nghĩ giá như được “đổi” lấy người mẹ khác. Sau này, tôi nghĩ mình sẽ không nghiêm khắc nhưng nhìn lại tôi thấy mình giống mẹ ngày xưa. Tôi yêu con với một tình yêu lớn nhưng lại rất nghiêm.
Tôi luôn nói không biết giờ phút nào mẹ sẽ rời xa con khỏi cuộc đời này. Vì vậy, khi nào còn bên con, mẹ sẽ truyền kỹ năng để con tự sống hạnh phúc. Nếu sống tận cùng như hôm nay là ngày cuối của cuộc đời, bạn sẽ không trì hoãn bất cứ việc gì, sẽ làm quyết liệt.
Tôi nhớ có lần con bị mắc bệnh nặng, bác sĩ người Hà Lan khám cho con. Tôi nói con hãy dịch nguyên lời của mình cho bác sĩ nghe: “Thưa ông, tôi là người mẹ và sống đơn thân đã lâu rồi. Đối với tôi, không ai quan trọng bằng Minh Khuê, nhưng lúc này ông là người quan trọng nhất của hai mẹ con tôi. Xin ông hãy đặt vị trí và tư cách là người bố của cháu để nói bây giờ tôi phải làm gì”.
Bác sĩ đó không phải là chồng, là bố của con tôi nhưng đã cầm tay tôi và nói: “Bà yên tâm, tôi sẽ làm những điều tốt nhất”.
Sau đó, tôi cũng gọi cho người bạn là giám đốc của bệnh viện lớn và nói con gái tôi cần anh. Cuộc sống của tôi luôn có những người đàn ông tốt giúp đỡ để tôi lạc quan hơn.
Cha mẹ phải tự giáo dục mình
– Minh Khuê cũng nói mẹ là người mở ra cánh cửa vào Harvard. Khi Khuê còn nhỏ, chị đã dạy con học như thế nào?
– Tôi cho con học piano, vẽ, bơi lội, ngoại ngữ ngay từ ngày nhỏ, khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Học nhiều thế thì sau này làm gì?”, “Biết một thì tốt mà biết 10 thì dở”.
Áp lực đến với tôi từ việc một mình nuôi con, kinh tế không dư giả, con không có biểu hiện của năng khiếu bẩm sinh, gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Tôi vẫn quyết định mua đàn piano, thuê thầy giỏi dạy con con.
Một người nghệ sĩ để biểu diễn bản nhạc trên sân khấu cần mất 14-18 năm khổ luyện, trung bình mỗi ngày 6-10 tiếng. Khi con học đàn, cháu biết yêu và cảm thụ cái đẹp, biết hiểu và nhẫn nại giá trị của lao động đích thực.
Ngoài ra về khoa học, con học đàn giúp hai bán cầu đại não cùng khởi động và rèn luyện. Mỗi môn học đều sẽ tăng tính lợi ích cho con “không thành công thì cũng thành nhân”.
Việc làm quen với nghệ thuật giúp Minh Khuê vui vẻ, trở thành người hạnh phúc và giảm bớt được những áp lực khác trong cuộc sống.
Năm 4 tuổi, Khuê rất thích nghịch nước, tôi bắt cơ hội này để cho con học bơi – một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tôi nghĩ đây là giai đoạn phù hợp khi trẻ nhỏ chưa ý thức hết về hiểm nguy, không biết sợ nên dễ tiếp thu hơn người lớn.
Tuy nhiên, thời bấy giờ, tôi gặp khó khăn khi tìm giáo viên cho con, mọi huấn luyện viên đều từ chối bởi Khuê quá nhỏ, họ chỉ nhận trẻ biết nghe mệnh lệnh, hiểu các khái niệm.
Tôi thuyết phục một huấn luyện viên dạy bằng trực quan sinh động, cùng nín thở và nghịch nước với Khuê. Kết quả, chỉ trong 5 ngày, Khuê đã bơi được 12 vòng liền ở bể 50 m, sâu 5,8 m của người lớn. Như vậy, trước khi muốn giáo viên hiểu con, bạn phải hiểu chúng trước đã.
– Chị có lời khuyên như thế nào với các bà mẹ thời hiện đại?
– Giáo dục sớm đang là xu hướng tại Việt Nam. Nhiều gia đình cho con học từ lúc nhỏ. Tôi không phản đối cách làm này nhưng giáo dục sớm nghĩa là phụ huynh phải tự giáo dục bản thân trước khi làm cha mẹ.
Thế giới đang phát triển rất nhanh chóng, nếu bố mẹ không có khả năng tự học hỏi trên tinh thần khiêm nhường và cầu thị thì rất khó dạy con tốt.
– Minh Khuê lớn lên với môi trường phổ thông tại Việt Nam và du học tại Mỹ. Chị cho rằng sự khác biệt giữa hai nền giáo dục này là gì?
– Tôi nghĩ không có nền giáo dục nào hoàn hảo, mỗi nơi đều có mặt mạnh và yếu, chúng ta phải biết tìm ra nền giáo dục phù hợp cho bản thân, là nền tảng giáo dục gia đình. Nếu người Mỹ cố gắng 10, chúng ta hãy làm đến 60.
Chúng ta không nên đòi hỏi xã hội thay đổi để con thay đổi vì khi chúng ta đòi hỏi, chờ đợi thì con vẫn lớn, vẫn chịu tác động của xã hội. Khi có nền tảng giáo dục gia đình tốt, con cái chúng ta lớn lên sẽ có nội lực để nắm bắt những cơ hội vươn ra thế giới, sẽ thích nghi, trụ vững trong thế giới mới.
Một giáo sư người Mỹ đã kể với tôi một câu chuyện so sánh, nếu đưa bài học vẽ con mèo cho hai cô giáo người Mỹ và người Việt, kết quả thu được sẽ rất khác. Ở lớp học của cô giáo người Mỹ, các em sẽ vẽ mèo xanh, mèo đỏ, mèo giống chó, mèo giống ngựa, thậm chí không phải là mèo. Còn học sinh theo lớp của cô giáo người Việt sẽ vẽ một con mèo giống nhau và giống của cô giáo.
Giáo dục Mỹ có sự khai phóng, giúp cho mỗi cá nhân tự cảm nhận và biết mình là ai. Ai cũng có cơ hội tỏa sáng, mỗi người sẽ thấy hạnh phúc và tự tin hơn.
Nguồn: Zing
Tiếp viên hàng không Mỹ: Trúng tuyển còn khó hơn đậu Harvard
Hàng năm, hơn 100.000 người nộp hồ sơ để trở thành tiếp viên của một hãng hàng không Mỹ, và chưa tới 1.000 được nhận.